Tin tức

Giáo dục đại học VN: Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế như thế nào?

17 Tháng Tám 2018

Theo PGS.TS Triệu Thế Hùng – Uỷ viên thường trực của Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, nội dung hội thảo quốc tế về "Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế" 2018, có tính lý luận và thực tiễn cao với 3 yếu tố rất quan trọng trong quá trình đưa đại học Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế, đó là năng lực hệ thống, tài chính, quản lý và quản trị đại học.

- Sắp tới, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội sẽ chủ trì tổ chức hội thảo "Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế". Liệu chủ đề này có phải là vấn đề bức thiết nhất của giáo dục Việt Nam cần phải giải quyết bây giờ hay không?

PGS.TS Triệu Thế Hùng: Tôi cho rằng sự đòi hỏi phải phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, khoa học công nghệ và phân công lao động xã hội toàn cầu đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho giáo dục đại học thế giới nói chung và ở nước ta.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới -  kể cả các quốc gia có nền giáo dục đại học tiên tiến, đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới giáo dục đại học để tăng tính hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

PGS.TS Triệu Thế Hùng – Uỷ viên thường trực của Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Thảo

- Nên hiểu khái niệm chuẩn hóa và hội nhập quốc tế như thế nào? Chuẩn hoá và hội nhập quốc tế đang diễn ra thế nào trong giáo dục đại học hiện nay, thưa ông?

Chuẩn hóa giáo dục đại học phải gắn liền với từng trình độ được đào tạo của giáo dục đại học.

Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi nội dung giáo dục đại học phải mang tính hội nhập và phát triển, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa kiến thức khoa học cơ bản, ngoại ngữ và công nghệ thông tin với kiến thức chuyên môn và các bộ môn khoa học nền tảng, phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc; tương thích với trình độ chung của khu vực và thế giới.

Tất cả các trình độ được đào tạo cần thông thạo ít nhất một ngoại ngữ tiếng Anh và giao tiếp được bằng một ngoại ngữ khác. Việc “học ngoại ngữ” đặt ra mức độ cao hơn đối với giáo dục phổ thông, lên đại học thì phải là ngoại ngữ nâng cao và ngoại ngữ chuyên ngành.

Như vậy chuẩn hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải tính đến cả mục tiêu, chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục đại học phù hợp với từng trình độ đào tạo của giáo dục đại học, từng lĩnh vực, ngành và chuyên ngành đào tạo. Quá trình đó đang diễn ra theo những quy luật tự nhiên đồng thời rất cần có tính chủ động cao của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục đại học để thúc đẩy tiến trình phát triển nhanh hơn, theo kịp giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới.

- Ba chủ đề mà hội thảo đưa ra là năng lực hệ thống, vấn đề tài chính, vấn đề quản lý cũng như quản trị trong trường đại học. Theo ông, trong ba vấn đề đó, đâu là điểm tắc nghẽn của giáo dục đại học của ta?

Hội thảo Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế diễn ra vào thời điểm tháng 8/2018,  là thời điểm kề cận việc Dự luật Giáo dục Đại học sửa đổi và bổ sung một số điều sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10 sắp tới.

Ban tổ chức hội thảo đã tính đến hiệu quả cuối cùng là tiếp thu những ý kiến khoa học phù hợp cho việc sửa luật Giáo dục Đại học.

Có thể khẳng định 3 chủ đề chính: năng lực hệ thống, tài chính, quản lý và quản trị đại học là 3 nhóm chủ đề quan tâm chính của hội thảo, cũng là 3 nội dung đang được chỉnh sửa và bổ sung những vấn đề mới trong Luật Giáo dục Đại học để phù hợp với thực tiễn của GDĐH Việt Nam.

Cả 3 nội dung đó, tuy đều đang có những quy định trong dự luật sửa đổi nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau, cần phải thông thoáng những "điểm  nghẽn" này.

Các ý kiến tham luận và thảo luận tại hội thảo sẽ có sự phân tích cụ thể hơn về lý luận và thực tiễn  cho cả 3 vấn đề trên.

Tôi hy vọng kết quả thảo luận của hội thảo sẽ góp phần giúp cho việc hoàn thiện dự luật Giáo dục Đại học, ví những vấn đề đó đều liên quan trực tiếp tới điểm mấu chốt là tự chủ đại học.

- Theo quan điểm của ông, về mặt chuyên môn, chúng ta sẽ gỡ từng vấn đề này như thế nào? 

Năm 2012, lần đầu tiên chúng ta có luật Giáo dục đại học, tức là luật chuyên ngành của Luật Giáo dục.

Luật này đã đề cập đến những vấn đề khá lớn và mới, có tính hệ thống hóa giáo dục đại học ở nước ta như tự chủ đại học, phân tầng xếp hạng, kiểm định, đảm bảo chất lượng và giải quyết mối quan hệ giữa chất lượng và quy mô đào tạo, vấn đề lợi nhuận và không vì lợi nhuận của cơ sở giáo dục đại học tư thục…mà nhiều nước trên thế giới đã xử lý xong về cơ bản các vấn đề này từ lâu, thậm chí hàng trăm năm, nhưng ở nước ta vẫn là quá trình “thử nghiệm” sau một thời kỳ dài chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN.

Ví dụ về tự chủ đại học: Luật Giáo dục Đại học hiện hành 2012 đã đề cập tới tự chủ, nhưng từ đó đến nay thì việc giao quyền tự chủ đại học mới chỉ triển khai ở mức độ “thí điểm” đối với hơn 20 cơ sở giáo dục đại học trên tổng số gần 200 cơ sở giáo dục đại học công lập, theo mô hình chưa có trong luật  là“công lập tự chủ về tài chính”.

Trong thời gian đó, Việt Nam đã có nhiều bước phát triển về chính sách pháp luật như: Hiến pháp 2013, NQ 29/TW, NQ 19/TW và nhiều đạo luật có nội dung sửa đổi mới.

Nên việc sửa đổi Luật Giáo dục Đại học lần này sẽ cần đề cập sâu sắc, cụ thể hơn về nội dung và mức độ tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; tự chủ đại học không thể chỉ  là tự chủ về tài chính mà là tự chủ trên tất cả các phương diện: tổ chức, nhân sự và hoạt động, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…trong đó quan trọng nhất tự chủ về học thuật với nội dung cốt lõi là tự do học thuật (Academy freedom).

Tự chủ về học thuật là điểm mấu chốt, là bí quyết, là chìa khóa của thành công đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

Do đặc điểm của lao động đại học là lao động trí tuệ, chỉ có tự chủ về học thuật mới phát huy được sự tự do sáng tạo, đào tạo nên những sinh viên có tư duy về học thuật, năng động, sáng tạo, cung cấp cho xã hội những sáng kiến phát minh sáng chế, tự chủ học thuật là sự chủ động sáng tạo của cả thầy và trò trong môi trường giáo dục.

Mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc vào năng lực thực hiện tự chủ và các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ, không nên phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các nhà quản lý. 

Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Hạ Anh - Nguyễn Thảo - http://vietnamnet.vn)