Nghiên cứu lý luận

Chỉ huy hợp xướng trong đào tạo đại học Sư phạm Âm nhạc

10 Tháng Chín 2018

Phạm Hoàng Trung [*]

 “Nghệ thuật chỉ huy âm nhạc (music conducting) có nguồn gốc từ xa xưa, khi con người còn sống thành bộ tộc” [1; tr.11]. Khi đó, việc chỉ huy một tốp người chơi tiết tấu (các nhạc cụ gõ) được thực hiện bằng nhịp bàn chân, bàn tay hoặc gõ bằng gậy… “Ngay ở nước Hy Lạp cổ đại đã có loại người chỉ huy hợp xướng, đập nhịp bằng chân” [4; tr.63]. Khoảng đầu thế kỷ V, trong các buổi trình diễn đồng ca ở nhà thờ các nước Tây Âu, xuất hiện cách dùng tay vẽ nên những chuyển động ước lệ của tuyến giai điệu cho nhóm người hát. Người ta gọi cách chỉ huy đó là chironomy (trong tiếng Hy Lạp, chiro nghĩa là bàn tay, nomy nghĩa là qui luật).

Thế kỷ XV, trong nhà thờ Ki-tô giáo, người ta sử dụng một cuộn giấy (được gọi là “sol-fa”) hoặc dùng gậy trong tay với nhiệm vụ ra hiệu cho nhóm người hát. Cuối thế kỷ XVII, nghệ thuật chỉ huy trở nên phổ biến bởi thành viên tham gia biểu diễn (dàn hợp xướng thường do người chơi đàn organ/clavecin, dàn nhạc thường do người chơi đàn violin/lute). Khoảng đầu thế kỷ XIX, các tác phẩm hợp xướng, giao hưởng với qui mô lớn, ngày càng phức tạp và biên chế dàn hợp xướng/dàn nhạc ngày càng lớn, nên việc điều khiển đòi hỏi kỹ thuật mới, phương thức mới. Chỉ huy trở thành một loại hình riêng của nghệ thuật biểu diễn. Các nhà soạn nhạc mở đường cho sự hình thành phương thức chỉ huy mới là: Carl Maria von Weber, Felix Mendelssohn, Hector Berlioz, Richard Wagner. Nghệ thuật chỉ huy mới dần dần được củng cố và giữ cho đến ngày nay, đó là người chỉ huy đứng quay mặt về phía diễn viên mà không quay về phía khán giả như trước kia và điều khiển dàn nhạc dùng đũa  [1; tr.4, 5].

Chỉ huy được hiểu là người điều khiển một tập thể diễn tấu tác phẩm âm nhạc (hợp xướng, dàn nhạc, tốp ca, tốp nhạc,...), vở diễn nhạc kịch hoặc vũ kịch. Người chỉ huy phụ trách công việc diễn tập với tập thể diễn tấu trước khi ra công diễn. Người chỉ huy sử dụng các động tác điều khiển để chỉ ra tốc độ, những sắc thái, cường độ, thời điểm “nhập cuộc” của các nhóm diễn tấu hoặc của những bè đơn ca/độc tấu riêng lẻ. Các yêu cầu về thủ pháp điều khiển của người chỉ huy là vừa có sức truyền cảm, lại vừa thu hút được cả tập thể tập trung tinh thần, thực hiện thống nhất việc trình diễn. Xuất phát từ các tập thể diễn tấu các thể loại âm nhạc khác nhau mà có các tên gọi: Chỉ huy hợp xướng, Chỉ huy dàn nhạc, Chỉ huy đội kèn nhà binh…

Trải qua nhiều thế kỷ, sự phát triển của nghệ thuật chỉ huy hợp xướng đã được đúc kết thành hệ thống chuyên ngành để thực hiện việc điều khiển các cuộc biểu diễn âm nhạc. Đó là sự diễn đạt bằng các động tác đôi tay (kỹ thuật chỉ huy), vẻ mặt, bằng hệ thống ngôn ngữ những động tác “...Người chỉ huy hợp xướng thực hiện những yêu cầu nghệ thuật không trực tiếp như người hát, người chơi đàn, mà nhờ vào hệ thống thủ pháp tạo hình, không chỉ là ra lệnh mà còn là cách thức truyền đạt lệnh (tốc độ, lực độ, sắc thái, nhấn giọng, lấy hơi, phát âm, mở đầu, kết câu...) đến dàn hợp xướng, cũng như thu hút công chúng” [2; tr.123]. Như vậy, mỗi động tác thể hiện của đôi tay (cả khuôn mặt, đầu và thậm chí toàn bộ cơ thể cũng đóng vai trò không nhỏ trong quá trình chỉ huy hợp xướng) mang một ngụ ý tình cảm nghệ thuật sâu sắc.

Với dàn hợp xướng, hơi thở là nền móng quyết định đến chất lượng của câu hát. Việc dàn hợp xướng thể hiện từng câu nhạc, đoạn nhạc với các kiểu hơi khác nhau (lấy hơi trộm, lấy hơi nhanh…), đòi hỏi động tác của chỉ huy luôn phải tạo cho diễn viên lấy hơi được đầy đủ. Động tác giơ tay đánh nhịp của chỉ huy hợp xướng thường ở mức trung bình (tay không cao và cũng không thấp) là nhằm tạo sự ổn định dây thanh đới cho diễn viên khi hát. Thêm vào đó, các động tác còn phải gắn với việc xử lý từng ngôn ngữ khác nhau, tạo cho người hát ngắt phụ âm, nguyên âm được đồng đều. Đối với chỉ huy dàn nhạc không có vấn đề về ngôn ngữ và không cần phải chú ý giơ tay cao hay tay thấp khi đánh nhịp.

Người chỉ huy dàn nhạc thường ít chú ý hướng dẫn dàn hợp xướng cách nào đó (cách phát âm, nhả chữ, các kiểu lấy hơi…), còn người chỉ huy hợp xướng thường khó có thể điều khiển khéo léo và tinh tế phần nhạc của một tác phẩm giao hưởng. Khi dàn dựng tác phẩm hợp xướng và dàn nhạc/giao hưởng hợp xướng (The Messiah của Handel, Symphonie No.9 của L.V. Beethoven, Symphonie No.8 của Gustav Mahler, Điện Biên Phủ hợp xướng của Hoàng Vân…), phần lớn các chỉ huy dàn nhạc để người đứng đầu dàn hợp xướng phụ trách dàn dựng phần hợp xướng trong một tác phẩm, còn chỉ huy hợp xướng thường nhận trách nhiệm cho cả phần hợp xướng và phần dàn nhạc. Tuy nhiên, chỉ huy hợp xướng không nên lợi dụng sự chịu đựng và thiện chí của các nhạc công trong dàn nhạc để bù đắp cho sự thiếu sót của mình. Người chỉ huy hợp xướng không nhất thiết phải hàng ngày dàn tập với dàn nhạc, nhưng họ cần phải hiểu kỹ thuật, tính năng của mỗi nhạc cụ để biết cách điều chỉnh giữa dàn nhạc và dàn hợp xướng diễn tấu cân bằng trong chỉnh thể tác phẩm, và cũng cần phải biết làm thế nào để giúp dàn nhạc biểu diễn tốt. Những kiến thức đó sẽ giúp người chỉ huy hợp xướng có thể hy vọng dàn nhạc sẽ hợp tác tích cực với mình. Do đó, ngoài việc học đọc tổng phổ (score-reading), người chỉ huy hợp xướng cần học thêm về chỉ huy dàn nhạc để có thể điều khiển, dẫn dắt dàn nhạc và nhận được sự tôn trọng của tất cả những người tham gia biểu diễn.

Trước khi học chỉ huy dàn nhạc, người học thường phải biết chơi một loại nhạc cụ nào đó, còn chỉ huy hợp xướng không nhất thiết phụ thuộc vào điều này. Việc đào tạo chỉ huy hợp xướng cần phải cung cấp cho người học có kỹ năng hát và kỹ năng dạy hát để giải quyết khó khăn cho người hát. Người chỉ huy hợp xướng không nhất thiết phải có giọng hát tốt như là ca sĩ, hoặc kiêm vai trò của một giáo viên dạy thanh nhạc. Tuy nhiên, họ cần phải có một giọng hát truyền cảm và biết kiểm soát giọng hát ấy để hướng dẫn cho dàn hợp xướng thực hiện theo mình mong muốn.

Hình tượng nghệ thuật của mỗi tác phẩm hợp xướng chỉ được khám phá một cách đầy đủ khi người chỉ huy hợp xướng xác lập được sự giao cảm sáng tạo với dàn hợp xướng. Sự hiểu biết sâu sắc về tính năng và khả năng diễn tấu của các giọng hát, biết xác định nhanh lẹ trước tổng phổ hợp xướng (cảm giác về nhịp điệu, nhạy cảm về khúc thức, trí nhớ âm nhạc tốt…) là phẩm chất không thể thiếu được đối với một người chỉ huy. Thêm vào đó, người chỉ huy hợp xướng còn phải biết hát nhiều ngôn ngữ khác nhau và hiểu biết những nguyên lý thẩm mỹ của từng thời đại, bối cảnh xã hội, trường phái, dân tộc… để diễn đạt một cách rõ ràng, sâu sắc ý đồ của tác giả.

Khi điều khiển dàn hợp xướng biểu diễn, người chỉ huy không chỉ điều khiển đúng nhịp, đúng tốc độ mà điều quan trọng là phải bằng cảm xúc, tâm trạng, trái tim mới là gốc rễ của âm nhạc. Việc luôn phải tập trung tư tưởng, ý chí mãnh liệt của người chỉ huy là không thể thiếu để đảm bảo sự truyền cảm, sự quả quyết/rõ ràng đối với các hợp xướng viên khi thực hiện những ý đồ nghệ thuật. Đối với chỉ huy hợp xướng, trong thời gian biểu diễn không thể hình thành thêm ý tưởng mới, bởi vì, khi chưa thông qua việc dàn dựng thì các hợp xướng viên không thể hiểu ý đồ của người chỉ huy định biểu đạt hình tượng nghệ thuật như thế nào. Người chỉ huy mà làm khác đi, việc biểu diễn sẽ bị đổ vỡ.

Để điều khiển buổi biểu diễn thành công như mong muốn, người chỉ huy hợp xướng phải chuẩn bị cho từng buổi tập, giúp cho các hợp xướng viên trở nên quen thuộc với bản nhạc cả về kỹ thuật và tinh thần diễn cảm. Người chỉ huy hợp xướng vừa là người quản lý, vừa là người truyền cảm hứng. Nếu không hoàn thành tốt nhiệm vụ đó thì người chỉ huy sẽ đánh mất vai trò của người chỉ đạo, khiến các hợp xướng viên thiếu tin tưởng, khó phục tùng. Người chỉ huy chỉ dựa vào tài năng âm nhạc của mình là chưa đủ mà còn phải có năng lực lãnh đạo, tạo uy tín thì mới có thể dẫn dắt, phát triển dàn hợp xướng thành một tập thể đạt được nhiều thành công lớn.

Trong các môn học của hệ đại học Sư phạm Âm nhạc, Chỉ huy hợp xướng là môn học cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng chỉ huy các hình thức hát tập thể; có năng lực tổ chức, tập luyện và biểu diễn các tác phẩm hợp xướng có qui mô vừa và nhỏ, đáp ứng được nhu cầu dạy học âm nhạc ở nhà trường và xã hội. Trải qua nhiều năm, nhiều thế hệ lãnh đạo, nhiều thầy/cô giáo tâm huyết của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã cống hiến không ít công sức xây dựng nên chương trình đào tạo sư phạm âm nhạc. Phải khẳng định rằng, ngành Sư phạm Âm nhạc đã có đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục đạo đức - thẩm mỹ chung của đất nước, trong đó môn Chỉ huy hợp xướng đóng vai trò quan trọng đối với người học Sư phạm Âm nhạc.

Môn học Chỉ huy hợp xướng giúp cho những người làm công tác giáo dục âm nhạc có thể điều khiển tập thể cùng diễn tấu, cùng thống nhất tư tưởng, tình cảm con người khi biểu đạt tác phẩm âm nhạc. Mục tiêu của môn học là cung cấp cho giáo viên âm nhạc tương lai những kiến thức cần thiết để liên kết các học sinh, cùng tập trung thể hiện lý tưởng khi nhận thức thế giới bằng cảm xúc âm nhạc - lời ca một cách mạnh mẽ trong tác phẩm hợp xướng. Bằng công việc của mình, người giáo viên có thể phát huy tính đoàn kết học sinh, hướng vào thể hiện lý tưởng đạo đức của thời đại. Trong giao lưu văn hóa, mọi người dù khác nhau về vùng miền, tính cách đều có thể giao tiếp thân thiện với nhau nhờ cùng đứng chung trong dàn hợp xướng, cùng hát vang một bài ca. Điều này đã được minh chứng bằng nhiều sự kiện lịch sử diễn ra trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Chẳng hạn như “Tháng 7 năm 1830, khi cách mạng bùng nổ ở Pháp, nhạc sĩ Hector Berlioz (1803-1869) cách mạng, cải biên hành khúc Marseillaise thành hợp xướng và sáng tác cantata Cái chết của Satanapolus” [3; tr.206, 207]. Ở Việt Nam, ngày 19 tháng 9 năm 1960, tại vườn Bách Thảo nơi nhân dân Thủ đô tổ chức liên hoan mừng đại hội III của Đảng, Bác Hồ đã bắt nhịp “Bài ca kết đoàn”.

Với đặc trưng của nghệ thuật chỉ huy hợp xướng, môn học còn giúp cho sinh viên phát triển các kỹ năng chuyên môn, có năng lực phản ứng nhận biết và thể hiện âm nhạc qua động tác cơ thể cũng như kỹ năng tập trung tư tưởng và năng lực chỉ huy. Chẳng hạn như bản hợp xướng Hallelujah, trích từ Oratorio The Messiah của George Frideric Handel (1685 - 1759) thì không chỉ thuần túy là cung cấp kiến thức đánh nhịp, mà qua đó giảng viên còn phải yêu cầu sinh viên thể hiện khả năng nghe và hát (cao độ, tiết tấu, đa bè, hát…), trí nhớ nhạc (nốt nhạc, các bè hợp xướng, các thành tố âm nhạc) để thể hiện được cảm xúc âm nhạc. Tuy nhiên, một tai nghe hoàn hảo chưa thể quyết định tới chất lượng chỉ huy mà còn phải có những kiến thức âm nhạc khác như hòa âm, phân tích âm nhạc, lịch sử… Thậm chí có cả những tri thức về khoa học xã hội, nhân văn.

Quá trình học tập môn Chỉ huy hợp xướng không chỉ thuần túy cung cấp những kiến thức của môn học (đánh nhịp, dẫn dắt dàn hợp xướng thể hiện tác phẩm…), mà nó còn giúp sinh viên củng cố, mở rộng những kiến thức âm nhạc đã được tiếp thu như Xướng âm, Hát hợp xướng, Phân tích tác phẩm, Hòa thanh, Lịch sử âm nhạc… chuyển hóa vào thực hành kỹ năng âm nhạc. Thông qua luyện tập thực hành môn Chỉ huy hợp xướng, sinh viên sẽ dần dần nắm bắt thực chất nội dung và hình thức của từng tác phẩm, cũng như nắm bắt những nét đặc trưng riêng của từng đối tượng, bản sắc của mỗi dân tộc và đời sống của con người mà tác phẩm phản ánh. Môn học giúp sinh viên nâng cao cảm xúc, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ âm nhạc trong hoạt động giao lưu văn hoá âm nhạc...

Môn học Chỉ huy hợp xướng mang tính thực hành là chủ yếu, điều đó giúp cho sinh viên có khả năng vận dụng những kỹ năng thực hành âm nhạc đó vào thực tiễn. Những kiến thức, kỹ năng về chỉ huy hợp xướng luôn được sử dụng thường xuyên trong các hoạt động dạy học âm nhạc, nhất là giúp cho sinh viên phát triển năng lực hoạt động âm nhạc tập thể. Sinh viên Sư phạm Âm nhạc - tương lai là những người trực tiếp làm công tác giáo dục âm nhạc, có thể nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc bằng cách tổ chức rộng rãi hát hợp xướng tại các trường học, công sở. Thông qua hoạt động chỉ huy các dàn hợp xướng học đường, các dàn hợp xướng quần chúng, họ sẽ khẳng định được vai trò uy tín của mình. Có thể nói, trong chương trình đào tạo hệ đại học Sư phạm Âm nhạc, môn học Chỉ huy hợp xướng góp thêm phần thực hiện hóa các mục tiêu của công tác giáo dục âm nhạc hiện nay.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Bách (2010), Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng, Nxb Trẻ, Hồ Chí Minh.
  2. Lê Vinh Hưng (2016), Nghệ thuật hợp xướng trong sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
  3. Hồ Mộ La (2005), Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
  4. Vũ Tự Lân (2015), Từ điển Âm nhạc, Nxb Hà Nội.
  5. Homer Ulrich (1973), A survey of choral music, Schirmer, Harcourt Brace, New York, USA.
  6. Melvin P. Unger (2010), Historical dictionary of choral, Nxb Scarecrow, Plymouth, UK.

-------------------------------------------------------------------

  [*] Lớp cao học K4 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc