Nội san

Công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, kết quả ở xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình

28 Tháng Tám 2018

Quách Viết Đẩu Nam [*]

Trong những năm qua, với nhận thức di sản văn hóa là tài sản vô giá đối với địa phương, vì thế công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo để phát huy các giá trị của di tích được Ủy ban nhân dân xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý di tích và chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

Hàng năm, để đảm bảo công tác đầu tư chống xuống cấp cho các hạng mục của di tích, Ủy ban nhân dân xã Phú Sơn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng thời chỉ đạo phòng văn hóa - thông tin, kế toán - tài chính xã tổ chức khảo sát đánh giá hiện trạng và tình trạng kỹ thuật tại các di tích. Với kết quả đánh giá thực trạng, thiết lập phương án đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp. Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của cán bộ chuyên môn và qua kiểm tra, khảo sát thực tế, từ năm 2012 đến năm 2017 Uỷ ban nhân dân xã Phú Sơn phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin đã đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức lập dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích. Trong năm 2017 và quý I năm 2018, được sự quan tâm của Sở Văn hóa - Thông tin cùng với Uỷ ban nhân dân huyện Nho Quan, nguồn vốn xã hội hóa của nhân dân địa phuong và nguồn công đức của tập thể, cá nhân, địa phương đã tổ chức tốt việc tu bổ và tôn tạo lại một số di tích. Số di tích chưa được xếp hạng chủ yếu được huy động bằng nguồn vốn và công sức xã hội hóa.

Phú Sơn đã được xếp hạng 3 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh/thành phố. Giai đoạn 2012-2017 đã lập dự toán tu bổ, tôn tạo được 2 di tích. Kinh phí thực hiện cho việc này được huy động từ hai nguồn: Ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Di tích được nhà nước đầu tư ngân sách nhiều nhất là di tích lịch sử văn hóa phủ Châu Sơn, trong đó nguồn xã hội hóa chiếm 90%. Theo thống kê số vốn huy động trong giai đoạn 2012-2017 là 500 triệu, trong đó vốn xã hội hóa là 400 triệu. Riêng di tích đền Châu Sơn được tu bổ phần mái hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa trên 60 triệu. Qua một số di tích đã được tu bổ cho thấy rằng, cơ quan chức năng các cấp cũng như địa phương đã cơ bản thực hiện tốt và hiệu quả công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cho di tích tại địa phương. Về phía cộng đồng, những ý kiến phỏng vấn sau đây cho thấy tinh thần trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ phát huy các di sản văn hóa của địa phương. Ông Vũ Hữu Vạn, 78 tuổi - Thành viên Ban quản lý di tích phủ Châu Sơn cho biết: “Phủ Châu Sơn được nhà nước cấp cho trên 100 triệu cộng với nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí 400 triệu để tu bổ, tôn tạo trong 2 lần, lần thứ nhất năm 2014 tu bổ lại hậu cung, tháng 4 năm 2018 tu bổ, tôn tạo tiền đường, đến nay dự án đã được hoàn thành, đây là một việc vui khiến cho từng người dân và đông đảo nhân dân trong thôn rất vui mừng, phấn khởi, ngôi Phủ đã được khang trang hơn, được bảo vệ an toàn hơn trong mùa mưa bão”. Theo ông Phan Quang Cảnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Phú Sơn cho biết: “Trong những năm qua tuy nguồn kinh phí nhà nước cấp cho việc tu bổ, tôn tạo đã có nhưng thực tế để ngăn chặn sự xuống cấp của di tich vẫn còn khó khăn. Cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của nhà nước và sự chung tay giúp sức của cộng đồng trong thời gian tiếp theo, như vậy công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa mới từng bước đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn”. Qua thực hiện dự án, địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng và cùng nhân dân địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án tu bổ. Các dự án tu bổ, tôn tạo được thực hiện nghiêm túc, không sai lệch với thiết kế ban đầu, đảm bảo tốt nguyên tắc trong tu bổ, bảo quản di tích.

Hiện nay, tại các di tích khi nhân dân về tham gia các hoạt động văn hóa thì việc thắp hương trong di tích đã giảm đáng kể, việc hóa sớ, đốt vàng mã cũng đã đảm bảo đúng nơi quy định và số lượng giảm dần, khoảng cách nơi hóa sớ, vàng mã đủ đảm bảo an toàn cho di tích. Trong các di tích, thường xuyên có người trông coi, giám sát các hoạt động của cộng đồng trong dịp lễ, tết, ngày rằm, mồng một, việc làng… nhằm đảm bảo an toàn và chống hỏa hoạn tại di tích. Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, trong quá trình tiến hành tu bổ, tôn tạo còn có một số hạn chế sau:

Một là, giá trả cho nhân công, giá nguyên vật liệu xây dựng ngày một tăng nhất là loại vật liệu truyền thống như gỗ lim trên thị trường, giá cả rất cao. Đội ngũ thợ có kỹ thuật tu bổ, tôn tạo chuyên sâu khó tìm nên bị đẩy giá lên cao, nhà thầu gây khó dễ trong việc này.

Hai là, các di tích đã được xếp hạng và chưa được xếp hạng đa số bị xuống cấp nhiều hạng mục, chi tiết, hầu như không được đầu tư kinh phí tu bổ trong một thời gian dài cho nên để bảo vệ, giữ gìn các di tích nhân dân địa phương đã phải tự tu bổ bằng nguồn kinh phí tự đóng góp. Do hiểu biết và nhận thức cho nên một số di tích trong khi tu bổ còn bộc lộ việc đưa những vật liệu mới vào để tôn tạo thay thế kết cấu kiến trúc cũ như: gạch men lát trên ban thờ, dưới nền, lợp mái tôn cho di tích… (trường hợp này thường xảy ra ở di tích chưa được xếp hạng).

Ba là, nguồn kinh phí xã hội hóa hạn hẹp làm ảnh hưởng đến việc tu bổ, tôn tạo, kết quả dừng ở mức độ, chưa khoa học và đồng bộ, không tuân thủ theo những quy định bắt buộc trong việc tu bổ, tôn tạo di tích.

Bốn là, mặc dù có di tích được tu bổ, nguồn kinh phí xã hội hóa của địa phương chiếm 90% tổng kinh phí nhưng địa phương lại không được đứng chủ đầu tư, phải phụ thuộc theo sự chỉ đạo của cơ quan chức năng là Sở Văn hóa dẫn đến có một số nội dung chi hiệu quả đạt còn mức độ.

Với một số hạn chế nêu trên cho thấy, việc quản lý hiện nay phải hướng đến mục tiêu đảm bảo tốt những nguyên tắc trong tu bổ, tôn tạo di tích, bảo tồn các yếu tố gốc của di tích là trọng tâm của trong công tác quản lý di sản văn hóa.

Trong kế hoạch tổ chức các hoạt động bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, địa phương luôn tập trung vào 03 nội dung chủ yếu sau: Nghiên cứu, phát hiện giá trị của di tích, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích; Chỉ đạo các hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích để đảm bảo cho di tích tồn tại lâu dài, bền vững; Phát huy giá trị của di tích phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đại phương. Thực tế, bản thân mỗi di tích lịch sử văn hóa đều chứa đựng những giá trị đặc trưng, tiềm ẩn, việc làm thế nào để cộng đồng dân cư hiểu được những giá trị đó, đây là nhiệm vụ đặt ra đối với công tác tuyên truyền, giáo dục tại mỗi di tích. Các di tích lịch sử văn hóa ở xã Phú Sơn không chỉ được giữ gìn cẩn thận mà còn là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử, văn hóa cho cộng đồng dân cư, thế hệ trẻ trong tương lai. Song hành cùng với việc giáo dục, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ các giá trị văn hóa. Các di tích lịch sử văn hoá ở địa phương đều tổ chức tốt các hoạt động văn hóa và các ngày lễ, tết, việc làng và những sự kiện văn hóa khác để nhân dân cùng tham gia góp phần vào việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tại địa phương.

 

Tài liệu tham khảo

           1. Đặng Văn Bài (1995), Vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn di tích, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (số 2).

          2. Bộ Văn hóa Thông tin (2001), Quyết định số 1706/2001/QĐ – BVHTT ngày 27/4/2001, về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.

          3. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2009), Chỉ thị số 73/CT-BVHTTDL, ngày 19/5/2009 về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

         4. Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2010), Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi.

          5. Trịnh Thị Minh Đức (chủ biên) (2007), Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

-------------------------------------------------------------------

   [*] Lớp cao học K5 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa