Nội san

Một số vấn đề trong phương pháp chuyển soạn cho đàn Nguyệt độc tấu

21 Tháng Tám 2018

Lê Đức Thuận [*]

Trong thời đại mới, khi nước ta hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới về nhiều vấn đề như văn hóa, xã hội, kinh tế,... thì sự giao lưu, tiếp nhận âm nhạc trong và ngoài nước đối với nền âm nhạc truyền thống là một điều tất yếu. Song từ đó đã đặt ra nhiều vấn đề mới, trong đó có những vấn đề liên quan đến phương pháp chuyển soạn cho đàn Nguyệt độc tấu.

Đàn Nguyệt là một nhạc cụ truyền thống gắn liền với đời sống âm nhạc dân tộc Việt từ xưa đến nay. Việc sử dụng cây đàn Nguyệt để biểu diễn độc tấu, hoà tấu những giai điệu mang âm hưởng dân gian đã rất quen thuộc với chúng ta. Đã có khá nhiều nhạc sĩ sáng tác khí nhạc mang âm hưởng dân gian như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phúc Linh, Trần Luận, Trần Quý, Xuân Tứ, Hồng Thái, Hoàng Dương, Đinh Thìn… Đặc biệt cố NSƯT, NGND Đặng Xuân Khải đã có những tác phẩm cho nhiều loại nhạc cụ như đàn Tranh, Tam thập lục, đàn Bầu… mà trong đó nhiều nhất là các sáng tác cho đàn Nguyệt. Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu được coi là kinh điển như tác phẩm Chung một niềm tin, Cảm xúc quê hương, Xuân nào vui hơn, Nắng xuân, Tình quê hương… Những tác phẩm này đã trở thành những sản phẩm vô giá được các giảng viên đưa vào giảng dạy cũng như biểu diễn rộng rãi trong và ngoài nước.

Năm 2016, Trung Lương đã trở thành một cái tên khá quen thuộc trong nền âm nhạc giải trí khi giành được ngôi Á quân chương trình Vietnam’s Got Talent 2016, gây được tiếng vang và tạo được sức hấp dẫn, mới lạ với cây đàn Nguyệt. Người nhạc công này đã táo bạo và khéo léo lựa chọn thể loại nhạc điện tử, hiện đại và cùng với kỹ thuật điêu luyện của mình,tạo ra một sự kết hợp “tân cổ giao duyên” vô cùng đặc sắc, mới lạ. Việc sử dụng đàn Nguyệt biểu diễn độc tấu một thể loại nhạc mới (EDM) trên nền nhạc điện tử là một điều mới, hết sức ấn tượng có tính thời đại, phù hợp thị hiếu đa số người nghe là giới trẻ.

Đây không phải là điểm nhấn hiếm hoi đối với nền âm nhạc truyền thống mà ta có thể thấy nhạc cụ dân tộc được biểu diễn ở nhiều địa điểm khác nhau như trên sân khấu, nhà hát, nhà văn hóa, sự kiện… cho tới đường phố, công viên, các điểm tham quan du lịch và được biểu diễn nhiều nước trên thế giới. Từ đó chúng ta có thể thấy sức hấp dẫn, lan tỏa của nhạc cụ truyền thống đã phủ khắp các miền, các tầng lớp.

Song với những đóng góp to lớn của các nhạc sĩ, nghệ sĩ dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập cũng như nhu cầu thưởng thức của đại chúng trong thời đại mới. Lúc này phương pháp chuyển soạn những ca khúc, tác phẩm khí nhạc khác trong và ngoài nước được coi như một trong những phương thức thúc đẩy sự phát triển âm nhạc truyền thống nói chung và đàn Nguyệt nói riêng. Phương pháp này không phải mới có song để tìm kiếm và chuyển soạn thành công một tác phẩm khác cho đàn Nguyệt không phải dễ. Đã có những bản chuyển soạn cho đàn Nguyệt như ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân, Việt Nam quê hương tôi của nhạc sĩ Đỗ Nhuận… khá thành công và được đưa vào chương trình giảng dạy cũng như biểu diễn. Tuy nhiên số lượng những tác phẩm chuyển soạn vẫn còn chưa nhiều mặc dù các ca khúc trong và ngoài nước là vô cùng phong phú và đa dạng. Do vậy các nghệ sĩ, nhạc sĩ phải tự tìm hiểu, lựa chọn và chuyển soạn thêm nhiều tác phẩm nhằm phục vụ công tác của bản thân cũng như bổ sung vào nguồn tư liệu chung.

Đây là một công việc không đơn giản vì bản thân người chuyển soạn trước hết phải là người am hiểu về đàn Nguyệt, thậm chí có khả năng chơi tốt nhạc cụ này. Sau đó người chuyển soạn cũng phải có kiến thức về Nhạc lý, Hòa thanh, Hình thức… Và phải có nhận thức thẩm mỹ tốt, có tư duy âm nhạc… Tất cả những yếu tố này cùng hòa quyện thì người chuyển soạn mới có thể có được những tác phẩm chuyển soạn thành công, có sức sống lâu dài.

Công tác chuẩn bị chuyển soạn

Trong quy trình chuyển soạn tác phẩm âm nhạc, việc lựa chọn được ca khúc phù hợp để chuyển soạn là một vấn đề quan trọng, là tiền đề cho các bước tiếp theo. Hay nói cách khác, để có một tác phẩm chuyển soạn thành công thì công tác lựa chọn ca khúc có vai trò quyết định, bởi nếu lựa chọn sai/không phù hợp thì những công việc tiếp như phương pháp chuyển soạn, khả năng người chuyển soạn và vai trò của người trình diễn… cũng bị ảnh hưởng hoặc không còn giá trị.

Việc lựa chọn ca khúc để chuyển soạn được dựa trên các tiêu chí do người chuyển soạn đặt ra như tiêu chí chất liệu âm nhạc, thời gian - địa điểm sáng tác, tác giả, tính phổ biến, cấu trúc lớn hay nhỏ, chủ đề, trình độ người biểu diễn, phạm vi biểu diễn, mục đích biểu diễn…

Bước tiếp theo là phân tích tác phẩm, trong đó cơ bản là tìm hiểu về cấu trúc, điệu thức, giai điệu nhằm làm rõ và hiểu tác phẩm, thông qua đó viêc chuyển soạn sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Tiếp theo người chuyển soạn phải nắm rõ một số nguyên tắc chung trong vấn đề này nhằm đảm bảo giá trị nghệ thuật của tác phẩm cũng như đạt hiệu quả cao khi chuyển soạn.

Một số nguyên tắc chung gồm: Tôn trọng nguyên tắc về giai điệu, tính chất âm nhạc. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm chuyển soạn; Khắc phục những hạn chế, nhược điểm của nhạc cụ; Phô diễn tối đa những kỹ thuật độc đáo, ưu điểm của nhạc cụ.

Đây là những nguyên tắc chung mà ai làm công việc chuyển soạn cho bất kỳ loại nhạc cụ nào cũng phải xác định, nếu không người biểu diễn sẽ rất khó để chuyển tải thành công ý đồ của tác giả chuyển soạn cũng như tính chất của tác phẩm gốc.

Các thủ pháp chuyển soạn cho đàn Nguyệt độc tấu

Những thành phần cơ bản và không thể thiếu khi viết một ca khúc gồm phần nội dung lời ca và phần giai điệu, đây cũng là yếu tố tạo nên giá trị nghệ thuật của ca khúc. Tuy nhiên khi chuyển soạn ca khúc sang nhạc cụ trình diễn thì chỉ lấy phần giai điệu làm chất liệu chuyển soạn. Do đó mỗi tác phẩm chuyển soạn là sự thực hiện đồng bộ những thủ pháp chuyển soạn theo nhiều cách khác nhau, kết hợp với phong cách cá nhân mang hơi thở mới.

Trên cơ sở các nguyên tắc chung cũng như một số tiêu chí chuyển soạn cho đàn Nguyệt được nêu ở trên, người chuyển soạn sử dụng những thủ pháp như: Chuyển đổi cấu trúc âm hình: thay đổi trường độ, âm sắc, âm khu; Chuyển đổi điệu tính; Chuyển đổi cấu trúc tác phẩm; Thêm các nốt hoa mỹ, thêu, lướt, Soạn thêm một số câu dạo, nối...,Đối với chuyển soạn cho đàn Nguyệt độc tấu, ta sử dụng nhiều các kỹ thuật độc đáo như vê (tremolo), nhấn, rung, vuốt, song long... Trong chuyển soạn cho đàn Nguyệt hòa tấu thì yếu tố kỹ thuật cá nhân được giảm đi và ta sử dụng thủ pháp hòa âm thêm bè cho các nhạc cụ khác. Có thể nói đây là thủ pháp quan trọng trong chuyển soạn cho hòa tấu. Ngoài ra còn có thể sử dụng thủ pháp chuyển điệu, ly điệu nhằm tăng hiệu quả thẩm mỹ, mới lạ cho tác phẩm chuyển soạn.

Trong quá trình chuyển soạn, người chuyển soạn có thể sử dụng một hoặc nhiều thủ pháp khác nhau một cách hợp lý, linh hoạt, có chủ đích theo ý đồ của người chuyển soạn, tạo được sự mới lạ hấp dẫn người nghe, phát huy được những tính năng sở trường của nhạc cụ nhưng vẫn giữ được tính chất, giai điệu chính của tác phẩm gốc.

Đưa các tác phẩm chuyển soạn vào ứng dụng thực tế

Khi đưa mỗi tác phẩm chuyển soạn vào thực tế thì chúng ta nên có những hướng dẫn cơ bản trong việc xử lý kỹ thuật theo yêu cầu tác phẩm của từng bài chuyển soạn nhằm cung cấp cho người chơi đàn những cách thức trình diễn phù hợp với tính chất của từng bài.

Tuy nhiên đây chỉ là những hướng dẫn cơ bản, người chơi đàn có thể vận dụng một cách linh hoạt hoặc có thể có những thay đổi, bổ sung thêm những phương thức xử lý tác phẩm khác, sáng tạo, độc đáo… nhằm tăng sức hấp dẫn cho khán giả mà không làm thay đổi tính chất âm nhạc cơ bản của nguyên tác (trong một số trường hợp cụ thể nhằm phù hợp với yêu cầu công việc thì cũng có thể thay đổi cả tính chất âm nhạc, cấu trúc… so với nguyên tác).

Tính ứng dụng của mỗi bài chuyển soạn rất đa dạng và do người chuyển soạn có sẵn mục đích từ trước (có nghĩa người chuyển soạn sẽ xây dựng một hệ thống tiêu chí lựa chọn ca khúc và phương pháp chuyển soạn phù hợp với mục đích chuyển soạn). Có thể chuyển soạn để nghiên cứu, giảng dạy, biểu diễn... hoặc có thể sử dụng trong nhiều mục đích cùng lúc.

Chúng ta có thể thấy kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian nước ta vô cùng phong phú và rộng lớn, nhưng làm thế nào để mỗi người dân có thể tiếp cận với kho tàng vô giá ấy là một vấn đề lớn vì hiện nay phong trào thưởng thức âm nhạc nước ngoài như Kpop, EDM, Rock... đang thịnh hành, phát triển và lan tỏa nhanh chóng, dễ tiếp cận qua nhiều kênh thông tin như trên Tivi, đĩa CD, DVD, Internet, các buổi biểu diễn trong nhà và ngoài trời, các sự kiện.

Để có thể thực hiện được điều này chúng ta cần có thêm những giải pháp đồng bộ khác như: Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, lựa chọn các ca khúc, tác phẩm từ các nhạc cụ khác trong và ngoài nước để bổ sung vào chương trình học; Nhà trường, khoa, thư viện... bổ sung tư liệu các ca khúc, tác phẩm mới bằng cả sách in và âm thanh (CD, DVD, mp3, mp4); Tổ chức các hội nghị, giao lưu các đơn vị trong và ngoài ngành có liên quan hàng năm để thu thập, tổng hợp các tác phẩm chuyển soạn cũng như tác phẩm mới; Tham gia các sự kiện văn hóa, các buổi trình diễn văn hóa nghệ thuật, hòa nhạc, các chuyến đi thực tế, trại sáng tác...

Tài liệu tham khảo

1. Dương Viết Á (2005), Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn văn hóa, Nxb Hà Nội.

2. Hà Huy Giáp (1972), Về tính dân tộc trong Âm nhạc Việt Nam, Nxb Văn hoá, Hà Nội.

3. Đặng Xuân Khải (1994), Sách học đàn Nguyệt, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4. Nhiều tác giả (1978), Những tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc: đàn Tranh, Nguyệt, Nhị, Nxb Văn hoá, Hà Nội.

5. Nhiều tác giả (2002), Tuyển tập độc tấu nhạc cụ các dân tộc Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

6. Trần Quý (2004), Những vấn đề phối khí cho dàn nhạc dân tộc đương đại, Nxb Viện Âm nhạc, Hà Nội.

7.  Tô Ngọc Thanh biên soạn (2003), Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Viện Âm nhạc, Hà Nội.

------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc