Nghiên cứu lý luận

Nghệ thuật tạo hình trong tranh về phố cổ của Bùi Xuân Phái vào giảng dạy phân môn vẽ tranh theo đề tài trường THCS Lê Lợi, quận Hà Đông, Hà Nội

02 Tháng Tám 2018

Vũ Thị Ngọc Linh [*]

Bùi Xuân Phái là một cái tên thuộc hàng kinh điển của nền Mỹ thuật Việt Nam. Những đóng góp của ông cho nền Mỹ thuật nước nhà, đặc biệt là thương hiệu “Phố Phái” sẽ còn sống mãi với thời gian. Trong các tác phẩm của ông, đường nét và màu sắc của Bùi Xuân Phái phảng phất truyền thống dân gian, càng tăng thêm tính chất đặc thù Việt Nam.

Vận dụng nghệ thuật trong tranh Bùi Xuân Phái vào giảng dạy phân môn vẽ tranh theo đề tài nhằm đổi mới phương pháp dạy truyền thống từ trước đến nay, giúp các em cảm nhận và tiếp thu giá trị nghệ thuật có chọn lọc, đồng thời đưa các em học sinh đến với vẻ đẹp của Hà Nội những thập niên 50, 60, 70.

  1. Đường nét, mối tương quan các đường nét trong bố cục

Bùi Xuân Phái nghiên cứu kĩ lưỡng về cấu trúc phố. Trong tranh của ông, cấu trúc phố được khái quát với tư duy lập thể biểu hiện qua một số đặc điểm chính như sau:

 Thứ nhất, những đầu hồi cửa sổ, những bạt che trước cửa chống nắng là đặc trưng của phố cổ Hà Nội được ông phát hiện.

Thứ hai, trong tranh ông, phố thường vẽ bố cục phố ngang, cái trước cái sau, những mái nhà xô lệch không thẳng hàng được dâng cao, bầu trời thu hẹp, cho thấy họa sĩ vẽ ở góc độ người đi tản bộ qua phố ngước nhìn lên.

Thứ ba, ở một vài tranh bắt đầu xuất hiện lối vẽ của phố, làm bố cục sâu hơn. Trên hè phố, ông đồ già che ô đi lặng lẽ, người kéo xe trên đường, cô gái thập thò trước cửa... phố vẫn thấy im lặng như không người. Kết cấu tranh đơn giản, với hòa sắc đậm và bạc, ghi lại một Hà Nội êm đềm và cổ kính.

2. Mảng, mối tương quan vị trí các mảng trong bố cục của hình

Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái hiện lên với những mảng màu trầm ấm, đường nét cô đọng. Các mảng màu trong tranh Phái thường có đường viền đậm nét, phố không những trở thành chính nó mà còn gần hơn với con người, từ bề mặt đến cảnh quan đều có chiều sâu bên trong.

 Hà Nội trong tranh ông là những mái phố nghiêng nghiêng, những gánh hàng rong, chiếc xích lô, cây cột điện liêu xiêu nơi đầu phố… Đó là phố Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Mã Mây, Hàng Mắm… Ngôn ngữ trong tranh ông khái quát, cô đọng, gợi được cái hồn của Hà Nội. Sự trầm tư, cổ kính, giản dị, tinh tế và sâu lắng của từng con phố hiện lên với đen, nâu vàng, ghi xám. Phố cổ của Bùi Xuân Phái đã trở thành một phần của bản sắc văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ.

3. Màu sắc, các tương quan màu sắc trong cấu trúc toàn cảnh

Về màu sắc, các mảng màu trên tranh Bùi Xuân Phái thường có đường viền đậm nét với các gam màu như màu vàng, xám bạc, nâu đỏ với những viền đen. Bút pháp vẽ như vậy vừa thực vừa hư, gây ấn tượng sâu sắc. Nó làm người ta không ngờ những nơi bình dị mắt ta quen nhìn hàng ngày lại có thể đẹp một cách giản dị và mãnh liệt.

Đặc biệt, chúng ta phải kể đến các tranh về phố cổ Hà Nội được vẽ với một tư duy về thời gian rất rõ nét. Nó tạo thành “Mầu thời gian” trong tranh Bùi Xuân Phái. Có nhiều mảng tường khơi gợi trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, tạo ra những cái đẹp bất ngờ. Giá trị của các phố cổ là giá trị của thời gian lắng đọng ở những mái ngói, những bức tường rêu phong của chúng.

 Về chất liệu, dường như Bùi Xuân Phái sống chỉ để vẽ và vẽ với ông chính là sống và thở. Từ một tấm toan đến một mảnh giấy báo, từ một bìa sách đến một vỏ bao thuốc lá... ông đã tạo ra được nhiều bức vẽ khác nhau về phố cổ Hà Nội. Những bức tranh phố của ông cho tới nay xem ra cũng đủ để dựng nên một thành phố thật, thân thiết với những Hàng Khoai, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, Hàng Rươi...

Để vận dụng nghệ thuật trong tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái vào giảng dạy ở trường THCS Lê Lợi phân môn vẽ tranh theo đề tài, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học. Trao đổi giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn vẽ tranh theo đề tài ở các lớp được chọn về mục đích, nhiệm vụ, nội dung và các giáo án thực nghiệm của mình.

Tham gia dự giờ các lớp đối chứng và các lớp thực nghiệm.

Lớp đối chứng: giáo viên tiến hành giảng dạy bằng phương pháp dạy truyền thống để dạy môn vẽ tranh theo đề tài cụ thể là bài về đề tài phong cảnh quê hương và đề tài lễ hội.

Lớp thực nghiệm: giáo viên tiến hành giảng dạy lớp thực nghiệm bằng việc vận dụng nghệ thuật trong tranh Bùi Xuân Phái vào dạy học phân môn vẽ tranh theo đề tài cho bài phong cảnh quê hương và đề tài lễ hội.

Khi vận dụng nghệ thuật trong tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái vào dạy học phân môn vẽ tranh theo đề tài của trường THCS Lê Lợi trong hai bài: Bài 1 “Vẽ tranh đề tài phong cảnh quê hương”, Bài 2 “Vẽ tranh đề tài lễ hội” được giáo viên tham dự đánh giá rất cao về cách tổ chức lớp học và sự vận dụng sáng tạo của học sinh trong bài tập của mình. Giáo viên tổ chức hình thức lớp học hiệu quả, biết vận dụng các phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học tích cực để đạt được mục tiêu ban đầu, từ đó hình thành nên năng lực của học sinh và chủ đề của bài học. Ý thức học tập của học sinh thể hiện qua sự hào hứng trong giờ học, say mê sáng tạo thông qua sản phẩm của bản thân, chủ động tích cực trong các hoạt động học, biết liên hệ thực tiễn với cuộc sống, diễn chủ đề với màu sắc cá nhân riêng biệt, hoàn thành sản phẩm đúng theo tiến trình bày dạy. Giá trị của các phố cổ là giá trị của thời gian lắng đọng ở những mái ngói, những bức tường rêu phong của chúng. Vua Phố Cổ, Bùi Xuân Phái đã từng nhận xét là trong sự rêu phong cổ kính có “màu thời gian”. 

Vận dụng nghệ thuật tạo hình trong tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái vào giảng dạy phân môn vẽ tranh theo đề tài ở trường THCS sẽ nâng cao tính thẩm mĩ và khả năng cảm thụ nghệ thuật của các em học sinh ngay khi đang ngồi trên ghế trường THCS. Qua đó sẽ nâng cao chất lượng dạy và học phân môn vẽ tranh theo đề tài của thầy và trò trường

Tài liệu tham khảo

  1. Ngô Bá Công (2011), Giáo trình Mỹ thuật cơ bản, Nxb Đại học Sư phạm, Tp. Hồ Chí Minh.
  2. Trường THCS Lê Lợi (2017), Phân phối chương trình môn mỹ thuật (tài liệu lưu hành nội bộ)
  3. Nguyễn Thu Tuấn (2011), Phương pháp dạy học Mĩ thuật, Tập 1, 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. Bùi Xuân Phái (2011), Hội họa của tâm cảm Việt, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội.
  5. Bùi Xuân Phái (2018, tái bản), Con đường hội họa, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

--------------------------------------

[*] Lớp Cao học K2 - Chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật