Tin hợp tác quốc tế

Giáo dục đại học ở Trung Quốc

14 Tháng Hai 2008

GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở TRUNG QUỐC

 

Ths. Đinh Thị Hà

Khoa KTĐC

 

Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được thành lập ngày 01/10/1949, là một nước rộng lớn và đông dân cư nhất thế giới. Nằm ở miền Đông châu Á và bờ Tây  Thái Bình Dương, Trung Quốc là nước láng giềng có mối quan hệ gắn bó lâu dài và có nhiều ảnh hưởng đến văn hoá, giáo dục Việt Nam. Những kinh nghiệm và thành tựu phát triển giáo dục - đào tạo của Trung Quốc trong thời kỳ mới đáng để chúng ta nghiên cứu và học tập, đặc biệt là mô hình giáo dục đại học. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Ths. Đinh Thị Hà, Phó khoa KTĐC  nhân chuyến khảo sát và nghiên cứu về giáo dục đại học ở Trung Quốc của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

 

Giáo dục đại học của Trung Quốc đào tạo các trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, bao gồm các bộ môn khoa học toàn diện, đa hình thức với thời gian đào tạo là 4 năm, một số ngành là 5 năm. Để có thể đại chúng hoá giáo dục đại học, biến gánh nặng về dân số thành nguồn nhân lực có trình độ cao, giáo dục đại học ở Trung Quốc được tiến hành trong các loại hình trường sau đây:

 

1.Trường đại học phổ thông: là loại trường đại học thông thường, học tập trung, có chức năng đào tạo nhân tài có trình độ cao cho Trung Quốc và là các cơ sở trọng yếu có trình độ kỹ thuật, văn hoá, khoa học cấp quốc gia. Trường có các ngành học hoàn chỉnh, đội ngũ giảng viên mạnh mẽ, chất lượng trường sở, tài liệu giảng dạy, trang thiết bị tương đối hoàn thiện. Theo Bộ giáo dục Trung Quốc, các trường đại học có  tên tuổi hiện nay là Đại học Thanh Hoa; đại học Bắc Kinh; đại học Phúc Đán; đại học Nam Khai; đại học Nam Ninh.

Vài năm gần đây, trong các trường này thành lập một loại hình trường mới, đó là trường đại học chuyên nghiệp ngắn hạn, thời gian học từ 2 đến 3 năm, tương đương trình độ chuyên khoa ( như Cao đẳng ở Việt Nam). Đó là các trường mang tính chất địa phương do các tỉnh, thành phố, khu tự trị chủ quản, chủ yếu đào tạo kỹ thuật chuyên nghiệp ở trình độ sau trung học.

 

2.Trường đại học hàm thụ và trường đại học buổi tối: Loại hình trường này xây dựng bên cạnh các trường đại học phổ thông để tận dụng các điều kiện tốt của các trường đại học phổ thông, hoặc là các học viện hàm thụ độc lập do tỉnh, thành phố hoặc bộ lập nên. Trình độ đào tạo là đại học và cao đẳng.

Đại học hàm thụ đào tạo theo quy trình: sinh viên nghiên cứu tài liệu tự học và trong những thời gian nhất định được giáo viên phụ đạo, làm bài tập viết, làm các bài trắc nghiệm và các bài thực nghiệm, thực tập, làm bài kiểm tra, thi, thiết kế tốt nghiệp hoặc làm luận văn tốt nghiệp.v.v…

Đại học buổi tối là một hình thức đào tạo đại học ngoài thời gian công tác, tiến hành tại các trường đại học phổ thông, do giáo viên trường đó đảm nhiệm ngoài thời gian công tác của mình.

Trung Quốc có khoảng 30% sinh viên đại học hàm thụ trong tổng số sinh viên cả nước.

 

3.Trường đại học truyền thanh truyền hình: là loại hình đào tạo từ xa, sử dụng các kỹ thuật dạy học hiện đại thông qua truyền thanh, truyền hình và hàm thụ. Loại trường này tuyển sinh các viên chức, học sinh có trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học trên toàn quốc.Trường đào tạo theo tín chỉ, sinh viên qua được kỳ thi môn học nào sẽ được cấp chứng chỉ của môn học đó. Có sự phối hợp giữa các phương thức đào tạo truyền thanh, truyền hình và hàm thụ tuỳ theo các ngành học. Ví dụ, ngành học vật lý lấy truyền hình là chính, truyền thanh và hàm thụ là phụ, làm các bài thực nghiệm chủ yếu nhờ các trường đại học phổ thông, các xí nghiệp, nhà máy… (trường đại học truyền thanh truyền hình ít lập phòng thí nghiệm riêng); Ngành học văn học lấy truyền thanh là chủ yếu, hàm thụ là phụ.

 

4.Trường đại học công nhân viên chức và trường đại học nghiệp dư công nhân viên chức.

Trường đại học công nhân viên chức có mục tiêu làm cho công nhân viên chức đang làm việc tiếp thu lý luận cơ bản  ở trình độ cao đẳng hoặc đại học một cách hệ thống và học tập các tri thức chuyên môn, trở thành các cán bộ chuyên môn có trình độ cao. Trường đại học công nhân viên chức do các nhà máy, đơn vị doanh nghiệp, hoặc ngành chủ quản nghiệp vụ lập nên, có đội ngũ giáo viên độc lập, có trường sở, trang thiết bị, tài liệu học tập riêng. Sau khi tốt nghiệp, công nhân viên chức trở về đơn vị cũ công tác hoặc do ngành chủ quản sắp xếp lại.

Trường đại học nghiệp dư công nhân viên chức : do công đoàn hoặc do ngành giáo dục chủ quản của địa phương lập nên, tuyển sinh ở các nhà máy, doanh nghiệp tại địa phương và sinh viên đến trường học trong những thời gian rảnh rỗi.

 

5. Trường đại học nông dân: là trường đại học nông nghiệp ở trình độ cao đẳng do chính quyền địa phương lập nên, được ngành giáo dục chủ quản, ngành nông nghiệp và trường đại học phổ thông ngành nông nghiệp giúp đỡ. Nhiệm vụ của đại học nông dân là đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp có trình độ đại học chuyên khoa cho các vùng nông thôn. Đối tượng tuyển sinh là cán bộ nông thôn, kỹ thuật viên nông nghiệp có trình độ văn hoá tốt nghiệp trung học phổ thông, thanh niên nông dân có kinh nghiệm sản xuất và giáo viên các trường nghiệp dư nông nghiệp. Việc đào tạo nhấn mạnh lý luận và thực tiễn với chuyên môn căn cứ vào nhu cầu kinh tế của địa phương.

6.Học viện giáo dục và học viện bồi dưỡng giáo viên trung học: Là loại trường đại học dành cho người lớn nhằm bồi dưỡng giáo viên, cán bộ hành chính giáo dục, do chính quyền địa phương lập nên. Thời gian đào tạo là 2 năm tập trung hoặc 3 năm tập trung, đạt trình độ cao đẳng hoặc đại học.

 

7.Học viện cán bộ quản lý: Là loại trường đại học cho người lớn do ngành nghiệp vụ của chính phủ lập nên để bồi dưỡng cán bộ quản lý. Thời gian đào tạo từ 2 năm đến 3 năm tập trung, đạt được trình độ cao đẳng.

Trung Quốc khẳng định giáo dục đại học là nòng cốt trong công cuộc hiện đại hoá. Các trường đại học là nơi đào tạo chuyên gia có trình độ chuyên môn cao trên nhiều lĩnh vực. Ngoài các loại hình trường đại học kể trên, người học ở Trung Quốc có thể đạt được trình độ cao đẳng hoặc đại học mà không phải theo bất kỳ một loại trường đại học nào, đó là hình thức “Khảo thí tự học đại học”. Hình thức này kết hợp ba việc: cá nhân tự học, xã hội giúp đỡ, Nhà nước chỉ đạo, nhằm kích thích việc tự học trong thanh niên, tìm nhân tài chưa có điều kiện vào học tại các trường đại học. Toàn quốc và các tỉnh, thành phố thành lập uỷ ban chỉ đạo khảo thí tự học đại học. Các trường đại học phổ thông trên từng địa bàn được chỉ định làm đơn vị chủ khảo. Các ngành học được xác định theo nhu cầu của xã hội và người học được cấp bằng đại học chuyên khoa hoặc bản khoa sau khi khảo thí hợp cách toàn bộ các môn học theo quy định.

Giáo dục đại học ở Trung Quốc có nhiều loại hình khác nhau đã đem lại nguồn nhân lực có trình độ cao trong các lĩnh vực. Các loại hình này nếu được vận dụng vào Việt Nam một cách hợp lý sẽ mở ra nhiều cơ hội để mọi người đều được học đại học. Đưa giáo dục đại học của nước ta chuyển dần từ đại học tinh hoa sang đại học đại chúng, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá nước nhà.