Nội san

Bàn về quản lý hoạt động biểu diễn tại Nhà hát Chèo Ninh Bình hiện nay

28 Tháng Tám 2018

Ninh Việt Triều [*]

Quản lý là hoạt động cần thiết đối với mọi lĩnh vực hoạt động trong xã hội. Quản lý giúp các hệ thống xã hội thích nghi được với môi trường, nắm bắt các cơ hội để tồn tại và phát triển. Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật là một trong những chức năng cơ bản của hoạt động quản lý, trong đó có quản lý con người hoạt động nghệ thuật (nhân lực), nhằm giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan đến con người gắn với công việc của họ trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

Quản lý văn hóa nói chung, quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói riêng có vai trò quan trọng trong việc định hướng lâu dài cho sự phát triển văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn coi văn hóa là một mặt trận, người nghệ sĩ được gọi là “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng” thông qua các tác phẩm biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu và các chương trình nghệ thuật ở không gian khác.

Quản lý nghệ thuật mang cả hai yếu tố khoa học và nghệ thuật. Tính khoa học trong quản lý nghệ thuật được thể hiện ở quan điểm tư duy hệ thống, tôn trọng quy luật khách quan, lý luận gắn với thực tiễn. Nhưng hoạt động quản lý văn hóa nghệ thuật không chỉ là lĩnh vực thực hành đơn thuần là thợ nghề, cần sự chính xác, chỉn chu, mà hoạt động biểu diễn nghệ thuật thường không ngừng biến đổi cả trong thời gian, có khi vượt tầm thời gian, khung cảnh, tư tưởng thời đại. Quản lý văn hóa nghệ thuật cũng đồng thời phải xử lý các tình huống có cả khách quan và chủ quan, nên phụ thuộc vào tài nghệ của từng người, đó là nghệ thuật Quản lý [5; tr.22].

Hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho các tổ chức nói chung, đặc biệt là tổ chức nghệ thuật truyền thống Tuồng, Chèo, Cải lương nói riêng. Nếu như trước đây, các tổ chức biểu diễn nghệ thuật được nhà nước tài trợ, bao cấp hoàn toàn cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thì nay khuynh hướng đã cắt giảm khá nhiều. Theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị công lập thì một số cơ sở nhà hát/đoàn nghệ thuật thuộc công lập ở trung ương đã và đang thực hiện.

Trong điều kiện như nói ở trên, các loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại có mặt trên nhiều phương tiện công nghệ truyền thông để người dân lựa chọn, nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng gặp không ít khó khăn. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Chèo Ninh Bình cũng không nằm ngoài tình hình đó. Làm gì để duy trì, quản lý hoạt động biểu diễn phát triển bền vững tại Nhà hát Chèo Ninh Bình sao cho phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng nhu cầu xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã trở thành vấn đề cấp bách không chỉ với lãnh đạo tỉnh, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, mà đặc biệt đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà hát Chèo Ninh Bình.

Thực tiễn, các tổ chức biểu diễn nghệ thuật Chèo tại Nhà hát hiện nay hoạt động có nhiều khó khăn về nguồn lực (con người và cơ sở vật chất) và công tác quản lý. Hàng năm đều có dựng các vở mới, khôi phục tiết mục cổ, phục vụ biểu diễn công chúng và nhiệm vụ chính trị của địa phương… Tuy nhiên, nhiều tiết mục, tác phẩm nghệ thuật Chèo của Nhà hát bị trùng lặp về Đạo diễn, Âm nhạc, thiết kế mĩ thuật,… với nhiều đơn vị nghệ thuật khác trên cả nước. Nguyên nhân có nhiều lý do khác nhau, nhưng kết quả nghệ thuật cho thấy, các tác phẩm dàn dựng nghệ thuật Chèo mới về hình thức, nhưng cũ về nội dung (theo kiểu bình cũ rượu mới); sức sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ bị hạn chế, gây tốn kém kinh phí, thời gian và trí lực của địa phương, của nhà nước…

 Ninh Bình, được mệnh danh là một trong chiếc nôi của Chèo cổ. Một số tư liệu còn khẳng định cho rằng Chèo có từ Ninh Bình. Nơi đây có nhiều thể loại ca hát đặc sắc gần với Chèo như hát Xẩm. Một trong nghệ nhân nổi tiếng về hát Xẩm là cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Bà vừa là tác giả, vừa là diễn viên đồng thời là người thầy trao truyền, biểu diễn và sáng tác nhiều tác phẩm xẩm có giá trị để đời. Nối tiếp thế hệ đi trước, Ninh Bình có nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tài danh hiện đã và đang làm nghề thực thụ có đóng góp cho ngành chèo cả nước nói chung, chèo Ninh Bình nói riêng, đó là các nghệ sĩ: Thúy Mùi, Hạnh Nhân, Thúy Ngần, Mai Thủy…

Ninh Bình xưa và nay là đất văn hiến lâu đời. Nghệ thuật Chèo với những giá trị độc đáo của nó, đã và đang góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời tìm hướng đi để đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa du lịch của tỉnh nhà.

 Thiết nghĩ, cán bộ và nghệ sĩ Nhà hát Chèo Ninh Bình càng phải nỗ lực hơn để xứng đáng không hổ thẹn với cha ông dày công xây dựng nền móng giá trị vững  của Chèo Việt Nam mà trong đó các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ Chèo ở Ninh Bình góp phần không nhỏ.

Nhà hát Chèo Ninh Bình những năm gần đây đã góp sức khơi dậy niềm tự hào của người dân quê hương. Công tác Quản lý, điều hành, tổ chức và triển khai nghệ thuật Chèo cho ra Chèo ở Nình Bình có những thành tựu đáng kể. Tuy vậy, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân không chỉ ở Ninh Bình mà còn cho người dân cả nước và khách quốc tế đến với đất Nình Bình (một vùng đất giàu văn hóa và du lịch) hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thông qua nghệ thuật Chèo thì còn rất nhiều vấn đề mà Nhà hát cần phải làm.

Nhà hát Chèo Ninh Bình là đơn vị hoạt động nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp, gồm 2 đoàn chèo. Nhà hát được thành lập trên cơ sở nâng cấp Đoàn chèo Ninh Bình. Đây là Nhà hát Chèo nằm trên vùng đất Kinh đô Tràng An, vốn được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hiện nay Nhà hát Chèo có vai trò quan trọng trong việc phục vụ giải trí, định hướng thường thức giá trị nghệ thuật chèo cho nhân dân trong tỉnh, ngoài ra còn tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, doanh thu và nâng cao đời sống, phát triển nghệ thuật, tái đầu tư cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị nghệ thuật của Nhà hát. Ngoài dàn dựng và biểu diễn nghệ thuật Chèo là chính, Nhà hát còn tổ chức biểu diễn các nghệ thuật khác như: hát Xẩm, hát Văn, hát Ca trù, Múa rối nước,... Đây là một trong những khác biệt của Nhà hát với các đoàn nghệ thuật khác.

Tương tự như các Nhà hát Chèo trên cả nước hiện nay, Nhà hát Chèo Ninh Bình đang theo vận hành theo lộ trình tự chủ từng phần, cơ chế quản lý trong tổ chức nghệ thuật nơi đây vẫn được nhấn mạnh theo nội dung chính trị tư tưởng, các tác phẩm nghệ thuật trước khi được đầu tư hay công diễn luôn có hội đồng nghệ thuật thẩm định, sửa chữa theo ý kiến của hội đồng nhằm đảm bảo được tính tư tưởng trong chương trình nghệ thuật.

Lịch sử đã chứng minh, dù trong bối cảnh nào, thì hầu hết các tổ chức biểu diễn nghệ thuật công lập, mà ở đó là các Đoàn/nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp có ở địa phương và trung ương vẫn được nhà nước bao gần như hoàn toàn. Các đơn vị tổ chức nghệ thuật này luôn trung thành với Đảng, Tổ quốc, phục vụ và định hướng, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, nhà nước đồng thời định hướng về nhận thức thẩm mỹ tốt đẹp cho nhân dân. Luôn nỗ lực phấn đấu, tìm tòi, sáng tạo để đem đến cho quần chúng, nhân dân, các cộng đồng những tác phẩm nghệ thuật tốt nhất có thể [6; tr.51].

Trước thực tế đó, đòi hỏi quản lý văn hóa nghệ thuật phải thay đổi và tăng cường đổi mới và nâng cao công tác quản lý trong việc hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, kiểm tra đánh giá, kích thích sáng tạo nghệ thuật… nhất là quản lý nguồn năng lực, sự sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ nhằm đáp ứng với nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Việc quản lý hoạt động nghệ thuật đã có những khó khăn nhất định khi biên chế, tiền lương, bảo hiểm… phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhà nước.

Xem xét kỹ, thấy rằng, quản lý nghệ thuật có những nét tương đồng với khoa học quản lý nói chung, nhưng đồng thời cũng có những điểm riêng biệt của quản lý trong một lĩnh vực cụ thể là quản lý hoạt động một nghệ thuật truyền thống. Lớp trẻ hiện nay lại hiểu và yêu mến nghệ thuật này có hạn, công chúng lại có quá nhiều chương trình nghệ thuật khác hấp dẫn để lựa chọn… Chính sách đặc thù cho việc quản lý tổ chức nghệ thuật truyền thống hiện tại của nước ta còn rất nhiều bất cập… (vẫn áp dụng những điểm cơ bản chung của quản lý như: tài chính, kế toán, quản lý con người, tiếp thị, kiểm tra - giám sát… như các tổ chức kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khác). Trong khi đó, quản lý hoạt động nghệ thuật Chèo có những đặc thù rất riêng, thậm chí là đặc biệt. Đây là một lĩnh vực mang tính sáng tạo và tính nhân văn, những sản phẩm văn hóa tinh thần luôn đi trước, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, ngoài ra vẫn phải đảm bảo cả yếu tố giải trí…  Chèo lại là một nghệ thuật có quá nhiều giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, nên việc cải cách, cách tân làm mới sản phẩm nghệ thuật cho phù hợp với thời đại đồng thời giữ gìn được bản sắc quả là vô cùng khó. Chưa kể, đầu tư cho hoạt động nghệ thuật này từ nguồn lực đến cơ sở vật chất đặc biệt là nghệ sĩ diễn viên nhạc công thực hiện tốt tác phẩm nghệ thuật cần công phu, tốn kém cả trí, lực, thời gian và công sức đào tạo.

Không chỉ Nhà hát Chèo Ninh Bình, mà hầu hết các tổ chức nghệ thuật biểu diễn hiện nay đều hoạt động trên cơ sở tiền bán vé và các nguồn đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận… Nhiệm vụ phục vụ chính trị vẫn phải hoàn thành xuất sắc, kịp thời đồng thời vẫn phải bán vé, doanh thu nhưng bên cạnh đó, các tổ chức Nghệ thuật biểu diễn không chỉ đặt ra đạt chỉ tiêu kinh tế tỉnh/nhà nước giao từng năm.        

Rõ ràng, trong tình hình như vậy, thì nghệ thuật quản lý thể hiện trong việc sử dụng phương pháp, công cụ dùng người, nghệ thuật giao tiếp, ứng xử… của các nhà quản lý là vô cùng quan trọng. Từ đó, khiến mọi người trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhiệt tình hơn, say sưa và thỏa sức sáng tạo nghệ thuật mới có thể đóng góp sức lực trí tuệ của bản than cho tác phẩm nghệ thuật.

Quản lý hoạt động nghệ thuật tại Nhà hát Chèo Ninh Bình cũng bao gồm bốn yếu tố cơ bản: lên kế hoạch, tổ chức, Quản lý và giám sát đánh giá kết quả và hiệu quả của Quản lý.

Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật được hiểu như việc quản lý phi lợi nhuận nhằm tạo ra các cơ hội tiếp xúc giữa nghệ sĩ và công chúng mà còn thúc đẩy sự sáng tạo của nghệ sĩ và đảm bảo cho sự phát triển của nghệ thuật. Quản lý nghệ thuật, cho dù được coi là tổ chức phi lợi nhuận, nhưng cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung của một xã hội. Đó là, trước những thay đổi của nền kinh tế bao gồm hệ thống giá cả, tình trạng thất nghiệp, sự thay đổi của chính sách, lãi suất ngân hàng, nhu cầu tiêu dùng… tất cả đều ảnh hưởng đến các vấn đề của tổ chức nghệ thuật. Như vậy, nhà quản lý nghệ thuật hiệu quả nhất là những người biết kết hợp những năng khiếu của mình trong nghệ thuật với những kiến thức về quản lý [6; tr.58].

Không chỉ riêng ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới đang có khuynh hướng cắt giảm nguồn bao cấp từ nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức nghệ thuật. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và giao lưu giữa các nước, đòi hỏi nhà quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở Ninh Bình không chỉ bằng lòng với những kiến thức cũ mà cần phải trang bị các kiến thức, kỹ năng phù hợp, nhằm giải quyết các vấn đề khác nhau của Quản lý, nhằm đạt được mục tiêu cả về văn hóa bản sắc Ninh Bình và lợi nhuận trong tổ chức nghệ thuật nhằm mang nguồn lợi, nâng cao đời sống cho các nghệ sĩ.

Cán bộ Quản lý hoạt động biểu diễn tại Nhà hát cần nhận thức rõ sản phẩm nghệ thuật Chèo không chỉ đơn thuần là sản phẩm mang yếu tố tinh thần mà còn phải bao gồm cả khía cạnh kinh tế, mặc dầu nghệ thuật Chèo là nghệ thuật truyền thống, nhất là chèo cổ. Nếu như trước đây nhà quản lý nghệ thuật Chèo có thể là nghệ sĩ gắn bó với tổ chức nhà hát lâu năm là đủ, thì hiện nay quản lý nghệ thuật Nhà hát Chèo Ninh Bình đỏi hỏi người quản lý cần phải học những kiến thức được đào tạo chuyên nghiệp về bộ môn nghệ thuật nào đó, kèm theo là các chứng chỉ kinh doanh về Quản lý nghệ thuật và những kiến thức về marketing văn hóa nghệ thuật, chưa kể tại Ninh Bình việc giao lưu văn hóa vùng miền và văn hóa quốc tế đang diễn ra rất mạnh.

Nhà hát Chèo Ninh Bình nếu như trước đây chỉ hoạt động nghệ thuật Chèo, nay đã đa dạng hoạt động nhiều loại hình nghệ thuật (hát xẩm, hát vă, hát ca trù, hát dân ca các miền, múa rối nước, ca nhạc mới…). Thế nên, người quản lý tại nhà hát nếu không tinh thông về nghệ thuật Chèo, sẽ rất dễ ngộ nhận Chèo là cổ là cũ, là lạc hậu, không thể cải cách… mà sao nhãng chạy theo thị hiếu tầm thường, không cân bằng hai mục tiêu của sản phẩm nghệ thuật Chèo (văn hóa và kinh tế). Làm cho Chèo không ra Chèo, các loại hình nghệ thuật hiện đang có ở Nhà hát dễ bị lấn sân, làm mờ nhạt và dần đánh mất bản sắc, giá trị của Chèo.                                                                                                                                            

Tài liệu tham khảo

1. Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

2. Nghị định số 40/2009/NQ-CP ngày 06 tháng 1 năm 2016 của Chính phủ về đề án Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

3. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị công lập.

4. Phương Thanh (2010), Nhiều giải pháp quản lý và phát triển nghệ thuật, nghệ thuật biểu diễn, số 8, tr.46-49.

5. Lưu Đan Thọ (2014), Quản trị học trong xu thế hội nhập - Những vấn đề cốt yếu của quản lý, Nxb Tài chính, Hà Nội.

6. Nguyễn Thị Xuân (2017), Quản lý nguồn nhân lực biểu diễn nghệ thuật tại các nhà hát trên địa bàn Hà Nội, Luận án tiến sĩ Quản lý văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội.

-------------------------------------------------------------------

   [*] Lớp cao học K5 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa