Nội san

Hình tượng con người trong chạm khắc chùa Xiêng Thoong vận dụng vào dạy môn Trang trí tại Trường Mỹ thuật Quốc gia Lào

15 Tháng Tám 2018

Viphakone Soukpathoumvanh [*]

Thành phố Luang Prabang ở đất nước Lào từ lâu đời đã nổi tiếng bởi các danh lam thắng cảnh, là nơi bảo lưu nhiều tầng văn hóa cổ và đình chùa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và thế giới. Trong các ngôi chùa đó, chùa Xieng Thoong là chùa cổ nhất trong thành Phố Luang Prabang. Ngôi chùa này không chỉ đẹp về kiến trúc mang phong cách truyền thống của Lào mà còn là nơi lưu giữ nghệ thuật, họa tiết hình người trong chạm khắc, điêu khắc, hoa văn và trang trí tranh tường rất có giá trị. Với hành trình lưu giữ và tôn vinh những nét đẹp văn hóa của dân tộc, việc tìm hiểu và nghiên cứu chùa cổ Lào vẫn còn là một trong những đề tài thu hút nhiều sự quan tâm nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, các học giả, các nhà văn hóa, giáo dục và nghệ thuật.

Chùa Xiêng Thoong được gọi theo mường Xiêng Đông, Xiêng Thoong vì đó là chùa của mường Xiêng Thoong mà phiên âm từ Xiêng có nghĩa là Mường, Thoong có nghĩa là cây Thoong. Vì ngày xưa theo truyền thuyết ở chùa Xiêng Thoong này có cây Thoong to, chiều cao 117 sải tay vì có đường kính vòng quanh 27 sải tay.

Chùa Xiêng Thoong được khởi công xây dựng năm 1559 - 1560 đưới triều đại vua Xaysetthathirath, gồm có cấu kiện như: chùa chính là nơi thờ Phật và tổ chức các nghi lễ, lễ hội quan trọng của huyện; chùa phụ gồm có 4 ngôi chùa xung quanh là chùa phụ thờ Phật nhập niết bàn, chùa phụ thờ Phật thuyết pháp và 2 chùa phụ thờ tọa thiền. Bên cạnh đó còn có các trống và các công trình nhà ở dành cho các vị sư sãi. Chùa Xiêng Thoong nằm bên hai bờ sông Mê Kông và sông Năm Khan, là ngôi chùa có diện tích rộng lớn, cửa chùa nhìn về hướng Đông. Khu vực chùa có diện tích rộng 8.215m2, có tường gạch bao quanh. Sỉm (nơi đặt Phật điện) được xây dựng ở trung tâm khu vực chùa. Diện tích chùa chính 291m2 có ba gian. Tương ứng với ba gian, là ba lớp mái chồng lên nhau. Tầng thấp hơn là một lớp mái tương ứng với hai gian bên là hành lang của Sỉm. Hai hàng cột gỗ trong Sỉm có tác dụng chịu lực, mỗi cột có đường kính 60cm.Tường được ghép ván gỗ, trên đó chạm khắc các đề tài Phật giáo. Phật điện bày một pho tượng đồng to trong tư thế Đức Phật ngồi thiền định. Ngoài ra, còn vô số các tượng Phật trong nhiều tư thế, nhiều đồ thờ cúng như chân nến, bát hương và lọ hoa… Cánh cửa trước chùa Xiêng Thoong được chạm khắc hình các cô tiên múa, hình các chú hươu, hình voi... là những bức chạm đẹp nhất trong các chùa Luang Pra Bang. Ngoài chùa có những kiến trúc phụ khác nhau như: nhà để trống, tháp, thư viện, các miếu thờ Phỉ (thờ thần), nhà để xe tang Hoàng gia. Lúc sinh thời, vua Xixavangvong rất yêu thích ngôi chùa này. Ngoài lần trùng tu năm 1928, vua Xixavangvong còn nhiều lần sửa chữa và hoàn thiện ngôi chùa.

Chùa Xiêng Thoong chính mang phong cách công trình kiến trúc chùa Luang Pra Bang cổ điển, nếu so với chùa khác trong khu vực tại Luang Pra Bang thì kiến trúc chùa này hơi thấp với ba tầng cong cong buông xuống hướng về mặt đất mềm mại, ngói màu nâu, đầu đao có hình đầu rắn thần Nagar, có các đỉnh hình dáng, ngọn tháp bé nhìn giống như ngọn lửa, tô điểm ở trên một “bó hoa trời” gọi là “Doc Xi Pha” mười bảy mũi, trong như một nữ trang lấp lánh trên tà áo người phụ nữ Lào. Các cột của chùa vuông vắn, đỉnh cột trang trí hình hoa sen, thân cột trang trí sơn đen thếp vàng hoa văn. Chùa có 12 cửa sổ ra vào, trang trí chạm khắc hình người, hoa văn khác nhau với hình các thần linh và các con vật trong truyền thuyết rất tinh xảo, khung cửa làm bằng gỗ sơn màu đen thếp vàng hoa văn hình càng cua. Các đầu hồi làm bằng vật liệu gỗ hình dạng giống như tai voi sơn đen thếp vàng. Chùa có 11 bậc thang lên xuống, phần bao quanh chân nền chùa ốp kính màu xanh lá, bao quanh chân tường thấp 80cm trong đó trang trí cột hoa sen ốp kính màu xanh da trời. Kèo nhà trống đỡ mái, có hình dáng giống như tai con voi chạm trổ hình hoa văn, trong ngôi chùa Xiêng Thoong xây một cổng cửa phủ cửa giữa lớn. Nó có hình dáng như cung điện vàng, trang trí nhiều hình hoa văn hình con rắn, hoa văn Ta Ọi (hoa văn hình mắt mía), hoa văn cây dương xỉ, hoa văn hình càng cua… theo tín ngưỡng xưa, khi ta vào ngôi chùa dường như được vào cung điện vàng.

Mỹ thuật là môn học quan trọng, giúp sinh viên hiểu về cái đẹp, trang bị các kỹ năng cần thiết thông qua các môn chuyên ngành: Hình họa, Điêu khắc, Bố cục, vẽ trang trí, vẽ theo mẫu.

Chạm khắc là một mảng nghệ thuật đặc biệt quan trọng, góp phần trong việc hình thành một nền văn hóa độc đáo. Chúng ta thường thấy nghệ thuật chạm khắc tranh tường Lào tại những ngôi chùa. Nghệ thuật tranh tường Lào đã có từ lâu đời, được truyền thụ qua những hình ảnh liên quan đến đạo Phật và được truyền thụ qua nhiều thế kỉ để thờ cúng.

Nghệ thuật hình tượng con người trong chạm khắc tranh tường, nhất là tường tại những ngôi chùa có mục đích trang trí cho những bức tường đẹp hơn và để giáo dục về đạo Phật. Đây là hình thức dạy thông qua những hình ảnh lồng ghép để cho những người không biết đọc chữ có thể biết được những câu chuyện liên quan đến đạo Phật bằng những hình ảnh chạm khắc về nghệ thuật tranh tường.

Các tác phẩm phù điêu của chùa Xiêng Thoong được trang trí nhiều nhất ở nhà bảo tàng như: trên vách tường, trên cửa, cửa sổ, kèo nhà... Hình dáng trang trí trên bảo tàng này là chạm khắc gỗ, phần lớn là trên vách tường được chạm nối theo sử thi Rammayana của Ấn Độ trang trí hình nhân vật của truyện với hoa văn theo kiểu nghệ thuật hoa văn Lào.

Những đề tài khai thác từ hình tượng nhân vật của truyện Ramayana trong chạm khắc chùa Xiêng Thoong gắn với các hoạt động vẽ tranh, thường thức mỹ thuật trong chương trình Mĩ thuật của Trường. Việc vận dụng các yếu tố tạo hình của tranh vào bài học không phải theo kiểu sao chép vụng về, không lấy tất cả mà chỉ chọn một vài yếu tố thẩm mĩ để nâng lên, rút ra những cái đặc sắc nhất, trên cái nền của tranh, hình, nét, màu nhưng lại mang sắc thái mới.

Việc vận dụng vào giảng dạy học môn Trang trí là vấn đề tương đối mới mẻ, vì hầu hết trước đây các em chỉ biết đến các phù điêu gỗ. Tuy nhiên trong quá trình làm bài, nhiều sinh viên đã biết cách khai thác được nhiều yếu tố tạo hình của phù điêu hình người rất tốt, chủ động được trong thực hành và sáng tạo, biết kết hợp hài hòa giữa sử dụng nét, mảng màu tạo nên sự độc đáo của hình tượng con người trong chạm khắc gỗ dưới một hình thức mới, từ đó góp phần làm phong phú thêm tư liệu trong học tập và sáng tạo nghệ thuật.

Các kết quả đã đạt được áp dụng vào giảng dạy môn Trang trí tại Trường Mỹ thuật Quốc gia Lào, giúp sinh viên hiểu biết hơn nghệ thuật truyền thống, kế thừa, vận dụng một cách sáng tạo trong quá trình học tập. Bên cạnh đó nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tinh thần của nghệ thuật Lào đang có nguy cơ bị mai một.

Tài liệu tham khảo

  1. Bounheng Buansisengpasert (1990), Lịch sử mỹ thuật và công trình kiến trúc Lào, Nxb Bộ văn hóa, Viêng chăn.
  2. Bounheng Buansisengpasert (1993), Nghệ thuật và công trình kiến trúc Lào tại Luang Pra Bang, Nxb Bộ văn hóa Viêng chăn.
  3. Nguyễn Lệ Thi (2012), Từ điển Lịch sử và văn hóa Lào, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.
  4. Phone Sith Yernsensuly (2015), Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, trang trí, chùa Sisaket Thủ đô Viêng chăn, Lào, Luận văn thạc sĩ Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
  5. Thit Tan (1985), Nghệ thuật trang trí Lào của Luang Pra Bang, Nxb. Bộ văn hóa Viêng Chăn.
  6. Voralan Bounyasourath (2004), Các ngôi chùa tại Luang Pra Bang.

------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K2 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật