Tin tức – Sự kiện

Nhiều “điểm nghẽn” được giải quyết trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi

03 Tháng Mười 2018

GS Nguyễn Anh Trí- đại biểu quốc hội TP Hà Nội trình bày ý kiến tại hội nghị

Ngày 2/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý vào Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, lãnh đạo các Đại học, trường đại học trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đại diện cho ban soạn thảo dự thảo luật dự hội nghị, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý.

Hội nghị đã được nghe 11 ý kiến phát biểu và 1 ý kiến giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật. Các nội dung ý kiến đóng góp đều rất sâu sắc, tập trung vào các nội dung chính đang được xã hội quan tâm.

Qua trao đổi, các đại biểu cho rằng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học đã đủ điều kiện để trình tại Kỳ họp thứ , Quốc hội khóa XIV. Mục tiêu chính của Dự Luật là đảm bảo mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học.

Ông Đỗ Minh Sơn - Hội Luật gia TP Hà Nội cho rằng: Giáo dục Đại học là điểm nóng của ngành giáo dục hiện nay. Cơ quan soạn thảo đã chọn đúng những “điểm nghẽn” của luật để xử lý. Ông Sơn cũng đề nghị cần thống nhất mô hình là “trường đại học và đại học”, để tạo thuận tiện cho quản lý, đồng thời, giúp cho người học có thể xác định mục tiêu rõ ràng hơn để lựa chọn mô hình trường tham gia học tập.

Góp ý cụ thể, đa số các đại biểu đề nghị trong các điều luật cần tiếp tục được thiết kế theo hướng phát huy vai trò của hội đồng nhà trường; làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng nhà trường và Hiệu trưởng; đảm bảo tính linh hoạt và chủ động.

Theo GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hiện nay đang có sự chồng chéo trong hoạt động của cấp ủy với hội đồng nhà trường tại các trường đại học công lập. Vì thế, cần nêu cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệu trưởng với Chủ tịch hội đồng nhà trường để thấy rõ được sự trùng lặp đó, qua đó đưa ra được giải pháp.

Đặc biệt, vấn đề liên quan đến tự chủ đại học là nội dung được quan tâm nhất. Trong đó, các đại biểu cho rằng cần làm rõ nội hàm của từng khái niệm về “đại học”, “học viện” và các cơ sở giáo dục đào tạo đại học. Đồng thời có quy định rõ về cơ chế quản lý tài chính và quy định cụ thể trách nhiệm của cơ sở giáo dục đối với chất lượng sản phẩm đầu ra – chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Theo ông Đỗ Minh Sơn, không nên quá nặng về tự chủ tài chính để tránh xu hướng nghiêng về khía cạnh kinh doanh đối với các trường tư thục. Bên cạnh đó, đề xuất giữ nguyên các quy định về học phí. Tuy nhiên, không nên quy định mức trần nhằm tạo điều kiện để giáo dục tư thục cân bằng về địa vị pháp lý đối với các cơ sở giáo dục công.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao có nỗ lực “cởi trói” cho giáo dục đại học tại Dự luật này. Song, đề cập đến quy mô và chất lượng các trường đại học tại Việt Nam hiện nay, ông Hiểu cho rằng, phải thay đổi tư duy “địa phương hóa” đại học sang “quốc tế hóa” đại học để phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay. Đồng thời, quan tâm hình thành những đại học chất lượng cao, nhằm giảm xu hướng coi du học nước ngoài như một thước đo về trình độ đào tạo đại học.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Phụng đại diện Bộ GD&ĐT- cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật đã trao đổi, giải trình về những vấn đề liên quan để tiếp tục sửa đổi dự thảo luật sao cho tốt hơn, đủ điều kiện để trình Quốc hội trong kì họp tới.

(Nguồn: Vân Anh - https://giaoducthoidai.vn)