Nội san

Rèn luyện kĩ năng xử lý tác phẩm Thanh nhạc Việt Nam cho sinh viên sư phạm tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

14 Tháng Tám 2018

                                                                   Trần Tân Phương [*]

Trong phát âm tiếng Việt, việc lên xuống, kéo dài âm từ để biểu hiện từ tượng thanh, tượng hình là nét đặc trưng, khi ca hát, âm thanh tiêu chuẩn phải đạt được tiêu chí: tròn, vang, sáng, rõ lời và mang tính biểu cảm cao. Vì vậy, người hát ngoài nắm vững kỹ thuật thanh nhạc còn phải tìm hiểu về khẩu hình phát âm tiếng Việt, nắm chắc cách tạo chữ, nhả chữ và xử lý âm điệu của lời ca.

1. Xác định giọng hát

Hiện nay khoa Sư phạm Âm nhạc có mục tiêu vừa đào tạo đầu ra là giáo viên vừa là ca sĩ biểu diễn, bởi trong số những sinh viên theo học ngành Sư phạm Âm nhạc có những em có giọng hát, năng khiếu và khả năng biểu diễn tốt, có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu dạy và học đó, giảng viên (GV) cần phải xác định giọng cho từng sinh viên (SV) nhằm đảm bảo cho các em được phát triển đúng với khả năng và chất giọng của mình; đảm bảo mặt bằng chung cho các em về những kiến thức rèn luyện hơi thở, luyện thanh, đồng thời phát triển nâng cao giọng hát cho những em vượt trội về khả năng ca hát.

Hiện nay, để dạy học thanh nhạc, mỗi GV đều có phương tiện đàn piano để hỗ trợ luyện thanh và đệm hát. Đàn piano là phương tiện để xác định tầm cữ giọng qua những câu luyện thanh cơ bản, xác định âm khu và điểm đổi giọng. Theo đó, các âm khu ngực, âm khu giữa, âm khu đầu sẽ được xác định rõ cho từng loại giọng và khi luyện thanh để mở rộng âm vực sẽ dễ dàng hơn đối với các em. Việc xác định giọng hát cho SV Sư phạm Âm nhạc, sẽ đáp ứng đầy đủ mục tiêu dạy học, đồng thời phát triển tài năng cho những SV xuất sắc, có giọng ca hay. Đó cũng là mục tiêu hướng tới trong đào tạo, đáp ứng nhu cầu cần tiết cho xã hội.

2. Yêu cầu về hơi thở

Ca khúc Việt Nam với đặc điểm ngữ điệu dùng nhiều âm đóng nên vấn đề rèn luyện hơi thở để có thể hát “tròn vành rõ chữ” là một trong những yêu cầu thiết yếu. Khi dạy hát, việc kiểm soát hơi thở phải được rèn luyện thường xuyên. Khi lấy hơi, phải hít sâu vào phổi thật nhanh bằng mũi và miệng, phải giữ hơi thở ổn định và luôn để lồng ngực căng trong suốt câu hát. Khi hát phải biết điều tiết hơi, nếu đẩy hơi quá mạnh sẽ làm thanh đới căng lên, làm mất đi sự tinh tế cũng như ảnh hưởng đến sắc thái bài bát.

Để điều khiển làn hơi, GV cần hướng dẫn SV cách lấy hơi hợp lý, phải đảm bảo khi hát không được để hơi hết hoàn toàn mới lấy hơi khác,tránh không bị đuối sức, đuối hơi, bị đỏ mặt, đỏ cổ,… Vừa không đẹp về thẩm mỹ, vừa không đảm bảo kiểm soát được hơi thở. Khi hát cần phải hít hơi nhanh, nhẹ bằng mũi và miệng là động tác tốt nhất. Sau khi luồng hơi hít vào làm căng phần trung tâm lồng ngực phải giữ trạng thái này trong suốt độ dài của câu hát.

Đẩy hơi là động tác quan trọng trong quá trình ca hát, nếu đẩy hơi không đúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới âm thanh. Khi hát những nốt cao, thanh đới phải căng ra ở mức độ nhất định, và dưới tác động của hơi thở, cộng với sự hỗ trợ của các động tác mở miệng, thanh đới sẽ rung lên, tạo ra âm thanh có cao độ cần thiết. Trong quá trình đẩy hơi, người hát cần phải điều tiết hơi thở đều đặn, bám sát giai điệu và không được căng thẳng để tránh ảnh hưởng đến câu hát.

Để hát liền tiếng đạt hiệu quả, cần một số yêu cầu như: Về hơi thở, cần luyện tập và điều tiết hơi thở sao cho người hát có một buồng hơi lớn, phổi khỏe để có thể hát liền mạch trong một hơi dài; Về âm lượng phải biết điều chỉnh, kiểm soát âm thanh to nhỏ, phải luyện tập hát to và nhỏ ngay trong một làn hơi.

3. Rèn luyện kỹ thuật thanh nhạc

Kỹ thuật hát liền giọng (Cantilena)

Hát liền giọng rất phù hợp với những ca khúc Việt Nam, trong những ca khúc trữ tình, ca khúc mang phong cách dân ca, và cả những ca khúc truyền thống đều được các nhạc sĩ đưa vào những thủ pháp luyến láy để tạo nên màu sắc mang đậm phong cách Việt Nam. Đó là cách hát chuyển tiếp liên tục, đều đặn từ âm nọ sang âm kia, tạo nên những âm liên kết không ngắt quãng [3; tr.104]. Với ca khúc Việt Nam, nếu không nắm vững kỹ thuật này, câu hát sẽ bị rời rạc, làm khuyết đi tính mềm mại, trữ tình. Khi hướng dẫn kỹ thuật này cho SV, GV cần lưu ý các em đặt âm nhẹ nhàng ở nốt đầu và đẩy hơi liên tục, đều đặn.

Kỹ thuật hát hơi liền (Nonlegato)

Để luyện kỹ thuật hát hơi liền, cần hướng dẫn cho SV mở khẩu hình âm “ô” mở tròn như quả trứng dựng đứng, sau đó bật âm một cách tự nhiên như bản năng. Có thể thay đổi bằng âm “i” hoặc âm “ê” thông qua một số mẫu luyện thanh cơ bản, sau đó mới ứng dụng vào tác phẩm.

Kỹ thuật hát nảy (Staccato)

Hát nảy là một trong những kĩ thuật để phát triển giọng hát. Đây là kỹ thuật tốt nhất giúp cho người hát có thể khoe được giọng của mình. Yêu cầu của kỹ thuật này là âm thanh bật ra nhẹ nhàng, gọn tiếng. Khi hát nảy, vị trí âm thanh phải nông, hơi thở phải liên tục, nhẹ nhàng. Để thực hiện kỹ thuật này, các em cần nén hơi ổn định với hơi thở sâu và đều đặn. Các ca khúc Việt Nam sử dụng kỹ thuật này: Trích Cô gái vót chông (Nhạc: Hoàng Hiệp, Lời: Môlôyclavi); Người con gái Pacô (Trí Thành); Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh);…

Kỹ thuật hát lướt nhanh (Passage)

Kỹ thuật hát lướt nhanh thường dùng cho những bài hát có giai điệu linh hoạt, rõ ràng, gọn gàng. Tập hát nhanh giúp cho giọng hát phát triển tốt, nhẹ nhàng, hơi thở cũng dần ổn định để có thể hát được câu nhạc dài hơn. Khi hát nhanh, âm thanh sẽ lướt nhanh cùng hơi thở, giúp cho người hát điều chỉnh giọng hát của mình đến những nốt cao được thuận lợi hơn. Khi luyện tập hát nhanh, phải chú ý lấy hơi sâu, nhanh và đẩy hơi nhẹ nhàng, liên tục, âm thanh rõ ràng. Kỹ thuật này có thể được ứng dụng vào một số ca khúc Việt Nam như: Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ); Chào anh giải phóng quân (Hoàng Vân);…

Kỹ thuật hát rung láy (trillo)

Rung láy là kỹ thuật hát ngân dài hai nốt với tốc độ rất nhanh, là một kỹ thuật hát khó. Để hát được kỹ thuật này yêu cầu về vị trí âm thanh phải được đặt cao, các nốt láy phải chuẩn về cao độ, kỹ thuật nén hơi tốt. Trong ca khúc Việt Nam, kỹ thuật rung láy phù hợp với những bản tình ca nhẹ nhàng, thường được sử dụng ở những phần cuối cần độ ngân dài và rung của câu hát. Kỹ thuật này làm cho người hát có thể đạt tới kỹ năng cao trong xử lý tác phẩm thanh nhạc.

4. Những nguyên tắc về cách phát âm ngôn ngữ trong ca khúc Việt Nam

Phát âm trong ngôn ngữ phổ thông

Khi hát ca khúc Việt Nam, do đặc điểm có sáu thanh điệu trong tiếng Việt, nên nếu không phát âm chuẩn ngữ điệu sẽ làm cho lời ca bị thô, mất đi sự tinh tế. Vì vậy, để hát ca khúc Việt Nam đảm bảo phát âm đúng, và ngữ điệu uyển chuyển, mượt mà, cần phải có những biện pháp khắc phục trong dạy học.

Do ngôn ngữ tiếng Việt có nhiều phụ âm, khi hát khẩu hình đóng nhanh nên âm thanh không thoát, không có độ ngân vang. Còn nếu mở khẩu hình sẽ dẫn đến tình trạng chữ không đủ âm, làm cho âm thanh phát ra bị ngọng, thậm chí “sai nghĩa”. Chẳng hạn, khi hát câu: “Thu đi cho lá vàng bay/ Lá rơi cho đám cưới về/ Ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa/ Tình duyên đã dứt” trong ca khúc Lá đổ muôn chiều (Đoàn Chuẩn, Từ Linh), nhiều em sẽ hát chữ “bay” thành “ba...”, chữ “mai” thành “ma...”, chữ “dứt” thành “dứ...”. Vì vậy, GV cần phải hướng dẫn cho các em hát vừa phát âm nhả chữ đúng theo tiếng Việt, vừa đảm bảo khẩu hình mở và đóng đúng nguyên tắc “tròn vành, rõ chữ”.

Khắc phục lỗi phát âm sai (nói ngọng)

Phát âm sai phần lớn là do người hát quen sử dụng ngôn ngữ địa phương. Các tỉnh Nam Định, Hà Tây (cũ),… thường phát âm chữ “L” thành “N” còn “N” thành “L”. Chẳng hạn, với câu hát “Thuyền ta ra khơi, đưa nhịp chèo nối liền” có em hát thành “Thuyền ta ra khơi, đưa nhịp chèo nối niền” làm cho câu hát không chỉ sai nghĩa mà còn làm cho âm thanh bị tối.

Với đặc điểm về nguyên âm và phụ âm của tiếng Việt, khi hướng dẫn SV rèn luyện, GV cần chú ý đến sự đồng nhất trong phát âm của những chữ có khẩu hình đóng. Ví dụ, khi hát từ “sông” có phụ âm “s” cần tròn môi rồi đóng khẩu hình một cách chậm rãi, trong khi đó lưỡi phải cong lên để phát âm chuẩn rồi hạ dần xuống đồng thời cùng lúc với khép khẩu hình. Đối với những chữ có khẩu hình mở, phải đảm bảo không bị mất chữ hay hát “ngọng”, đồng thời vẫn giữ được nét tinh tế trong phát âm tiếng Việt.

5. Phát âm theo ngôn ngữ vùng miền

Ngoài những ca khúc được sáng tác bằng ngôn ngữ phổ thông, còn có nhiều ca khúc được viết dựa trên sự sáng tạo âm hưởng dân ca và ngôn ngữ vùng miền. Thực tế ở Việt Nam, mỗi vùng lại có lối phát âm và vốn từ-vựng khác nhau. Với những ca khúc này, ngoài những cách luyện thanh như trên, GV cần phải chú ý tới việc phát âm theo ngôn ngữ vùng miền. Chẳng hạn, với câu hát: “Chiều nay mưa trên phố Huế. Kiếp giang hồ không bến đợi. Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai” trong bài Mưa trên phố Huế (Minh Kỳ - Tôn Nữ Thụy Khương) phải đảm bảo rằng, SV phải phát âm đúng theo âm điệu tiếng nói người Huế. Theo đó, từ “trời” phải phát âm đúng chữ “tr” nặng, từ “sao” phát âm đúng chữ “s” nặng; các chữ có dấu sắc: “Huế”, “nhớ”… phải có điểm xuất phát như ở dấu nặng rồi mới luyến đưa lên đúng cao độ của từ đó.

Như vậy, để rèn luyện kỹ năng xử lý tác phẩm thanh nhạc Việt Nam, cần phải đảm bảo những vấn đề về hơi thở và kỹ thuật cơ bản: legato, staccato, nonlegato… Cùng với đó là sự khéo léo khi sử dụng các kỹ thuật thanh nhạc làm cho việc phát âm, nhả chữ tiếng Việt trở nên “tròn vành, rõ chữ”.

Với SV Sư phạm Âm nhạc, khi được trang bị một số kiến thức về thanh nhạc nói chung, về kỹ năng xử lý ca khúc Việt Nam nói riêng sẽ giúp các em cảm thấy tự tin hơn khi trang bị cho mình khả năng ca hát vững vàng. Việc ứng dụng các kỹ thuật thanh nhạc để hát ca khúc Việt Nam nhằm phát huy khả năng ca hát cho SV, đồng thời đáp ứng nhu cầu cần thiết của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Mai Ngọc Chừ (1982), Tiếng Việt và sự tròn vành rõ chữ của tiếng hát dân tộc, Thông tin khoa học chuyên san Ngôn ngữ (số 5), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

2. Văn Cẩn (2003), Những cơ sở khoa học của một nền thanh nhạc dân tộc, thông báo khoa học (số 8),Viện âm nhạc, Hà Nội.

3. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc - chương trình Đại học, Bộ VHTT, Nhạc viện Hà Nội - Viện âm nhạc, Hà Nội.

4. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.

5. Tú Ngọc (Chủ biên) (2000), Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, Nxb Viện Âm nhạc, Hà Nội.

-----------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc