Nội san

Dạy học môn Hòa tấu nhạc nhẹ tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội

28 Tháng Tám 2018

Lê Việt Hùng [*]

Bộ môn Hoà tấu nhạc nhẹ tại khoa Âm nhạc, Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội đã có những thành tựu đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên hiện nay, việc giảng dạy và học tập bộ môn này đã và đang còn nhiều vấn đề cần cải tiến và nâng cao chất lượng để phục vụ cho nhà trường và đóng góp cho xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới của đất nước, bên cạnh dòng âm nhạc hàn lâm và dân gian truyền thống, dòng âm nhạc giải trí nói chung và nhạc nhẹ nói riêng được đại đa số giới trẻ yêu thích. Hòa tấu nhạc nhẹ tại Việt Nam cho đến nay chủ yếu là biểu diễn kết hợp với hát. Trong một chương trình ca múa nhạc nhẹ, hòa tấu nhạc chỉ mang tính chất xen kẽ, tạo màu sắc cho đêm diễn. Tuy nhiên, trong một tương lai không xa, hình thức biểu diễn thuần túy khí nhạc sẽ có sân chơi rộng mở hơn.

Trường Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội là một trường đào tạo bậc đại học với các chuyên ngành khác nhau: Sáng tác âm nhạc, chỉ huy, thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ phương tây, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, biên đạo và huấn luyện múa… Những năm qua, bộ môn hòa tấu nhạc nhẹ của trường đã đạt được các thành tựu đáng ghi nhận. Trong các kỳ thi, liên hoan các ban nhạc nhẹ, nhóm nhạc, nhóm hát, các cuộc thi dành cho thanh nhạc như: Sao mai, Sao mai điểm hẹn hay các lễ hội Festival âm nhạc trên phạm vi toàn quốc… các nhóm nhạc và học sinh, sinh viên của trường đã có những đóng góp nhất định và được dư luận trong giới nhạc khen ngợi. Ngoài những dàn nhạc hòa tấu nhạc nhẹ, đệm hát nổi tiếng của giảng viên và cộng tác viên thì các dàn nhạc hòa tấu nhạc nhẹ do các sinh viên đảm nhận dưới sự chỉ bảo, dẫn dắt của các giảng viên cũng đã thu được những kết quả khả quan và đã bước đầu có những đóng góp cho hoạt động âm nhạc ngoài xã hội.

Tại Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, phương pháp dạy học Hòa tấu nhạc nhẹ được chú ý tới những khâu trọng yếu trong kỹ thuật hòa tấu. Đó là phương pháp dạy học thông qua những kiến thức về hòa âm được thể hiện trong các tác phẩm hòa tấu nhạc nhẹ. Bên cạnh đó, khoa và bộ môn cũng đặc biệt chú ý giảng dạy về các vấn đề có liên quan đến phong cách nhạc nhẹ và các hình thức nhịp điệu nhạc nhẹ để sinh viên có thể ứng dụng trong cuộc sống âm nhạc ngoài xã hội.

Trong những năm qua, chất lượng đào tạo hòa tấu nhạc nhẹ đã dần được nâng cao, nhiều nhóm nhạc nhẹ đã bước đầu gặt hái được những thành công  như ban nhạc Âu Cơ, ban nhạc Đồng đội, ban nhạc Bốn anh em… hay các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh sinh viên của khoa Âm nhạc cũng dần trưởng thành qua các cuộc thi ban nhạc như: The Sunday Chill  hay Vake Band… và có những đóng góp tích cực trong các cuộc thi âm nhạc, các Fesstival quốc gia và quốc tế.

Môn hòa tấu nhạc nhẹ tại khoa Âm nhạc và bộ môn Hoà tấu - Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội đã có những thành tựu đáng kể trong những năm qua, tuy nhiên cũng còn những vấn đề cần được đổi mới để kết quả đào tạo được tốt hơn.

Trong Bộ môn Hòa tấu nhạc nhẹ, vấn đề tài liệu dạy học vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Giáo trình và tư liệu giảng dạy trong nước và quốc tế đều do các giảng viên tự sưu tầm và đưa vào bộ môn, khoa và nhà trường còn chưa có những sự đầu tư đồng bộ về chính sách, chế độ cũng như về kinh phí sưu tầm tài liệu. Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, những giáo trình chuẩn về hòa tấu nhạc nhẹ của thế giới cần được khoa và bộ môn chọn lựa, kiện toàn để đưa vào giảng dạy.

Đứng trên góc độ phương pháp giảng dạy, các giảng viên bộ môn Hòa tấu nhạc nhẹ cũng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đã tích lũy trong nhiều năm công tác. Việc ứng dụng các phương pháp dạy học âm nhạc nói chung và dạy học hòa tấu nhạc nhẹ nói riêng còn nhiều hạn chế.

Trong phương pháp dạy học Bộ môn Hòa tấu, khoa Âm nhạc -Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, để đổi mới, việc đầu tiên cần tiến hành là bổ sung tư liệu giảng dạy để từng bước sắp xếp vào giáo trình môn học. Tiếp đến là vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn cho các giảng viên dạy học Hòa tấu nhạc nhẹ thông qua những yêu cầu của nhà trường. Để việc sắp xếp nội dung được bổ sung vào từng năm học một cách có ích và hiệu quả, cần nghiên cứu về những tiêu chí chọn lựa tác phẩm trong đó có các tác phẩm trong nước, quốc tế được nhà trường mua về hoặc do giảng viên tự sưu tầm, nghiên cứu. Những tác phẩm được lựa chọn cần đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn nhằm phát triển kỹ thuật Hòa tấu nhạc nhẹ cho các em học sinh.

Trong quá trình giảng dạy, cần bổ sung một số tác phẩm hòa tấu mới vào giáo trình dạy học Hòa tấu, những tiêu chí chọn lựa bổ sung tác phẩm hòa tấu như  tiêu chí về “sức biểu cảm” của âm nhạc. Trong đó đề cập tới việc tạo nên sức biểu cảm trong thể hiện giai điệu, nhịp điệu tiết tấu, cường độ và màu sắc âm thanh trong hòa âm, phức điệu, phong cách âm nhạc và các thành tố cấu trúc âm nhạc khác. Một trong những giải pháp có tầm quan trọng là việc nâng cao trình độ của giảng viên dạy học môn Hòa tấu nhạc nhẹ như: nâng cao kiến thức về hòa âm, triển khai hòa âm với tư duy sáng tạo trong Hòa tấu nhạc nhẹ. Song song với đó, cần nâng cao khả năng biểu diễn cho các giảng viên, trong đó có việc nâng cao các kỹ năng  biểu diễn âm nhạc giải trí (Jazz, Pop, Rock...), làm quen với vấn đề “ngẫu hứng” và việc tiếp cận với “tư duy sáng tạo” trong Hòa tấu nhạc nhẹ. Ngoài ra,nhà trường cũng cần nâng cao khả năng thực hành giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, nâng cao kỹ năng chuyển soạn và dàn dựng tác phẩm cho Hòa tấu nhạc nhẹ (tác phẩm trong và ngoài nước).

Một trong những giải pháp có tầm quan trọng là việc nâng cao trình độ của giảng viên dạy học môn Hòa tấu nhạc nhẹ là việc nâng cao kiến thức về hòa âm, triển khai hòa âm với tư duy sáng tạo trong Hòa tấu nhạc nhẹ cũng như nâng cao khả năng biểu diễn cho các giảng viên. Cần đầu tư mạnh mẽ cho việc soạn thảo những giáo trình tuyển tập tác phẩm mới, những sách chuyên đề phục vụ cho công tác dạy học Hòa tấu nhạc nhẹ, đáp ứng được yêu cầu phát triển của giai đoạn mới. Cần đầu tư trang thiết bị công nghệ Multi Media (đa phương tiện) phục vụ cho việc giảng dạy và học tập hòa tấu nhạc nhẹ.

Như vậy, có thể thấy rằng, đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Hòa tấu nhạc nhẹ tại các cơ sở đào tạo nhạc nhẹ nói chung và tại Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội nói riêng đang là một vấn đề cấp thiết hiện nay. Đây là yếu tố tiên quyết để nâng cao khả năng biểu diễn chuyên nghiệp cũng như trong phục vụ đời sống xã hội. Điều đó sẽ góp phần đưa Việt Nam hội nhập với thế giới trong lĩnh vực âm nhạc nói chung và nhạc nhẹ nói riêng.

Tài liệu tham khảo

 1. Nguyễn Mai Kiên (2017), Giáo trình hoà âm Jazz, Pop, Rock bậc Trung cấp và Đại học Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, Nxb Quân đội nhân dân.

 2. Nguyễn Trung Kiên (2008), Đa dạng hóa mô hình đào tạo âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn mới, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

 3. Nguyễn Phúc Linh (1997), Một số đặc điểm về phương pháp biểu diễn của kèn gỗ trong các tác phẩm Việt Nam, luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học, Viện Văn hóa - Nghệ thuật, Hà Nội.

 4. Lê Duy Mạnh (2015), Giảng dạy một số tác phẩm của Charlie Parker cho kèn Saxophone hệ Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

 5. Lưu Quang Minh (2003), Hòa âm nhạc Jazz tập 1, Biên soạn một số tác phẩm chọn lọc phong cách Swing cho học sinh Trung cấp - Đại học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

 6. Hoàng Phê (chủ biên) (2003), Từ điển tiếng Việt, Nxb Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội.

 7. Mike Sten (1998), Jazz Blus Guitar, Nxb Denlon, Texas76201.

 -------------------------------------------------------------------

   [*] Lớp cao học K7 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc