Nội san

Bảo tồn và phát huy nghề Tò he truyền thống tại làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội

21 Tháng Tám 2018

Bùi Thu Huyền [*]

Làng nghề truyền thống nặn Tò he Xuân La thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nơi đây cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30 km về phía Tây theo đường giao thông quốc lộ 1A (Hà Nội - Sài Gòn). Từ lâu, Phú Xuyên đã nổi tiếng là vùng đất trăm nghề, Xuân La là làng nghề nặn Tò he duy nhất tại Việt Nam vẫn lặng lẽ lưu giữ nghề truyền thống tự trăm năm ấy cho đến  ngày nay.

Xã Phượng Dực gồm ba làng:  Phượng Vũ, Đồng Tiến và Xuân La. Trong đó, Xuân La là làng có diện tích cũng như dân số đông hơn cả. Lúc đầu làng có tên là làng Chạ (Kẻ Chạ) rồi vì lý do định cư vào giữa mùa xuân nên đổi thành Chạ Xuân. Sau đó, khi khai khẩn làm ăn ở vùng đồng ruộng bao la nên làng Xuân La ra đời. Làng có hơn 1000 nóc nhà với hơn 3800 người. Thành phần dân cư làng Xuân La đều có cùng một tôn giáo, không có đồng bào dân tộc sinh sống, do đó, các chính sách quản lý cũng dễ dàng hơn. Độ tuổi dân số ở mức trung bình, cao nhất từ 95 đến 97 tuổi. Dân cư sống tập trung thành từng cụm lớn nên có sự gắn kết chặt chẽ. Từ đó thể hiện được tinh thần đoàn kết chung sức, chung lòng xây dựng quê hương của người dân nơi đây. Làng Xuân La có nền văn minh lúa nước sông Hồng có lịch sử từ hàng ngàn năm trước, do đó nó mang trong lòng những đặc trưng của nền kinh tế cổ truyền. Nghề chính là trồng lúa và hoa màu để cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân. Ngoài ra, làng Xuân La còn có các nghề phụ và cũng khá phát triển như: cào bông, may màn, chạm khắc gỗ...

Hiện trạng nghề Tò he làng Xuân La

Đến với Xuân La, chúng ta không chỉ nhìn thấy những người thợ nặn Tò he, mà còn bắt gặp sự tấp nập của những xưởng may màn, chạm khắc gỗ... Đời sống người dân đã được nâng cao rất nhiều nhờ sự linh động và chuyên cần của người dân nơi đây. Nhắc tới Tò he, những người trong làng rất hồ hởi và bày tỏ lòng biết ơn tới những chính sách phát triển, những sự truyền thông và quan tâm của nhà nước. Hiện tại tại Xuân La số lượng người biết làm Tò he chiếm 3/4. Những người coi Tò he là nguồn thu nhập chính, chiếm 1/3. Có những giai đoạn mà cả làng Xuân La, từ lớn đến bé, ai ai cũng biết nặn Tò he. Họ tạo ra những con giống với niềm yêu thương hồn nhiên, bình dị, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau tiến tới bắt kịp những thay đổi của thời đại mới.

Một sự kiện đặc biệt, đánh dấu sự hoạt động chuyên nghiệp và có tổ chức, năm 2009, làng  nghề Xuân La chính thức thành lập Câu lạc bộ làng nghề truyền thống Tò He. Đến năm 2018 đã có 119 hội viên chính thức bao gồm các thợ nặn và nghệ nhân xuất sắc tiêu biểu vững vàng.

Những năm gần đây, với sự mở rộng thị trường sang các nước bạn như Mỹ, Nhật, Anh, Lào, Campuchia,... thậm chí cả Trung Quốc, các nghệ nhân và các thợ nặn có tay nghề cao còn được mời sang nước ngoài để biểu diễn. Họ được hỗ trợ chi phí đi lại, sinh hoạt trong thời gian đi lưu diễn và có thu nhập rất cao sau mỗi chuyến đi.

Tuy nhiên, bên cạnh  mặt tích cực đối với nghề Tò he, thực trạng lao động ở đây cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh khá nhiều. Người nghệ nhân Tò he được ví như những người nghệ sĩ biểu diễn tạo ra những thành phẩm tinh xảo. Thế nhưng, gần như cả cuộc đời gắn với nghề họ phải lang thang rất nhiều nơi, rất nhiều thành phố, miền quê để phô diễn tài năng và nhu cầu kinh tế. Người ta không khỏi chạnh lòng khi mỗi mùa lễ hội, làng Xuân La trở lên vắng lặng, đìu hiu khi một lực lượng lớn người lao động đã rời khỏi quê hương đến với các miền quê khác. Ai cũng mong muốn không những một nguồn thu ổn định mà cần có cả một chỗ ở ổn định. Vì vậy, sự linh động của nghề Tò he vừa là ưu điểm lại vừa là nhược điểm khiến những người muốn theo nghề nếu không đủ niềm yêu thích, đam mê sẽ không tránh khỏi những băn khoăn khi quyết định gắn bó. Chính vì thế, rất ít hoặc có thể là không có những người nghệ nhân hay thợ nặn Tò he là lao động nữ bởi người phụ nữ chính là ngọn lửa của gia đình, không thể thiếu vắng trong một thời gian dài như vậy. Nghề chỉ có thể được phát huy một cách tối ưu nhất đối với thanh niên trai tráng và với sự nuôi dưỡng từ trước đó với các thế hệ trẻ tuổi của làng Xuân La.

Với nguyên liệu giản đơn từ bột nếp, bột gạo, màu sắc lấy từ thiên nhiên và nay đa số đã thay thế bằng phẩm màu thực phẩm, những người gắn bó lâu năm với Tò he cho hay, thực sự với nghề này chính là “lấy công làm lãi”. Nghệ nhân hay các thợ nặn lành nghề khác luôn tâm niệm, yếu tố quan trọng nhất để gắn bó với nghề là niềm yêu nghề, đam mê, cần cù, chịu khó. Đó đều là những nhân tố chủ quan đến từ chính những người theo nghề nặn Tò he. Sự vất vả, gian nan đi theo họ như những tháng năm thăng trầm suốt 300 năm làng nghề Tò he Xuân La đã trải qua.

Theo cách tính thông thường, trung bình 1kg bột gạo sẽ làm được 20 con Tò he. Tùy từng địa điểm, thời gian mà giá mỗi chú Tò he có giá dao động từ 10 - 20 ngàn đồng. Muốn có một thu nhập tốt, người thợ nặn Tò he phải nắm vững lịch lễ hội (chính vì thế mà mỗi gia đình có người làm nghề nặn Tò he đều có một cuốn sổ ghi chép về thời gian và địa điểm tổ chức các lễ hội truyền thống trên cả nước), rèn luyện tay nghề từ khi còn nhỏ. Thức khuya, dậy sớm vốn là chuyện thường tình với nghề này. Khi hết mùa lễ hội, họ lại lên đường tới những nơi dân cư đông đúc, những tụ điểm vui chơi giải trí, đông khách du lịch.

Sự phát triển kinh tế của nước nhà góp một phần không nhỏ đối với làng nghề Tò he Xuân La. Theo tâm sự của anh Đặng Văn Hiển (41 tuổi, thợ nặn Tò he - một người con Xuân La) khi được chúng tôi phỏng vấn: “Nghề nặn Tò he giờ đã mang lại kinh tế cho người dân, một ngày bình thường thu nhập của người nặn Tò he là 200 - 300 ngàn còn hơn cả thu nhập khi làm nông nghiệp. Với nghề Tò he, chỉ cần chịu khó đi đến các điểm bán là người thợ đã có thu nhập ổn định”. Thế nhưng để có được thu nhập như vậy, những người làm nghề đã phải giảm thiểu và tối ưu nhất có thể chi phí đi lại, phí chỗ ngồi và cả đến việc ăn uống, ngủ nghỉ vì hành trình của họ là những chuyến đi dài. Sự hội nhập kinh tế của đất nước giúp lượng khách du lịch quan tâm tới Tò he tăng vọt. Những đơn hàng từ khách nước ngoài thường mang lại lợi nhuận cao hơn bình thường. Những người thợ Tò he bằng chính tay nghề cao của mình đã chinh phục được những vị khách đến từ nước bạn và được mời sang nước họ biểu diễn sản xuất ngày càng nhiều.

Ngày nay, ngoài những những loại hình nhân vật thường thấy của Tò he, những người thợ còn làm thêm các loại hình khác như tranh truyền thống được làm bột Tò he, những hình rồng, thú, linh vật có kích thước lớn (điển hình là Rồng Tò he mô phỏng rồng thời Lý nhân lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, dài 2m, nặng 100kg). Nguyên liệu để làm thành những sản phẩm như vậy yêu cầu cần một độ bền cao, vững chắc với thời gian. Người dân Xuân La đã nhập khẩu một loại bột cao cấp, mà họ vẫn thường gọi là bột Thái dùng cho những khách hàng có nhu cầu sản phẩm Tò he để được vĩnh viễn. Trong cuộc phỏng vấn những người dân Xuân La, chúng tôi được biết, giá thành của loại bột cao cấp này từ 300 - 400 ngàn/kg. Khi dùng bột Thái (bột nhập), sản phẩm Tò he tạo ra không thể ăn được như bột truyền thống vì độ cứng và cô lại ngang với với chất liệu nhựa. Người nghệ nhân vì đặc điểm này cũng không thể biểu diễn tay nghề khi dùng bột cao cấp, sản phẩm được làm ra từ nguyên liệu này có giá thường đắt hơn 2 - 3 lần nhưng đổi lại sản phẩm có thể tồn tại nguyên vẹn rất nhiều năm.   

Hiện tại bột Thái vẫn chỉ có thể đưa vào Việt Nam bằng con đường nhập khẩu. Nếu người dân Xuân La muốn tự sản xuất để phục vụ cho nghề phải trả giá bản quyền rất cao.

Ngoài những thu nhập từ việc bán các sản phẩm, các nghệ nhân ở đây còn nhận dạy nghề và truyền nghề cho những ai thực sự yêu thích và đam mê. Học trò của các nghệ nhân đến từ nhiều nơi trên đất nước. Khi có nghề, họ có thể tự làm ra các sản phẩm, nếu lành nghề còn có cơ hội ra nước ngoài kinh doanh. Mỗi khóa học kéo dài 6 tháng, khóa cấp tốc là 20 ngày.

Giải pháp bảo tồn và phát huy nghề nặn Tò he hiện nay

Bảo tồn và phát huy nghề truyền thống nói chung và nghề nặn Tò he nói riêng luôn là những câu hỏi bức thiết trong thời kỳ đổi mới. Bởi nghề truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề việc làm và tạo giá trị kinh tế nâng cao đời sống của người dân. Những biện pháp đưa ra cần sát thực tế, tùy biến trong hoàn cảnh của mỗi làng nghề. Đối với làng nghề truyền thống nặn Tò he Xuân La, cần có những giải pháp cải thiện sau:

Một là, tuyên truyền giáo dục giá trị văn hóa làng nghề. Đối với thế hệ trẻ kế thừa những kỹ thuật, những bí kíp trao truyền và ngay cả với đối tượng là người trực tiếp làm ra Tò he cần được giáo dục và tuyên truyền niềm tự hào về lịch sử, ý nghĩa, thẩm mỹ, tầm quan trọng, ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc... của Tò he - sản phẩm tiêu biểu điển hình không chỉ của người dân làng Xuân La mà còn đại diên cho đất nước một cách thường xuyên và cần thiết. Xây dựng được một tinh thần đồng lòng như vậy, việc bảo tồn và phát huy sẽ được ủng hộ và có những điều kiện thuận lợi căn bản.

            Hai là, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển mang lại lợi nhuận kinh tế. Đối với thị trường trong nước: Cần đa dạng hình thức tiêu thụ sản phẩm; phát triển làng nghề gắn với du lịch… Đối với thị trường nước ngoài: Cần xúc tiến các hoạt động thương mại, tìm kiếm các thị trường; Xây dựng chiến lược thị trường, chiến lược sản phẩm…

Ba là, phát huy tối ưu hiệu quả của Câu lạc bộ làng nghề Tò he Xuân La. Đây chính là cầu nối giữa những người nghệ nhân, người thợ nghề với Hiệp hội làng nghề Việt Nam, là bên đại diện bảo vệ quyền lợi của những người sản xuất trực tiếp sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nghề Tò he.

Bốn là, sự quan tâm và các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, mỗi làng nghề đều có mục tiêu phát triển kinh tế riêng biệt phát huy từ vốn tự có của họ.Sự ủng hộ, quan tâm và đặc biệt là các chính sách ưu đãi của nhà nước là một điều kiện cần để đẩy nhanh quá trình phát triển đó.

Kêt luận

Tò he Xuân La rất cần sự chung tay, đồng lòng của tất cả mọi để có những hướng đi đúng đắn. Một nghề cũ trong xã hội mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thử thách nhưng không vì thế mà những người nghệ nhân không ngừng cố gắng. Tò he cũng giống như những sản phẩm thủ công khác, chưa thể hiện được hết giá trị của mình đối với nền kinh tế chung của cả nước, vẫn còn rất nhiều những mặt hạn chế về thị trường, nguyên liệu và nguồn lực. Thế nhưng, sau những năm tháng phục hồi và phát triển, người ta có thể nhìn nhận một tương lai xán lạn của nghề bằng chứng là Tò he đang dần được công chúng trong và ngoài nước đón nhận. Chính điều đó là một trong những động lực mạnh mẽ giúp người thợ gắn bó, gìn giữ nghề, tìm cách khắc phục những khó khăn, tìm kiếm nguyên liệu mới để phát huy hơn nữa nội lực của một làng nghề nặn Tò he duy nhất.

Tài liệu tham khảo

  1. Bạch Thị Lan Anh (2010), Phát triển bền vững làng nghề truyền thốngvùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Luận án tiến sĩ kinh tế, Hà Nội.
  2. Phan Đại Doãn (1995),  Một số vấn đề về làng xã Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3.  Nguyễn Vãn Đại, Trần Văn Luận(1997), Tạo việc làm thông qua khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
  4. Vũ Thị Hà (2002),  Khôi phục và phát triển làng nghề ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng - thực trạng và giải pháp, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
  5. Dương Bá Phượng (2001),  Bảo tồn & phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Nxb KHXH Hà Nội.

      -------------------------------------------------------------------

     [*] Lớp cao học K5 -  Chuyên ngành Quản lý văn hóa