Nội san

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa đền Mõ, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng

28 Tháng Tám 2018

Nguyễn Văn Như [*]

Di tích đền Mõ thuộc xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, là nơi thờ Quỳnh Trân công chúa, người có công khai hoá mảnh đất này. Trần Quỳnh Trân là công chúa triều đại nhà Trần, năm Quý Mùi, công chúa lòng không nhuốm bụi trần xin Thương Hoàng cho xuất gia thờ Phật và đã chọn xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn để lập một cái am ngày đêm hương đèn thờ Phật. Công chúa lại mở rộng việc khai khẩn ruộng vườn, cấp phát tiền tài cho nhiều người cày cấy. Từ đấy, dân Nghi Dương ngày càng no đủ, trở thành một làng giàu có. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Mông công chúa Quỳnh Chân cũng thể hiện rõ là một nhà thao lược vẹn toàn. Sau khi công chúa viên tịch, để ghi nhớ công lao đức độ của người, nhân dân địa phương lập đền thờ và kế tiếp nhau để lưu truyền hương khói.  

Đền là một quần thể sinh động với diện tích 2,5 ha với 3 tòa nhà, có kiến trúc kiểu “tiền nhất hậu đinh” gồm 5 gian tiền đường, 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung. Hai bên sân còn có hai tòa giải vũ, mỗi tòa 5 gian, 2 chái cao to sừng sững. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đền là căn cứ bí mật hoạt động của cán bộ cách mạng. Trong cuộc chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc, đền Mõ che chắn cho các đơn vị ra đa, tên lửa sẵn sàng phát hiện mục tiêu, tiêu diệt kẻ thù để bảo vệ bầu trời phía Đông Nam thành phố Hải Phòng.

Năm 1992, đền Mõ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 1996, sau nhiều năm, lễ hội truyền thống đền Mõ được tổ chức lại vào ngày 12/2 âm lịch nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Năm 2011, Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận cây gạo đền Mõ là Cây Di sản Việt Nam. Năm 2012, cây này lại được Trung tâm Xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận và tôn vinh là cây gạo nhiều năm tuổi nhất Việt Nam với tuổi đời lên đến 729 năm. Cho đến nay, đền Mõ còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như hoành phi, câu đối,... đặc biệt là 11 bản sắc phong của các triều đối với công lao, đức hạnh của công chúa Quỳnh Trân.

  1. Thực trạng công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa đền Mõ

Những năm qua, hoạt động quản lý đền Mõ đã bước đầu đáp ứng được những yêu cầu trong việc quản lý và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của di tích, có thể kể đến như: di tích cùng các tài liệu, cổ vật, di vật,... được bảo tồn; Đất đai của di tích được cắm mốc giới bảo vệ; Các dự án tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích được triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành; Các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, lễ hội truyền thống, tham quan du lịch diễn ra tại di tích đền Mõ được hướng dẫn tổ chức thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, đảm bảo quyền tự do của mọi người khi đến thăm di tích.

            Tuy nhiên qua nghiên cứu, khảo sát công tác quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử đền Mõ trên thực tế cho thấy một số hạn chế cần được khắc phục, cụ thể như: Việc xây mới, trùng tu, tôn tạo bên cạnh những ưu điểm đã thấy thì hạn chế của hoạt động này là làm giảm đi giá trị lịch sử - văn hóa của di tích; Việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn Luật di sản văn hóa chưa có kế hoạch cụ thể, chưa thường xuyên tập trung vào những thành viên trong ban quản lý di tích, cộng đồng địa phương cũng chưa quan tâm về vấn đề này. Hiện tại, việc đi đến di tích đền Mõ chủ yếu thông qua bản đồ, qua hệ thống chỉ đường điện tử hoặc qua việc hỏi đường người dân mà chưa có những biển chỉ dẫn về di tích. Đội ngũ cán bộ quản lý về cơ bản đã nhiều tuổi trong khi việc tìm người thay thế đáp ứng được yêu cầu về uy tín, trình độ, tinh thần trách nhiệm và hơn cả là vốn hiểu biết về di tích trong thời gian tới là rất khó khăn; Toàn bộ đội ngũ quản lý di tích đền hiện tại chưa ai có khả năng đọc và viết chữ Hán Nôm trong khi di tích đền Mõ nói riêng và rất nhiều di tích lịch sử khác trong và ngoài địa bàn huyện có lượng chữ Hán Nôm dày đặc được thể hiện qua các hoành phi, văn bia, câu đối…

Vì vậy, để khắc phục và giải quyết những tồn tại trên tác giả xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với di tích có giá trị lịch sử - văn hóa sâu sắc này.

  1. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa đền Mõ

Thứ nhất, Sở VH&TT Hải Phòng - cơ quan giúp việc cho UBND thành phố về thực thi nhiệm vụ quản lý di tích cần xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý di tích và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Các đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác quản lý di tích như: Ban quản lý di tích thành phố, phòng Quản lý di sản, Thanh tra Sở, Bảo tàng thành phố và UBND xã Ngũ Phúc có trách nhiệm phối hợp thực hiện. Nội dung của quy chế phối hợp cần xác định rõ những công việc cần phối hợp thực hiện, cơ chế phối hợp công tác, giải pháp xử lý những vướng mắc trong quá trình phối hợp, trách nhiệm của trưởng các đơn vị, bộ phận trong việc thực hiện quy chế phối hợp.

Thứ hai, để khuyến khích, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người trực tiếp trông coi, bảo vệ di tích lịch sử cho các thành viên trong ban quản lý, sở và các cấp quản lý cao hơn nên thống nhất văn bản quy định mức độ phụ cấp, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa như hiện nay, khi nhiều di tích lịch sử đặc biệt là di tích lịch sử cấp quốc gia là nguồn lực thúc đẩy du lịch phát triển thì việc tăng tiền phụ cấp cho ban quản lý di tích là rất cần thiết.

Thứ ba, tăng cường cán bộ chuyên môn về quản lý di sản văn hóa, quản lý di tích lịch sử - văn hóa cho ban quản lý di tích. Việc có thêm đội ngũ hướng dẫn trẻ có thể phục vụ lâu dài, chuyên nghiệp về trang phục, tác phong, biết Hán Nôm và hiểu sâu về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích là việc làm có ý nghĩa thiết thực hiện nay. Các đoàn học sinh, sinh viên, hay nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân  đến tham quan học tập, nghiên cứu ở đền Mõ sẽ thuê hướng dẫn viên. Như vậy, ban quản lý di tích có thêm kinh phí để thực hiện việc trùng tu, tôn tạo và giữ gìn di tích lích sử - văn hóa đền Mõ,  đồng thời thúc đẩy sự phát triển du lịch của huyện Kiến Thụy nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung. Bên cạnh việc tuyển chọn đội ngũ hướng dẫn viễn cho di tích, ban quản lý di tích cần trẻ hóa đội ngũ và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên trong ban học tập, nâng cao trình độ chuyên môn về ngành quản lý di sản văn hóa. Ban quản lý di tích phối hợp với các trường đào tạo về văn hóa và quản lý văn hóa để tăng cường mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác quản lý di tích cho thành viên ban quản lý di tích đền Mõ cũng như ở địa phương.

 Thứ tư, một vấn đề có tính chất nền tảng cho công tác quản lý di sản văn hóa là phải xây dựng được ngân hàng dữ liệu khoa học về tất cả các di tích lịch sử, văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể có trên địa bàn thành phố. Có thể coi đây là “tổng kho di sản” của cả thành phố - nơi tích hợp mọi nguồn thông tin có liên quan tới di sản văn hóa và hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đã, đang và sẽ được triển khai ở Hải Phòng. Một khi đã được số hóa bằng công nghệ tin học cho phép dễ dàng kết nối các báo cáo thì ngân hàng dữ liệu như trên sẽ được phát huy sức mạnh lớn lao trong đời sống xã hội, phục vụ thiết thực cho công tác quản lý di sản văn hóa nói chung và di tích lịch sử - văn hóa nói riêng.

 Thứ năm, ban quản lý di tích đền Mõ nên bổ sung và thiết kế các bảng chỉ dẫn vào khu di tích đáp ứng được mục đích đề ra, kích cỡ phù hợp với mục tiêu chỉ dẫn và quảng bá, tạo được hiệu ứng với người qua đường đặc biệt ở trục quốc lộ 353 đi Đồ Sơn.

Thứ sáu, thực hiện nghiêm túc và nhất quán các công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, hoạt động lễ hội truyền thống tại di tích. Đối với ban quản lý di tích địa phương cần nâng cao vai trò của các bên tham gia, trong đó chú ý tới vai trò tự quản của cộng đồng. Thiết lập đường dây nóng với số điện thoại của ông/bà trưởng ban hoặc cán bộ phụ trách thường trực 24/24h đồng thời tổ chức đặt các hòm thư tố giác sai phạm tại các điểm di tích. Xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện bảo vệ di tích giữa ban quản lý di tích địa phương với các thủ nhang, thủ từ và cộng đồng địa phương. Đặc biệt, hàng năm, đền Mõ thu hút rất đông du khách tới tham quan và nghiên cứu cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, hoạt động tâm linh nhất là vào dịp diễn ra lễ hội. Vì vậy, Sở VH&TT Hải Phòng cần tăng cường chỉ đạo quản lý, hướng dẫn các hoạt động văn hóa tâm linh và du lịch tại di tích này, nhằm bảo tồn hiểu quả cảnh quan môi trường của di tích.

Tài liệu tham khảo

1. Trịnh Minh Hiên, Trần Phương, Mạnh Hà (1993), Hải Phòng di tích lịch sử văn hóa, Nxb Hải Phòng

2. Hội đồng nhà nước (1984), Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, Hà Nội ngày 31/3/1984.

  3. Ngô Đăng Lợi (1998), Ngọc phả Quỳnh Trân công chúa Triều Trần, hội đồng lịch sử thành phố.

 4. Quốc hội (2001), Luật Di sản văn hoá số 28/2001/QH 10.

  5. Quốc hội (2009), Luật sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hoá nước Cộng hoà xã  hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 29 tháng 6 năm 2009.

------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa