Nội san

Phương pháp phân tích ca khúc thiếu nhi cho sinh viên hệ đại học Sư phạm Âm nhạc

21 Tháng Tám 2018

Trần Trang Anh [*]

Ca khúc thiếu nhi là các ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng với mục đích giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, tính cách cho lứa tuổi này. Mỗi bài hát thường tôn vinh hay ca ngợi hành vi cụ thể nào đó và mang một thông điệp rất cụ thể có tính giáo dục cao. Phân tích các ca khúc thiếu nhi rất cần thiết đối với giáo viên trong quá trình dạy học môn âm nhạc ở nhà trường phổ thông.

Trong chương trình đào tạo sinh viên hệ đại học Sư phạm (ĐHSP) Âm nhạc có môn Phân tích tác phẩm. Tuy nhiên, trong chương trình môn Phân tích tác phẩm chủ yếu là phân tích các tác phẩm khí nhạc, phần phân tích ca khúc lại chưa được chú trọng và thời lượng nghiên cứu chưa phù hợp, nên khả năng phân tích ca khúc của sinh viên còn bị hạn chế. Đứng trước thực trạng này, chúng tôi muốn đề cập đến một số phương pháp phân tích ca khúc thiếu nhi nhằm nâng cao chất lượng học môn Phân tích tác phẩm cho sinh viên.

Phương pháp phân tích ca khúc là cách thức, là con đường tìm ra một cách khoa học nhất để phân tích mổ xẻ, tìm ra những phần cấu trúc trong một ca khúc.

Đầu tiên đó là phương pháp phân tích điệu thức. Điệu thức góp phần quan trọng để tạo nên đặc điểm, màu sắc của tác phẩm. Các ca khúc ở bậc Tiểu học và THCS với nhiều thể loại khác nhau, cũng được cấu tạo ở  điệu thức khác nhau như điệu thức 4 âm, điệu thức 5 âm và điệu thức 7 âm (trưởng và thứ). Khi phân tích về điệu thức, ta có thể nhận biết qua hóa biểu, qua các âm kết (kết câu, kết đoạn, kết bài…), qua chủ âm và sự thay đổi hóa biểu để nắm được điệu thức của bài.

Ví dụ 1: bài Lớp chúng ta đoàn kết - Nhạc và lời: Mộng Lân

 

Quan sát bản nhạc, ta thấy bài Lớp chúng ta đoàn kết có một dấu hóa là Fis thì có thể bài này được viết ở giọng G-dur hoặc giọng e-moll. Câu nhạc thứ nhất: “Lớp chúng mình rất rất vui, anh em ta chan hòa tình thân. Lớp chúng mình rất rất vui, như keo sơn anh em một nhà”, kết câu nhạc ở nốt d1. Câu nhạc thứ hai: “Đầy tình thân quý mến nhau, luôn thi đua học chăm tiến tới. Quyết kết đoàn giữ vững bền. Giúp đỡ nhau xứng đáng trò ngoan”. Kết câu nhạc thứ nhất ở nốt d1 thì có thể kết ở bậc V của giọng G-dur, không thể kết ở bậc II của giọng e-moll được vì kết mỗi câu nhạc hay đoạn nhạc hay kết bài chỉ sử dụng kết ở bậc I và bậc V (kết lửng). Kết câu nhạc thứ hai (kết bài), ta xét về giọng G-dur thì kết bài về âm chủ bậc I. Thêm một điểm nữa là bài này có đầy đủ 7 âm (G,A,B,C,D,E,Fis). Vậy nên dựa vào dấu hóa Fis và kết các câu nhạc, ta có thể xác định bài Lớp chúng ta đoàn kết được viết ở điệu thức trưởng (giọng G-dur), với tính chất khỏe khoắn, vui tươi phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Tiếp theo đó là phương pháp phân tích hình thức của ca khúc có thể dựa vào điểm ngắt bằng dấu lặng và điểm ngắt bằng việc ngân ở một âm dài để nhận biết sự phân chia mô-tip, tiết nhạc, câu nhạc và đoạn nhạc.

Muốn phân tích tốt giai điệu, trước hết phải rút ra được âm hình chủ đạo của bài. Vì giai điệu của một bài hát thường được phát triển từ chính âm hình chủ đạo. Thủ pháp nhắc lại giai điệu cũng là một dấu hiệu giúp người phân tích nhận biết được các nét giai điệu được nhắc lại và nhận biết được vị trí chuyển tiết nhạc, câu nhạc và đoạn nhạc của bài được dễ dàng hơn. Sự tái hiện báo hiệu cho ta biết, đoạn tái hiện đó là đoạn thứ hai. Hết đoạn thứ hai, ta lại thấy nó tái hiện lại sẽ thì cho sẽ cho ta biết: Thứ nhất, đó là câu nhạc thứ hai của đoạn hai; Thứ hai, đó là câu nhạc của đoạn thứ ba. Nếu như bắt đầu từ đoạn thứ hai chỉ đủ tư cách một câu và phần tái hiện cũng chỉ đủ tư cách một câu thì câu tái hiện đấy sẽ nằm trong đoạn thứ hai. Mô phỏng là thủ pháp phát triển âm nhạc bằng cách phỏng lại một mô-típ, một tiết nhạc hay một câu nhạc và thay đổi cao độ hoặc tiết tấu với nhiều cách thức khác nhau. Việc vận dụng các thủ pháp phát triển tiết tấu sẽ giúp người phân tích chỉ ra được cách kết cấu tiết nhạc, câu nhạc và đoạn nhạc cho các ca khúc. Tiết tấu không thay đổi thì thường vẫn nằm trong cấu trúc một đoạn. 

Đối với các ca khúc viết cho thiếu nhi thường là những bài có lời ca giản dị, dễ hiểu và gần gũi với nhận thức của các em. Vì vậy, hãy phân tích lời ca để hiểu và nắm được nội dung bài hát. Mỗi bài hát thường tôn vinh hay ca ngợi hành vi cụ thể nào đó. Ví dụ bài hát: Chị ong nâu và em bé - Nhạc và lời: Tân Huyền nói về con ong chăm chỉ và muốn gửi tới các em là chúng ta cần phải thật sự chăm chỉ học tập noi gương theo chị ong nâu. Hay như bài hát: Bàn tay mẹ - Nhạc: Bùi Đình Thảo, thơ: Tạ Hữu Yên đã nói lên tình cảm yêu thương của mẹ dành cho bé, bé lớn khôn là có mẹ sớm khuya chăm sóc, giáo dục vì thế chúng ta phải biết ơn và kính yêu mẹ…. Vậy tất cả các ca khúc thiếu nhi đều mang một thông điệp của người giáo dục.

Các ca khúc thiếu nhi có vai trò rất quan trọng với mục đích bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, nhân cách cho những mầm non tương lai của đất nước nên việc phân tích các ca khúc thiếu nhi là hết sức cần thiết đối với giáo viên giảng dạy bộ môn âm nhạc. Do vậy, các phương pháp phân tích ca khúc thiếu nhi cụ thể mà chúng tôi đưa ra như trên nhằm nâng cao chất lượng học môn Phân tích tác phẩm là hết sức cần thiết cho sinh viên hệ ĐHSP Âm nhạc.

Tài liệu tham khảo

  1. Đặng Văn Bông (2007), Phân tích cấu trúc tác phẩm âm nhạc, Nxb Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Đào Ngọc Dung (2006), Phân tích ca khúc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  3. Phạm Lê Hòa (2012), Giáo trình phân tích tác phẩm Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ Thuật TW.
  4. Phạm Tú Hương (2007), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Đại học Sư phạm.
  5. Phạm Thành Long (2000), 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỉ 20, Đặc san báo Thiếu niên Tiền phong, Hà Nội.
  6. Đào Trọng Minh (2001), Phân tích tác phẩm Âm nhạc, Nxb Trẻ, Hà Nội.
  7. Phong Nhã (2012), Cùng nhau ta đi lên - Những ca khúc hay nhất dành cho thiếu nhi, Nxb Kim Đồng.
  8. Phạm Tuyên (1999), Âm nhạc với trẻ em, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

-----------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc