Nội san

Hình tượng người phụ nữ trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh vận dụng vào dạy môn Mỹ thuật ở Trường Tiểu học Thực nghiệm

31 Tháng Bảy 2018

Đặng Thị Thu An [*]

       Việc vận dụng các tác phẩm có giá trị vào dạy học ngay từ năm đầu của tiểu học là một trong các định hướng phát triển cho tư duy thẩm mỹ của học sinh. Học các kiến thức mỹ thuật từ bé cho các em học sinh ở trong các nhà văn hóa và trong cả trường học không nhằm đào tạo các em trở thành nghệ sĩ, mà thông qua các hoạt động tạo hình để khơi gợi và phát huy khiếu thẩm mỹ vốn có ở trẻ, gây hứng thú cho các em trước cái đẹp, tiến tới hình thành thị hiếu thẩm mỹ của riêng mình trong cuộc sống hàng ngày. Đó là mục đích vốn có ban đầu của việc dạy học thường thức mỹ thuật cho các trẻ em nói chung cũng như các học sinh trong trường tiểu học nói riêng.

       Giá trị, hiệu quả của hình tượng người phụ nữ trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh vào dạy học tại Trường Tiểu học Thực nghiệm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trong việc quan sát và cảm thụ tác phẩm.Với chất liệu lụa, cách tạo hình nhân vật trong tranh sẽ có những đặc trưng riêng, dẫn đến kết quả về hình thức và chất cảm riêng, tạo hình nhân vật trong tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh cũng là một nét rất riêng biệt và thể hiện rõ được sự “kết hợp hài hòa giữa lối tạo hình phương Tây và cách tạo hình của cá nhân ông”. Hình tượng người phụ nữ trong tranh của Nguyễn Phan Chánh được khai thác cụ thể qua các đề tài sau:

       Đề tài hình tượng người mẹ

       Trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, họa sĩ có cảm hứng rất lớn tới việc khắc họa hình tượng các phụ nữ, đặc biệt là nông thôn, nơi ông đã sinh ra và lớn lên, do đó việc diễn tả các hình ảnh rất chân thực và nhiều cảm xúc gần gũi, bình dị… cũng chính vì thế mà một đối tượng phụ nữ nhưng ông đã khai thác nhiều đề tài khác nhau như: tình cảm mẹ con, người thiếu nữ, người phụ nữ nông thôn.

       Một trong các đề tài đặc biệt nổi bật chính là đề tại người mẹ, hay những hình ảnh mẹ con đầy ấm áp và tình yêu thương. Có thể liệt kê các tác phẩm đề tài tình cảm mẹ con: Mẹ con, Rạng sáng cho con bú, Sau giờ trực chiến… Qua đề tài này các em học sinh sẽ cảm thụ được các giá trị của người mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng, góp phần nâng cao tư duy và khái niệm về hình tượng người mẹ ngày lúc còn nhỏ, đặc biệt người mẹ thời kỳ cũ trước và cả sau cách mạng.

       Đề tài hình tượng người thiếu nữ

       Với người thiếu nữ, những hình ảnh trẻ trung, ngây thơ, trong sáng được ông sáng tác với những hoạt động gần gũi và nhẹ nhàng, đó là thông qua các trò chơi, qua việc học hành, và các hoạt động thường ngày khác nhau. Các tác phẩm nổi bật như: Trăng tỏ, Trăng lu, Hái rau muống, Rửa rau cầu ao, Thiếu nữ nhảy dây, Thiếu nữ dưới cành đào, Thiếu nữ chơi cá vàng, Thiếu nữ tự núi trông ra bể Đông… Đề tài về hình tượng nàychiếm số lượng lớn, dường như như ông lấy cảm hứng ngay từ chính cô con gái của mình. Đây sẽ là những nội dung giúp trẻ tiếp thu về không gian sống, vui chơi và học tập của trẻ em xưa kia, giúp trẻ có thêm những tình cảm lứa tuổi, yêu thương bạn bè, bản thân mình hơn.

       Đề tài hình tượng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày

       Trong tranh Nguyễn Phan Chánh, sẽ bắt gặp những hình ảnh thân quen và đã gắn liền vào trong thơ ca, văn học, với nhiều sinh hoạt đời thường giản dị của nông thôn Vệt Nam xưa. Tranh của Nguyễn Phan Chánh chủ yếu vẫn là các sinh hoạt của người phụ nữ nông thôn, đây là hình tượng khá gần gũi với các hoạt động thường nhật chốn làng quê Việt Nam: đi chợ, hái rau, chăn vịt, những hoạt động khắc họa sự lam lũ, đảm đang, đó là phẩm chất đẹp đẽ bao đời nay của người phụ nữ Việt Nam. Các tác phẩm liên quan như: Ra đồng, Rê lúa, Chơi ô ăn quan, Hầu đồng, Kỳ lưng, Chăn vịt,… Đây là đề tài khá thực tế để các bạn nhỏ được học tập, bởi giá trị nhân văn và nét đẹp của người phụ nữ nông thôn, mà đến nay các hình ảnh đó vẫn còn ở các làng quê yên bình.

       Hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm của hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh được vận dụng cụ thể vào giảng dạy các phân môn Thường thức Mĩ thuật và Vẽ tranh đề tài của lớp 1 và lớp 4:

       Phân môn Thường thức Mĩ thuật (lớp 1 và lớp 4)

       Ở tiết học thường thức này học sinh (HS) sẽ được tiếp cận các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh và từ các phân tích ở trên giáo viên sẽ đưa vào tiết học những nội dung về các đề tài trong tranh Nguyễn Phan Chánh, từ đó khơi gợi cho HS những cảm xúc thông qua các biểu hiện của các yếu tố nghệ thuật được họa sĩ sử dụng trong tác phẩm.

       Với ba nội dung chính để HS cảm thụ: thứ nhất, hình tượng người mẹ với nhiều phẩm chất đáng quý, là tình cảm mẹ con; thứ hai, về hình tượng thiếu nữ, ở đây HS sẽ tiếp thu nhiều các giá trị như: lịch sử, các hoạt động mà thiếu nữ thời đó làm, như học tập, vui chơi … cuối cùng, về các sinh hoạt hàng ngày, HS hiểu được các giá trị về lao động, các hình ảnh gần gũi và thân thương ngay cả nông thôn ngày nay vẫn còn. Ngoài ra trong cả ba nội dung trên HS còn tiếp thu thêm các khía cạnh khác như: trang phục, các trò chơi dân gian...

       Phân môn Vẽ tranh đề tài (lớp 1 và lớp 4)

       Vẽ tranh chân dung Mẹ của em và Tranh chân dung Mẹ và bé. Với việc áp dụng các hình ảnh của một người mẹ trong tranh của Nguyễn Phan Chánh, phần nào đã khơi gợi nhiều những giá trị, phẩm chất để từ đó các em có tình cảm, hứng thú hơn về hình tượng này, biết được nhiều hoạt động mà người mẹ dành cho con cái, từ những việc nhỏ nhất, từ đó HS hoàn toàn có thể đưa ra các cách để vẽ chân dung về người mẹ của mình, từ bán thân, toàn thân. Mặc dù các nét vẽ có phần ngây ngô tuy nhiên đó lại là sự hợp lý đối với tư duy của trẻ, các hình ảnh chân dung về người mẹ sinh động bao nhiêu thì việc cảm thụ về hình tượng này đã thành công bấy nhiêu để kích thích tư duy của HS.

       Đề tài sinh hoạt, tranh thuộc đề tài này ghi lại các hoạt động của ít nhất hai người trở lên, bao gồm cả không gian khi cần thiết, việc vẽ tranh cần có nhiều tư duy về hình và các đặc điểm nhận thức về hoạt động của đối tượng, cho nên tranh đề tài sinh hoạt sẽ được áp dụng vào cho lớp 4. Các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh trong nhóm đề tài này sẽ gợi ra cho HS nhiều chủ đề khác nhau.

       Với lớp 4, các em đã có nhiều tư duy tốt về vẽ tranh nhiều nhân vật và bao quát được không gian một cách cơ bản, đó là một trong những yếu tố để HS thực hành vẽ các tranh đề tài sinh hoạt, thêm vào đó việc tìm hiểu trong bài thường thức sẽ tạo ra hứng thú cho các em khai thác mảng để tài sinh hoạt lấy bối cảnh nông thôn, với nhiều hoạt cảnh khác nhau. Điều này thực sự rất bổ ích cho HS, vừa thể hiện được khả năng vẽ tranh sinh hoạt vừa tìm hiểu thêm nhiều hoạt động đời thường khác mà hiện nay HS khó được bắt gặp.

       Sinh hoạt ở đây không chỉ là những công việc đồng áng, hay những sinh hoạt tín ngưỡng, nó còn là những hoạt động vui chơi của trẻ nhỏ. Việc tiếp thu các giá trị trong các tác phẩm tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh sẽ tạo cho HS nhìn nhận sinh hoạt ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhiều hoạt động để các em có thể đưa vào bài vẽ, từ gần gũi nhất cho đến những hoạt động do chính các em tưởng tượng ra, từ đó tư duy của HS sẽ được gợi mở và chủ động hơn trong thực hành vẽ đề tài này.

       Hình tượng người phụ nữ trong tranh của ông đã khẳng định một nét đẹp điển hình về người phụ nữ của những năm 30, đó là sự đảm đang, đôn hậu, dịu dàng, khỏe khoắn và cũng rất mặn mà, lãng mạn. Những giá trị nêu trên thực sự rất cần thiết để cho những lớp trẻ hiểu được khi tiếp xúc với các tác phẩm hội họa thời kỳ này cũng như các tác phẩm về đề tài người phụ nữ nông thôn. Hình tượng chính là một tấm gương, một sự giáo dục thế hệ, bởi những giá trị kia sẽ và mãi tồn tại cùng với năm tháng.

       Việc áp dụng khai thác các giá trị xung quanh hình tượng người phụ nữ trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh vào dạy môn Mỹ thuật ở Trường Tiểu học Thực nghiệm là một bước tiến quan trọng cho phát triển tư duy nghệ thuật và hiểu biết trong cảm thụ nghệ thuật cho học sinh, cũng bởi tính đặc thù của trường tiểu học thực nghiệm là nơi đào tạo những thế hệ học sinh chất lượng không chỉ về khoa học xã hội mà cả những năng khiếu cụ thể là nghệ thuật hội họa.

Tài liệu tham khảo

  1. Hồ Ngọc Đại (2010), Tâm lý học giáo dục, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  2. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (1992), Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh.
  3. Đinh Thị Văn Khánh (2014), Hình tượng người phụ nữ trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh và Nguyễn Thụ, Luận văn Thạc sĩ mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật, Hà Nội.
  4. Bạch Thanh Lân (2014), Đặc điểm tạo hình trong tranh lụa của họa sĩ Phan Chánh, Lê Phổ và Mai Trung Thứ, Luận văn Thạc sĩ mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thu Tuấn (2007), “Mối quan hệ giữa phương pháp phân tích hình ảnh trực quan trong giảng dạy mĩ thuật với sự phát triển tư duy sáng tạo của trẻ em”, Tạp chí Giáo dục (173), tr. 37-38.

          -----------------------------------------------------

       [*] Lớp Cao học K2 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật