Nội san

Lỗi thường gặp trong kỹ năng viết tiếng Anh và biện pháp khắc phục

24 Tháng Mười 2018

 Nguyễn Thị Ân [*]

Trong tiếng Anh, kỹ năng viết được coi là kỹ năng khó nhất trong bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Chính vì thế, việc sinh viên không chuyên ngữ thường xuyên mắc phải một số lỗi thường gặp trong kỹ năng viết là điều khó tránh khỏi. Trong bài viết này, tác giả sẽ tìm hiểu để chỉ ra và phân tích nguyên nhân những lỗi mà sinh viên không chuyên ngữ hay mắc phải khi viết với tư cách là người trực tiếp giảng dạy. Đồng thời dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của một số tác giả trong và ngoài nước và kết quả khảo sát với 50 sinh viên của chương trình Tiếng Anh cơ bản ở Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, tác giả xin đưa ra một vài gợi ý về biện pháp khắc phục nhằm giúp sinh viên giảm mắc lỗi trong kỹ năng viết tiếng Anh.

 

1. Lỗi thường gặp trong kỹ năng viết tiếng Anh

Theo kết quả nghiên cứu của một số tác giả nước ngoài như Darus & Subramaniam (2006); Bitchener, Young & Cameron (2005) thì có 15 loại lỗi mà người học hay mắc phải trong kỹ năng viết tiếng Anh đó là: lỗi về số ít, số nhiều; lỗi về thì; lỗi dùng từ; lỗi về sự tương hợp giữa động từ và chủ ngữ; lỗi về sự tương hợp giữa chủ ngữ và thành phần hoàn thành câu; lỗi về trật tự từ; lỗi về mạo từ; lỗi về từ loại; lỗi chính tả; lỗi về dạng của động từ; lỗi viết hoa; lỗi thiếu từ; lỗi về giới từ và lỗi về dấu câu. Trong đó, các tác giả cũng chỉ ra 6 lỗi thường gặp nhất trong các bài viết của người học đó là: lỗi về số ít, số nhiều; lỗi về thì; lỗi dùng từ; lỗi về sự tương hợp giữa động từ và chủ ngữ; lỗi về giới từ và lỗi về cấu trúc câu.

Trong một nghiên cứu khác của Hengwichitkul (2006) và Runkati (2013), các lỗi đều được phân loại ở cấp độ câu như lỗi về sự tương hợp giữa chủ ngữ với động từ, lỗi về thì, lỗi về cấu trúc câu, ngữ động từ, mệnh đề quan hệ, câu bị động, cấu trúc song song, dấu chấm câu hay lỗi về câu chưa hoàn chỉnh hay câu quá dài. Lỗi thứ hai là lỗi ở cấp độ từ, chẳng hạn như lỗi về mạo từ, giới từ, lựa chọn từ không phù hợp, hay lỗi về danh từ và chữ số.

Theo Huỳnh Minh Hiền và Trịnh Quốc Lập, các lỗi mà SV không chuyên thường mắc phải trong kỹ năng viết đó là: Lỗi ở cấp độ câu như lỗi dùng sai thì, lỗi dùng sai cấu trúc câu, lỗi diễn đạt ý không rõ ràng, lỗi dịch từ sang từ, lỗi lặp từ nhiều lần trong một đoặn văn ngắn, lỗi về dấu chấm câu. Lỗi ở cấp độ từ như lỗi dùng từ có ý nghĩa tương đồng, lỗi về từ loại, lỗi chính tả (word spelling).

Tổng hợp các kết quả nghiên cứu nêu ở trên, có 6 loại lỗi mà người học thường hay mắc phải nhất trong kỹ năng viết tiếng Anh:

* Lỗi ở cấp độ câu

Câu không hoàn chỉnh (Sentence fragments)

Có 4 kiểu lỗi thường gặp với dạng câu không hoàn chỉnh (sentence fragment):

+  Câu thiếu chủ ngữ:
Ví dụ: With one dollar can buy a bowl of pho in Vietnam (Chỉ với khoảng một đô-la là có thể mua được một tô phở ở Việt Nam)

+ Câu thiếu động từ chính:

Ví dụ: After listening to his joke, she laughing out loud (Sau khi lắng nghe câu chuyện cười của anh ấy, cô ta cười phá lên)
Câu này có sự xuất hiện của hai động từ đuôi -ing là “listening” và “laughing” tuy nhiên cả 2 động từ này không phải động từ chính của câu.

+ Câu thiếu cả chữ ngữ và động từ chính:

Ví dụ: Going out with my friends and feeling happy (Đi chơi với bạn bè và thấy rất vui)

+ Câu thiếu mệnh đề chính:
Ví dụ: Before you go to bed (Trước khi lên giường đi ngủ)
Câu này mới chỉ có một mệnh đề phụ (subordinate clause) và thiếu mệnh đề chính (main clause).

- Câu đơn lẻ, rời rạc (Choppy sentences)

Một câu đầy đủ thành phần chủ ngữ và động từ chỉ là một điều kiện cần trong văn phong viết nhưng không phải là điều kiện đủ. Muốn bài viết được hay thì các câu cần phải có sự liên kết hài hoà để tránh tạo những câu đơn lẻ nhàm chán, thiếu gắn kết.

Ví dụ một đoạn văn mắc lỗi với các câu quá ngắn (choppy sentences) sau đây:
I love sport. It helps me keep fit. It helps me relax. I want to play it every day. I do not have much time. My job is quite busy. I just can play it at the weekend.

 Hai loại lỗi về sử dụng dấu câu (Run-on sentences & Comma splices)

Trong tiếng Anh thì giữa những câu đơn (mệnh đề độc lập) phải có sự xuất hiện của một dấu chấm (period), hoặc dấu hai chấm (semi-colon), hoặc một liên từ kết hợp (coordinator) hay liên từ phụ thuộc (subordinator).
Nếu một câu có hai hoặc nhiều hơn hai mệnh đề độc lập được viết liền nhau mà lại không sử dụng dấu câu nào để tách ra thì câu đó được coi là “run-on sentence”.
Ví dụ: He does not like going out he stays in (Anh ấy không thích đi chơi anh ấy ở nhà).

Câu quá dài (Stringy sentences)

Lỗi này xảy ra khi người viết viết quá nhiều mệnh đề độc lập trong một câu và lạm dụng các liên từ kết hợp (and, but, so…) và/hoặc liên từ phụ thuộc (because…) khiến câu đọc dài và khó hiểu.

Ví dụ: She eats some candies, and then she eats some ice-creams, and she eats too much, so she has an upset stomach, so she cannot go to school (Cô ấy ăn mấy cái kẹo, và cô ấy ăn mấy que kem, và sau đó cô ấy ăn vài cái xúc xích, thế là cô ấy bị đau bụng, thế là cô ấy phải không thể đi học)

Lỗi về Thì (Tense misuse)

Trong tiếng Anh, mỗi thì đều có công thức và cách sử dụng riêng nhưng do chưa nắm chắc kiến thức ngữ pháp cơ bản nên người học thường tạo nên những câu sai ngữ pháp. Ví dụ: Khi miêu tả một hành động đã xảy ra trước một hành động khác trong quá khứ thì họ thường xuyên sử dụng thì quá khứ đơn trong khi lẽ ra phải dùng thì quá khứ hoàn thành.

Ví dụ như câu Before he went out, he locked the door phải được viết lại là Before he went out, he had locked the door
* Lỗi ở cấp độ từ:

Lỗi dùng từ có nghĩa tương đồng
Trong tiếng Anh, từ đồng nghĩa hay từ có nghĩa tương đồng (synonyms) là những từ có nghĩa giống hay tương đương nhau và người ta thường dùng chúng để thay thế cho nhau nhằm tránh lặp từ.
Tuy nhiên, một số từ nếu trong cùng ngữ cảnh (context) mà thay thế cho nhau sẽ làm thay đổi nội dung câu.

Sinh viên thường nhầm giữa từ large và big

Ví dụ 1: Sinh viên thường viết He has a large mouth để miêu tả anh ấy có miệng rộng. Trong trường hợp này từ large phải được thay bằng từ big vì cụm từ a large mouth có nghĩa anh ta là người lắm miệng. Nếu ta muốn nói miệng của anh ta rộng hay không thì ta phải viết là a big mouth.

Hoặc sinh viên thường nhầm giữa hai từ older/elder như trong ví dụ dưới đây:

Ví dụ 2:  Her older brother likes playing football
Olderelder đều là dạng so sánh hơn của tính từ old, nhưng khi nói đến người anh hay người chị trong gia đình ta dùng elder.
Ngoài ra sinh viên cũng thường dùng nhầm từ trong các cặp từ mang nghĩa tương tự nhau như  strong/healthy, question/ask, other/another, like/ as, best/ most. 
Lỗi dùng sai từ loại
Đây có lẽ là loại lỗi thường gặp nhất khi sinh viên dùng từ viết câu, đặc biệt là những từ mà từ loại của chúng chỉ có sự khác biệt chút ít về cách viết.
Ví dụ:      1. I have difficult in learning English --> difficulty
              2. I usually have a bathe in the morning --> bath
Lỗi về mạo từ

Không có gì đáng ngạc nhiên khi lỗi bỏ quên hay sử dụng lẫn lộn mạo từ lại nằm trong những lỗi văn phạm thông dụng nhất. Các quy tắc về mạo từ trong tiếng Anh thật ra khá phức tạp. Chẳng hạn, chúng ta sẽ không sử dụng mạo từ khi danh từ đang ở số nhiều: I love cars. I like to eat apples. Tuy nhiên, sinh viên thường hay mắc lỗi này.

 Ví dụ: I love a car hay I like a apple.

Các cụm giới từ cũng ảnh hưởng đến quy tắc sử dụng mạo từ. Nhiều cụm từ khi sử dụng lại không cần đến sự góp mặt của mạo từ.

Tuy vậy, ở các trường hợp còn lại, chúng ta phải sử dụng đến mạo từ (a/an/the). 

Ví dụ: Yesterday, I rode bus

Câu này nhìn thì chẳng có gì là sai, khá ngắn gọn súc tích đi thẳng vấn đề. Tuy nhiên, người bản xứ sẽ nhanh chóng nhận ra lỗi sai ngay. Câu đúng phải là: Yesterday, I rode the bus.

Lỗi về giới từ

Lỗi dùng sai giới từ cũng là lỗi thường gặp trong các bài viết của người học ngoại ngữ. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi lẽ trong tiếng Anh giới từ được sử dụng khá phức tạp trong khi những quy tắc chỉ mang tính tương đối.

Ví dụ: I put your book in the table. Câu này phải viết là I put your book on the table. Vì một số từ chỉ nơi chốn như “table, desk, chair, floor, wall...” không đi với giới từ “on”.

Bên cạnh đó, trong tiếng Anh còn có rất nhiều ngữ động từ (phrasal verbs) được tạo bởi một giới từ theo sau một động từ. Khi đó, một giới từ lại có nhiều nghĩa khác nhau.

Ví dụ: 1, I get on the bus every day at 7 in the morning. (“get on” trong câu này mang nghĩa là lên xe)

          2, I get on with my mother in my family. (“get on” trong câu này mang nghĩa là hòa hợp với ai đó)

2. Biện pháp khắc phục

   2.1. Biện pháp đánh giá và sửa lỗi viết của giáo viên

- Bên cạnh biện pháp sửa trực tiếp trên bài viết của SV, giáo viên (GV) có thể dùng phương pháp gián tiếp như dùng ký hiệu (code) để giải thích loại lỗi mà SV mắc phải trong bài viết.

Ký hiệu        Giải thích                                              Ví dụ
WW           Wrong word         As our plane flew on the mountains we saw snow.
WT             Wrong time         As our plane flew over the mountains we see snow.
WF             Wrong form        As our plane flew over the mountains we was seeing snow.
WO           Wrong order        As our plane over the mountain flew we saw snow.
SP               Spelling            As our plane flue over the mountains we saw snow.
P               Punctuation        As our plane flew over the mountains; we saw snow.
X                Extra word         As our plane flew over to the mountains we saw snow.
M              Missing word       As our plane flew over the mountains_ saw snow.
?                Not clear            As our plane flew over the mountains we saw snow.
!                Silly mistake!      As our plane flew over the mountains we seed snow.
RW            Try re-writing             Our vehicle flies, we snow find, over mountains you saw it.

Ngoài ra, những biện pháp như trình chiếu hay viết lên bảng những bài mắc nhiều lỗi để GV và cả lớp cùng chữa cũng là một biện pháp rất hiệu quả, đặc biệt là đối với những lớp có sĩ số đông. Theo một số nhà nghiên cứu trong lĩnh vực như Hedrickson (1984), Ferris et al. (2001) thì GV nên kết hợp cả hai phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp vì mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Phương pháp sửa trực tiếp sẽ giúp cho những SV yếu có thể dễ dàng nhận ra lỗi của mình. Trong khi phương pháp gián tiếp, GV dùng ký hiệu để chỉ ra lỗi và giải thích vì sao các em mắc lỗi đó để các em tự sửa. Vì trong phương pháp gián tiếp này GV không đưa ra đáp án đúng cho các lỗi vì thế những SV yếu sẽ khó có thể biết sửa lỗi đó như thế nào cho đúng.

2.2. Biện pháp đánh giá và sửa lỗi viết theo đôi của SV (peer correction)

Bên cạnh các phương pháp chữa lỗi của GV, thì biện pháp SV sửa lỗi viết cho nhau (peer correction) cũng được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu. Theo kết quả nghiên cứu của Trahasch (2004), Coit (2004), Cho & Schunn (2005) cho thấy rằng nhiều SV có thái độ tích cực khi tham gia vào hình thức học hợp tác này. Chính hoạt động đánh giá theo đôi đã kích thích tính tự giác của sinh viên và tạo thêm động lực cho sinh viên học môn viết. Theo Coit (2004), đánh giá trực tuyến theo đôi tạo ra cho sinh viên một môi trường luyện tập viết hiệu quả và thú vị. Những sinh viên này thực hiện các hoạt động đánh giá rất nghiêm túc và điều đó chứng tỏ động cơ học môn Viết của họ đã tăng lên. Còn Cho và Schunn (2005) đã chứng minh rằng khả năng viết của sinh viên tiến bộ đáng kể nhờ vào hoạt động đánh giá lẫn nhau giữa các sinh viên. Nghiên cứu này còn trình bày kết quả khả quan là việc đánh giá qua lại giữa nhiều sinh viên với nhau giúp chất lượng bài viết của sinh viên được cải thiện tốt hơn so với việc sinh viên chỉ nhận được đánh giá chỉ từ một giáo viên trong lớp học truyền thống. Theo đó sinh viên cũng có thể sử dụng các kỹ thuật chữa bài giống như của GV để chữa bài cho bạn như: sửa trực tiếp trên bài hoặc dùng các ký hiệu để chỉ ra lỗi cho bạn trong bài viết.

2.3. Biện pháp tự đánh giá và sửa lỗi của SV (self - correction)

Tự đánh giá hay tự sửa lỗi của người viết đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hoàn thiện một bài viết. Bởi nó không chỉ yêu cầu người viết phải hết sức tập trung vào cấu trúc của bài viết mà còn tăng tính chủ động, giúp người học kiểm soát được lỗi trong khi viết tốt hơn. Chandler (2003) và Makino (1993) đã chỉ ra rằng việc người học tự sửa bài sau khi được GV chỉ ra các lỗi giúp họ về lâu dài sẽ đạt được độ chính xác trong các bài viết. Nói một cách khác sẽ giúp họ dần dần có thể hoàn toàn kiểm soát được lỗi trong bài viết mà không phải cần đến sự chỉnh sửa từ người khác, kể cả GV. Tuy nhiên biện pháp này sẽ là không phù hợp với những sinh viên còn yếu và hổng kiến thức. Đồng thời người học cũng cần được hướng dẫn, tập huấn về một số loại lỗi thường mắc phải trong bài viết cũng như cách tránh và sửa chúng như thế nào.

Tài liệu tham khảo

1. Bitchener, J., Young, S., & Cameron, D. (January 01, 2005). The effect of different types of corrective feedback on ESL student writing.  Journal of Second Language Writing, 14,3, 191-205.

2. Chandler, J. (January 01, 2003). The efficacy of various kinds of error feedback for improvement in the accuracy and fluency of L2 student writing. Journal of Second Language Writing, 12, 3, 267-296.

3. Cho K. and Schunn C. D. (2005). Scaffolded Writing and Rewriting in the Discipline: A Web-based Reciprocal Peer Review System. Article in press, computers and education. Retrieved August 22, 2006, from http://elsevier.com/locate.compedu

4. Coit C. (2004). Peer Assessment in an Online Writing Course. Proceedings of the IEEE International Conference on Advanced Learning Technologies (ICALT’04). Retrieved August 22, 2006, from
www.csdl2.computer.org/comp/proceedings/icalt/2004/2181/00/21810902.pdf

5. Darus, S., & Subramaniam, K. (2009). Error analysis of the written English essays of secondary school students in Malaysia: A case study. European Journal of Social Sciences8(3), 483-495.

6. Ferris, D. R., & Roberts, B. (2001). Error feedback in L2 writing classes: How explicit does it need to be? Journal of Second Language Writing, 10, 161-184. doi: 10.1016/S1060-3743(01)00039-X

7. Hengwichitkul, L. (2006). An analysis of errors in English abstracts translated by Thai university graduate students. (Unpublished master’s thesis). Srinakharinwirot University, Bangkok, Thailand.

8. Huỳnh Minh Hiền và Trịnh Quốc Lập (2010). Đánh giá trực tuyến theo đôi: Một biện pháp tăng cường động cơ học và khả năng viết tiếng Anh. Tạp chí Khoa học 2010:15b 15-22

9. Runkati, K. (2013). Organizational patterns and common mistakes in English research abstracts. (Unpublished master’s thesis). Prince of Songkla University, Songkhla, Thailand.

10. Trahasch S. (2004). From Peer Assessment towards Collaborative Learning. 34th ASEE/IEEE Frontiers in Education Conference. Retrieved August 22, 2006, from http://fie.engrng.pitt.edu/fie2004/papers/1256.pdf

 ------------------------------------------------------------

[*] ThS, giảng viên Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ