Nội san

Tư tưởng thẩm mỹ của nghệ thuật Gothic

02 Tháng Tám 2018

Nguyễn Huyền Trang [*]

Lịch sử thế giới đã trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm từ sơ khai đến nay. Mỗi giai đoạn, mỗi thời đại đều mang trong đó những đặc điểm, những dấu ấn làm nên cột mốc lịch sử của riêng nó. Và khi nhắc đến thời Trung cổ, hẳn ai cũng sẽ biết đến nghệ thuật Gothic xuất hiện và phát triển cực thịnh trong ba thế kỷ cuối cùng của thời kì này. Giai đoạn này nghệ thuật Gothic được phân biệt với những nền nghệ thuật trước đó bởi chủ nghĩa tự nhiên đậm nét hơn trong hình khối và dáng điệu của các chân dung, cũng như cách sử dụng hoa văn, đường nét và màu sắc ấn tượng hơn, cho phép người nghệ sĩ thêm nhiều tự do để thể hiện.

Nghệ thuật Gothic bao gồm ba thành tố chính: hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc. Hội họa vào thời kỳ này được chia làm 4 mảng: bích họa, tranh trên ván gỗ, kính màu và tranh trong các bản thảo minh hoạ sách, chỉ thực sự được biết đến vào những năm 1200, rất ít khi được giới thiệu trước khi có sự thay đổi đáng kể về dáng vẻ của nhân vật, kết cấu trong phong cách. Trong thời kỳ Gothic, các thể loại tranh thờ được dùng trong trang trí, thờ phụng ở bàn thờ Chúa, có thể là tranh đơn hoặc nhiều tranh đơn ghép lại với nhau. Hầu hết là mang nội dung trích ra từ kinh thánh. Sự to nhỏ của hình tượng nhân vật là tuỳ thuộc vào địa vị tôn giáo của nhân vật chứ không theo luật xa gần. Các nhân vật trong tranh thờ thường được kéo dài tỷ lệ, khuôn mặt gầy, hóp, đôi mắt mở to đắm chìm vào thế giới xa xăm nào đó thể hiện chân dung của người tu hành khắc khổ. Đặc biệt trong các nhà thờ có nhiều khoảng trống, bằng nhiều lớp tranh kính đã tạo hiệu quả trang trí cao. Khi ánh sáng mặt trời chiếu qua các lớp kính tạo ra một lớp ánh sáng huyền ảo, có được hiệu ứng quang học hoàn toàn khác thường, gợi không khí huyền bí linh thiêng trong nhà thờ.

H1. Tranh kính tại nhà Đức Bà, Paris,Pháp.

(Nguồn sưu tầm)

 

H2. Thăm viếng, chi tiết của cửa sổ mặt tiền phía Tây, Nhà thờ Chartres, thế kỷ XII - (Nguồn Lịch sử nghệ thuật phương Tây )

Hội hoạ Gothic vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều từ Bazynce Đông La Mã, nên màu nền chủ yếu là màu vàng, tuy nhiên có ảnh hưởng La Mã nên khung cảnh trông “hiện đại” hơn nhiều và rất gần với phong cách thời kỳ Phục Hưng. Các hoạ sĩ nổi tiếng thời kỳ Gothic như Cimabue, Giotto, Duccio, Simone Martini,…  Với những tác phẩm nổi tiếng: Lễ truyền tin cho Thánh Anne - Giotto 1306-1312; Lễ truyền tin - Simone Martini 1333...

Nói tới điêu khắc Gothic, người ta nghĩ ngay tới những chi tiết được điêu khắc vô cùng tỉ mỉ. Các mô típ thực vật như hoa hồng, lá nho, hoa cẩm chướng được dùng làm hoạ tiết trang trí phong phú và lộng lẫy về hình và màu sắc. Được sử dụng chủ yếu là để trang trí ngoại thất của nhà thờ và các tòa nhà tôn giáo khác, điêu khắc Gothic phát triển từ phù điêu hình tượng nổi thấp đến cao dần và cuối cùng là tượng tròn. Tính khoa học trong hình tượng điêu khắc cũng ngày một được nâng cao, tỉ lệ cân đối và hoàn thiện hơn. Những tác phẩm điêu khắc chủ yếu lấy cảm hứng từ tín ngưỡng cầu nguyện và tạo cảm giác cách biệt giữa người trần và thần thánh. Đặc biệt trong tôn giáo thời kỳ này rất khắt khe về trang phục, phục trang phải che kín từ đầu tới gót chân, họ quan niệm hở da thịt là một điều cấm kỵ, là xúc phạm tới thánh. Vì thế những bức tượng cũng được khoác lên mình những phục trang kín đáo và tinh tế như thế.

Kiến trúc, thành tố gặt hái được nhiều thành tựu và nở rộ nhất so với điêu khắc và hội hoạ, phát triển sau kiến trúc Roman với những thành công cùng nhiều hạn chế, là bước chuẩn bị cho sự ra đời của kiến trúc Gothic được coi là kiến trúc của tài nghệ đỉnh cao của những tư duy kỹ thuật rất táo bạo. Kiến trúc Gothic xuất hiện năm 1140 dưới thời vua Louis VII hình thành ở Tây Âu, trước hết là ở Pháp sau đó lan sang Đức, Anh, Italia. Nó là sản phẩm của sự kết tinh, tỉa gọt thường xuyên cho đến khi thành công của nó mang tới những nét đặc trưng: hoành tráng của mái vòm đầu nhọn, mỹ lệ của hoa văn chạm khắc nổi và tranh kính, cửa sổ hoa hồng đặc sắc giàu tính trang trí mà rất nhiều các giai đoạn kiến trúc khác không có.

Kiến trúc mái vòm nhà thờ Gothic được chia ra làm ba loại: Vòm sống bốn mũi có hình chiếu mặt bằng hình chữ nhật; Vòm có sống sáu mũi có hình chiếu hình chữ nhật; Vòm nhiều sống và nhiều múi hình sao có mặt chiếu hình chữ nhật.

H3. Mái vòm trong nhà thờ Sainte-Chappelle, Paris,Pháp.

( Nguồn Lịch sử nghệ thuật phương Tây )

Cửa sổ hoa hồng là đặc trưng của kiến trúc nhà thờ Gothic và cũng là nét hấp dẫn bậc nhất của loại kiến trúc này. Khi ánh sáng chiếu qua cửa kính, vào nhà thờ sẽ được biến đổi thành các màu sắc làm cho không gian bên trong nhà thờ trở nên huyền ảo. Cửa sổ hoa hồng với nhiều màu sắc rực rỡ nhắc nhở mọi người rằng: mỗi người như một sắc màu đặc biệt. Nhưng những đứa con của Chúa sẽ còn đẹp hơn thế nếu chúng ở bên cạnh nhau, đồng tâm với nhau. Loại cửa này được phổ biến rất nhanh và sau này được gọi là những chiếc cửa sổ “hoa hồng”, vì chúng có dáng dấp như những bông hoa khổng lồ đang nở. Chiếc cửa sổ “hoa hồng” tại nhà thờ Đức Bà Paris được coi là những chiếc cửa sổ bằng tranh kính nổi tiếng nhất, hoàn hảo nhất.

 

H4. Cửa sổ hoa hồng mặt tiền và phía trong nhà thờ Đức Bà, Paris, Pháp.

[Nguồn sưu tầm]

Tồn tại qua gần năm thế kỷ, rất thịnh hành ở Pháp với hơn ba thập niên: từ những năm cuối của thế kỷ XII đến một phần tư của thế kỷ XII là thời kỳ đỉnh cao của phong cách Gothic, khởi đầu là giai đoạn “toả sáng” mang phong cách của các nhà thờ Thiên chúa giáo được xây dựng trong khoảng 1260-1380 và sau đó là giai đoạn “rực cháy” được xây dựng khoảng những năm 1380-1540 chỉ việc đổi mới của kiến trúc Gothic đặc trưng là sử dụng những đường nét lượn sóng như các ngọn lửa đang lung linh cháy trong một số bộ phận kiến trúc.

Tư tưởng thẩm mỹ của nghệ thuật Gothic đặc biệt về kiến trúc nhà thờ có những đặc điểm ấn tượng sau:

Về cấu trúc, khác với thời kỳ Roman thiên hướng các mái cung tròn và trải rộng, thì thời kỳ Gothic luôn chiếm lĩnh đỉnh chiều cao, đón ánh sáng, cấu trúc của nó theo chiều thẳng đứng làm thế chủ động. Chúng ta dễ nhận thấy cấu trúc chia làm hai trục. Trục thẳng đứng vươn cao một cách thanh mảnh, phá tan những vòm ngang tròn của thời kỳ Roman mà thay bằng những hình parapol tuyệt đẹp. Trục ngang là sử dụng ánh sáng và màu sắc trên tranh kính màu. Nghê thuật Gothic sử dụng ánh sáng chiếu nghiêng qua cửa sổ tranh kính màu sắc tạo cảm giác huyền bí, vi diệu.

Về màu sắc, chủ yếu là những màu cơ bản kết hợp với nhau và khi kết cùng ánh sáng chiếu qua cửa sổ chúng được quang phổ tựa như những vệt cầu vồng trong thánh đường. Màu sắc được thể hiện trong hội hoạ với những bích hoạ, sách hình truyền tín ngưỡng, đặc biệt trên cửa sổ của các nhà thờ.

Về ánh sáng, ánh sáng trong thánh đường được chiếu nghiêng lấy ở lưng chừng nhà thờ, qua các cửa sổ tranh kính cao từ 4-5 m trở lên. Khi các con chiên đi vào thánh đường, thì người ta chỉ nhìn thấy chân dung của nhau chứ không nhìn rõ thấy phần thế tục của con người phía dưới.

Về trang trí, cũng như những thời kỳ khác nghệ thuật Gothic sử dụng những hoạ văn hoạ tiết lá để trang trí trên các cột, cửa sổ. Các cụm tượng được điêu khắc theo chủ đề cầu nguyện với phục trang che kín không hở gót chân. Ngoài ra còn những bức bích hoạ, và tranh kính ngập tràn màu sắc trên các cửa sổ của nhà thờ.

Nghệ thuật Gothic duyên dáng, thanh cao, kết cấu vươn lên tầm cao rất phù hợp với phong cách thời trang ấn tượng. Những đỉnh tháp vươn cao vút, những kết cấu mái vòm nhọn tạo sự ấn tượng với người xem cũng là cái cảm để đưa vào thiết kế trang phục đặc biệt là trang phục ấn tượng. Thời trang ấn tượng cần những điều mới mẻ, vươn ra khỏi khuôn phép của cơ thể, vươn tới tầm cao ngoài cơ thể, hướng tới những điều bí ẩn ấn tượng. Để thực hiện mẫu thật trên trang phục, việc này yêu cầu sinh viên phải nghiên cứu sâu về kết cấu của mái vòm và đưa vào cơ thể người sao cho phù hợp. Những đường cong parapol mềm mại rất hợp với kết cấu trên cơ thể của con người, việc đặt các đường cong cũng vừa làm kết cấu trang phục vừa trang trí ở những phần eo, hông hay vai của cơ thể làm điểm nhấn cho trang phục rất ấn tượng. Đặc biệt với việc sử dụng màu sắc và những bức tranh vẽ về thánh trên cửa sổ của nhà thờ là một nguồn ý tưởng dồi dào cho việc trang trí trên trang phục. Vì lẽ đó, ứng dụng nghệ thuật Gothic vào giảng dạy môn tạo mẫu trang phục 4 là việc hết sức phù hợp. Những giá trị tư tưởng thẩm mỹ của nghệ thuật Gothic là cơ sở giúp việc giảng dạy thiết kế thời trang được phong phú và đa dạng. Bằng việc tìm hiểu giá trị tạo hình của nghệ thuật Gothic cùng với những ý nghĩa và giá trị tư tưởng thẩm mỹ mà nghệ thuật Gothic đem lại sẽ giúp sinh viên hình thành tư duy trong thiết kế. Và để thể hiện được cái hồn của ý tưởng sinh viên cần hiểu, nắm rõ được tư tưởng thẩm mỹ của nghệ thuật Gothic, sao cho khi nhìn thấy bộ trang phục và thấy tinh thần của nghệ thuật Gothic.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Trọng Chi (2003), Lược sử kiến trúc thế giới 1, Nxb Xây dựng, Hà Nội.

     2. Đặng Thái Hoàng, Nguyễn Văn Đỉnh (2006), Giáo trình Lịch sử kiến trúc thế giới (Tập 1), Nxb Xây dựng, Hà Nội.

  1. Huỳnh Văn Thanh dịch (11/2012), Lịch sử nghệ thuật Phương Tây, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

-----------------------------------------------------

       [*] Lớp Cao học K1 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật