Nghiên cứu lý luận

Quản lý hoạt động câu lạc bộ tại Cung Văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng

10 Tháng Chín 2018

Nguyễn Xuân Trí [*]

 

Cung Văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng (trước đây là Nhà văn hóa thiếu nhi Hải Phòng) được thành lập từ năm 1971. Cho đến nay, sau 47 năm hoạt động và phát triển, Cung Văn hóa thiếu nhi Hải Phòng đã trở thành ngôi nhà chung của biết bao tuổi thơ đất Cảng. Trải qua 47 năm xây dựng và phát triển, Cung Văn hóa thiếu nhi Hải Phòng luôn là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp của tuổi thơ Hải Phòng. Cũng từ đây, nhiều thế hệ đội viên, thiếu niên đã được chắp cánh bay cao bay xa tới khắp mọi miền của Tổ quốc, trở thành những công dân tốt của Hải Phòng.

Trước bối cảnh trong nước và quốc tế có những biến chuyển sâu sắc về kinh tế và xã hội. Những bất ổn về chính trị, quan điểm lập trường của chúng ta trước tình hình trên là xây dựng đất nước theo hướng hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Vì vậy, văn hóa xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng đời sống tinh thần cho nhân dân và giáo dục người dân về tinh thần yêu nước, yêu quê hương. Qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ khơi dậy tinh thần yêu hòa bình, chuộng công lý, đưa đến người dân trực tiếp những món ăn tinh thần, góp phần ổn định xã hội.

Hoạt động câu lạc bộ là một hoạt động luôn tồn tại và phát triển, trên thực tế nó xuất hiện từ rất lâu trong đời sống xã hội. Hoạt động câu lạc bộ ngày càng mở rộng trên các lĩnh vực, nó là hoạt động chủ yếu hiện nay ở các Cung văn hóa, Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa từ trung ương đến địa phương.

Tại Cung Văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng, đã tổ chức nhiều câu lạc bộ với các loại hình khác nhau. Các hoạt động câu lạc bộ tại đây đã có sự tác động mạnh mẽ đến các sự kiện văn hóa nghệ thuật tại thành phố Hải Phòng. Hàng năm, Cung văn hóa thiếu nhi Hải Phòng đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn dành riêng cho thiếu nhi như: Cuộc thi hát tiếng anh, hội thi “Sơn ca”, hội thi “Cây đàn tuổi thơ”, lễ biểu dương học sinh - sinh viên thành phố, cầu truyền hình đêm giao thừa,...

Cung văn hóa Thiếu nhi thành phố Hải Phòng trong việc tổ chức và xây dựng hoạt động câu lạc bộ đã có sự chú trọng về nội dung và hình thức, tạo sự phong phú đa dạng của hoạt động câu lạc bộ trong nhiều thời điểm khác nhau. Nó là nơi để người đến tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ được tiếp nhận không gian văn hóa giáo dục và hoàn thiện hơn nhân cách. Các câu lạc bộ cũng đã góp phần rất lớn cho hoạt động mang tính chiến lược lâu dài tại Cung Văn hóa thiếu nhi Hải Phòng trong việc thu hút các nguồn lực xã hội, tăng cường thực hiện nhiều chương trình phục vụ cho các em thiếu nhi.

Thiếu nhiều điều kiện trong việc tổ chức hoạt động của mình, do cơ sở vật chất quá cũ kỹ xuống cấp trầm trọng, nhưng Cung Văn hóa thiếu nhi Hải Phòng đã có sự gắn bó đoàn kết của tập thể cán bộ, viên chức, sự nhiệt tình ủng hộ của các chuyên viên văn hóa, giới văn nghệ sĩ và các cộng tác viên.Các Câu lạc bộ tại Cung văn hóa thiếu nhi luôn được đánh giá là có những nét mới trong hoạt động của mình. Các chương trình do câu lạc bộ tổ chức đã nhận được sự cố vấn của các nhà nghiên cứu văn hóa, các chuyên viên, cả các phương tiện truyền thông hỗ trợ như các báo, đài địa phương và trung ương.

Tuy nhiên, để hoạt động câu lạc bộ ngày càng phát triển, Cung văn hóa Thiếu nhi thành phố cần khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực để tổ chức hoạt động Câu lạc bộ tốt hơn nữa, khẳng định vị trí của một Cung văn hóa trong tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Thành phố Hải Phòng.

Lễ Khánh thành Khối nhà trung tâm, Nhà hát Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố

[Nguồn: Ban Tuyên giáo, năm 2017]

Nguồn kinh phí và nguồn nhân lực luôn là vấn đề đặt ra cho các đơn vị hoạt động văn hóa, không chỉ riêng Cung Văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng mà hầu hết các đơn vị hoạt động văn hóa hiện nay. Qua những kết quả đúc kết được trong hoạt động Câu lạc bộ tại Cung văn hóa thiếu nhi, chúng tôi nhận thấy cần quan tâm hơn nữa trong cách thức tổ chức và quản lý Câu lạc bộ nhằm phát triển mạnh hơn hoạt động này. Đó là đẩy mạnh hơn về quảng cáo, tuyên truyền hoạt động Câu lạc bộ để thu hút thêm nhiều hội viên đến tham gia sinh hoạt, tạo sự cộng hưởng lành mạnh trong loại hình sinh hoạt này.

Kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế đã đem lại sự phong phú, đa dạng trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhu cầu cho người dân thành phố. Vì vậy việc tổ chức và quản lý các hoạt động Câu lạc bộ cũng cần có những bước phát triển phù hợp với thời kỳ mới.

Tài liệu tham khảo

  1. Hoàng Tuấn Anh (2010), Xã hội hóa hoạt động văn hóa - Những thành tựu và giải pháp, Nxb Tạp chí Cộng sản, số 810, tháng 4/2010.
  2. Trần Văn Ánh - Nguyễn Xuân Hồng - Nguyễn Văn Hy (2001), Đại cương công tác Nhà văn hóa,  Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
  3. Bộ Chính trị (2008), Nghị quyết số 23 NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
  4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2004), Báo cáo tổng kết công tác năm 2004 và phương hướng nhiệm vụ 2005.
  5. Nguyễn Văn Dân (2006), Văn hóa và phát triển trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  6. Lê Như Hoa (2008), Quản lý hoạt động văn hóa cơ sở trong điều kiện kinh tế thị trường, Tạp chí văn hóa Nghệ thuật (số 292 tháng 10/2008).
  7. Website: http//cungvanhoathieunhihaiphong (truy cập ngày 15-7-2017).

-------------------------------------------------------------------

 [*] Lớp cao học K5 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa