Nghiên cứu lý luận

Giải pháp quản lý hoạt động di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Hang Son gắn với phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh

05 Tháng Mười 2018

Dương Bá Duy [*]

Quảng Ninh được biết đến như một điểm du lịch trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên du khách trong và ngoài nước mới chỉ biết đến điểm du lịch này chủ yếu ở vẻ đẹp thắng cảnh thiên nhiên vịnh Hạ Long - nơi vinh dự được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị địa chất, địa mạo và giá trị cảnh quan ngoại hạng. Trong quá trình khai sông lấn biển tạo dựng cuộc sống, người dân vùng đất địa đầu tổ quốc đã tạo nên những sắc thái văn hoá đa dạng ẩn chứa nhiều giá trị quý giá. Mặc dù vậy những giá trị văn hoá ấy vẫn chưa được phát huy có hiệu quả, thể hiện ngay trong hoạt động du lịch văn hoá còn chưa tương xứng với tiềm năng.

 Trong những năm vừa qua, Quảng Ninh đã tập trung bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa gắn với phát triển du lịch và đã đem lại những kết quả bước đầu, tuy nhiên chưa tương xứng với những tiềm năng đang có, công tác quản lý di sản văn hóa, hoạt động văn hóa, hoạt động du lịch chưa được quan tâm đúng mức.Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Hang Son gắn với phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh là rất cần thiết.

Hang Son nằm ở phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng theo Quyết định số 413QĐ/UB ngày 27/02/1999. Núi Hang Son (hay còn gọi là động Chu Cốc) là một hang động thiên nhiên mang nhiều nét độc đáo nơi núi non hùng vĩ. Di tích Hang Son nằm trong dãy Chu Cốc, có động Hang Son, có núi và Hang Xếp Bằng, diện tích khoảng 50m2; có Hang Hổ, diện tích 200m2; có Núi Dê, ở độ cao trên 500m so với mặt nước biển, trên đỉnh núi Áng Tiên, Hang Ma, với diện tích khoảng 800m2, đi thẳng đường trong hang đến Chùa Thượng. Đây cũng là một hang đá tự nhiên thông với Hang Son ở độ cao 200m, so với mặt biển. Trong hang động có nhiều nhũ đá với cảnh sắc độc đáo và kỳ thú; có nhiều loài chim về đây làm tổ, nhiều cây lâu năm mọc um tùm trên các vách đá. Từ đỉnh núi nhìn xuống là dòng sông Đá Bạc với cảnh giao thương diễn ra tấp nập.

            Chùa Hang Son nằm trong hang thiên tạo, cửa quay hướng Tây Bắc rộng 24m2, sâu trung bình là 19m, cao khoảng 7m, phía trong có chỗ cao khoảng 30m tạo thành hình vòm và thắt lại giống như gác chuông. Phía bên trái cửa hang còn có vòm nhỏ, ăn sâu vào lòng núi khoảng 8m, cửa hang rộng khoảng 4m. Rẽ sang bên phải ta thấy có lối đi nhỏ, rộng gần 1m, sâu 15m, nhân dân thường gọi là cung cấm. Bên trái cung cấm có một lối nhỏ gọi là cửa xuống địa ngục và một lối đi bên phải đi lên đỉnh núi gọi là đường lên trời. Đi thẳng đường này là lối lên chùa Thượng (độ cao gần 20m). Chùa Thượng là một hang thiên tạo thông với Hang Son.

Di tích và danh thắng chùa Hang Son có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, nó chứng minh rõ thiên tài quân sự của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn khi ông quyết định sáng suốt lựa chọn dòng sông Bạch Đằng làm nơi quyết chiến. Chiến lược xóa tan âm mưu xâm lược của một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Bên cạnh giá trị về mặt lịch sử, khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng chùa Hang Son còn có giá trị về mặt du lịch rất lớn. Nơi đây bao gồm một quần thể di tích và các hang động rất đẹp, trong đó đẹp nhất là hang động Son “Bão Phúc Nham” từng được ca ngợi là nơi có gió hòa cảnh đẹp, tất cả tạo thành một dải danh sơn, sơn thủy hữu tình “….hiếm có nơi nào có được…”.

Với các giá trị như trên, khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Hang Son xứng đáng được giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Tuy nhiên để có thể phát huy hết các giá trị vốn có của nơi đây, cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý và bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa tình trạng khai thác đá, tránh ô nhiễm không khí và tiếng ồn nơi tôn nghiêm cửa phật, đồng thời tránh tác động vào việc làm thay đổi vẻ tự nhiên các nhũ đá trong di tích.

Xác định công tác quản lý di sản văn hóa là nội dung quan trọng, do đó cũng giống như các công tác, hoạt động khác đều phải được định hướng rõ ràng dựa trên quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước cũng như của địa phương. Vậy giải pháp quản lý hoạt động di tích Hang Son gắn với phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh như thế nào là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các nhà quản lý trong giai đoạn hiện nay, dưới đây tác giả xin đề xuất một số giải pháp cụ thể để quản lý hoạt động di tích Hang Son gắn với phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh như sau:  Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch đưa Hang Son trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn; Xây dựng, kết nối các điểm - Tuyến du lịch mới; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; Tăng cường tính liên kết hợp tác với các đơn vị và xây dựng đội ngũ tình nguyện viên; Đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa - du lịch; Bảo vệ môi trường gắn sự phát triển bền vững; Kiến nghị các Sở, ngành liên quan lập quy hoạch chi tiết để cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích làm cơ sở pháp lý cho việc đầu tư xây dựng và thực hiện các dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, bền vững. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với Khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Hang Son, phường Phương Nam;

Như vậy, với giá trị và tiềm năng của di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng Hang Son  đã khẳng định việc quản lý hoạt động di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Hang Son gắn với phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh là chủ trương đúng đắn, mang tính khả thi cao và phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo

          1. Ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Ninh (2002), Di tích và danh thắng QuảngNinh, Công ty in Công Đoàn Việt Nam, Hà Nội.

  1. Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (2010), Văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2010 - 2015), Quảng Ninh.
  2. Nguyễn Thị Chiến (2004), Văn hóa trong phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Nhiều tác giả (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học – Xã hội, Hà Nội.
  4. Trần Quốc Vượng (1997), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  5. Trần Văn Bính (chủ biên) (2002), Giáo trình lý luận văn hoá và đường lối văn hoá của đảng Cộng sản Việt Nam), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  6. Trường Đại học Văn hóa (1993), Giáo trình Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa,  Xưởng in Trung tâm thông tin Khoa học kỹ thuật Quân sự.
  7. Trương Quốc Bình (2002), Vai trò của di sản văn hóa với sự phát triển của du lịch Việt Nam, Tạp chí Du lịch Việt Nam.
  8. Tỉnh ủy Quảng Ninh (2013), Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 25-5của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030, Quảng Ninh.
  9. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh (2014), Báo cáo tổng kết năm 2014, Quảng Ninh.
  10.  Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo cáo Quy hoạch phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2011 – 2020 định hướng đến 2030, Quảng Ninh.
  11.  Ban quản lý di tích thắng cảnh Quảng Ninh, Hồ sơ kiểm kê di tích chùa Hang Son.

-------------------------------------------------------------------

 [*] Lớp cao học K5 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa