Nội san

Đoàn chèo Hải Phòng - 60 năm một chặng đường

13 Tháng Tám 2018

Ngô Thị Vân Anh [*]

 

Đoàn Chèo Hải Phòng ra đời ngay sau khi hòa bình lập lại năm 1954,  Ban Tuyên huấn Khu ủy Tả Ngạn ra quyết định thành lập Đội Văn công Sông Hồng, ngay sau đó đổi thành Đoàn Văn công nhân dân khu Tả Ngạn, rồi Đoàn Chèo nhân dân khu Tả Ngạn. Tháng 8 năm 1963 sáp nhập với Đoàn Chèo Kiến An và từ đó mang tên Đoàn Chèo Hải Phòng. Những cái tên buổi sơ khai cho thấy nguồn cội hình thành, phạm vi hoạt động và nhiệm vụ được giao là rất lớn.

Khi mới hình thành, Đoàn chỉ vỏn vẹn có 16 thành viên, vận chuyển bằng xe thồ, xe ba gác, biểu diễn dưới ánh đèn măng - xông. Năm 1957 đoàn có 40 thành viên. Từ năm 1960 đến 1964, số thành viên đã lên đến gần 60 người. Đội ngũ diễn viên được truyền dạy nghề từ các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, tiếp thu được những tinh hoa của nghệ thuật Chèo. Năm 1961, Đoàn vinh dự được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Tham dự hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn miền Bắc năm 1962 với vở chèo “Bài ca chính khí” đạt HCB, giành được 7 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Vàng cá nhân, gây được tiếng vang, khẳng định trình độ nghệ thuật và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng.  

Mặc dù trong điều kiện Đoàn khó khăn nhưng những tác phẩm nghệ thuật vẫn liên tục được xây dựng, nhằm ca ngợi lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc, đức hy sinh và lòng nhân ái: “Người con gái Sông Cấm”, “Tấm vóc đại hồng”, “Trên trận địa màu xanh”, “Bài thơ đầu sóng”,... còn để lại âm hưởng mãi không phai mờ. Cũng từ đó, một lớp nghệ sĩ mới được khẳng định về tài năng nghệ thuật như: Ngọc Quỳnh, Huy Đông, Hồng Minh, Thanh Mai, Thúy Chinh, Đỗ Quyên, Kim Oanh,.. Đặc biệt, Đoàn Chèo Hải Phòng luôn có một đội ngũ sáng tạo nghệ thuật vững vàng. Từ tác giả và đạo diễn đàn anh Phan Tất Quang đến tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn Nguyễn Công Mỹ, nhạc sĩ Tuấn Hải,... đã có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phát triển nghệ thuật Chèo nói chung, Đoàn Chèo Hải Phòng nói riêng.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tuy ổn định về chính trị, nhưng đất nước gặp nhiều khó khăn, Đoàn vẫn giữ được nhịp độ phát triển và ổn định, ngoài ra còn có một số vở đạt giải cao trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp.

Trong thời kỳ đổi mới, Đoàn Chèo Hải Phòng là một trong các đoàn nghệ thuật còn giữ những truyền thống tốt đẹp của nghệ thuật Chèo truyền thống. Từ một định hướng đúng đắn về tuyển chọn, đào tạo nhân tài, các lớp diễn viên, nhạc công Đoàn Chèo Hải Phòng đã kế thừa, phát huy tinh thần luôn sáng tạo và trở thành một trong những đoàn mạnh có uy tín nghệ thuật.

Để có được những thành quả như ngày hôm nay, Đoàn đã quan tâm hàng đầu đến việc thu hút nhiều tài năng và phát huy nhiều nội lực nhằm sáng tạo, xây dựng chương trình nghệ thuật đạt kết quả cao nhất. Đoàn nắm bắt kịp thời chủ trương của thành phố, chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao, hướng tới chương trình có nội dung thiết thực phục vụ chính trị, phục vụ nhân dân, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, tập trung vào xây dựng chương trình nghệ thuật  phục vụ các ngày lễ lớn, nhỏ đảm bảo chất lượng nghệ thuật. Đẩy mạnh tổ chức biểu diễn, tích cực khai thác, tăng các buổi hợp đồng biểu diễn, tăng nguồn thu nâng cao đời sống cán bộ, viên chức, người lao động.

Đoàn vẫn tiếp tục đổi mới và kiện toàn hệ thống tổ chức và quản lý, liên tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị. Trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Đoàn cũng đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, hiệu quả hoạt động của một đơn vị sự nghiệp công lập, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị cấp bách, vừa lâu dài của lãnh đạo Đoàn Chèo Hải Phòng.

Đoàn chăm lo, bảo đảm công việc, tạo điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận và phát triển trình độ chuyên môn cho diễn viên nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ đạo, vị chí then chốt của Đoàn. Tất cả các hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận cá nhân mà vì một đơn vị sự nghiệp công lập vững mạnh với những bản chất tốt đẹp, ưu việt.

Đẩy mạnh xã hội hóa các chương trình biểu diễn, mở rộng địa bàn, phạm vi hoạt động biểu diễn, đưa thể loại sân khấu truyền thống đến gần với khán giả, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho các chương trình biểu diễn để đạt được kết quả tốt nhất.

Thực hiện công khai, minh bạch, không thương mại hóa các chương trình biểu diễn; Bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các vai diễn với nhau.

Đoàn cũng đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đề ra trong quá trình đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị mình, đồng thời gắn bó với đổi mới hệ thống chính trị và cải cách hành chính, đồng thời có lộ trình và bước đi phù hợp, có trọng điểm của Đoàn.

Đoàn chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh nội dung, các nghị quyết, văn bản của Đảng và Nhà nước nhằm tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của một đơn vị sự nghiệp công lập.

Chặng đường 60 năm qua, hàng trăm cán bộ, tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa, diễn viên, nhạc công, công nhân kỹ thuật, nghiệp vụ đã góp phần làm nên những thành tựu của Đoàn Chèo Hải Phòng. Trong đó, cần ghi nhận công lao to lớn của các lãnh đạo của Đoàn: Nắng Hồng, Huyền Thanh, Trần Nghĩa, Vũ Thanh, Phan Tất Quang, Văn Diệu, Nguyễn Điệp, Vũ Tiến Đĩnh, Xuân Tạo, Vân Chi, Nguyễn Hồng Minh, Trần Đình Ngôn, Lại Đình Ngọc, Vũ Đức Ý, Trần Thị Hoàng Mai, Nguyễn Văn Luân,... Đặc biệt là Trưởng đoàn Vũ Huy Thành và Phó đoàn phụ trách nghệ thuật, tác giả, đạo diễn Phan Tất Quang đã sát cánh bên nhau trong suốt 25 năm lãnh đạo, xây dựng Đoàn Chèo Hải Phòng vững mạnh, mang phong cách nghệ thuật riêng.

Kế thừa những kết quả đã đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”, cán bộ, viên chức, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động Đoàn Chèo Hải Phòng cần tăng cường nâng cao nhận thức, quán triệt đầy đủ mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết, chú trọng hơn nữa việc phát triển đội ngũ diễn viên, nhạc công có đức, có tài, nắm vững gìn giữ những tinh hoa của nghệ thuật Chèo truyền thống, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới. Hiện nay, đất nước ta ngày một phát triển. Thành phố Hải Phòng đang vươn lên tầm cao mới. Đoàn Chèo Hải Phòng nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, phát huy sáng tạo, kế thừa và phát triển tinh hoa của nghệ thuật Chèo, xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật có giá trị vừa giữ gìn, bảo tồn giá trị truyền thống vừa mang được hơi thở của thời đại, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Tài liệu tham khảo

  1. Hà Văn Cầu, Lịch sử nghệ thuật chèo, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb Thanh niên.
  2. Lê Việt Hùng (2009), Góp phần tìm hiểu Chèo, trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Nxb Sân khấu, Hà Nội.
  3. Trần Thị Hoàng Mai (2014), Chèo Hải Phòng trong đời sống văn hóa hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
  4. Vũ Khắc Khoan (1974), Tìm hiểu Sân khấu Chèo, Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn.
  5. Lương Thế Vinh, Nghiên cứu về Chèo, đã viết Hý Phương Phả Lục.

________________________

[*] Lớp Cao học k5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa