Nội san

Huyện đảo Cát Hải, phát triển du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường gắn với phát triển kinh tế bền vững

23 Tháng Tám 2018

                                                                                Đào Văn Vinh [*]

Huyện đảo Cát Hải thuộc thành phố Hải Phòng, bao gồm 367 đảo hợp thành nhưng chủ yếu do hai đảo Cát Hải và đảo Cát Bà hình thành lên huyện đảo, các đảo khác chủ yếu là đảo đá nhỏ san sát nhau nổi trên mặt nước như những hòn non bộ lớn, tạo cảnh quan kỳ thú. Thiên nhiên ban tặng cho Cát Bà có cả rừng, núi, biển, vùng rừng ngập mặn, tạo cho huyện đảo phong phú về chủng lại gỗ quý hiếm như: Lát hoa, Lim, Kim giao, Sến Mật, Thổ phục linh…; thảm thực vật, cây dược liệu đa dạng và phong phú; nhiều loại chim, thú sinh tồn ở Vườn quốc gia Cát Bà, Cát Bà cũng là nơi còn lưu giữ nguồn gel quý hiếm, chính vì thế Cát Bà được UNECO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Vùng ven biển và ngoài khơi huyện Cát Hải, Hải Phòng có nhiều đặc sản  phong phú như: Tôm he, Cua, Ghẹ, Tu Hài, Sò, cá Song, cá Giò, Hải sâm, Mực…. Khu vực đảo Cát Bà còn có nhiều hang động như hang Quân y, động Trung Trang, động Đá hoa, động Phù Long… thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan. Khu Di chỉ khảo cổ Cái Bèo nơi người Việt cổ sinh sống từ hàng triệu năm trước, khi khai quật đã phát hiện nhiều cổ vật, các vật dụng từ thời đồ đá; các di tích lịch sử, đền chùa lưu giữ nét văn hóa của người dân miền biển qua nhiều đời như: Lễ hội cầu ngư hay còn gọi là Lễ hội Làng cá Cát Bà được tổ chức vào ngày 01/4 hàng năm, kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà; Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu Cát Hải. Đây đều là những lễ hội đặc sắc được tổ chức ở huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng. Đình Hoàng Châu, Cát Hải, thành phố Hải Phòng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích cấp quốc gia; trong đó Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu Cát Hải đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL ngày 08/5/2017.

Hệ thống bãi tắm nguyên sơ như: Cát cò 1,2,3 ; bãi tắm Đảo Khỉ… nằm ở chân các đảo đá hang sơ, cát vàng, nước biển trong suốt quanh năm đầy nắng về mùa hè, mang dáng vẻ hoang sơ, lãng mạn là nơi du khách nước ngoài thường hay đi thuyền xuống dã ngoại, tắm và phơi nắng. Các công ty lữ hành thường tổ chức các tour du lịch xuyên rừng Quốc gia Cát Bà qua 5 ngọn núi đá, thăm rừng cây gỗ quý hiếm, loài Voọc đầu trắng rồi đến làng du lịch Việt Hải.

Trung bình hàng năm, huyện đảo Cát Hải thu hút hơn một vạn du khách, trong đó phần đông là du khách các tỉnh và nước ngoài tới tham quan, nghỉ dưỡng với những mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái, tắm biển, leo núi, chèo thuyền Kayak. Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại huyện đảo vẫn còn manh mún, tự phát, dịch vụ thiếu phong phú nên chưa thực sự hấp dẫn du khách. Chính vì thế, lãnh đạo huyện Cát Hải đã có nhiều đổi mới trong việc quản lý và phát triển du lịch để khai thác các tiềm năng, lợi thế của thiên nhiên ban tặng cho huyện đảo như phát triển mô hình “Du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường gắn với phát triển kinh tế bền vững”, nhằm gắn kết các hộ kinh doanh, dịch vụ du lịch của các xã, góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững theo hướng văn minh, chuyên nghiệp.

Tại huyện đảo Cát Hải, mô hình “Khu dân cư xã, phường ven biển, hải đảo an toàn, lành mạnh” do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố khởi xướng đã được huyện triển khai thành công. Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cát Hải, Đồn Biên phòng Cát Hải, Đồn Biên phòng Cát Bà đã triển khai đồng bộ 4 nội dung trọng tâm được ký kết, từng bước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục tăng cường, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa, y tế, giáo dục; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Từ năm 2010 - 2017, trên địa bàn huyện Cát Hải đã có 14 tổ đò, tổ tàu thuyền đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự với 332 phương tiện tham gia, 100% các thành viên trong tổ đã ký cam kết thực hiện các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, trang bị đầy đủ các phương tiện cứu sinh, yêu cầu khách đi đò mặc áo phao, không chở quá số người quy định khi tham gia chở khách trên vịnh. Đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đã được Đồn Biên phòng mở lớp đào tạo nghề cấp chứng chỉ chuyên môn. Ngoài ra, các thành viên của tổ đò đã cung cấp hàng trăm tin báo thiết thực, giúp cho lực lượng biên phòng triệt xóa nhiều tụ điểm tệ nạn xã hội. Các thành viên trong tổ đò cũng đã tham gia các đợt ra quân vớt rác trên vịnh, thu gom hàng tấn rác thải góp phần làm sạch môi trường biển. 73 mô hình tự quản “Cụm gia đình an toàn lành mạnh” tại 12 xã, thị trấn; duy trì 53 cụm dân cư an toàn, 22 khu dân cư an toàn và cụm bè an toàn. Các mô hình này ra đời đã gắn kết các chủ phương tiện thủy, các hộ gia đình, khu dân cư thành khối đại đoàn kết tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế, phát triển đời sống văn hóa ở khu dân cư góp phần xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở. Qua phong trào này, ý thức mỗi người dân được nâng lên rõ rệt, nhất là việc chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, an toàn xã hội khu vực biên giới biển.

Các xã đảo đều được triển khai mô hình này, đặc biệt là xã đảo Việt Hải cách khu du lịch Cát Bà chừng 15 km đường biển, nếu du khách đi bằng đường bộ vào xã Việt Hải sẽ phải vượt qua khoảng 27km xuyên rừng Quốc gia Cát Bà với nhiều dãy núi đá cao, nhiều loài cây, động, thực vật quý hiếm, chính vì thế xã đảo Việt Hải luôn là sự lựa chọn lý tưởng đối với du khách trong hành trình khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của rừng và biển. Du khách nước ngoài thực sự thích thú với tour du lịch vòng quanh xã đảo Việt Hải, Vườn quốc gia Cát Bà và trải nghiệm dịch vụ du lịch cộng đồng Home Stay. Tại Việt Hải, du khách được tận hưởng môi trường xanh, sạch, đẹp và thưởng thức ẩm thực mang phong vị địa phương miền biển pha lẫn miền rừng núi hoang sơ hiếm nơi nào có được          Không chỉ tham quan du lịch mà nhiều du khách còn muốn nghỉ dưỡng tại xã đảo Việt Hải để tận hưởng không khí trong lành, sự thân thiện của người dân nơi đây. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn xã Việt Hải có 15 hộ dân kinh doanh du lịch với những dịch vụ chưa thực phong phú, hấp dẫn, cơ sở lưu trú còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Thực tế trên đã phần nào khiến lượng khách đến Việt Hải không ổn định và vẫn mang tính mùa vụ. Việc triển khai mô hình “Du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường gắn với phát triển kinh tế bền vững” là giải pháp tổng hợp gắn phát triển du lịch với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Cát Bà xanh.

Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Phạm Quang Hiển đánh giá: Huyện có chủ trương chú trọng phát triển du lịch cộng đồng theo hướng đem lại lợi ích thiết thực đối với người dân. Trước hết, người dân có được nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách và những nguồn thu này đôi khi lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp thuần túy. Tiếp đến là những lợi ích từ việc phát triển cơ sở hạ tầng… Ngoài ra, còn những lợi ích thiết thực khác như công ăn việc làm, giao lưu văn hóa và đặc biệt là ý thức xã hội về bảo tồn văn hóa được nâng cao. Những năm trước đây huyện có chủ trương phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững, tạo sản phẩm và thương hiệu du lịch, đem lại lợi ích thiết thực đối với người dân và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Du lịch Cát Bà đã cán mốc 02 triệu lượt khách đến năm 2017, hiện đang trong mùa cao điểm du lịch 2018, lượng khách tới Cát Bà tăng cao đột biến bởi cầu Tân Vũ Lạch huyện nối liền với hệ thống đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được đưa vào sử dụng, sắp tới đây cây cầu Bạch Đằng nối kết với đường cao tốc ven biển nối liền các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Nình được thông tuyến. Khi giao thông thuận tiện thì du lịch xã đảo đang đứng trước cơ hội đón hàng vạn du khách đến với địa phương, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và cải thiện thu nhập của người dân địa phương. Để làm được điều này, việc thay đổi cách thức làm du lịch của chính quyền và người dân huyện đảo nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, quan tâm đầu tư cơ sở lưu trú, nước sạch, vệ sinh môi trường được xem là những điều kiện cần và có đối với sự phát triển du lịch bền vững tại huyện đảo Cát Hải Hải Phòng trong hiện tại và tương lai.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Xuân Đỗ (2010), Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị trấn Cát Hải (1930-2010), Nxb, Hải Phòng, Hải Phòng.

2. Nguyễn Khắc Sử (2006), Văn hóa Hạ Long, văn hóa biển tiền sử Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á,(số 1-6), tr 28, Hà Nội.

3. Nguyễn Duy Thiệu (2007), Suy ngẫm về văn hóa biển ở Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (10), tr.28 - 30, 43, Hà Nội.

4. Nguyễn Duy Thiệu (2009), Vài suy nghĩ về di sản văn hóa biển ở Việt Nam, Tạp chí Di sản Văn hóa (3), tr.46-50, Hà Nội.

5.  Google “Cẩm nang du lịch Cát Bà” Truy cập ngày 15/6/2018

https://www.ivivu.com/blog/category/viet-nam/dao-cat-ba/

 6. “Du lịch đảo Cát Bà"”, truy cập ngày 15/6/2018 https://www.ivivu.com/blog/2012/07/9-dieu-nen-lam-khi-du-lich-dao-cat-ba/

-----------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa