Nội san

Phương pháp dạy học Thanh nhạc cho giọng nam trung hệ đại học Sư phạm Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

09 Tháng Tám 2018

Ngô Quốc Khánh [*]

Nghệ thuật Thanh nhạc châu Âu được hình thành và phát triển từ thời trung cổ. Trải qua nhiều thế kỷ, nghệ thuật thanh nhạc đã có những bước chuyển mình lớn như: phân chia từng thể loại giọng hát, đề ra phương pháp đào tạo thanh nhạc với những kỹ thuật hát cao và mang tính khoa học. Đặc biệt, trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ XIV - XVI) ở châu Âu đã từng bước hình thành những trường âm nhạc - đào tạo thanh nhạc có hệ thống với chương trình học cụ thể và thời kỳ này giọng hát chia thành nhiều loại như: Nữ cao, nữ trung, nam cao, nam trầm và cũng đã có sự phân biệt âm vực, cộng minh của từng loại giọng. Từ đó có những phương pháp dạy phù hợp cho từng loại giọng hát khác nhau.

  1. Đặt vấn đề

Nền nghệ thuật thanh nhạc đã đạt được nhiều thành tựu lớn mạnh và ở Ý đã hình thành những trường phái (opera) thanh nhạc khác nhau như: Opera Floren, Opera Roma, Opera Venice Claudio Monteverdi, Opera Napoli... Trong những vở diễn (nhạc kịch) các nhạc sĩ sáng tác luôn nghiên cứu những đoạn thoại, âm vực phù hợp với từng nhân vật, đồng thời khai thác triệt để khả năng của giọng hát.

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong quá trình đào tạo cũng đã góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển nghệ thuật thanh nhạc chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp ở Việt Nam. Nhà trường cũng có nhiều sinh viên giành được giải cao trong các cuộc thi âm nhạc toàn quốc như: Sao Mai, Giọng hát hay Hà Nội,... Tuy nhiên trong giảng dạy thanh nhạc, nhà trường vẫn còn một số bất cập, dẫn đến quá trình giảng dạy vẫn còn hạn chế. Trong thực tế giảng dạy, giảng viên giao bài không phù hợp với chất giọng, khi giảng dạy giảng viên không dạy kỹ thuật đúng cho từng loại mà chỉ yêu cầu thuộc bài chứ chưa thật sự chú trọng tới yêu cầu riêng của mỗi loại giọng hát, không nghiên cứu về tính chất của mỗi loại giọng hát, đặc điểm hát dẫn đến hiệu quả giảng dạy chưa cao.

            2. Một số phương pháp dạy học thanh nhạc cho giọng nam trung, hệ ĐHSP Âm nhạc

            2.1. Phương pháp thực hành luyện tập kỹ thuật cơ bản

            Tư thế trong ca hát

Tư thế đứng thẳng trong ca hát là một trong những vấn đề được quan tâm đầu tiên bởi, ngoài việc tạo nên thẩm mỹ ngoại hình thì việc đứng thẳng còn giúp cho người hát không bị căng thẳng trong quá trình luyện tập, đối với những sinh viên mới việc đứng thẳng có thể nói là vấn đề rất khó để tuân thủ xuyên suốt giờ học.

            Thực hành luyện tập khẩu hình

            Khẩu hình trong thanh nhạc là một kỹ thuật cơ bản nhưng lại là một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng âm thanh cũng như thẩm mỹ khi hát và để có được một khẩu hình đẹp người thày phải hướng dẫn nhấc khẩu hình giống ngáp ngủ, lúc này hàm ếch mềm và lưỡi gà sẽ nhấc lên cao, cảm giác cơ mặt hàm trên được treo lên trán đồng thời buông lỏng hàm dưới

            Hơi thở

Người nghệ sĩ có hơi tốt sẽ truyền tải được hết nội dung tác phẩm một cách triệt để, tuy nhiên hơi thở trong ca hát và hơi thở khi nói lại có sự khác biệt rõ rệt bởi, khi nói ta chỉ cần lấy một hơi thở nhẹ nhàng ở ngực để diễn đạt câu nói cho vừa đủ với người nghe còn hơi thở trong ca hát đòi hỏi người học phải có một hơi thở sâu, đầy đặn để điều khiển âm lượng, trường độ, cao độ theo ý đồ của tác giả nhưng quan trọng hơn cả là làm rõ được ý nghĩa trong mỗi câu hát.

            2.2. Những cách hát kỹ thuật khác nhau và giải pháp sử dụng mẫu luyện thanh cho giọng nam trung hệ ĐHSP Âm nhạc

            Luyện tập kỹ thuật hát liền tiếng (legato)

            Kỹ thuật hát liền tiếng (legato) là kỹ thuật cơ bản, kỹ thuật này đòi hỏi âm thanh phải đi liền bậc không được ngắt quãng từ âm nọ sang âm kia, không bị đứt đoạn để đảm bảo được yếu tố vang, sáng, tròn đầy với những bài hát trữ tình, êm ái hay những tác phẩm mang tính chất kịch kính. Để việc luyện tập kỹ thuật hát liền cho giọng nam trung (baritone) năm thứ nhất chúng ta cần cho các em luyện tập các mẫu âm quãng 3, quãng 5 và quãng 6.

Ví dụ:

Đây là mẫu âm quãng 3 có giai điệu đi xuống liền bậc, mềm mại, thuận lợi cho quá trình điều tiết hơi thở và cảm nhận vị trí âm thanh và phù hợp với sinh viên năm thứ nhất cũng như luyện hơi thở với tốc độ chậm cho những năm học sau.

            Luyện tập kỹ thuật hát ngắt tiếng (Non legato)

            Nếu như kỹ thuật liền tiếng (legato) đòi hỏi các từ phải liên kết hay còn gọi là quyện với nhau thì hát ngắt tiếng (non legato) lại yêu cầu hát linh hoạt, các từ không được dính với nhau và kỹ thuật này thường được dùng trong những bài hát vui, linh hoạt, nhảy múa.

Ví dụ:

        

  Trước khi thực hiện kỹ thuật này giảng viên phải hướng dẫn sinh viên thả lỏng cơ thể, không được căng vai, gáy, ngực, cơ bụng, âm thanh phát ra đảm bảo về độ vang tròn, đầy đặn.            

            2.3. Lựa chọn và giao bài

Thanh nhạc 01: Giao bài dựa trên âm vực được coi là hợp lý nhất với sinh viên năm thứ nhất, chúng ta nên chọn những bài có âm vực trên một quãng tám để các em làm quen với âm thanh đúng của nghệ thuật thanh nhạc chuyên nghiệp (hơi thở, tư thế, cơ quan phát âm và những mẫu câu luyện tập cơ cơ bản) người học sẽ không bị căng thẳng khi hát nên sẽ thuận lợi cho việc phát triển âm vực cũng như âm thanh như: Hà Nội một trái tim hồng - Nguyễn Đức Toàn, Dâng Người tiếng hát mùa xuân - Nguyễn Văn Thương, Tổ quốc - Dân ca Nga, Đôi bờ - Nhạc: A. Espai, Lời: G. Poogi ênhian…

Thanh nhạc 02: Năm thứ hai các bạn đã nắm bắt được kỹ thuật cơ bản, bắt đầu mở rộng âm khu tự nhiên do đó những bài hát được giao có thể từ quãng 9, quãng 10, quãng 12, 13 như bài: Cây thùy dương - Nhạc: E. Rôđưghin, Lời: M. Pilipencô, Con đom đóm - Zeeoocghi, Hoa anh đào - Bài hát Nga, Bài ca bên cánh võng - Nguyên Nhung, Xa rồi mùa đông - Nguyễn Nam…

Thanh nhạc 03: Đây là năm quan trọng để phát triển giọng hát, các em đã luyện tập những kỹ thuật legato, staccato, hát nhanh. Lúc này giọng hát được phát triển gần mức tối đa, những bài hát phù hợp với giọng hát như: Tôi là người thợ lò - Hoàng Vân, Lá đỏ - Hoàng Hiệp, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam - Chu Minh, Đừng hát người đẹp ơi - M.Glinka, Lẽ nào tôi quên - M. Glinka… Đối với những sinh viên có khả năng vượt trội chúng ta có thể chọn lọc một số bản aria hay những bài hát thời kỳ trung cổ phù hợp với các em như: Dimmi - Arcangelo Leuto, Aria di chiesa - A. Stradella…

Thanh nhạc 04: Là thời điểm người học củng cố mọi kỹ thuật đã học để thi tốt nghiệp do đó người thầy phải lựa chọn bài sao cho phát triển hết khả năng của người học là điều tất yếu như tác phẩm: Bình Trị Thiên khói lửa - Nguyễn Văn Thương, Lì và Sáo - Văn Chung, Mang hình Bác chúng ta lên đường - Cao Việt Bách, O sole mio - E. Capua…

            3. Kết luận

Trải qua nhiều thế kỷ, nghệ thuật Thanh nhạc đã có những bước chuyển mình lớn, phân chia từng thể loại giọng hát, với nhiều phương pháp đào tạo thanh nhạc, những kỹ thuật hát cao và mang tính khoa học, đã từng bước hình thành những trường âm nhạc - đào tạo thanh nhạc có hệ thống với chương trình học cụ thể và giọng hát chia thành nhiều loại như: Nữ cao, nữ trung, nam cao, nam trầm, phân biệt âm vực, cộng minh của từng loại giọng, từ đó có những phương pháp dạy phù hợp cho từng loại giọng hát khác nhau.

Đối với môn Thanh nhạc, ngoài kỹ thuật hát liền giọng (legato) kỹ thuật hát ngắt tiếng (non legato) lại đóng một vai trò quan trọng trong quá trình khắc phục những giọng hát mờ yếu, hơi thở nông, khẩu hình không linh hoạt bằng những mẫu câu có giai điệu đi từ trên xuống, những mẫu câu này còn góp phần vào việc mở rộng âm khu rất hiệu quả. Luyện tập kỹ thuật hát nhanh để tạo sự linh hoạt, uyển chuyển nhưng trong đó đều được vận dụng kỹ thuật hát ngân, phóng to thu nhỏ..., kỹ thuật đóng tiếng trong bài hát Việt Nam, nước ngoài nhằm nâng cao kỹ thuật chuyên ngành, phát triển kỹ năng trong nghệ thuật ca hát đối với người học. Từ cơ sở luyện tập kỹ thuật, xác định một số phương pháp lựa chọn bài học cho sinh viên phù hợp với khả năng của người học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học thanh nhạc cho sinh viên sư phạm âm nhạc một cách hiệu quả hơn.

Tài liệu tham khảo

1. Dương Viết Á (2000), Ca từ trong âm nhạc Việt Nam, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

2. Phạm Lê Hòa (2004), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

3. Đàm Minh Hưng (2014), Giảng dạy thanh nhạc cho giọng Nam cao hệ Đại học sư phạm âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Luận văn Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

4. Mai Thị Xuân Hương (2009), Vấn đề giảng dạy ca khúc Việt Nam trong chuyên ngành thanh nhạc, Luận văn cao học Nghệ thuật Âm nhạc chuyên ngành, Nhạc viện Hà Nội.

5. Trần Thị Thu Hà (2012 - 2014), Dạy học phần Thanh nhạc theo học chế tín chỉ tại khoa Nghệ thuật Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc.

 6. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp Sư phạm Thanh nhạc, Nxb Viện Âm nhạc, Hà Nội.

7. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy Thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

8. Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam.

9. Lô Thanh (1996), Giáo trình Đại học Thanh nhạc 5 năm, Đại học nghệ thuật Huế, Nxb Viện Âm nhạc Hà Nội.

----------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K4 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc