Nội san

Nâng cao chất lượng dạy học Mỹ thuật cho lứa tuổi mầm non tại các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi

09 Tháng Tám 2018

Đoàn Thị Thu Hiền [*]

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện nay, nhu cầu học tập các môn năng khiếu cho các em ngày càng gia tăng. Các cung thiếu nhi, nhà văn hóa, các trung tâm nghệ thuật… ngày càng mở rộng cả về quy mô lẫn hình thức học tập. Trong các môn năng khiếu thì Mỹ thuật là môn học được nhiều bậc phụ huynh quan tâm và là lựa chọn của nhiều học sinh. Đặc biệt lứa tuổi mầm non tham gia học tập môn Mỹ thuật tại các trung tâm văn hóa ngày càng tăng. Chính vì vậy mà biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học cho lứa tuổi mầm non đã và luôn được thực hiện ở nhiều cấp học cũng như ở các trung tâm văn hóa và các nhà thiếu nhi. Tuy nhiên, thay đổi chương trình và phương pháp dạy học như thế nào cho phù hợp với lứa tuổi, phù hớp với điều kiện của từng trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi là bài toán cần được giải đáp.

Việc dạy và học Mỹ thuật như thế nào để phát huy những kĩ năng, tính sáng tạo, niềm đam mê với môn học, xây dựng thị hiếu thẩm mỹ, thu hút được đông đảo học sinh tham gia là điều mà bất kì trung tâm, nhà thiếu nhi nào cũng muốn hướng đến. Thế nhưng, thực tế việc dạy và học Mỹ thuật tại đây đang diễn ra khá lung túng với chương trình tự biên soạn và bài toán dạy làm sao vừa kế thừa và phát triển chương trình học tại các trường mầm non vừa phải làm mới chương trình tạo hứng thú cho học sinh. Theo những nghiên cứu và kinh nghiệm giảng dạy của tác giả ở các trường mầm non và các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi thì đa số việc dạy học mỹ thuật chỉ dừng lại ở việc dạy vẽ là chính. Một số ít trường và trung tâm, nhà thiếu nhi có đưa chương trình tạo hình vào nhưng bài học vẫn còn hạn chế, chưa phong phú. Có rất nhiều lí do dẫn đến tình trạng này như do thời gian học hạn chế chỉ có 30- 35 phút ở các trường mầm non, lượng học sinh học khá đông, thiếu giáo cụ trực quan…

Muốn giải bài toán này chúng ta cũng cần phải hiểu về đặc điểm tạo hình của trẻ mầm non, nắm được nhiệm vụ của môn Mỹ thuật cho lứa tuổi mầm non tại các trung tâm và nhà thiếu nhi. Hoạt động tạo hình là một hoạt động phát triển nhiều kĩ năng của trẻ như: Vẽ, nặn, cắt, dán, in, dập… từ nhiều nguyên vật liệu và cách thể hiện khác nhau, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy sáng tạo và kích thích phát triển trí tưởng tượng. Nhưng trên thực tế thì chưa có nhiều trung tâm văn hóa hay nhà thiếu nhi phát triển hết các kĩ năng cho lứa tuổi mầm non. Từ những nghiên cứu, tác giả đã đề ra và thực nghiệm một số giải pháp cho vấn đề dạy học Mỹ thuật ở lứa tuổi mầm non tại các trung tâm văn hóa và nhà thiếu nhi như sau:

Thứ nhất, vấn đề quan trọng là xây dựng các chủ đề học tập

Các trung tâm văn hóa và nhà thiếu nhi là nơi bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh với các độ tuổi khác nhau. Không có sẵn chương trình đào tạo như sách giáo khoa trong nhà trường, chủ yếu chương trình giáo viên tự biên soạn. Chính vì vậy, biện pháp này được thực hiện nhằm giúp cho giáo viên Mỹ thuật dễ tiếp cận nghiên cứu, đưa ra những bài học cụ thể phù hợp với lứa tuổi cũng như đặc điểm của học sinh để từng bước nâng cao chất lượng dạy học mỹ thuật cho lứa tuổi mầm non tại các Trung tâm văn hóa, Nhà thiếu nhi. Xây dựng các chủ đề học tập là một đề xuất quan trọng. Để xây dựng các chủ đề phong phú chúng tôi cũng nghiên cứu các sản phẩm vẽ, tạo hình cho trẻ mầm non có thể tạo ra từ đâu, để từ đó làm cơ sở thiết kế các bài học phong phú. Sản phẩm vẽ và tạo hình cho trẻ mầm non được tạo ra từ rất nhiều nguyên liệu, cách thể hiện phong phú như:

Sử dụng các bộ phận trên cơ thể, phối hợp cùng màu nước để tạo hình cho sản phẩm: In hình ngón tay, bàn tay, bàn chân từ màu nước, kết hợp vẽ họa tiết để tạo thành sản phẩm hoàn thiện.

Sử dụng màu nước và hình khối để tạo sản phẩm: Tạo hình sản phẩm từ màu nước, sợi chỉ, hòn bi nhúng màu, vẽ thêm chi tiết để hoàn thành sản phẩm. Tạo hình từ màu nước thông qua hoạt động thổi màu, di màu và vảy màu; thông qua việc tái sử dụng đồ dùng quen thuộc: Bàn chải, chai nước, quả bóng…

Tạo hình sử dụng nguyên vật liệu khác nhau như: Tạo hình từ đá, sỏi, lá cây, tạo hình từ giấy màu qua kỹ năng đan, gấp giấy, tạo hình từ vặn bóng, tạo hình từ đất nặn…

Từ cơ sở trên, thay vì mỗi tháng một chủ đề thì nay chúng tôi tiến hành thực nghiệm theo từng bài học cụ thể. Trước kia bài học thiết kế chủ yếu là vẽ theo chủ điểm như tháng 1 là tết và mùa xuân, tháng 2 là thể thao nghệ thuật, tháng 3 là thực vật, tháng 4 là chủ đề con vật, tháng 5 về chủ đề quê hương đất nước… Chương trình bám sát theo trường mầm non bài học có nâng cao, mở rộng hơn. Sau khi nghiên cứu chúng tôi đã đưa ra giải pháp cụ thể sau:

Với chủ đề Vẽ phương tiện giao thông đường bộ sẽ tiến hành trong 3 tiết. Thay vì chủ đề Vẽ phương tiện giao thông đường bộ rồi đến đường thủy, đường sắt, đường không giống như trong trường mầm non, chúng tôi sẽ tiến hành dạy về Vẽ phương tiện giao thông đường bộ rồi đến tiết Văn hóa giao thông, tiếp đến là tạo hình phương tiện giao thông. Sau những tiết học về giao thông chúng tôi sẽ chuyển chủ đề khác như chủ đề con vật em yêu. Những bài học về đường sắt, đường thủy, đường không chúng tôi sẽ tiến hành dạy xoay vòng theo chương trình năm. Tùy từng chủ đề cụ thể, sẽ tiến hành phân phối từ 3 đến 5 tiết học. Các tiết tạo hình sẽ được nghiên cứu đưa vào cho hợp lý và phong phú. Việc thay đổi này sẽ giúp các con không bị nhàm chán, giúp các con tiếp nhận hình ảnh sâu hơn, có thể phát triển nhiều kĩ năng trong học tập hơn.

 

       

           Nguyễn Vi Như Nguyệt

Học sinh lớp Vẽ 2 tại Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao Hà Đông. Bài Vẽ phong cảnh quê hương (Nguồn: tác giả, chụp ngày 15/6/2017)

    

                 Đoàn Quế Chi

Học sinh lớp Vẽ 2 tại Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao Hà Đông . Bài  Tạo mô hình nhà bằng giấy bìa (Nguồn: tác giả, chụp ngày 20/6/2017)

 

Thứ hai, xây dựng các hình thức tổ chức dạy và học

Từ thực tiễn dạy học Mỹ thuật cho lứa tuổi mầm non tại các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi chủ yếu áp dụng các phương pháp dạy học truyền thống, việc sử dụng các phương pháp mới chưa được ứng dụng nhiều. Chính vì vậy, biện pháp này được thực hiện nhằm giúp cho giáo viên Mỹ thuật từng bước lựa chọn sử dụng các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy học và đặc điểm của học sinh, từng bước nâng cao chất lượng dạy học Mỹ thuật cho lứa tuổi mầm non. Xác định các hình thức tổ chức dạy và học phù hợp với đặc điểm tâm  lí của học sinh, phù hợp với mục tiêu, nội dung, thời gian trong giờ học. Hình thức tổ chức dạy học là một yếu tố rất quan trọng tạo nên thành công của môn học. Tùy vào từng bài học cụ thể mà giáo viên sẽ đưa ra những hình thức học tập khác nhau. Hình thức học có thể học trong lớp, học tại xưởng sáng tạo, học ngoài trời, các bảo tàng… Môi trường học thay đổi cũng tạo ra cảm hứng cho trẻ.

          Vẽ ngoài trời - lớp vẽ 1 tại công viên Cầu giấy

                                                               (Nguồn: tác giả, chụp ngày 19/7/2017)

Nghiên cứu thời gian giảng dạy trong mỗi tiết học, phân bổ chương trình dạy học qua từng đề tài cụ thể; các hình thức tổ chức dạy và học cũng cần thay đổi. Đối với trẻ mầm non, áp dụng phương pháp học mà chơi, chơi mà học là hình thức học mang lại hiệu quả tối ưu. Các con đến lớp không mang một tâm lý là đi học mà là đi chơi, trải nghiệm. Khi đến lớp các con vừa tham gia trò chơi, vừa được xem những video vui nhộn, vừa được vẽ, được làm đồ theo ý tưởng riêng của mình sẽ đem lại nhiều hứng thú cho trẻ. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, gợi mở, không sử dụng hình thức áp đặt vào trong sản phẩm của trẻ. Để đạt hiệu quả cao trong quá trình đổi mới hình thức dạy và học, giáo viên cần nghiên cứu kỹ nội dung chương trình một cách sâu sắc để lựa chọn, xây dựng kế hoạch nội dung dạy học phù hợp và hiệu quả. Những nội dung dạy học cần phải tập trung phân tích về tính logic, về tâm lý, giáo dục, tính khả thi trong giờ dạy. Cần phải sắp xếp lịch học, phòng học phù hợp. Lên kế hoạch cụ thể về vấn đề đưa học sinh đi vẽ ngoài trời, trải nghiệm những hình thức học khác.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên Mỹ thuật

Giáo viên là người nắm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình dạy học. Năng lực dạy học của giáo viên tác động trực tiếp đến việc lựa chọn và vận dụng các hình thức tổ chức hoạt động dạy học, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của học sinh. Chính vì vậy, biện pháp này được thực hiện nhằm tiếp tục nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên Mỹ thuật tại các trung tâm văn hóa và nhà thiếu nhi, đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của việc dạy học nói riêng và yêu cầu của xã hội nói chung.

Các biện pháp trên có mối quan hệ tương trợ lẫn nhau. Điều quan trọng là giáo viên phải biết kết hợp được những biện pháp, để phát huy một cách tối ưu vào công tác giảng dạy.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Tiến Dũng (2001), Giáo trình dạy vẽ cho thiếu nhi, Cung thiếu nhi, HàNội.

2. Lê Đức Hiền (2005), Giáo trình tạo hình và phương pháp hướng dẫn trẻ mầm non hoạt động tạo hình, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

3. Hoài Nha dịch (2010), Mĩ thuật cho trẻ em, Nxb Dân Trí, Hà Nội.

4. Nguyễn Quốc Toản (2010), Giáo trình và phương pháp tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5. Nguyễn Ánh Tuyết (2003), Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, Nxb  Đại học sư phạm, Hà Nội.

________________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuậtnghệ  trình nghghệ thuật