Nội san

Một số vấn đề của khí nhạc hiện đại Việt Nam

03 Tháng Ba 2008

 

TSKH. Phạm Lê Hoà

 

 Lịch sử phát triển của xã hội loài người không chỉ là lịch sử của sự thay đổi một cách xác định trong quan hệ xã hội giữa người với người, không chỉ là sự thay đổi ở phương diện tư duy, mà ở cả các lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Những tầm tư tưởng mới của triết học luôn song hành cùng các tư duy mới tương đồng trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Chính vì vậy, mỗi thời đại bao giờ cũng có những nét đặc trưng riêng trong văn hóa, những dấu ấn riêng trong ngôn ngữ biểu đạt tình cảm và trí tuệ của mình. Sự phát triển trong nhiều nghìn năm qua của văn hoá truyền thống Việt Nam nói chung, của âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng cũng không nằm ngoài qui luật đó. Ngay cả nền âm nhạc cách mạng Việt Nam với khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ qua đã không chỉ khẳng định những giá trị về phương diện nghệ thuật độc đáo của thời đại mình, mà hơn thế nữa, đã sự khẳng định vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh và xây dựng Tổ quốc.

Trong quá trình hơn 50 năm của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, qua những tư liệu còn lưu giữ được cũng như những ghi chép ở các cuộc trao đổi với các nhạc sĩ lão thành, chúng ta đã thấy những dáng dấp đầu tiên của khí nhạc Việt Nam qua sự diễn tấu của các tốp nhạc, các ban nhạc tại Hà Nội từ đầu những năm 1930. Và cùng tiến trình lịch sử, do khó khăn riêng của những năm tháng chống giặc ngoại xâm, khí nhạc Việt Nam vẫn không ngừng tồn tại và phát triển. Song, cho đến giai đoạn gần đây, khi nói đến nền âm nhạc hiện đại Việt Nam1, nhiều người thường chỉ nói đến sự phát triển và nở rộ của lĩnh vực thanh nhạc2 mà quên rằng cùng với nó là nền khí nhạc hiện đại Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã và đang giữ một vị trí không thể thiếu được trong đời sống âm nhạc nước nhà.

Trong sự so sánh với thế giới và nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy Việt Nam là một nước có truyền thống khí nhạc từ lâu đời. Trên những di chỉ khảo cổ, các nhà sử học và giới các nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam đã tập hợp được những chứng liệu về văn hoá của các tộc người sống trên đất nước Việt Nam, chứng tỏ cùng giới nghiên cứu khoa học Việt Nam và thế giới sự tồn tại một truyền thống hàng ngàn năm của khí nhạc dân tộc. Cho đến hôm nay đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuốn sách thống kê, phân loại và giới thiệu tính năng của hàng trăm các nhạc khí dân tộc còn lại đến thời đại của chúng ta. Nhưng từ thông tin của những con người tâm huyết trong việc bảo tồn những di sản văn hóa dân tộc, chúng ta vẫn nhận thấy còn rất nhiều các nhạc khí dân tộc đã thất lạc, hoặc vẫn còn chưa được giới thiệu rộng rãi. Các nhạc khí truyền thống Việt Nam hết sức đa dạng và phong phú trên nhiều phương diện: nguyên liệu chế tác, nguyên tắc phát âm, màu sắc âm thanh, khả năng biểu hiện, không gian - thời gian hiện hữu cũng như kỹ thuật diễn tấu.v.v... Chúng không chỉ giữ vai trò phụ đệm cho các giọng hát, các điệu múa, mà còn giữ vai trò tự biểu diễn nhiều tác phẩm dành riêng của mình. Nhiều bài bản cho các nhạc cụ dân tộc độc tấu hoặc hoà tấu vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày hôm nay. Điều đó chứng tỏ rằng: Việt Nam không chỉ là một quốc gia có truyền thống ca hát, Việt Nam còn là một dân tộc đã từ xa xưa biết thưởng thức, biết đánh giá cái hay, cái đẹp và cả tính thực hành xã hội của ngôn ngữ khí nhạc. Về nhạc khí và các vấn đề của khí nhạc dân gian chúng ta có thể gặp ở rất nhiều công trình nghiên cứu của các bậc thày như: GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, PGS.TS. Thuỵ Loan, PGS.TS. Nguyễn Xinh, PGS.TS. Phạm Minh Khang và nhiều người khác3.

Khi nói đến một nền âm nhạc, trước hết phải nói đến đội ngũ những người sáng tác khí nhạc - một trong những thế mạnh có tính chất cơ bản đối với sự phát triển của nền khí nhạc hiện đại Việt Nam. Hầu hết các nhạc sĩ sáng tác khí nhạc Việt Nam đều được đào tạo, được trang bị tri thức âm nhạc một cách chính qui tại các Nhạc viện trong và ngoài nước. Đây là yếu tố hết sức cần thiết cho sự ra đời của các sáng tác khí nhạc bởi bên cạnh tính trừu tượng cao khi phản ánh hình tượng của nghệ thuật âm nhạc, một tác phẩm khí nhạc có những đòi hỏi khoa học riêng về nguyên tắc cấu trúc và phương pháp xây dựng tác phẩm. Tác phẩm khí nhạc không chỉ là sự thể hiện tình cảm và trí tuệ của người nghệ sĩ sáng tác, tầm tư tưởng của một khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật, mà còn là khoa học về sự hoà hợp đồng thời của mọi phương tiện biểu hiện ngôn ngữ âm nhạc. Trong tương quan với các nước trong khu vực, đây là một lợi thế của Việt Nam mà không phải ngày một, ngày hai các nước trong khu vực có thể có được.

Qua sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam thời gian gần đây, chúng ta thấy, hầu hết các tác giả đã làm chủ được kỹ thuật sáng tác, đi sâu tìm tòi khả năng biểu hiện mới của ngôn ngữ khí nhạc. Ở nhiều nhạc sĩ đã thể hiện những tư duy độc đáo có cá tính sáng tạo riêng, những thể nghiệm và tiếp thu có chọn lọc kỹ thuật sáng tác khí nhạc hiện đại thế giới trong việc biểu đạt hình tượng nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhiều tên tuổi các nhạc sĩ sáng tác khí nhạc hiện đại Việt Nam đã được khẳng định như: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Hoàng Việt, Đàm Linh, Nhật Lai, Nguyễn Đình Tấn, Chu Minh, Hoàng Vân, Hồng Đăng, Ca Lê Thuần, Nguyễn Thị Nhung, Trần Trọng Hùng, Trọng Bằng, Nguyễn Xinh, Minh Khang, Thế Bảo, Nguyễn Cường, Ngô Quốc Tính, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài, Thuỵ Loan, Hoàng Cương v.v...

Vấn đề thứ hai cần phải nói đến là tính dân tộc đậm nét - đặc điểm nổi bật và xuyên suốt qua tác phẩm của các nhạc sĩ sáng tác âm nhạc hiện đại Việt nam. Đây cũng là yếu tố khẳng định con đường của sáng tác khí nhạc hiện đại Việt Nam. Điều đó hoàn toàn phù hợp với những quan điểm tiến bộ đang ngự trị trong giới sáng tạo âm nhạc hiện đại thế giới. Thật vậy, mỗi dân tộc có nghĩa vụ góp phần, làm giàu thêm, làm phong phú thêm kho tàng sáng tạo nghệ thuật âm nhạc thế giới bằng tiếng nói riêng của dân tộc mình. Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp thu và kế thừa di sản văn hoá dân gian là một trong những vấn đề mang tầm quốc tế cùng sự phong phú đến phức tạp ở nhiều cấp độ khác nhau với hàng loạt các công trình nghiên cứu về vấn đề này. Chính tính dân tộc đậm nét đã góp phần khẳng định sự tồn tại và phát triển đúng hướng của một nền khí nhạc Việt Nam còn non trẻ so với bề dầy hàng thế kỷ của nền khí nhạc châu Âu. Chúng tôi cho rằng đây là một thế mạnh, một hướng đi đúng đắn cần phát huy trong thời gian tới của nền khí nhạc trẻ tuổi Việt Nam theo hướng phấn đấu vì một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trong giai đoạn hiện nay, khi mà sự giao lưu giữa các nền văn hoá trên thế giới bước vào một kỷ nguyên mới với những tư duy mới về vai trò trong sự phát triển của nền văn hóa bản địa, thì việc tiếp thu một cách có chọn lọc những thủ pháp sáng tạo âm nhạc vốn từ lâu đã trở thành tinh hoa của di sản văn hóa thế giới là một việc làm vô cùng cần thiết. Qua sáng tác khí nhạc hiện đại của các nhạc sĩ Việt Nam, đây là vấn đề chúng ta có thể dễ dàng nhận ra. Trong khuôn khổ của bài báo này, chúng tôi muốn dành đôi lời để nói về một trong những nhạc sĩ điển hình cho khuynh hướng này - nhà soạn nhạc giao hưởng Đàm Linh. Sau nhiều năm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và hoạt động ở các đơn vị nghệ thuật ở vùng rừng núi phía Bắc của Tổ quốc, ông được đào tạo một cách chính qui tại một trong những Nhạc viện danh tiếng nhất thế giới - Nhạc viện Quốc gia Matxcơva mang tên P.I. Traicôpxki. Ông là bậc thầy của nhiều thế hệ nhạc sĩ sáng tác khí nhạc Việt Nam trong thời gian qua không chỉ ở các lớp sáng tác âm nhạc, mà còn với nhiều tác phẩm khí nhạc được đánh giá cao trong giới sáng tác chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Đàm Linh cũng đồng thời là người có nhiều tâm huyết trong việc tìm kiếm những phương tiện mới của việc biểu đạt ngôn ngữ sáng tạo nghệ thuật âm nhạc. Với ông, âm nhạc dân gian các dân tộc miền núi luôn là nguồn chất liệu phong phú cho sáng tác âm nhạc. Bằng tài năng sáng tạo của mình, ông đã khai thác âm nhạc dân gian các dân tộc miền núi ở nhiều góc độ khác nhau: khi sử dụng gần như nguyên xi một giai điệu âm nhạc dân gian; khi sử dụng có phát triển một nét giai điệu hoặc một mô-típ của âm nhạc dân gian; và có khi chỉ là hơi hướng, chỉ là phong cách biểu hiện của âm nhạc dân gian .v.v... Trong những năm tháng trước đây, khi còn học tập ở nước bạn, khi tôi giới thiệu các sáng tác của nhạc sĩ Đàm Linh mà tôi có mang theo, các nhạc sĩ nước bạn cũng chú ý đến ngay khả năng tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo những kỹ thuật sáng tác mới của thế giới trong việc tạo dựng những âm hưởng vừa mang đậm màu sắc dân gian Việt Nam vừa nóng hổi hơi thở của thời đại.

Việt Nam là một trong những nước có nền văn hoá dân gian rất phong phú và đa dạng. Sự phong phú, đa dạng này không chỉ được tạo bởi số lượng thành phần các dân tộc cư trú (54 dân tộc theo các văn bản chính thức của Nhà nước) mà còn bởi số lượng thể loại âm nhạc cũng như phong cách diễn xướng .v.v.... Đây chính là nguồn chất liệu tiềm tàng cho các nhạc sĩ sáng tác, dòng sữa tươi mát cho mỗi tác phẩm âm nhạc chân chính. Tất nhiên, có nguồn chất liệu phong phú chưa chắc đã có tác phẩm xuất sắc, còn cần ở đó tài năng sáng tạo của nhà soạn nhạc. Thời gian qua, các nhạc sĩ sáng tác hiện đại Việt Nam trong quá trình sáng tạo đã không chỉ bằng mọi cách gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, không ngừng góp phần làm giàu, khai thác và làm tăng thêm khả năng biểu hiện của những âm điệu truyền thống. Vấn đề này còn được thể hiện ngay cả ở việc lựa chọn nhạc cụ diễn tấu khi cần biểu hiện những âm điệu mang tính dân tộc. Không phải chỉ bằng các nhạc cụ dân tộc mới có khả năng biểu đạt được những suy tư mang đậm tâm hồn, cốt cách dân tộc. Bằng các nhạc cụ vốn là truyền thống của âm nhạc châu Âu được du nhập vào nước ta, chúng ta cũng có thể làm được điều đó. Trong sáng tác phẩm của mình, các nhạc sĩ Việt Nam đã vận dụng một cách linh hoạt thành phần của dàn nhạc, tạo dựng những khả năng mới trong sáng tạo hình tượng nghệ thuật âm nhạc. Qua các sáng tác đó, vượt lên trên tất cả các vấn đề kỹ thuật sáng tác và âm sắc của các nhạc cụ trong dàn nhạc vẫn là một tâm hồn đậm cốt cách Việt Nam.

 

Một buổi biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam

 

Trên đây là một vấn đề lớn của công tác nghiên cứu âm nhạc để có thể có những kết luận cụ thể mang tính khoa học và tính hệ thống cao. Nhưng những tìm tòi, thể nghiệm bước đầu đầy hiệu quả của các nhạc sĩ sáng tác Việt Nam là cơ sở vững chắc để cho phép chúng ta định hướng với đầy hy vọng trong công tác nghiên cứu.

Nghệ thuật là sáng tạo, là không ngừng tìm tòi những phương tiện mới để biểu hiện hình tượng nghệ thuật. Trong một thời đại như hiện nay, khi mà từ đầu thế kỷ XX này là sự xuất hiện của hàng loạt các trường phái, trào lưu, khuynh hướng mới trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc, thì sự hợp tác, giao lưu với những tư duy sáng tạo, với những kỹ thuật sáng tác mới của thế giới có khả năng phù hợp với việc biểu hiện hình tượng nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, có khả năng làm giàu phương tiện biểu hiện ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam là điều vô cùng cần thiết. Sự giao lưu đó giúp các nhạc sĩ sáng tác hiện đại Việt Nam có điều kiện tiếp xúc và tiếp thu một cách chọn lọc những tinh hoa của nghệ thuật sáng tạo âm nhạc thế giới nhiều thế kỷ qua, góp phần kích thích, thúc đẩy nhiệt tình say mê sáng tạo nghệ thuật.

Trong vài thập kỷ gần đây, lịch sử âm nhạc thế giới đã lật những trang mới với đầy phức tạp và không kém phần hấp dẫn giới sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp trên toàn hành tinh chúng ta về những tư duy mới trong sáng tạo nghệ thuật. Có thể ở đó có những điều mà chúng ta có thể học hỏi, và chắc chắn ở đó cũng có những bài học đặng giúp cho chúng ta tránh được những sai lầm không đáng có trong sự phát triển của một nền khí nhạc Việt Nam ở tương lai.

Một tác phẩm âm nhạc không thể trực tiếp đến với người nghe mà phải thông qua khâu trung gian là người biểu diễn. Vì vậy, vấn đề mà chúng tôi muốn đề cập tiếp theo là đội ngũ các nghệ sĩ biểu diễn khí nhạc Việt Nam. Trong nghệ thuật âm nhạc, người biểu diễn cũng đồng thời là người sáng tạo thứ hai của một tác phẩm âm nhạc. Nhưng người sáng tạo thứ hai của một tác phẩm âm nhạc hiện đại lại tự mang trong mình một ý nghĩa vô cùng lớn lao bởi họ thường là những người biểu diễn đầu tiên tác phẩm, những người đầu tiên thể hiện tư duy của nhà soạn nhạc. Điều này khác với khi biểu diễn các tác phẩm âm nhạc cổ điển, những tác phẩm âm nhạc có ý nghĩa kinh điển đã được nhiều người biểu diễn. Vì vậy, có thể nói, những thành công bước đầu của nền khí nhạc hiện đại Việt Nam trong thời gian qua luôn gắn liền với sự cố gắng rất lớn của các nghệ sĩ biểu diễn. Với nhiều giải thưởng về nghệ thuật biểu diễn đã đạt được thời gian qua trong khu vực và trên thế giới, giới các nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam đã chứng minh tài năng tiềm tàng của mình. Tuy vậy, ở một số chương trình biểu diễn trong nước, người nghe vẫn có thể dễ dàng nhận thấy sự tập luyện còn quá gấp gáp làm ảnh hưởng đến chất lượng của buổi hoà nhạc. Có những nghệ sĩ có lẽ còn chưa đủ thời gian để hiểu kỹ những đòi hỏi về phương pháp xử lý của tác phẩm mà mình cần thể hiện. Tất nhiên, nguyên nhân của nó còn nhiều điều rất tế nhị đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan hữu quan, nhất là những người làm công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực âm nhạc, để anh chị em nghệ sĩ có điều kiện tập trung toàn bộ sức lực và tâm hồn cho sáng tạo nghệ thuật. Đông đảo người yêu âm nhạc bao giờ cũng đánh giá rất cao tài năng, nghị lực và lòng đam mê sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó bao giờ họ cũng đòi hỏi ngày một cao hơn và luôn ước mơ, giá như mà ... thì tuyệt vời biết bao.

Mặt khác, một điều đáng mừng là trong thời gian qua, trong sự giao lưu văn hoá với thế giới, công chúng yêu âm nhạc Việt Nam cũng đã được thưởng thức tài nghệ của nhiều nghệ sỹ biểu diễn nước ngoài có đẳng cấp quốc tế trong những chuyến công diễn tại nước ta. Đây thực sự là một nhân tố không chỉ kích thích lòng đam mê sáng tạo nghệ thuật, mà còn góp phần mở mang trí tụê và tình cảm của đội ngũ những người làm công tác biểu diễn khí nhạc Việt Nam.

Đối với sự phát triển của lĩnh vực khí nhạc nước ta, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: một tác phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng nghệ thuật, một đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn điêu luyện, chúng ta đã và đang đào tạo một cách có kết quả. Nhưng việc bồi dưỡng một số đông người nghe có trình độ thưởng thức âm nhạc cao không phải là vấn đề đơn giản, ngày một ngày hai có thể làm được. Muốn hiểu một tác phẩm khí nhạc, người nghe phải có một lượng tri thức nhất định về đặc trưng loại hình ngôn ngữ âm thanh này bởi âm nhạc là loại hình nghệ thuật mang tính trừu tượng cao khi phản ánh hình tượng nghệ thuật. Đồng thời, nghệ thuật âm nhạc cũng thật sự là khoa học về sự hòa hợp giữa tất cả các phương tiện biểu hiện ngôn ngữ âm nhạc.

Thời gian qua, nhiều cơ quan hữu quan đã rất cố gắng trong việc góp phần tuyên truyền, giáo dục và nâng cao tri thức âm nhạc cho đông đảo quần chúng yêu thích loại hình nghệ thuật lấy âm thanh làm phương tiện biểu hiện này. Ngay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có rất nhiều cố gắng trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên âm nhạc cũng như đưa âm nhạc vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Bên cạnh đó, các chương trình âm nhạc rất phong phú của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và nhiều báo, tạp chí là những thí dụ điển hình cho việc ý thức được vai trò giáo dục âm nhạc, ý thức được sự cần thiết của việc nâng cao trình độ, khả năng thưởng thức âm nhạc của đông đảo người nghe. Tuy nhiên, việc giáo dục âm nhạc một cách có hệ thống, có tính phổ cập và khoa học là vấn đề có lẽ trong thời gian tới không chỉ các nhà giáo dục âm nhạc còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, mà còn cần sự phối hợp một cách tâm huyết của nhiều cơ quan, cá nhân hữu quan trên lĩnh vực này. Chỉ có thể bằng những công việc với đầu tư chiều sâu, nghệ thuật âm nhạc nói chung, nghệ thuật khí nhạc nói riêng mới có thể có nhiều công chúng, mới có thể trở thành món ăn tinh thần cho đông đảo quần chúng nhân dân trong tương lai.

Trong phần cuối của bài viết, chúng tôi muốn trình bày một số suy nghĩ về công tác lý luận - phê bình của khí nhạc hiện đại Việt Nam thời gian vừa qua. Cách đây khoảng 10 năm, hầu hết các luận văn tốt nghiệp Đại học âm nhạc của Nhạc viện Hà Nội đều dành cho các đề tài âm nhạc dân gian, thanh nhạc và âm nhạc kinh điển. Số công trình lý luận, số bài viết về khí nhạc hiện đại Việt Nam còn quá ít ỏi. Mặc dầu, vai trò của công tác lý luận - phê bình đối với âm nhạc hiện đại hết sức quan trọng. Nó tổng kết, đánh giá, góp phần định hướng và thúc đẩy sự phát triển của khí nhạc hiện đại. Một đất nước có nền âm nhạc phát triển mạnh bao giờ cũng là đất nước có đội ngũ những người làm công tác lý luận-phê bình vững vàng.

Thật ra, cũng đã có những bài tổng kết, đánh giá và phân tích tác phẩm khí nhạc hiện đại Việt Nam. Song hầu hết các công trình, các bài viết đã được công bố mới chỉ ở mức độ nghiên cứu bước đầu chưa mang tính hệ thống. Còn ở một số bài giới thiệu, phê bình âm nhạc trên các báo chí, kể cả tạp chí chuyên ngành, luôn như hướng tới sự “an toàn” cho người viết qua việc tìm những chỗ hay của tác phẩm để mà khen bằng một loạt “những tính từ chỉ các loại trạng thái khác nhau”, bởi vấn đề “nhân tình thế thái” vẫn được đặt lên hàng đầu. Có tác giả trình độ khá, khi nộp bài phê bình một tác phẩm âm nhạc, sợ người nhận bài có nhận xét đúng nội dung của bài viết, vội nói trước những chi tiết “biết mà xin không viết” bởi ... 'nhiều lẽ đời thường'.

Trong công tác phê bình có người cho rằng: khen dễ hơn chê. Song tôi nghĩ, phê bình cho có sức thuyết phục - chỉ ra được giá trị nghệ thuật đích thực của một tác phẩm khí nhạc không phải là vấn đề đơn giản nhưng là đích phải luôn vươn tới của những người làm công tác phê bình âm nhạc. Nói như vậy không có nghĩa là trong thời gian vừa qua chúng ta không có những công trình lý luận, những bài phê bình thuộc lĩnh vực khí nhạc có chất lượng. Nhưng một bầu không khí thật sự của sinh hoạt lý luận-phê bình âm nhạc vẫn đang là niềm mơ ước của những người làm công tác lý luận-phê bình âm nhạc Việt Nam hôm nay.

Nền khí nhạc hiện đại Việt Nam còn non trẻ về nhiều phương diện trong sự so sánh với nhiều nước trên thế giới. Con đường đi của một nền khí nhạc chân chính bao giờ cũng đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của những người lao động nghệ thuật. Nhưng với truyền thống văn hóa của dân tộc, với một đội ngũ những người làm công tác âm nhạc ngày càng trưởng thành và với những gì nền khí nhạc trẻ tuổi Việt Nam đã định hướng, đã đạt được một cách đáng tự hào trong thời gian qua là cơ sở để nền khí nhạc hiện đại Việt Nam ngày càng phát triển.

 

 

__________________

 

1 Phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ giới hạn trong sinh hoạt âm nhạc chuyên nghiệp mà không đề cập đến sinh hoạt âm nhạc cổ truyền dân tộc.

2 Trong nghệ thuật âm nhạc, người ta thường chia ra hai lĩnh vực chính là: thanh nhạc (tức là âm nhạc cho các giọng người) và khí nhạc (là âm nhạc cho các nhạc cụ). Các thể loại phổ biến của thanh nhạc là: Ca khúc, Liên khúc, Trường ca, Aria, Hợp ca, Hợp xướng, Ôratôriô, Căngtat v.v.... Còn các thể loại phổ biến của khí nhạc là: Prêluyt, Nôctuyêc, Balat, Rapxôđi, Caprixiô, Xônat, Tam tấu, Tứ tấu, Ngũ tấu, Uvectuya, Thơ giao hưởng, Bản giao hưởng, Côngxectô .v.v... Nói khí nhạc và thanh nhạc là hai lĩnh vực chính vì trong thực tế của nghệ thuật sáng tạo âm nhạc chúng ta có thể gặp các hình thức âm nhạc mà trong đó: khi thì khí nhạc là chính, khi thì thanh nhạc là chính và cũng có khi chúng ta khó mà có thể xếp chúng vào lĩnh vực nào.

3 Xem: “Nhạc khí dân tộc Việt Nam” của Lê Huy và Huy Trân (NXB Văn hóa. Hà Nội, 1984); “Lược sử âm nhạc Việt Nam” của Thuỵ Loan (Nhạc viện Hà Nội và NXB Âm nhạc. Hà Nội, 1993); “Giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam” của Tô Ngọc Thanh (NXB Văn nghệ và Trung tâm văn hóa dân tộc. TP Hồ Chí Minh, 1995) .v.v....