Nghiên cứu lý luận

Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam

09 Tháng Tám 2018

Đinh Văn Tuần [*]

Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam là đơn vị sự nghiệp văn hóa có thu, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhà hát được thành lập từ năm 1951 với tên gọi là Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Qua nhiều lần thay đổi tên gọi, từ ngày 16 tháng 1 năm 2014 đến nay, nhà hát được mang tên là Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Hiện nay, nhà hát là một trong những đơn vị nghệ thuật biểu diễn tiêu biểu trong cả nước. Nhiều nghệ sĩ, chương trình, tiết mục của nhà hát đã đạt các giải cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế.

1. Khái quát về Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam

Là đơn vị sự nghiệp văn hóa có thu, cơ cấu tổ chức của nhà hát, gồm: Lãnh đạo (Giám đốc và các Phó Giám đốc); Các phòng chức năng (bao gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Tổ chức sự kiện, Phòng Nghệ thuật); Các đoàn biểu diễn (bao gồm: Đoàn Ca, Đoàn Múa, Đoàn Nhạc); Ban Quản lý Không gian văn hóa Việt. Nhà hát hoạt động theo cơ chế tự chủ. Môi trường hoạt động này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho nhà hát trong biểu diễn nghệ thuật, trong công tác quản lý hoạt động.

2. Về quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nhà hát

Các nhà hát đều có chức năng hoạt động biểu diễn, do vậy ta thấy rằng quản lý hoạt động nhà hát là quản lý mọi mặt từ khâu nhân sự, tài chính, hoạt động maketing nghệ thuật, quảng bá, xây dựng chương trình, kịch bản, nội dung, tổ chức luyện tập cho các đoàn chuyên môn... để cho ra đời những sản phẩm nghệ thuật hiệu quả về chất lượng, nội dung nghệ thuật ngày càng cao, nhằm cuốn hút, đáp ứng nhu cầu khán giả, phù hợp với xã hội ngày càng phát triển, từ đó có thể mở ra nhiều hướng đi mới trên con đường phát triển của mỗi nhà hát. Nội dung quản lý của nhà hát gồm:  

Quản lý hoạt động hành chính các phòng, đoàn nhằm tổ chức, quản lý lực lượng biểu diễn nghệ thuật phục vụ cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Quản lý hoạt động chuyên môn tại các đoàn chuyên môn bao gồm các hoạt động như huấn luyện, tập luyện... nhằm chuẩn bị năng lực nghiệp vụ cho cán bộ, diễn viên, nghệ sĩ đủ năng lực phục vụ hoạt động biểu diễn.

Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Quản lý hoạt động tài chính là quản lý doanh thu từ các chương trình biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động khác, qua đó thấy được năng lực và hiệu quả kinh tế của hoạt động nghệ thuật. Hoạt động tài chính cũng là quản lý các khoản chi phục vụ chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Quản lý hoạt động maketing nghệ thuật nhằm tuyên truyền, quảng cáo đưa các hoạt động nghệ thuật của nhà hát đến với công chúng.

Tổ chức biểu diễn nghệ thuật là chức năng cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của Nhà hát. Những hoạt động biểu diễn nghệ thuật chính gồm:

Biểu diễn phục vụ yêu cầu chính trị của Đảng và Nhà nước

 Mỗi năm nhà hát tổ chức từ 30 đến 35 chương trình phục vụ các ngày lễ lớn hoặc các sự kiện quan trọng diễn ra trong nước cũng như các sự kiện quốc tế lớn do Việt Nam đăng cai tổ chức. Đây là những chương trình nghệ thuật biểu diễn lớn, huy động sự tham gia của rất nhiều nghệ sỹ, hoành tráng và tạo ấn tượng tốt đối với người xem.

 Biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa và phục vụ các mục đích từ thiện xã hội

Hàng năm, nhà hát đều tổ chức các đợt lưu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hay hải đảo. Nhà hát phối hợp tổ chức các chương trình biểu diễn gây quỹ ủng hộ người nghèo, người khuyết tật hoặc ủng hộ đồng bào khu vực bị thiên tai tàn phá. Những buổi biểu diễn này hoặc là hoàn toàn miễn phí khi phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa hoặc bán vé thu tiền để đóng góp vào các quỹ từ thiện, xã hội, ví dụ: những buổi biểu diễn Hơi ấm mùa đông (2016), Chương trình thiện nguyện ủng hộ đồng bào tại Trạm Tấu - Nghĩa Lộ, Yên Bái bị sạt lở đất (2017)…

Trung bình hàng năm nhà hát tổ chức hơn 30 buổi biểu diễn miễn phí phục vụ vùng sâu, vùng xa và phục vụ các hoạt động xã hội, từ thiện.

Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ văn hóa đối ngoại

Từ nhiều năm nay, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam luôn là lựa chọn hàng đầu để được giao chủ trì hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ công tác đối ngoại của nhà nước.

 Nhà hát có nhiều đóng góp trong các hoạt động văn hóa đối ngoại như Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ (2013), Những ngày văn hóa Việt tại Hàn Quốc, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Pháp, Mexico... (từ 2012 đến 2017), Chương trình hữu nghị Việt - Lào (2017); các hoạt động xúc tiến quảng bá văn hóa du lịch Việt Nam ở các địa bàn khác nhau trên thế giới.

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, Việt Nam đăng cai nhiều hoạt động quốc tế có quy mô lớn và quan trọng như các Hội nghị cấp cao ASEAN; Hội nghị Á - Âu, Hội nghị APEC, Hội nghị Liên minh Quốc hội… các liên hoan văn hóa nghệ thuật, các chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam, các đại hội thể thao khu vực và quốc tế… Trong các hoạt động đó, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đều tích cực tham gia phục vụ các sự kiện này.

 Đây là những hoạt động được nhà nước đặt hàng và cấp ngân sách để nhà hát thực hiện. Bên cạnh đó, nhà hát cũng tạo ra nguồn thu dù rất khiêm tốn từ các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở nước ngoài. Ví dụ, trong nhiều năm, nhà hát đã ký hợp đồng biểu diễn nghệ thuật Việt Nam tại nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc hay phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở Đông Bắc Thái Lan. Chính cơ chế tự chủ đã giúp nhà hát chủ động trong hoạt động đối ngoại của mình, vừa đảm bảo phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ của nhà nước vừa tạo cơ hội để quảng bá, giới thiệu về nhà hát ở nước ngoài.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật có doanh thu

Là đơn vị nghệ thuật đầu tiên của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cơ chế tự chủ, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng là đơn vị đi đầu trong các hoạt động biểu diễn có doanh thu. Nhà hát luôn năng động, sáng tạo trong xây dựng các chương trình nghệ thuật có sức hút khán giả và trong tiếp thị, tìm kiếm, mở rộng hợp tác với các đối tác khác nhau để tổ chức những chương trình, sự kiện biểu diễn nghệ thuật lớn, hoành tráng. Những chương trình nghệ thuật có thu chủ yếu của nhà hát bao gồm: các chương trình nghệ thuật có bán vé của nhà hát; các chương trình từ đơn đặt hàng của các bộ ngành và địa phương (Chương trình Đồng Lộc - Cõi thiêng bất tử; Chương trình biểu diễn Hoa phượng đỏ - Hải Phòng; chương trình Lễ hội cà phê Buôn Mê thuột; chương trình Lễ hội Trà Quốc tế Thái Nguyên;…). Tại “Không gian Văn hóa Việt” số 16 Lê Thái Tổ - Hà Nội, nhà hát đã xây dựng một sân khấu Thủy Đình để biểu diễn rối nước. Ngoài ra, có thể thay đổi sân khấu này để biểu diễn các chương trình ca, múa, nhạc và tạp kỹ.

3. Kết luận

Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu, uy tín và vị thế của một nhà hát mang tầm quốc gia. Nhiều thế hệ nghệ sĩ nơi đây nổi tiếng qua các thời kỳ và được khán giả mến mộ. Hàng loạt chương trình nghệ thuật của nhà hát được khán giả đánh giá cao bởi chất lượng nghệ thuật với phong cách sân khấu hiện đại, dàn dựng công phu, hấp dẫn với những điểm nhấn thu hút khán giả.

Nhà hát xây dựng những chương trình biểu diễn có doanh thu với chất lượng nghệ thuật cao, hấp dẫn khán giả; tăng cường ký kết các hợp đồng biểu diễn với các đối tác; năng động trong việc đa dạng hóa các loại hình biểu diễn để thu hút khán giả.

Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như: nhận thức về công tác quản lý hoạt động nhà hát trong đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ chưa toàn diện và sâu sắc; các nghị định, quy định về đơn vị sự nghiệp công lập thiếu những văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể nên nhà hát chưa được hoàn toàn tự chủ về công tác nhân sự, tổ chức; Nhà hát chưa có điều kiện giao lưu với các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nghề nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát cần có những giải pháp cụ thể với những định hướng: đảm bảo tính đồng bộ, tính phù hợp, tính thực tiễn, tính kế thừa và sự thống nhất giữa vai trò của người quản lý với cán bộ, nhân viên nhà hát.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014), Quyết định 510/QĐ-BVHTTDL ngày 4/3/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Nhà hát NTĐĐVN.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2015), Quyết định 12/QĐ-BVHTTDL ngày 06/1/2015 về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên thuộc BVHTTDL.

3. Chính phủ (2002), Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/1/2002 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.

4. Chính phủ (2012), Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 9 tháng 8 năm 2012 về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công lập.

5. Chính phủ (2015), Nghị định số 16/2015 NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

________________________

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa