Nội san

Vai trò của di tích lịch sử văn hóa đền Chu Hưng với phát triển du lịch huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ

23 Tháng Tám 2018

Hồ Thị Phương Linh [*]

Huyện Hạ Hòa nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc tỉnh Phú Thọ. Huyện được đánh giá là một trong những địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Du lịch huyện Hạ Hòa phong phú về loại hình nhưng tiêu biểu nhất là loại hình du lịch văn hóa tâm linh với nguồn tài nguyên du lịch là hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa có giá trị như: di tích đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương), di tích đền Nghè (xã Văn Lang), Chiến khu 10 (xã Đai Phạm, Gia Điền), Chiến khu Vần (xã Hiền Lương)... Bên cạnh đó, Hạ Hòa còn có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với thế mạnh là được thiên nhiên ban tặng một số điểm danh lam thắng cảnh hấp dẫn như: khu du lịch Đầm Ao Châu với 99 ngách kỳ quan (Thị trấn Hạ Hòa), khu du lịch Ao Giời - Suối Tiên (xã Quân Khê), Đầm Vân Hội (xã Hiền Lương)…

Phát huy những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, cùng với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và nhân dân huyện Hạ Hòa trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ 22 (nhiệm kỳ 2010- 2015) đã xác định: “Phát triển mạnh hệ thống dịch vụ và các hoạt động thương mại; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác tiềm năng lợi thế về du lịch”. Đề án phát triển du lịch huyện Hạ Hòa cũng nhấn mạnh: phát triển du lịch là khâu đột phá trong mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phương châm là khai thác dịch vụ tại các điểm du lịch, đưa du lịch và kinh doanh du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo nguồn thu cho ngân sách huyện; vừa phát triển du lịch vừa quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch sẵn có.

Ngày 08/7/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện Hạ Hòa khóa XXIII đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về phát triển du lịch huyện Hạ Hòa giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Đề án số 938/ĐA-UBND ngày 14/7/2016 của UBND huyện Hạ Hòa về Phát triển du lịch huyện Hạ Hòa giai đoạn 2016 - 2020 được ban hành. Trong đó đã chỉ ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển du lịch là đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư; làm tốt công tác quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư, trùng tu, tôn tạo các điểm du lịch tiêu biểu của huyện, trong đó có di tích đền Chu Hưng. Đồng thời, quan tâm công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với phát triển du lịch.

Trong hệ thống tài nguyên du lịch của huyện Hạ Hòa phải kể đến đó là di tích lịch sử văn hóa đền Chu Hưng (xã Ấm Hạ). Đây là một di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2003, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định số 15/2003/QĐ-BVHTT xếp hạng bổ sung di tích lịch sử - văn hóa đền Chu Hưng vào cụm di tích lịch sử cấp Quốc gia Chiến khu 10. Đền Chu Hưng được xây dựng vào tháng 7 năm 1806 năm thứ 5 Hoàng  triều vua Gia Long. Tọa lạc trên một gò đất cao thuộc khu 7 xã Ấm Hạ với  một quần thể kiến trúc, nghệ thuật độc đáo. Ngôi đền là nơi thờ Côn Nhạc Đại Vương - vị tướng tài giỏi thời đại Hùng Vương, đã có công đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi nước Nam trong thời kỳ sơ khai dựng nước.

 Trong Đề án phát triển du lịch huyện Hạ Hòa giai đoạn 2016 - 2020, di tích lịch sử - văn hóa đền Chu Hưng vẫn được xác định là một điểm du lịch trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới kết hợp phát triển du lịch. Chính vì vậy mà hệ thống đường giao thông, đường vào di tích được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới, kết hợp với mở rộng quy mô hoạt động của các công trình văn hóa công cộng của huyện. Từ đó đã thu hút được các nguồn lực xã hội hóa cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, xây dựng hạ tầng kinh doanh dịch vụ du lịch.

Lễ hội truyền thống tại đền Chu Hưng hàng năm chính là “không gian thiêng”, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Ấm Hạ và thu hút đông đảo du khách thập phương về tham gia lễ hội. Đây cũng là môi trường văn hóa góp phần hình thành, phát triển những giá trị thẩm mỹ, nhân văn và là chất keo trong sự gắn kết của cộng đồng làng xã trên quê hương Hạ Hòa giàu truyền thống cách mạng.

Lễ hội truyền thống đền Chu Hưng (mùng 7 tháng Giêng)

(Nguồn: tác giả)

Ngoài ý nghĩa đó, đền Chu Hưng còn nằm ở vị trí có điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, hình thành điểm du lịch tâm linh kết hợp với một số điểm danh thắng trên địa bàn huyện tạo thành tour du lịch góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch huyện Hạ Hòa.

Trong Đề án phát triển du lịch huyện Hạ Hòa ở các giai đoạn, đền Chu Hưng luôn được xác định là một điểm đến có vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn hóa ứng xử văn minh. Đồng thời, đền Chu Hưng được đưa vào quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng với mục tiêu bảo tồn di tích phục vụ phát triển du lịch của huyện trên cơ sở đền Chu Hưng là một di tích lịch sử - văn hóa có tiềm năng phát triển thành điểm du lịch tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng (Đầm Ao Châu).

Hạ Hòa từ lâu được đánh giá là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi có những danh lam thắng cảnh đẹp. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có hệ thống các di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa. Vì vậy, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Hạ Hòa được xác định là một trong những địa bàn phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh.

Thực tế cho thấy, Hạ Hòa có tiềm năng du lịch phong phú tập trung vào các lĩnh vực du lịch văn hóa tâm linh với các lễ hội truyền thống cùng hệ thống các di tích lịch sử văn hóa. Để phát huy hết thế mạnh và khai thác có hiệu quả tiềm năng vốn có, Hạ Hòa xác định phát triển du lịch là một khâu đột phá trong phát triển  kinh tế - xã hội, xác định đây là một hướng đi và cũng là một chính sách nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn.

Đối với di tích lịch sử - văn hóa đền Chu Hưng, để khai thác và phát huy giá trị của di tích này nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của huyện Hạ Hòa thì trong thời gian tới cần tăng cường công tác quản lý di tích gắn với phát triển du lịch. Để làm tốt việc đó cần có sự đồng bộ trong công tác quản lý, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền nhằm định hướng cho công tác quản lý đảm bảo theo đúng pháp luật về di sản, di tích. Kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị di lịch sử văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững của huyện và địa phương.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; gắn quản lý di tích với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Phương châm là phát triển du lịch bền vững kết hợp hài hòa giữa khai thác sử dụng với bảo vệ tài nguyên và di sản văn hóa.

Xây dựng cơ chế quản lý “nhà nước và nhân dân cùng làm”; di tích là của cộng đồng mà ra vì vậy phải có chính sách phát huy vai trò quản lý của cộng đồng. Quản lý di tích đền Chu Hưng gắn với phát triển du lịch phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an tòan xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, tập trung khai thác có hiệu quả các phong tục văn hóa truyền thống độc đáo tại địa phương, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Một trong những mục tiêu cần đạt tới của du lịch là văn hóa. Chính vì vậy, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Hạ Hòa và xã Ấm Hạ cần đánh giá đúng thực trạng các hoạt động liên quan tới di tích này để có định hướng và đưa ra những giải pháp hợp lý tăng cường và nâng cao công tác quản lý đối với di tích nhằm bảo tồn, sử dụng di tích như nguồn tài nguyên của du lịch. Việc nâng cao công tác quản lý, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát huy vai trò của cộng đồng; đưa các giá trị lịch sử - văn hóa vào hoạt động du lịch được ví như một biện pháp, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển của du lịch. Khai thác và phát huy tốt giá trị của di tích lịch sử - văn hóa đền Chu Hưng sẽ góp phần quyết định sự thành công của quá trình phát triển du lịch huyện Hạ Hòa trong giai đoạn tiếp theo.

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Văn Ánh (2014), Bản dịch Chu Hưng thánh tích ngọc phả, Viện Văn học - Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
  2. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Hạ Hòa (2017), Lịch sử Đảng bộ huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ
  3. Ban chấp hành Đảng bộ xã Ấm Hạ (2017), Lịch sử Đảng bộ xã Ấm Hạ  huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ.
  4. Đoàn Văn Chúc (1997), Xã hội học Văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
  5.  Công ty Văn hóa trí tuệ Việt (2005), Hạ Hòa tiềm năng và cơ hội đầu tư, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  6.  Bùi Công Cương (1995), Di tích lịch sử Đền Chu Hưng xã Ấm Hạ - huyện Hạ Hòa - tỉnh Phú Thọ.
  7. UBND huyện Hạ Hòa (2010), Đề án phát triển du lịch huyện Hạ Hòa giai đoạn 2010 - 2015, Phú Thọ.

  -------------------------------------------------------------------

   [*] Lớp cao học K5 -  Chuyên ngành Quản lý văn hóa