Tin tức – Sự kiện

Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của trường đại học

09 Tháng Tám 2018

Trường đại học có trách nhiệm giải trình đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý về cam kết chất lượng, công khai chỉ số kết quả hoạt động hàng năm, về báo cáo tài chính. Trường cũng phải giải trình về mức lương, thưởng, quyền lợi của lãnh đạo, quản lý nhà trường…
Đây là những nội dung mới thể hiện trong dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 8/8.

Tự chủ đại học là yêu cầu quan trọng số một được đề ra trong dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học

Đảm bảo cho đại học có quyền tự chủ tuyển sinh

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án luật, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình tập trung vào vấn đề tự chủ đại học.

Sau lần thảo luận tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2018, nhiều đại biểu Quốc hội góp ý các quy định về tự chủ đại học trên nhiều phương diện như hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự và tài chính, các nội dung đã được tiếp thu, đưa vào dự thảo luật.

Cụ thể, ban soạn thảo luật tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung quyền tự do về học thuật với ý nghĩa là quyền tự do theo đuổi chân lý khoa học của đội ngũ giảng viên đại học, thực hiện dân chủ hóa GDĐH; cần có quy định cởi mở, thông thoáng hơn trong mở ngành, tăng cường chủ động cho các trường; quy định rõ các điều kiện tuyển sinh, mở mã ngành và cơ chế kiểm tra, giám sát.

Điều 4, Điều 32, Điều 54 quy định tinh thần tự chủ bao hàm cả quyền tự do học thuật trong giảng dạy, nghiên cứu; quy định giảng viên được độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc bảo vệ và phục vụ lợi ích của nhà nước và xã hội.

Về tuyển sinh, dự thảo chỉnh lý quy định Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh, trong đó quy định rõ quyền tự chủ và chế tài nếu vi phạm, quy định đa dạng nguồn tuyển sinh trình độ đại học từ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp (nếu đủ điều kiện).

Về mở ngành, liên kết đào tạo, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung sửa Điều 33, 45 theo hướng các cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo (trừ các ngành thuộc thuộc lĩnh vực sức khoẻ, đào tạo giáo viên, an ninh quốc phòng) với các điều kiện theo quy định của pháp luật và trường phải đảm bảo quyền lợi cho người học; quy định phải thực hiện kiểm định điều kiện đảm bảo chất lượng trước khi khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp; quy định chế tài nếu vi phạm điều kiện mở ngành, liên kết đào tạo để đảm bảo chất lượng và quyền của người học…

Tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự được thể hiện ở những quy định được bổ sung để nâng cao vai trò của hội đồng trường, làm rõ hơn trách nhiệm của hội đồng trường; quy định chặt chẽ về mối quan hệ giữa hội đồng trường và ban giám hiệu; quy định rõ chủ thể chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo trong nhà trường thuộc Ban giám hiệu hay hội đồng trường.

Dự luật không còn quy định nhiệm kỳ, độ tuổi của Hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường mà trao quyền cho Hội đồng trường quyết định. Luật đưa vào quy định đặc thù về tiêu chuẩn Hiệu trưởng trong một số trường hợp để khuyến khích nhân tài.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu quy định giao quyền cho nhà trường trong việc tuyển chọn và bổ nhiệm giảng viên vào các ngạch, bậc từ giảng viên đến giảng viên cấp cao (PGS, GS) theo các tiêu chuẩn cơ bản do Chính phủ ban hành.

Bắt buộc đại học công khai học phí, chất lượng đào tạo

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội (thứ 3 từ phải sang) báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật

Tự chủ về tài chính, tài sản, nhiều ý kiến đề nghị giữ lại thuật ngữ học phí; cân nhắc quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết tỉ lệ tài sản được sử dụng để liên kết kinh doanh; có chính sách học bổng hỗ trợ sinh viên khi thu học phí cao; cụ thể hóa tiêu chí về đổi mới cơ chế tài chính và quy định rõ chế tài khi bên cung ứng dịch vụ không bảo đảm được chất lượng đối với sản phẩm đào tạo…

Ban soạn thảo bỏ quy định về việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết tỉ lệ tài sản được sử dụng để liên kết kinh doanh, cơ sở đào tạo chỉ sử dụng tài sản công để liên kết kinh doanh khi chưa sử dụng hết công suất; đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về trách nhiệm giải trình, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định các cơ sở GDĐH phải có trách nhiệm giải trình đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên liên quan. Nội dung giải trình là về việc thực hiện các quy định, các cam kết về đảm bảo chất lượng GDĐH; thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo công khai chỉ số kết quả hoạt động hàng năm của trường.

Trường đại học cũng cần thực hiện kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán hàng năm của đơn vị, kiểm toán đầu tư và mua sắm; giải trình về mức lương, thưởng và các quyền lợi khác của các chức danh lãnh đạo, quản lý nhà trường; giải trình các yêu cầu của cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Luật buộc thực hiện công khai về chất lượng GDĐH trên trang thông tin điện tử của trường; công bố công khai mức thu học phí, mức thu thu phí dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho từng năm học và cho cả khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc, trách nhiệm, dày công tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với dự án luật và đến nay dự án Luật đã nhận được sự đồng thuận cao và UB Thường vụ Quốc hội cũng đồng thuận trình dự án luật ra kỳ họp thứ 6 tới của Quốc hội để thông qua.

Đề cập đến các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị dự án luật cần làm rõ hơn các loại hình cơ sở giáo dục do nhà nước quản lý đầu tư; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học; phân cấp và giao quyền tự chủ cho các trường đại học; vai trò của các hội đồng trường; vấn đề học phí đại học; chất lượng đào tạo đại học; tiêu chuẩn giáo viên;...

“Sau phiên họp này, chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa đối với dự án Luật, sau đó xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và trình ra kỳ họp thứ 6 để xin ý kiến Quốc hội thông qua” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu.

(Nguồn: P.Thảo - http://dantri.com.vn)