Nội san

Biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Đàn phím điện tử cho học sinh Trung cấp Sư phạm Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thái Bình

13 Tháng Tám 2018

                                                                  Nguyễn Thị Thanh Huyền [*] 

Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thái Bình đã có nhiều năm đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng Sư phạm Âm nhạc, cung cấp đội ngũ giáo viên dạy âm nhạc cho các trường Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS) trong địa bàn tỉnh và một số địa phương khác.

Về cơ bản, học sinh hệ Trung cấp (TC) Sư phạm Âm nhạc (SPAN) khi ra trường đáp ứng được yêu cầu dạy học môn âm nhạc ở các trường TH. Nhưng còn có một số hạn chế trong hoạt động ngoại khóa âm nhạc, trong biểu diễn văn nghệ, đó là khả năng đệm đàn phím điện tử. Để góp phần đào tạo học sinh hệ trung cấp Sư phạm Âm nhạc có năng lực tốt trong dạy học và tham gia vào các hoạt động nghệ thuật của nhà trường, chúng tôi đề xuất một số vấn đề về dạy học đàn phím điện tử.

1. Tài liệu sử dụng

Qua khảo sát thực tế, dạy học đàn phím điện tử cho học sinh hệ trung cấp Sư phạm Âm nhạc, tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thái Bình có các tài liệu sau đây: Sách hướng dẫn dạy và học đàn organ của Xuân Tứ tập 1, tập 2; Tuyển tập etude - Zerny; Những tác phẩm cổ điển cho đàn piano; Những tác phẩm độc tấu trên đàn organ của Le Vũ - Quang Đạt; Tác phẩm Việt Nam viết cho đàn organ của các tác giả.

Tuy những tài liệu dạy học ở trên, về cơ bản phù hợp nội dung chương trình, nhưng cần cập nhật thêm những tài liệu khác, đặc biệt các tài liệu hướng dẫn luyện kỹ thuật ngón, gam… của các tác giả nước ngoài và tài liệu soạn phần đệm cho ca khúc đã xuất bản. Chúng tôi đề xuất bổ sung những bài tập mang tính kinh điển về luyện ngón, luyện gam của tác giả nước ngoài trong một số sách và sách do các tác giả Việt Nam dịch, biên soạn về dạy học và soạn đệm ca khúc trên đàn phím điện tử: Charles-Louis Hanon C.L Hanon (1957), The Virtuoso Pianist Sixty Exercises, Nxb Carl Fischer, Inc Boston Harvard Dictionary of Music (1963), Nxb Harvard Univercity Press; Practical Exereises for Beginners, Op. 559, Nxb Văn nghệ - TP. Hồ Chí Minh - 2000; Leonard Vogler (Hoàng Phúc soạn dịch 1994), Từ điển các thế bấm các hợp âm soạn cho đàn Piano và Organ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh; Phạm Chỉnh (2001), Hướng dẫn thực hành phần đệm trên đàn Organ, Nxb Âm nhạc, Hà Nội; Xuân Tứ (2001), Giáo trình đệm đàn phím điện tử, Nxb ĐHSP TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh; Ngô Ngọc Thắng (2007), Organ thực hành - Những bản đệm đàn cho ca khúc tập 1,2, Nxb Âm nhạc, Hà Nội; Sơn Hồng Vĩ (2004), Tự đặt hợp âm cho đàn Guitar và Organ, Nxb Giao thông Vận tải, Hà Nội.

Những bài tập luyện ngón trong sách của tác giả Hanon dùng phát triển khả năng kỹ thuật, giúp học sinh tăng cường độ nhạy và phản xạ tự nhiên của các ngón tay, điều chỉnh được âm lượng và  tiết  tấu nhịp điệu khi diễn tấu đàn. Những âm hình tiết tấu thay đổi ở từng bài tập, giúp học sinh rất hiệu quả trong phát triển kỹ thuật luyện ngón. Những Etude trong các tài liệu bổ sung giữ vai trò quan trọng giúp học sinh nắm bắt các kỹ thuật để áp dụng khi thể hiện tác phẩm. Ngoài ra giáo viên cần giới thiệu cho học sinh tìm hiểu tuyển tập etudes cổ điển, của các tác giả C. Czerny, J.B. Crammer, C.L. Hanon, F. Burgmuller, S. Heller… được biên soạn với mục đích phát triển một dạng kỹ thuật nào đó nhằm phát triển kỹ thuật chơi đàn phím. Cùng với các tài liệu bổ sung, chúng tôi bổ sung các ca khúc viết về Thái Bình như Bài ca năm tấn (nhạc và lời: Nguyễn Văn Tý), Hai chị em (sáng tác: Hoàng Vân); Nắng ấm quê hương (nhạc và lời: Vĩnh An)… vào thực hành đệm và soạn đệm, trong dạy học đàn phím điện tử. Mục đích để học sinh thấy rõ những đặc điểm cơ bản về âm nhạc và lời ca của những ca khúc viết về Thái Bình, từ đó tự hào hơn, yêu quê hương hơn. 

2. Đổi mới hình thức tổ chức lớp và phương pháp dạy học

2.1. Đổi mới hình thức tổ chức lớp

Hiện tại dạy học đàn phím điện tử hệ TC SPAN tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thái Bình, một giờ lên lớp dạy 02 học sinh, một buổi dạy 05 tiết. Vì thời gian học cũng như thời lượng học rất ít, để khai thác triệt để thời gian quy định cho việc dạy học trên lớp, chúng tôi đổi mới hình thức tổ chức lớp như sau:

Tiết học cả lớp: Khi giới thiệu, hướng dẫn về một nội dung học mới gồm lý thuyết và thực hành, học sinh học tập trung cả lớp. Giáo viên giới thiệu, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng bằng thuyết trình, ứng dụng công nghệ thông tin, thị phạm. Học sinh nghe giảng và thực hành trên đàn.

Tổ chức hình thức học tập trung cả lớp với những nội dung mang tính chung, góp phần vào việc thay đổi hoạt động thường đơn lẻ của học sinh, tăng khả năng trao đổi, vấn đáp, phát huy tính chủ động, tích cực.

Tiết học theo nhóm: Học theo nhóm đã và đang thực hiện khi dạy đàn phím điện tử. Tuy nhiên các nhóm ở lớp chưa được phân theo khả năng, năng lực của học sinh. Thay đổi tổ chức nhóm bằng việc phân loại năng lực học tập của nhóm, có khả năng tương ứng nhau, sẽ làm cho từng cá nhân học sinh thấy tự tin hơn, thảo luận trao đổi học tập thuận lợi hơn, tiết học không lãng phí thời gian chung...

Tiết học cá nhân: Phương pháp dạy học truyền thống của môn học chủ yếu là thực hành một thày - một trò. Đây là hình thức tổ chức dạy học cơ bản, quan trọng nhất của dạy học đàn phím điện tử. Vì quỹ thời gian trên thực tế, song song với các hình thức tổ chức lớp học tập trung cả lớp, học theo nhóm, sẽ có nhiều hơn thời gian để tổ chức học cá nhân, một thày - một trò. Giảng viên tiếp cận từng học sinh dạy chi tiết từng nội dung.

2.2. Đổi mới phương pháp dạy học

Kết hợp lồng ghép một số nội dung môn Lý thuyết âm nhạc cơ bàn và môn Hòa thanh trong dạy đàn phím điện tử

Khi dạy học một nhạc cụ nào đó, người ta thường dạy cho người học nắm vững kiến thức nhạc lý cơ bản. Từ đó người học sử dụng kiến thức nhạc lý cơ bản trong học đàn. Tuy nhiên, chương trình đào tạo hệ TCSP Âm nhạc thời gian đào tạo ngắn, thời lượng môn Đàn phím điện tử có hạn, nếu không song song dạy các môn học trong khoảng thời gian hai năm, mục tiêu đào tạo sẽ không hoàn thành. Hiện tại, môn Đàn phím điện tử học song song môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản (sau là môn Hòa thanh), nên có vấn đề là học sinh không biết các khái niệm gam là gì, thậm chí chưa biết rõ vị trí nốt nhạc, giá trị trường độ các nốt nhạc trên khuông nhạc… trong các giờ học đàn đầu tiên, nên khá lúng túng khi học đàn. Chúng tôi đề xuất lồng ghép một số nội dung môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản và môn Hòa thanh trong dạy học môn Đàn phím điện tử. Ví dụ, để việc vừa chạy gam theo nội dung học đàn được tốt, cùng với việc hướng dẫn thực hành, giảng viên sử dụng công nghệ thông tin trình chiếu một số vấn đề về nốt nhạc, khuông nhạc… gam đô trưởng (C dur) trên màn hình. Giảng viên không đi sâu vào giảng giải, mà yêu cầu học sinh công nhận, sau đó có thể giảng giải thêm một số yếu tố liên quan đến học đàn…

2.3. Đổi mới cách dạy đệm và sọan đệm

Dạy đệm và soạn đệm còn một số hạn chế, nên chúng tôi hệ thống hóa các bước tiến hành đệm, soạn đệm, khái quát một số mẫu đệm, bổ sung một số hợp âm sử dụng cho ca khúc nhạc nhẹ, ca khúc mang chất liệu dân ca

          Ví dụ về hệ thống hóa các bước tiến hành đệm, soạn đệm:

         1. Nắm vững các tính năng, chức năng đàn.

         2. Xác định giọng, điệu. 

         3. Phân tích hình thức, cấu trúc.

         4. Đặt hợp âm cho ca khúc.

         5. Soạn dạo đầu, cầu nối, dạo giữa và kết.

         6. Chọn tiết điệu (Style) cho ca khúc.

         7. Chọn âm sắc (voice) phù hợp.

Những tài liệu soạn phần đệm cho ca khúc mà chúng tôi bổ sung, được biên soạn từ những vấn đề cơ bản nhất như cấu tạo của các hợp âm đến soạn đệm cho từng loại ca khúc mang tính trữ tình, tính hành khúc hay theo phong cách cổ điển hoặc theo phong cách nhạc nhẹ… Trong quá trình lên lớp giảng viên lựa chọn các bài học ở các tài liệu trên sao cho phù hợp, bổ sung thêm kiến thức cho học sinh. Đối với phần lý thuyết và hướng dẫn thực hành, giảng viên vừa giảng giải vừa phân tích thực hành, học sinh theo dõi làm theo và tự ghi vào vở các nội dung của bài học. Đối với các bài tập thực hành, học sinh được giảng viên giao bài và tự lựa chọn để thuận tiện trong việc học tập.

2.4. Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá

Trong kiểm tra, đánh giá giảng viên gợi mở để học sinh phản ánh những suy nghĩ và tự đánh giá năng lực học tập theo mục tiêu, học sinh không chỉ là người bị đánh giá mà còn là người được tham gia đánh giá. Học sinh tự nhận xét ưu điểm, hạn chế để điều chỉnh hoạt động học của bản thân.

Kết luận

Mỗi cơ sở đào tạo, mỗi đối tượng học, mỗi hệ đào tạo chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc đều có những vấn đề chung, đồng thời có những vấn đề riêng. Môn đàn phím điện tử không chỉ trong đào tạo chuyên, mà trong đào tạo Sư phạm Âm nhạc cần có thời gian học nhiều năm. Nhưng đào tạo hệ TCSPAN ngắn (2 năm), chương trình học vì thế phải bố trí nhiều môn học song song (Lý thuyết âm nhạc, Hòa thanh học song song đàn..). Trên cơ sở thực tế dạy học môn Đàn phím điện tử hệ Trung cấp Sư phạm Âm nhạc, tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thái Bình, chúng tôi phát huy những ưu điểm và tìm những biện pháp khắc phục những hạn chế.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, dự án Việt - Bỉ, Nxb Đại học Sư phạm,
Hà Nội.

2. Hoàng Long - Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm.

3. Phạm Viết Vượng (2005), Lí luận giáo dục, Nxb Đại học Sư phạm.

________________________
[*] Lớp Cao học k6 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc