Nghiên cứu lý luận

Ý nghĩa của dạy học Dân ca Ví, Giặm trong trường học tại huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh

31 Tháng Bảy 2018

Lê Thị Huyền [*]

       Nghệ Tĩnh là tên gọi chung của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, là mảnh đất địa linh nhân kiệt với một nền văn hóa Lam Hồng gắn liền với hồn thiêng núi Hồng Lĩnh, dòng sông Lam và con người xứ Nghệ hai miền Nam (Hà Tĩnh), Bắc (Nghệ An). Một trong những đặc trưng của dải đất dọc hai bên bờ sông Lam đó là những câu hò, điệu ví ngọt ngào thắm đượm nghĩa tình. Với con người nơi đây, làn điệu quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành giá trị thiêng liêng, gửi gắm niềm thương nỗi nhớ.

       Một niềm vui, niềm tự hào đến với người dân Nghệ Tĩnh khi mà dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại phiên họp thứ 9 diễn ra ở Pairi (Pháp) vào đêm 27.11. 2014 [60]. Những nỗ lực cố gắng, những giá trị tinh thần mà người dân xứ Nghệ gìn giữ bấy lâu đã được nhân loại ghi nhận và tôn vinh. Hơn bao giờ hết, đằng sau vinh quang đến với mảnh đất này là cả một trọng trách lớn lao của việc phát huy và bảo tồn những giá trị đó.

       Trong những năm qua, các ban ngành của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã phối hợp để đẩy mạnh phong trào đưa dân ca Ví, Giặm đến gần với mọi lứa tuổi, đặc biệt là thế hệ trẻ với vai trò chính của Sở Văn hóa. Các cuộc thi, các cuộc liên hoan dân ca Ví, Giặm trên toàn địa bàn, trong các trường học được tổ chức hàng năm để nhằm giáo dục  nhân cách cho các em và giúp các em nhận ra được những giá trị tinh thần to lớn kết tinh trong những làn điệu dân ca Ví, Giặm. Từ đó các em biết trân trọng, yêu quý và có ý thức trong việc giữ gìn, bảo tồn những di sản tinh thần của quê hương.

       Thực tế cho thấy, đa phần lớp trẻ ngày nay thích nghe và thích hát những bài hát trẻ trung, sôi động, nhạc ngoại... hơn là thưởng thức những làn điệu dân ca Ví, Giặm. Phần lớn các em ít chú ý và không  mấy mặn mà với các bài hát dân ca Ví, Giặm. Nhiều em còn có quan niệm rằng: nghe dân ca là lỗi thời, là không sành điệu... Đặc biệt, trong xu thế hội nhập quốc tế, khi mặt trái của cơ chế thị trường đang dần làm mai một các giá trị văn hoá của dân tộc, thì việc giáo dục cho mọi người nói chung và cho học sinh nói riêng biết phát huy và giữ gìn bản sắc đó không chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục và đào tạo mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Việc chú trọng giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ biết yêu các làn điệu dân ca, biết chơi các trò chơi dân gian là hết sức cần thiết.

       Chính điều này đã đặt ra một vấn đề cấp thiết là đưa dân ca Ví, Giặm đến gần với thanh, thiếu niên trong đó biện pháp hữu hiệu nhất là xây dựng được nội dung học hát dân ca Ví, Giặm phù hợp để giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học hát dân ca nhằm nâng cao chất lượng dạy học dân ca Ví, Giặm trong hoạt động ngoại khóa âm nhạc ở các trường học. Đây là một trong những biện pháp quan trọng và cơ bản để tuyên truyền và giáo dục một cách trực tiếp lòng yêu mến, tự hào với những di sản văn hóa mà ông cha ta đã để lại. Giáo sư Trần Văn Khê - một nhà nghiên cứu Âm nhạc dân gian nước nhà đã phát biểu trong Hội thảo Khoa học công tác bảo tồn và phát huy dân ca Nam Bộ được tổ chức vào ngày 25 tháng 10 năm 2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh về đưa dân ca vào trường học như sau: “Nhà nước nên đưa dân ca vào trường học, cần làm cho học sinh Việt Nam hiểu dân ca nước ta là gì? Và dân ca nước ta hay như thế nào?”.

       Hiểu rõ được tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của dân ca Nghệ Tĩnh trong giáo dục học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học và xác định đó là một trong năm tiêu chí xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Việc tích cực thực hiện các biện pháp khác nhau để đưa dân ca vào trong nhà trường thời gian qua cũng đã có những tín hiệu đáng mừng: Tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm. Giáo viên phụ trách nhiệt tình hưởng ứng, lên kế hoạch triển khai. Trong chương trình hoạt động ngoại khóa cũng đã dành một thời lượng cho dạy hát dân ca.

       Mặc dù đã đạt được những kết quả nêu trên song việc đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học trên địa bàn huyện Nghi Xuân nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung vẫn còn một số vấn đề còn tồn đọng. Qua phỏng vấn một số lãnh đạo của Sở Văn hóa, phòng Văn hóa cũng như lãnh đạo và giáo viên ở một vài trường trên địa bàn, chúng tôi được biết việc đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học nói chung vẫn chưa có tính đồng bộ và thống nhất. Một số nơi cũng đã tiến hành các biện pháp đưa một số làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh trong đó có Ví, Giặm vào dạy hát cho học sinh nhưng chỉ dạy hát mà chưa chú ý giới thiệu cho các em về nguồn gốc, đặc trưng và giá trị của chúng. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn thiếu những tài liệu, giáo trình phục vụ và hỗ trợ cho việc đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào trường học. Đội ngũ giáo viên còn đang lúng túng trong việc tìm kiếm nội dung cũng như lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức để giảng dạy. Việc lựa chọn những tài liệu, kiến thức, các làn điệu phù hợp với đối tượng học sinh và việc lựa chọn cách thức nào để truyền tải những kiến thức, kỹ năng đó là một khó khăn với người dạy. Đó là chưa kể có hiện tượng đưa dân ca của các vùng miền khác để giảng dạy cho học sinh chứ không phải là đưa dân ca của chính quê hương xứ Nghệ.

       Xuất phát từ thực trạng của việc đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học trên địa bàn huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, từ chủ trương của nhà nước, của địa phương về công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - dân ca Ví, Giặm, chúng tôi thiết nghĩ cần phải đưa ra một số biện pháp để nâng cao chất lượng việc đưa dân ca Ví, Giặm vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc ở các trường học như: Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên âm nhạc, thành lập câu lạc bộ, dạy hát Ví, Giặm cho học sinh, tổ chức cho học sinh xem biểu diễn Ví, Giặm và giao lưu với các nghệ nhân hoặc chức hội thi biểu diễn… Các biện pháp này cần được thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất.

       Việc kết hợp văn hóa dân gian vào hoạt động giáo dục cũng như đưa dân ca Ví, Giặm vào hoạt động ngoại khóa vừa góp phần vào việc bảo tồn và phát huy, làm sống động thêm loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, một nét văn hóa mang đậm bản sắc địa phương nhưng cũng đồng thời làm phong phú hơn chương trình hoạt động ngoại khóa, các em thực sự được “Học mà chơi, chơi mà học”. Việc xây dựng nội dung học tập cũng như tổ chức dạy học bằng các hoạt động trong chương trình ngoại khóa vừa là bảo đảm các yêu cầu dạy học tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh, thực hiện tiêu chí xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Như Hiền (2011), Tóm tắt quá trình bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm, hò ở Hà Tĩnh những năm gần đây và chương trình hành động 2011 và những năm tiếp theo, Hội thảo khoa học: Bảo tồn phát huy các giá trị của ví, giặm và hò xứ Nghệ, Vinh, Nghệ An.
  2. Phạm Lê Hòa (2012), “Âm nhạc cổ truyền trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Kỉ yếu hội thảo khoa học Quốc tế 5-2012.
  3. Trần Thị Lan (2014), Tìm hiểu giá trị lich sử và văn hóa của di sản dân ca ví, dặm xứ Nghệ, Luận văn thạc sỹ khoa học lịch sử Trường Đại học Vinh.
  4. Vi Phong (2000), Dân ca Nghệ Tĩnh, Sở văn hóa thông tin Hà Tĩnh.                              
  5. Trường Tiểu học Thị Trấn Nghi Xuân (2016), Báo cáo tổng kết năm học 2015-2016.
  6. Trường Tiểu học Tiên Điền Nghi Xuân (2016), Báo cáo tổng kết năm học 2015-2016.
  7.  Trường Tiểu học Xuân Lam Nghi Xuân (2016), Báo cáo tổng kết năm học 2015-2016.

            ------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc