Nội san

Tăng cường quản lý để bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội đình Phụng Pháp, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng

10 Tháng Tám 2018

                                                                                                                                       Vũ Thị Tuyết Mai [*]
Lễ hội là một hoạt động tập thể mang tính cộng đồng. Bất kể là lễ hội nông nghiệp, lễ hội lịch sử hay lễ hội tôn giáo suy tôn các vị thần linh hoặc anh hùng dân tộc thì các lễ hội ấy bao giờ cũng là lễ hội của một cộng đồng; biểu dương các giá trị văn hoá và sức mạnh của cộng đồng trên mọi bình diện. Bởi vậy, tính cộng đồng và cố kết cộng đồng là nét đặc trưng và là giá trị văn hoá tiêu biểu nhất của lễ hội truyền thống. Lễ hội đình Phụng Pháp cũng góp phần tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến đời sống tâm linh, đến việc hun đúc tâm hồn tính cách con người Việt Nam nói chung, người dân Đằng Giang nói riêng.
Phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng là địa phương có 02 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, 01 di tích xếp hạng cấp thành phố, 02 lễ hội nổi bật thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, dâng hương. Năm 2018, lễ hội đình Phụng Pháp là một trong những lễ hội lớn nhất của địa phương diễn ra trang trọng, tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.
Lễ hội đình Phụng Pháp, phường Đằng Giang cũng như những lễ hội truyền thống khác là loại hình sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Người Việt Nam từ lâu đã có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Lễ hội là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu đó của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị “Thần” - những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Hình tượng vua Ngô Quyền và các vị thần linh đã hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người. Đó là những anh hùng chống giặc ngoại xâm; những người khai phá vùng đất mới, tạo dựng nghề nghiệp; những người chống chọi với thiên tai, trừ thú ác; những người chữa bệnh cứu người; những nhân vật truyền thuyết đã chi phối cuộc sống nơi trần gian, giúp con người hướng thiện, giữ gìn cuộc sống hạnh phúc... Lễ hội đình Phụng Pháp, phường Đằng Giang là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức với Đức vua Ngô Quyền của cộng đồng, dân tộc. Lễ hội còn là dịp con người được trở về với nguồn cội tự nhiên hay nguồn cội của dân tộc đều có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người.
Lễ hội đình làng Phụng Pháp với các nghi lễ tâm linh, thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của nhân dân với người anh hùng dân tộc Ngô Quyền, với Thành Hoàng làng và các vị thần, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân được mạnh khỏe, bình yên, ấm no và hạnh phúc. 
Những năm gần đây, lễ hội đình Phụng Pháp có nhiều thay đổi. Trước đây các lễ hội chủ yếu là đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của cư dân cộng đồng, nhưng chính nhờ sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa đã giúp người dân sống xung quanh khu vực có di tích có điều kiện phát triển kinh tế hơn từ những hoạt động kinh doanh dịch vụ tại di tích đó. Phường Đằng Giang, ngoài đình Phụng Pháp còn có cơ sở tâm linh tín ngưỡng miếu thờ và cây đa 13 gốc, nghĩa trang liệt sỹ quận, nhà thờ Bác Hồ, Miếu An Đà (Miếu Hai Bà), đình Nam Pháp. Đây là các điểm đến hấp dẫn thu hút nhân dân và du khách đến thăm viếng rất đông. Đặc biệt là từ khi cụm di tích đình - chùa Phụng Pháp được công nhận là di tích cấp Quốc gia, số lượng du khách đến tham quan tăng đột biến, đã làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế địa phương. Hàng năm, từ 16 -18 tháng Giêng, nhân dân tham gia các hoạt động của lễ hội tưởng nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền rất đông vui, phấn khởi. 
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác quản lý, tổ chức lễ hội vẫn còn một số tồn tại, đó là:
Công tác tuyên truyền đã được tăng cường song vẫn còn nhiều người dân và du khách chưa hiểu rõ về nội dung, ý nghĩa, những giá trị văn hóa truyền thống do lễ hội mang lại. Một số người có tư tưởng đi lễ hội như là đi chơi, đi để cho biết, họ có những hành động thiếu văn minh, lịch sự khi tham dự lễ hội. Họ không quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Trong quá trình rước lễ, một số người tham gia còn nói chuyện riêng rất to, thậm chí trêu đùa nhau, ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm, thành kính của lễ hội.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ vẫn còn lộn xộn, các hộ còn lấn chiếm khuôn viên để xe nhằm kinh doanh dịch vụ hàng hóa. Ngoài ra, hiện tượng xả rác bừa bãi chưa được chấm dứt triệt để, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường nơi tổ chức lễ hội. Đó là những hạn chế gây khó khăn cho công tác quản lý lễ hội tại địa phương.
Để công tác quản lý lễ hội tại phường Đằng Giang nói chung, đình Phụng Pháp nói riêng, chính quyền địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lễ hội.
Thứ nhất, cần bảo tồn giá trị văn hóa đình Phụng Pháp: Phục dựng lại các hoạt động lễ hội, truyền dạy công tác tổ chức lễ hội, duy trì và phát triển các trò chơi dân gian truyền thống như bịt mắt bắt dê, đập niêu, thi nấu cơm... Đưa vào quy ước xây dựng Tổ dân phố văn hóa gắn với việc giữ gìn cảnh quan di tích, xây dựng nếp sống văn minh trong tham gia lễ hội. 
Thứ hai, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất phục vụ lễ hội. Ủy ban nhân dân phường quan tâm đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư cho công tác tổ chức lễ hội. Đây là một trong những hoạt động nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc, các anh hùng - nhân vật có thật trong lịch sử được nhân dân tôn thờ là thành hoàng làng.
Sắp xếp vị trí các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm, trò chơi, đồ chơi trẻ em trong quá trình diễn ra lễ hội theo đúng kế hoạch nhằm đảm bảo không gian tổ chức lễ hội, đồng thời cũng tăng thêm nguồn thu nhập cho nhân dân địa phương. Kiên quyết xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh các trò chơi không lành mạnh, các hoạt động tự phát, chất lượng dịch vụ không đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, ảnh hưởng đến những giá trị truyền thống của địa phương tại lễ hội. 
Thứ ba, tăng cường việc quảng bá về lễ hội. Các hình thức và nội dung tuyên truyền cần phong phú, đa dạng, tạo sức hút đối với người xem. Trong dịp tổ chức lễ hội, các tổ dân phố tuyên truyền trong các cuộc họp của các ban ngành, đoàn thể trong tổ dân phố, tuyên truyền trên bảng tin. UBND phường tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, trang website của phường, các trường học; Ban quản lý di tích của phường tuyên truyền bằng pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu... trên các tuyến đường và khu vực diễn ra lễ hội.
Tăng cường về nội dung, thời gian phát thanh về ý nghĩa của lễ hội gắn với giới thiệu về thân thế sự nghiệp, công trạng của các nhân vật được thờ tại di tích, thời gian tổ chức lễ hội để nhân dân và du khách được biết và tham gia lễ hội. Thường xuyên tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn hóa, cách ứng xử văn minh, hành vi lối sống trong khi tham gia lễ hội.
 Thứ tư, đẩy mạnh công tác quản lý dịch vụ lễ hội. Bất cứ hoạt động nào trong lễ hội cũng phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Các sản phẩm bày bán phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đủ tiêu chuẩn theo quy cách sản phẩm. Các mặt hàng phải được phép kinh doanh, các hoạt động kinh doanh dịch vụ phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép buôn bán, kinh doanh. Hệ thống loa truyền thanh tại lễ hội thường xuyên phổ biến các nội quy, quy chế của lễ hội và các văn bản liên quan đến việc chỉ đạo tổ chức lễ hội.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo vệ sinh môi trường cần được duy trì trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.
Thứ năm, quan tâm đến việc huy động nguồn xã hội hóa để tổ chức lễ hội. Di sản văn hóa phi vật thể là truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc, của nhân dân địa phương. Nhân dân giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì, phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội. Để việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ấy, cơ quan quản lý cần huy động sự góp sức của cộng đồng dân cư để duy trì và phát triển nền văn hóa nói chung và các giá trị của lễ hội nói riêng.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh kiểm tra trong lễ hội: Xây dựng kế hoạch tăng cường việc giám sát, kiểm tra thường xuyên đối với lễ hội. Bổ sung các văn bản quản lý làm cơ sở pháp lý cho các chủ thể kinh doanh dịch vụ văn hóa tự điều chỉnh hành vi hoạt động của mình cũng như điều chỉnh các hành vi của cơ quan quản lý nhà nước. 
Kiện toàn đội ngũ thanh tra, giám sát của ngành từ thành phố đến cơ sở: Tăng cường bổ sung, bố trí lực lượng tham gia đoàn kiểm tra có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trang bị phương tiện, kỹ thuật cho công tác kiểm tra và chi mức bồi dưỡng cho cán bộ tham gia kiểm tra, có chế độ động viên, khuyến khích kịp thời bằng các hình thức khen thưởng.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên ngành trong quản lý lễ hội: Cơ quan quản lý nhà nước, công an, quản lý thị trường, thanh tra Sở văn hóa... giúp cho công tác kiểm tra đạt chất lượng và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
1. Đào Duy Anh (1932), Hán Việt từ điển (tái bản 1990), Nxb Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
2. Đào Duy Anh (1951), Hán Việt từ điển, Nxb Minh Tân Pari - Pháp.
3. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn học Nghệ thuật, Hà Nội.
4. Tiếp cận vấn đề kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể - Tạp chí số (3) 24/2008.
5. Chính phủ (2010),  Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
6. Nguyễn Đức Giang, Trịnh Minh Hiên, Đồng Hồng Hoàn (2013), “Thành hoàng làng Hải Phòng”, Nxb Từ điển Bách khoa Hà Nội.
7. Cao Đức Hải (2011), Quản lý lễ hội và sự kiện, Nxb ĐH Quốc gia, Hà Nội.
8. Phạm Văn Linh, Một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của Việt Nam, Nxb chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội - 2016.
9. Quận Ngô Quyền, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị số 27-CT/BCT và Chỉ thị 15-CT/TU về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn Quận Ngô Quyền.
10. Lê Thanh Tùng, Lễ hội cổ truyền cư dân ven biển Hải Phòng và sự biến đổi trong giai đoạn hiện nay, Luận án tiến sỹ Văn hóa học, Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam, 2012, T.89.
11. Tạp chí số (4) 33/2010, Tăng cường nhận thức và biện pháp quản lý lễ hội (Một số ý kiến từ tiếp cận quản lý di sản văn hóa phi vật thể).
________________________
[*] Lớp Cao học k5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa