Nội san

Đoàn kịch nói Hải Phòng trước bước ngoặt của cơ chế tự chủ

28 Tháng Tám 2018

Trần Việt Tuấn [*]

       Ra đời trong cuộc chiến ác liệt của kháng chiến chống Mỹ, các nghệ sĩ của Đoàn Kịch nói Hải Phòng hiện nay vẫn miệt mài tập luyện để sáng đèn biểu diễn với mong muốn mang đến cho người dân một “món ăn tinh thần”, để lấp đi sự khốc liệt của cuộc chiến. Trải qua bao thăng trầm, đến nay “Anh cả đỏ” đất Cảng vẫn luôn xứng đáng là lá cờ đầu trong phong trào kịch nói của cả nước. Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghệ 4.0 phát triển, “Anh cả đỏ”đang phải đối mặt với nhiêu khó khăn, thách thức nhất là trước bước ngoặt tự chủ.

       Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, kịch nói đã tỏ rõ sức mạnh, vai trò chủ yếu của loại hình nghệ thuật đại chúng, như một loại vũ khí sắc bén len lỏi đến từng trận địa, chiến trường của nhân dân ta thông qua các tác phẩm, vở kịch có nội dung ngợi ca cách mạng, ý chí chiến đấu vì độc lập dân tộc cũng như phản ánh sinh động mọi khía cạnh của cuộc sống. Tuy nhiên, với nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay vừa mang lại những thuận lợi nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức đối với nghệ thuật sân khấu và sân khấu kịch nói.

       Bên cạnh đó, hoạt động của các đoàn nghệ thuật không còn sự bao cấp toàn phần của nhà nước. Khâu tuyển chọn diễn viên trẻ còn gặp nhiều khó khăn. Trang thiết bị phục vụ cho biểu diễn nghệ thuật, kinh phí đầu tư cho dựng vở còn hạn hẹp so với yêu cầu, nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của sân khấu nói chung và Đoàn Kịch nói Hải Phòng nói riêng. Hiện nay, trong quá trình hoạt động của Đoàn Kịch còn thiếu những kịch bản hay, không phù hợp với thời đại, với phong cách biểu diễn của đoàn, thiếu những đạo diễn trẻ tâm huyết, yêu nghề, giờ chỉ loay hoay mời một số đạo diễn gạo cội nên nhiều vở diễn bị trùng lặp về ý tứ, kết cấu của vở diễn, gây sự nhàm chán cho khán giả. Đồng thời, nhiều năm nay Đoàn không có trụ sở để luyện tập và biểu diễn, mỗi lần biểu diễn hay luyện tập vở mới đều phải thuê địa điểm. Trong khi đó, đã lâu không có sự đầu tư về sân khấu, âm thanh, ánh sáng hiện đại…

       Với muôn vàn khó khăn ấy, một số nghệ sỹ vì “cơm áo gạo tiền” mà bớt đi sự tâm huyết với nghề, các vai diễn bị chi phối không còn nhập tâm. Hiện nay, mỗi diễn viên chỉ được trả mức thù lao 200.000đ/1 người/đêm diễn và 80.000đ/1 buổi tập/người. Với mức thu nhập ít ỏi như thế thì khó có thể duy trì được sự đam mê và tình yêu nghề, càng không thể đòi hỏi sự hy sinh hay cống hiến của nghệ sỹ. Vì vậy, chất nghệ sỹ bị mai một đi, chất lượng nghệ thuật, trình độ diễn xuất đi xuống.

       Trải qua những năm tháng đỉnh cao, thời kỳ hoàng kim của sân khấu Kịch nói Hải Phòng cũng như thương hiệu vững mạnh “anh cả đỏ” của Kịch nói Hải Phòng trên toàn quốc (từ năm 2003 trở về trước), từ năm 2003 đoàn Kịch nói Hải Phòng bước vào giai đoạn thoái trào. Chương trình nghệ thuật đi xuống, khán giả dần dần ít đến theo dõi những đêm diễn của đoàn. Bên cạnh những yếu tố khách quan như thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của khán giả thay đổi, sự xuất hiện của truyền hình, internet, nhạc rock, hip hop, pop ồ ạt tràn vào Việt Nam khiến cho văn hóa nghệ thuật trong đó có nghệ thuật sân khấu biến động không ngừng... Nguyên nhân chủ quan: những tác phẩm hay ít dần, thiếu các tác phẩm phản ánh thực tế cuộc sống hay những vẫn đề “nóng”, gây bức xúc dư luận không được quan tâm, diễn viên thế hệ trước đến tuổi nghỉ hưu, chuyển ngành; thế hệ diễn viên kế cận chưa kế thừa, phát huy bản sắc, thế mạnh riêng của đoàn. Có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức trong ban lãnh đạo, nội bộ cơ quan không đoàn kết, kiện tụng lẫn nhau. Các tiết mục dàn dựng sau này hầu như thiếu những kịch bản có chất lượng. Một điều quan trọng nhất ảnh hưởng đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Kịch nói Hải Phòng đó là không còn Nhà hát. Nhà hát lớn, trụ sở của Đoàn Kịch bị thành phố thu hồi để sửa chữa.

       Đoàn Kịch nói Hải Phòng sau năm 2004 có nhiều biến động về công tác tổ chức, đối với các đoàn nghệ thuật, công tác tổ chức không ổn định thì nghệ thuật khó phát triển. Chính vì vậy, tháng 5/2005, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cử Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Xuân Thấm, Trưởng đoàn Nghệ thuật Múa rối về làm Trưởng đoàn Đoàn Kịch nói Hải Phòng.

       Sân khấu kịch nói hiện nay nói chung cũng như sân khấu kịch nói của Đoàn Kịch nói Hải Phòng nói riêng vắng bóng khán giả, ít xuất hiện những tác phẩm mang tính nghệ thuật, không thu hút được khán giả trẻ, không bán được vé, có biểu diễn nhưng rất ít người xem, chương trình dàn dựng xong gần như đắp chiếu, may chăng diễn được một vài buổi phục vụ chính trị hoặc biểu diễn miễn phí. Các chương trình dàn dựng mới hầu như không thu hút được khán giả, một số tiết mục nhỏ như chùm hài kịch thì sống lay lắt chủ yếu phục vụ biểu diễn chính trị thành phố như: Ở Nhà Kèn, triển lãm hoặc một số vùng nông thôn của các tỉnh bạn. Một số vở dàn dựng mang đi hội diễn nhưng thành tích trong giai đoạn này không cao, thường bị hội đồng nghệ thuật, ban giám khảo đánh giá là các tác phẩm yếu, lối diễn lạc hậu, giá trị nghệ thuật không cao. Hoạt động biểu diễn của đoàn Kịch nói Hải Phòng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chính trị và chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao để phục vụ các dịp như chào mừng lễ hội Hoa phượng đỏ, kỷ niệm ngày giải phóng Hải Phòng; Trong nội thành: Biểu diễn tại vườn hoa Nhà Kèn, Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật thành phố, Nhà Văn hóa quận Lê Chân nhằm phục vụ Tết Nguyên đán… và biểu diễn tại các huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy và huyện Cát Hải nhân dịp lễ hội đua thuyền rồng Cát Hải. Biểu diễn tại các tỉnh bạn: Hải Dương, Hà Nội, phục vụ các cụ lão thành cách mạng tại khu nghỉ dưỡng lão quốc gia Đại Lải - Vĩnh Phúc....

       Trong bối cảnh hiện nay, Hải Phòng không còn là “điểm son” của sân khấu kịch nói như trước đây, thời mà mỗi buổi biểu diễn, người xem xếp hàng dài để mua vé. Hiện tại, Đoàn Kịch nói Hải Phòng vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng và được “bao cấp” toàn bộ. Tuy nhiên, ngày 09 tháng 8 năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40/NQ - CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận số 37- TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về Đề án: “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”. Như vậy, trong tương lai không xa, Đoàn kịch Hải Phòng sẽ phải chuyển đổi cơ chế hoạt động và quản lý nhà hát, cơ cấu lại phương thức đầu tư từ ngân sách Nhà nước sang cơ chế hoạt động tự chủ về tài chính, tự chủ về thực hiện nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, đổi mới để có được các sản phẩm nghệ thuật có chất lượng đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả.

       Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm Đoàn Kịch nói Hải Phòng tự hào từng là những cánh chim đầu đàn của sân khấu miền Bắc. Để giữ gìn và phát huy trong bối cảnh hiện nay, Đoàn cần xây dựng các vở diễn hấp dẫn, hợp với xu thế thời đại phục vụ được nhiều đối tượng khán giả hiện nay. Trước thực tế đó, một bài toán khó cần sân khấu kịch nói Hải Phòng đi tìm lời giải, làm thế nào để sân khấu kịch nói của thành phố trở lại với vị trí như xưa và chuẩn bị tâm thế chủ động chuyển sang cơ chế hoạt động tự chủ một cách tốt nhất. Để làm được điều này, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: hoàn thiện về cơ chế chính sách; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường, marketing để đưa ra mức giá linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng; hợp tác quốc tế, cần sự nhiệt huyết đóng góp của đội ngũ diễn viên, đạo diễn, biên kịch, công tác quản lý hoạt động biểu diễn của Ban lãnh đạo nhà hát… Có như vậy mới thu hút được sự quan tâm của công chúng và “Anh cả đỏ” sẽ có cơ hội được “vươn mình” đứng dậy, xứng đáng là Đoàn kịch nói của thành phố Cảng.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành TW Đảng (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Hà Nội.
  2. Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2000), Một số văn kiện của Đảng về công tác tư tưởng - văn hóa, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Chính phủ (2012), Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 về việc Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, Hà Nội.
  4. Nguyễn Hoàng Chương (2017),“ Xã hội hóa hoạt động sân khấu kịch công lập ở Việt Nam”, Luận án tiến sĩ, chuyên ngành Quản lý văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
  5. Đoàn kịch nói Hải Phòng (2013), Đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập
  6.  Đoàn kịch nói Hải Phòng (2015), Báo cáo thành tích đề nghị tặng bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cho tập thể Đoàn Kịch nói Hải Phòng
  7. Đoàn kịch nói Hải Phòng (2015), Báo cáo thành tích đề nghị tặng bằng khen của Hội nghị sĩ sân khấu Việt Nam cho tập thể Đoàn Kịch nói Hải Phòng năm 2015.
  8. Hoài Giang (2016), "Giải pháp quản lý nghệ thuật biểu diễn", Tạp chí Sân khấu (tháng 7), tr. 37-39.
  9. Đỗ Hân (2015), Đoàn Kịch nói Hải Phòng - kỷ niệm 50 năm thành lập: Có nhà mới, http:www//baohaiphong.com.vn/
  10. Lê Thị Hoài Phương (2016), Quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong cơ chế thị trường, Nxb Sân khấu.
  11. Trần Trí Trắc (2016),  “Sân khấu Việt Nam trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế”, Tạp chí Sân khấu

-------------------------------------------------------------------

  [*] Lớp cao học K5 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa