Nội san

Âm nhạc dân gian các dân tộc vùng Viễn Đông (CHLB Nga)

29 Tháng Năm 2008

ÂM NHẠC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC VÙNG VIỄN ĐÔNG (CHLB Nga)

(Phần 1)

A. Aidenstat

 

            Viễn Đông là vùng đất đai rộng lớn với hai đại dương và năm biển bao bọc. Nơi đây có những dãy núi hùng vĩ, các sông hồ đầy nước, tài nguyên, những khu rừng và thảo nguyên rộng bát ngát. Thiên nhiên phong phú và con người chan hoà đem lại cho chúng ta một cảm giác gần gũi. Viễn Đông gồm nhiều dân tộc sinh sống, họ đang cùng nhau xây dựng một cuộc sống mới, một nền văn hóa mới trong tình hữu nghị và sự hợp tác chặt chẽ.

Trong phạm vi bài viết này, xin được nói về các dân tộc “ít người” vùng Priamua và ngoại vi vùng Primore: Nanai, Un, Nhip, útegây, Ôrốt, Even.

Đây là những dân tộc được hình thành trong quá trình giao lưu giữa các nhóm người bản xứ với các thành phần tộc người Tungu, Mãn Châu và Mông Cổ. Những số liệu khảo cổ học cho phép chúng ta nói đến cội rễ sâu xa của truyền thống văn hóa các dân tộc này. Cuộc khai quật của các nhà bác học Phân viện Xibia thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô dưới sự lãnh đạo của viện sĩ A.P. Ôclátnhicốp đã tìm thấy ở hạ lưu sông Amua những tài liệu rất quí giá: đó là những dấu vết còn lại trên đá của thú vật, các hoa văn, các mẩu ấu trùng, các hiện vật văn hóa vật chất và nhiều thứ khác. Những tư liệu đó chứng minh một cách đáng tin cậy sự độc đáo của nền văn hóa cổ đại ở các dân tộc vùng Nhidơnhi Priamua, về sự đóng góp sáng tạo trong sinh hoạt của các dân tộc toàn vùng Viễn Đông.

Đánh cá và săn bắn là hai nghề giữ vai trò quan trọng nhất đối với các dân tộc chúng ta nghiên cứu. Cũng có cả nghề buôn bán là nghề góp phần làm tăng sự quan hệ lẫn nhau của cư dân vùng này và các vùng lân cận. Mùa hè người ta dựng những túp lều với nhiều kiểu khác nhau, còn mùa đông là những nhà bằng gỗ lún chìm sâu dưới đất và nhà vách đất. Trang phục và công cụ sinh hoạt được chế tạo một cách khéo léo và được trang trí để thể hiện các hoa văn mang tính địa phương, mặc dù còn thiếu bàn tay của thợ thủ công chuyên nghiệp.

Chế độ xã hội trước Cách mạng Tháng Mười còn giữ lại các tàn dư của mối quan hệ mang tính chất gia trưởng, gia tộc. Trong nhân sinh quan phản ánh quan niệm về sự tồn tại linh hồn cho từng đồ vật trong sinh hoạt. Tín ngưỡng thờ vật tổ (Totem) giữ một vị trí quan trọng và và được thể hiện qua các truyện cổ tích, những điều mê tín và các ngày hội (thí dụ như: Ngày lễ Gấu được tổ chức rộng rãi).

Nếu như việc nghiên cứu và quan sát lịch sử - dân tộc học liên quan đến những dân tộc ít người ở Priamua và Primore đã được tiến hành từ rất lâu, thì âm nhạc dân gian của họ cho đến thời gian gần đây vẫn chưa được ghi chép và hầu như chưa được nghiên cứu tới. Một số công trình (của các tác giả Đ. Krapốtkin, P. Pratôđiacônốp, L. Sterber) đã bước đầu thử phân loại các bài hát dân gian, nhưng những chú ý quan trọng lại được chia theo sự mô tả của bản thân người kể, người hát và theo phong cách diễn xướng. Những quan sát riêng lẻ và ghi âm các bài hát cũng được liệt kê trong công trình của V.  Xtêxencô-Kufchina [1]

Tác giả của bài viết này trong một số chuyến khảo sát ở vùng Nhidơnhi Amua và Primore (từ năm 1953 đến 1957) đã ghi lại các bài hát của hàng loạt các ca sĩ dân gian nổi tiếng ở địa phương họ như: Gâykera Côphu (làng Đzari vùng Nanai), Mari Benđư (làng Naikhin vùng Nanai), Nhicôlaia Trerun (làng Kôntrem vùng Un), Xưnư Trađa (làng Kôntrem vùng Un) và nhiều người khác.

Ở đây, người kể chuyện cổ tích và hát dân gian rất được mến phục và kính trọng. Người kể chuyện cổ tích giỏi không phải làm các công việc có tính chất kinh tế trong một thời gian dài. Người ta còn nhường chỗ ngồi tốt và chia cho anh ta thức ăn ngon. Người kể chuyện cổ tích đồng thời là một nghệ sỹ: anh ta phải dùng đến các cử chỉ, vẻ mặt, động tác cơ thể và cả sự thay đổi ngữ điệu tiếng nói. Mọi người rất chăm chú và vui sướng xem anh biểu diễn, họ hưởng ứng tất cả diễn biến của câu chuyện với những tiếng hò reo tán thưởng, tiếng cười và cả những nhận xét khôi hài.

Nhiều đặc tính của nghệ thuật dân gian, chủ yếu là đặc điểm biểu diễn, đã được các nhà nghiên cứu nói đến trước đây còn giữ lại cho đến nay. Mặc dù phong cách biểu diễn của người hát hiện nay đã mất đi sự quá căng thẳng, giọng hát của họ vang lên mảnh hơn và nhẹ nhàng hơn, nhưng những đặc tính đặc trưng như lấy hơi nhiều lần, kết câu nhạc một cách mạnh mẽ vẫn còn được giữ lại cho đến ngày nay. Những thí dụ giàu sắc thái của việc biểu diễn như vậy có thể thấy rõ nhất ở những buổi câu cá vào mùa hè và mùa thu, khi các cụ già và thanh niên ngồi bên đống lửa. ở đó diễn ra những cuộc nói chuyện thú vị, họ kể những câu chuyện kỳ lạ, họ hát những bài hát cổ.

Trong âm nhạc dân gian Priamua (đặc biệt ở thời cổ đại) có nhiều nhất là các làn điệu không có lời hát cố định. Vì thế các làn điệu đó không được biểu diễn với một lời ca cố định nào. Ở các bài hát cổ, hình tượng thiên nhiên chi phối xúc cảm cá nhân. Rất nhiều trong số các bài hát đó dành cho những con chim, con cá và thú vật. Những bài hát chuyên về lao động rất ít gặp.

Âm điệu của các làn điệu cổ rất gần gũi với những tiếng gọi, tiếng kêu, chứng tỏ mối liên hệ rõ ràng với ngữ điệu đơn giản nhất của tiếng nói. Thí dụ, trong bài hát bằng tiếng Nanai “Cầu xin những con thú đi tới chỗ cây cung”, âm điệu tiếng gọi xuất hiện trong kết quả của sự nhấn mạnh âm ba cao, lấy đó làm “chỗ dựa”:

 

Một trong những dạng cổ và đặc biệt phổ biến của folklore là những câu chuyện cổ mà lời trực tiếp của nhân vật thường được chuyển tải trong dạng ngâm vịnh. Người biểu diễn mong muốn làm cho những bài hát đơn giản trở nên phong phú, cho chúng những sắc thái khác của sự sáng tạo bằng cách nâng cao hay hạ thấp không đáng kể các âm, áp dụng Vibrato hay là nhấn mạnh các âm bội. Ta cũng gặp ở đây cả các nhân tố biểu hiện của nghệ thuật sân khấu như: vẻ mặt, động tác v.v...

Cùng liên quan đến âm nhạc còn có nhiều nghi lễ và ngày lễ đặc sắc như: Ngày lễ Gấu, Ngày lễ đầu mùa đánh cá, Lễ cưới hỏi, Lễ đưa tiễn linh hồn. Việc thờ cúng và nhiều kiểu mê tín dị đoan khác cũng chiếm một vị trí lớn trong sinh hoạt.

Đối với các bài hát thờ cúng thường có lễ nghi trạng thái Camlan mà điển hình là sự năng động một cách giả tạo, việc nhấn mạnh sự “bất bình thường” của âm thanh:

Trong âm nhạc dân gian của mỗi dân tộc có những đặc điểm chung cũng như các đặc điểm riêng. Thí dụ: nếu như đối với phần lớn các bài hát của dân tộc Nanai có đặc điểm là chuyển động dần xuống chủ âm ở phía dưới, thì đối với dân tộc Un, điển hình lại là bước đi quãng bốn xuống phía dưới từ chủ âm (Tonic) trong suốt quá trình tiến vào đoạn kết:

Các bài hát của dân tộc Nanai thường bắt đầu từ âm bậc bốn cao, còn dân tộc Un lại bắt đầu từ âm chủ. Giọng hát trong các bài ca của dân tộc Un rất hay gặp những tiến hành quãng 3 và quãng 4. Bước đi quãng 2 trong phần lớn trường hợp chỉ sự kết hợp giữa chúng với nhau.

Các bài hát của dân tộc Nhíp lại chủ yếu gồm các quãng 3 và quãng 2, đặc biệt là bước tiến hành quãng 3. Tính giai điệu biểu hiện ngôn ngữ nói. Tiết tấu trong nhiều trường hợp khá phức tạp, tiết phách trong khuôn khổ loại nhịp phổ biến cho các bài hát khi lao động. Sự cách tân tiết tấu một cách dầy đặc của các bài hát được xác định bởi ý muốn của người nghệ sỹ vươn tới sự sáng tạo. Điều đó có thể thấy, thí dụ, trong bài hát của các dân tộc útegây, Ôrốt.

Cấu tạo điệu tính trong giai điệu của dân tộc Nhíp không phải là đơn giản như các dân tộc Nanai và Un. Không hiếm trường hợp các âm tựa của điệu thức được thay đổi theo sự tiến hành của bài hát. Ta cũng gặp ở đây cả những bước đi nửa cung:

Trong suốt nhiều thế kỷ, âm nhạc dân gian các dân tộc vùng Priamua đã được trau chuốt, gọt giũa: từ những bài hát ngẫu hứng đơn giản cho đến những hình thức ca khúc hoàn chỉnh hơn, mang tính phát triển hơn. Con người ngày nay phản ánh trong ca khúc không chỉ thiên nhiên xung quanh mình, mà như trước đây, con người vẫn quan sát thế giới xung quanh. Những điều kiện hiện nay làm xuất hiện những sản phẩm mới - các bài hát Xô viết. Nội dung âm nhạc khác trước đây và rất phong phú. Sự thay đổi đơn giản của các cấu trúc ngẫu hứng bằng các ca khúc mang tính phát triển hơn, bằng các ca khúc hoàn chỉnh và phong phú về thể loại.

Các hình thức ca khúc mang tính phát triển có sức biểu hiện phong cảnh thiên nhiên một cách rõ ràng hơn trước đây. Người ta chia ra, thí dụ, các thể loại ca khúc trữ tình và hài hước, thể loại bài hát sinh hoạt có những đặc điểm mới. Sự xâm nhập của đề tài sinh hoạt xã hội là điều đặc biệt mới, nó liên quan tới sự phản kháng chống kìm hãm bản thân con người của tàn dư chế độ gia trưởng.

Thể loại ca khúc trữ tình có một ý nghĩa đặc biệt to lớn, chúng được sinh ra từ cuộc sống. Xuất hiện nhiều ca khúc về tình yêu - biểu hiện đặc sắc khát vọng của con người vươn tới tự do tinh thần. Nhiều ca khúc hồi tưởng về những quá khứ của cuộc đời. Điển hình cho tình hình mới là các ca khúc hài hước – chứng tỏ sự hóm hỉnh và tinh thần lạc quan vô tận của tuổi trẻ, của các dân tộc đầy tài năng và tình yêu cuộc sống.

Các bài hát sinh hoạt, trữ tình và hài hước giữ vai trò quan trọng folklore hiện đaị. Phương tiện biểu hiện của chúng liên hệ chặt chẽ với truyền thống của bao thế kỷ và chứa đựng cả những nhân tố mới. Đây là một thí dụ cho điều đó: bài hát Nanai “Bài ca của người vợ chưa cưới”:

Cấu tạo âm điệu của bài không phức tạp lắm, đây cũng là âm điệu điển hình thường gặp trong âm nhạc của dân tộc Nanai, loại âm điệu được cấu tạo từ các nhóm 3 âm trong khuôn khổ quãng 4. Cùng sự liên hệ với hình tượng lời ca, giai điệu có dấu hiệu của sự nhảy múa ở tiết tấu đặc biệt cũng như ở những đặc tính cho giai điệu vũ khúc là sự cân xứng về phương diện cấu trúc.

ở đây thấy cả ảnh hưởng của truyền thống cũng như những khuynh hướng sáng tác mới. Hình thức cân đối của ca khúc (cần chú ý đến cấu trúc của nó - ABCB) là điển hình cho những sáng tác muộn hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng nhớ rằng: các giai điệu mang tính chất nhảy múa nói chung không điển hình cho những mẫu đầu tiên của folklore các dân tộc vùng Nhidơnhi Priamua.

Những khuynh hướng mới này xuất hiện rõ trong các bài hát trên chủ đề sinh hoạt xã hội, đặc biệt trong nhiều bài hát của các cô gái, trong hàng loạt các trường hợp biểu lộ sự phản kháng, chống lại số phận bi thảm của người phụ nữ trong chế độ phụ quyền.

Viên ngọc trai thật sự của âm nhạc dân tộc Nanai là bài hát “Hòn đảo Nhergen”. Bài hát kể về số phận khắc nghiệt của người phụ nữ, bị cưỡng bức lấy người chồng mà mình không yêu.

Giai điệu của bài hát được đặc trưng bởi sự rộng rãi của tính ca xướng. Cũng chính sự bắt đầu bằng âm không ổn định (bậc IV) rất ít gặp trong các bài hát cổ. Cùng xuất hiện trong mối liên hệ với điều đó, sự căng thẳng điệu tính của nhịp đầu tiên gắn chặt với ngữ điệu của câu hỏi (Bên đảo có một con thuyền . . . bác có đến không?). Âm điệu không ổn định này được thay đổi một cách rất lôgic và tự nhiên bằng âm điệu ổn định và được củng cố liên tục bằng âm chủ. Trong phần thứ hai – lời kêu gọi trực tiếp tới người bác – giữ vai trò chủ yếu là âm điệu của tiếng gọi, thậm chí là lời than thở trùng hợp với điểm cao nhất của toàn bài:

 

Phần thứ ba là phần có tính chất truyền thống, thường gặp trong các bài hát của người Nanai. Nó tương phản với các phần trước đó và cùng tiến đến sự phát triển của toàn giai điệu.

Bài hát “Đảo Nher ghen” là một trong những thí dụ về sự hình thành dãy âm có bán cung trong lòng đất nguyên cung. Sau nhiều năm nghiên cứu các bài hát của các dân tộc ít người vùng Xibir và Viễn Đông, đặc biệt là ở dân tộc Even, có thể khẳng định rằng: quãng bán cung và thậm chí cả quãng ba cung hầu như không gặp trong bất kỳ trường hợp nào kể cả trong các bài hát cổ. Nhiều thí dụ về những đề này trong số các bài hát đó đã được tác giả bài viết ghi lại năm 1950 của dân tộc Even vùng Nhicalaiépxca trên sông Amua (quãng bán cung được tạo thành ở đây do thủ pháp moóc đăng):

 

Đáng chú ý các bài hát trữ tình, chúng được sử dụng thủ pháp hai kiểu âm khu. “Bè cao” linh hoạt hơn, còn “bè thấp”, ngược lại, tĩnh tại và đóng vai trò điệp khúc độc đáo

 

Trong folklore của dân tộc Nanai, các bài hát hài hước với các động tác sân khấu chiếm một vị trí có ý nghĩa rất quan trọng, chúng thường được biểu diễn dưới dạng đối đáp giữa người đàn ông và người đàn bà. Như thí dụ dưới đây, mà trong nó các đặc tính chung và cấu trúc giai điệu đẹp hơn, phong phú hơn là ở các bài hát cổ:

Bài hát được viết ở hình thức hai đoạn, nhưng mỗi phần của nó có thể được nhắc lại nhiều lần như: A + A + A + A + B + B v.v...

Nhiều bài hát sinh hoạt của dân tộc Un có mối liên hệ với sông Amua và biển cả. Đã từ lâu người Un đi xuống hạ lưu sông Amua và đã từ đó đi tới biển Ôkhốt bằng nghề săn thú biển. Và từ đó xuất hiện những bài ca về biển cả, về lao động trên biển cả bao la, rộng lớn, về những con người dũng cảm không biết sợ khó khăn. Trong giai điệu các bài hát, những âm điệu đầy nghị lực và cương quyết chiếm ưu thế, chúng được đặc biệt nhấn mạnh ở phong cách diễn xuất nhiệt tình và mạnh mẽ.

(Còn tiếp)

 

 

Phạm Lê Hoà: dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Tên sách: Âm nhạc các dân tộc châu Á và châu Phi. NXB Nhạc sỹ Xô viết. Mátxcơva 1973.

 


[1]V.  Xtêxencô-Kufchina. Văn hóa âm nhạc các tộc người Paleoadnat và Tungux. “Dân tộc học” 1930. N3.

 

------------------

- Phần 2