Nội san

Tổ chức bộ máy quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm

21 Tháng Tám 2018

Phan Hoàng Anh [*]

Quản lý di tích lịch sử có thể hiểu là tổ chức, điều khiển hoạt động của cơ quan quản lý di tích ở các cấp độ khác nhau, tùy theo quy định về chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Cơ quan quản lý di tích có trách nhiệm trông coi, giữ gìn; tổ chức các hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích; tổ chức bảo vệ chống xuống cấp cho di tích, để di tích tồn tại lâu dài; tổ chức lập hồ sơ, xếp hạng xác định giá trị và cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ di tích... Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa là hai thành tố, hai nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động quản lý di tích lịch sử văn hóa.

1. Khái quát về đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm

Theo Khoản 2 Điều 3 Chương 1 của Quyết định số 70/2013/QĐ-UBND phạm vi ranh giới các công trình trong khu vực Hồ Hoàn Kiếm được hiểu như sau: Vườn hoa Lý Thái Tổ; Khu tượng đài Lý Thái Tổ; Đền Ngọc Sơn có các hạng mục kiến trúc thuộc di tích đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút, Tháp Rùa.

Hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là Hồ Gươm, nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội và có 2 hòn đảo là đảo Ngọc và đảo Rùa. Tên gọi Hoàn Kiếm gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa thần. Tên hồ còn được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội là quận Hoàn Kiếm. Hồ Hoàn Kiếm có vị trí kết nối giữa khu phố cổ ở phía Bắc với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ. Hồ được bao quanh bởi 3 tuyến phố là Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ và Hàng Khay.

Đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc của Hồ Hoàn Kiếm. Đền Ngọc Sơn có nhiều hạng mục công trình khác nhau. Cổng đền có tên là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng). Đền chính gồm hai ngôi nhà nối liền nhau. Phía Nam có đình Trấn Ba (đình chắn sóng).

Tháp Bút được xây dựng trên nền núi Độc Tôn ngoài lối vào cầu Thê Húc. Tháp vuông có năm tầng. Đỉnh là một ngòi bút lông dựng ngược. Trên thân có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (Viết lên trời xanh) [2; tr.77].

Đài Nghiên là kiến trúc bên cạnh Tháp Bút được tạc từ một tảng đá xanh, hình quả đào cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm lòng chảo. Thân nghiên có khắc một bài minh của Nguyễn Văn Siêu [2; tr.84].

Cầu Thê Húc nối từ Bờ Hồ ra hòn đảo nhỏ nơi có đền Ngọc Sơn. Tên của cầu có nghĩa là “nơi đậu ánh sáng buổi sớm”.

Tháp Rùa nằm trên gò đảo giữa Hồ Gươm, lui về phía Nam hồ. Ngọn tháp kết hợp phong cách kiến trúc cửa cuốn kiểu Gotic với mái cong truyền thống Việt Nam.

Tháp Hòa Phong nằm ở phía đường Đinh Tiên Hoàng. Tháp cao 3 tầng, cửa tháp theo bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc có chữ Hán đề tên: Báo Ân môn, Báo Nghĩa môn, Báo Đức môn và Báo Phúc môn.

Vườn hoa Lý Thái Tổ tên cũ là vườn hoa Chí Linh. Đến năm 1984 đổi thành vườn hoa Indra Gandhi [3; tr.675]. Từ khi tượng đài Lý Thái Tổ dựng đặt tại đây, vườn hoa được gọi là vườn hoa Lý Thái Tổ.

Quần thể di tích lịch sử văn hóa đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm được xây dựng và tồn tại qua bao thăng trầm lịch sử, bắt nguồn từ những truyền thuyết lịch sử, những nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử gắn liền với một giai đoạn nhất định đã minh chứng cho những giá trị của chúng.

Di tích Hồ Hoàn Kiếm phản ánh lịch sử phát triển của kinh thành Thăng Long xưa cũng như thành phố Hà Nội sau này. Ngày nay, những dấu tích về sự phát triển kiến trúc đô thị vẫn còn hiên hữu tại đây. Những ngôi đình làng ven hồ cho biết nơi đây từng tồn tại rất nhiều làng xóm - một hình thức tổ chức cộng đồng dân cư Việt Nam. Tháp Hoà Phong là dấu tích gắn liền với một ngôi chùa bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Phố Hàng Khay mang dấu tích về sự mở rộng và quy hoạch các tuyến phố quanh hồ [3;  tr.660].

Di tích đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm là những di sản văn hóa vật thể được xếp hạng cấp quốc gia. Nó là niềm tự hào và trân trọng của nhân dân Hà Nội với những công lao to lớn của các bậc tiền nhân, các anh hùng dân tộc. Công trình kiến trúc đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm là những sản phẩm vật chất có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, khoa học.

Việc thờ tự tại các di tích thể hiện sự dung hợp giữa các tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Đạo giáo với các tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc, thờ Thành hoàng làng. Sự tồn tại của những ngôi đền, ngôi chùa quanh Hồ Hoàn Kiếm cho chúng ta hiểu một phần nào đó về đời sống tâm linh của nhân dân trong khu vực.

Di tích đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm còn có những hoạt động lễ hội, những diễn xướng dân gian, sự  kiện văn hóa, những lễ hội hiện đại. Vào dịp lễ tết hay ngày kỷ niệm lớn trong năm, du khách thập phương lại tụ họp tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng. Qua đó, đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để phát triển du lịch. Di tích ở vào vị trí thuận lợi trong việc thu hút du khách tham quan, phát triển tiềm năng kinh tế và du lịch.

2. Tổ chức bộ máy quản lý di tích

Di tích đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm nằm trên địa bàn của 4 phường: Hàng Bạc, Hàng Trống, Lý Thái Tổ và Tràng Tiền. Hoạt động quản lý đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm thuộc loại quản lý sự nghiệp nhưng không thuộc một đơn vị cụ thể. Các dịch vụ văn hóa diễn ra tại đây là một hoạt động văn hóa nhưng đồng thời cũng là hoạt động kinh doanh thuộc nhiều ngành, nhiều nghề, nhiều đơn vị quản lý khác nhau từ tư nhân đến các cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, việc quản lý đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm được giao cho nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau cùng quản lý.

UBND Thành phố và UBND quận Hoàn Kiếm thống nhất trong công tác quản lý nhà nước đối với khu vực đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm, trong đó đơn vị chủ trì, trực tiếp quản lý là UBND quận Hoàn Kiếm. Theo Quyết định số 70/2013/QĐ-UBND quy định rõ UBND quận Hoàn Kiếm là đầu mối quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất và chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, các sở, ngành Thành phố đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm, vệ sinh môi trường; hệ thống công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; quản lý mặt nước hồ, duy tu, duy trì hệ thống cấp, thoát nước hồ và các lĩnh vực khác có liên quan đến Hồ Hoàn Kiếm; Kiểm tra giám sát, quản lý các hoạt động, cấp phép các hoạt động văn hóa của các tổ chức, cá nhân tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (trừ các hoạt động do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp phép); Tiếp nhận, giải quyết các ý kiến phản ánh, khiếu nại, tố cáo về công tác quản lý, khai thác, sử dụng khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội là cơ quan trực tiếp bảo tồn, tôn tạo đền Ngọc Sơn, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong việc tuyên truyền ý thức người dân về bảo tồn di sản. Nhiệm vụ của ban quản lý chủ yếu gắn với việc bảo tồn di sản kiến trúc,thu lệ phí khách tham quan vào đền. Tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống tại đền. Triển khai dự án chỉnh trang di tích theo chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phòng Văn hóa Thông tin và Thể thao quận là đơn vị trực tiếp quản lý một số di tích khác trong phạm vi không gian văn hóa Hồ Hoàn Kiếm; Tổ chức các hoạt động văn hóa tại các điểm di tích trên các tuyến phố ven hồ; Triển khai dự án chỉnh trang các tuyến phố; Phối hợp với UBND phường thiết kế biển hiệu các cửa hàng theo mẫu thống nhất; Xây dựng các bài tuyên truyền, giới thiệu về tuyến phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng; Kiểm tra các hoạt động kinh doanh, hoạt động của các công ty du lịch lữ hành tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Ngoài ra, liên quan đến quản lý văn hóa tại di tích đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm còn có sự tham gia của một số cơ quan khác như: Phòng quản lý đô thị (hướng dẫn chỉnh trang đô thị các tuyến phố cho phù hợp không gian cảnh quan và mỹ quan đô thị, tổ chức các điểm đỗ gửi xe công cộng phục vụ khách tham quan); Phòng kinh tế quận (xây dựng quy hoạch các ngành hàng trên các tuyến phố theo đúng định hướng phát triển thương mại dịch vụ, du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa); Phòng y tế và Trung tâm y tế quận (quản lý vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh); Công quan quận (đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm); Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hoàn Kiếm (quản lý tình hình an toàn phòng chống cháy nổ).

Kết luận

Như vậy, việc quản lý văn hóa tại di tích đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm cơ bản giao cho hai cơ quan trong đó Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội trực tiếp quản lý mọi hoạt động bên trong di tích đền Ngọc Sơn; Phòng Văn hóa Thông tin - Thể dục thể thao quận Hoàn Kiếm quản lý các hoạt động liên quan đến văn hóa. Ngành văn hóa quận Hoàn Kiếm đã xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong công tác quản lý di tích. Tuy nhiên, do có nhiều đơn vị cùng tham gia công tác quản lý di tích, nên công việc còn chồng chéo, chưa đáp ứng được so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội (1994), Hà Nội di tích và văn vật, Sở VHTT Hà Nội.
  2. Nguyễn Vinh Phúc (2003), Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Văn Uẩn (2000), Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, Nxb Hà Nội.
  4. UBND thành phố Hà Nội (2013), Quyết định số 70/2013/QĐ-UBND.
  5. Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán (1974), Hà Nội nghìn xưa, Nxb Hà Nội.

-----------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa