Nội san

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương

26 Tháng Mười 2018

Phạm Văn Quyền [*]

Bình Giang là vùng đất có từ lâu đời thuộc châu thổ sông Hồng, do phù sa của hệ thống sông Thái Bình và sông Hồng bồi đắp. Nằm ở phía Tây Nam thành phố Hải Dương, thời nhà Đường đô hộ nước ta (từ năm 618 - 937), Bình Giang có tên là huyện Đường An (nghĩa là vùng đất bình yên) thuộc Giao Châu - phủ An Nam rồi thuộc phủ Hồng Châu (cuối thế kỉ XVI), phủ Thượng Hồng năm Cảnh Hưng thứ 2 năm 1742. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) triều Nguyễn vì kiêng tên húy nhà vua nên đổi tên Phủ Thượng Hồng ra phủ Bình Giang.

Đến năm 1997, do yêu cầu của tình hình cách mạng trong giai đoạn mới huyện Bình Giang được tái lập ngày 01/4/1997 theo Nghị định số 11/NĐ-CP ngày 12/2/1997 của Thủ tướng Chính phủ sau 20 năm sáp nhập với huyện Cẩm Giàng thành huyện Cẩm Bình, trụ sở mới kiến thiết trên đất thuộc thị trấn Kẻ Sặt ngày nay.

1. Thực trạng phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương

Cùng với phong trào xây dựng gia đình văn hóa thì phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa cũng được tiến hành song song trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Bình Giang từ các năm trước đến nay. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” huyện và các xã, thị trấn đã triển khai các tiêu chí cụ thể và sát thực về xây dựng làng, khu dân cư văn hoá. Sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn. Ban chỉ đạo các cấp đã chủ động nắm sát tình hình, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động, đăng ký xây dựng danh hiệu và duy trì danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa được tổ chức thực hiện công khai, dân chủ. Qua những làng, khu dân cư đã xây dựng thành công cùng với việc tổ chức duy trì, phát huy tốt danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa, phong trào đã được lan tỏa rộng khắp trên địa bàn huyện. Xây dựng làng, khu dân cư văn hóa nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo của người dân, của các gia đình trong tổ chức sản xuất, sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa, đáp ứng yêu cầu thiết thực của nhân dân, phù hợp với sự đổi mới về cơ chế tổ chức và quản lý kinh tế, chính trị, xã hội. Mặt khác, xây dựng làng, khu dân cư văn hóa để mỗi người dân, gia đình, dòng họ có điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, bảo vệ, gìn giữ phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp, loại bỏ các hiện tượng mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè, nghiện hút ma túy… góp phần xây dựng đời sống mới.

Cụ thể kết quả phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa trên địa bàn huyện đạt được như sau:

- Năm 1996: Làng Phụng Viện, xã Vĩnh Hồng là làng đầu tiên của huyện đạt danh hiệu làng văn hóa.

- Năm 1997: làng Đan Loan, xã Nhân Quyền đạt danh hiệu văn hóa.

- Năm 1998: có 4 làng: Bá Thủy xã Long Xuyên, Châu Khê xã Thúc Kháng, Mỹ Trạch xã Bình Minh, Nhân Liệt xã Hùng Thắng đạt danh hiệu văn hóa....

- Đến hết năm 2017: toàn huyện Bình Giang đã có 91/103 làng, khu dân cư văn hoá đạt tỷ lệ 88,35%. Tiêu biểu như các xã Nhân Quyền, Bình Xuyên, Thái Học... có 100% làng đạt danh hiệu văn hóa. Nhiều làng duy trì và giữ vững danh hiệu làng văn hóa như làng Bá Thủy, xã Long Xuyên duy trì danh hiệu 20 năm, được UBND tỉnh tặng cờ và bằng khen. Làng Đan Loan, xã Nhân Quyền, duy trì danh hiệu 21 năm, được nhiều cấp khen thưởng.

KẾT QUẢ XÂY DỰNG LÀNG, KHU DÂN CƯ VĂN HÓA

TT

Năm

Tổng số làng,

khu dân cư

Số làng, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa

Tỷ lệ (%)

1

2010

103

62

60,19%

2

2011

103

67

65,05%

3

2012

103

70

67,96%

4

2013

103

75

72,82%

5

2014

103

79

76,7%

6

2015

103

83

80,58%

7

2016

103

86

83,5%

8

2017

103

91

88,35%

(Nguồn: phòng VHTT huyện Bình Giang)

2. Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương

Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ của ủy ban mặt trận tổ quốc, các cấp và các ngành, tổ chức thành viên, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hoá gắn với phát triển kinh tế ở địa phương.

Xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn trong sạch, vững mạnh; nhận thức và quan tâm đầy đủ đến phát triển văn hóa; phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nông thôn; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo cơ sở chính trị cho sự phát triển của phong trào xây dựng làng văn hóa.

Định kỳ tổng kết đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền về công tác xây dựng làng, khu dân cư văn hoá nhằm kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, định hướng và đề ra các biện pháp sát hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương.

Tăng cường công tác tuyên truyền và vận động thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp, thiết thực, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò vị trí của phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hoá, trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương khoá X về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Kiện toàn và nâng cao chất lượng Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp trước hết là về tổ chức; đề cao vai trò hoạt động của các ngành thành viên và cơ quan thường trực Ban chỉ đạo. Duy trì chế độ giao ban, đề ra các biện pháp, nội dung thiết thực và cụ thể, tăng cường các cuộc họp chuyên đề của thường trực Ban chỉ đạo. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên phụ trách địa phương, cơ sở trong việc nắm tình hình, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình xây dựng làng, khu dân cư văn hoá nhằm nâng cao chất lượng toàn diện phong trào.

Quy hoạch quản lý và sử dụng có hiệu quả đất đai các công trình văn hoá ở làng, khu dân cư, dành quỹ đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng văn hoá như: Nhà văn hoá, sân thể thao, ao bơi sạch.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hoá, hướng dẫn viên thể thao nhất là ở cấp cơ sở xã, phường. Đặc biệt là tập huấn kiến thức cơ bản  về pháp luật, văn hoá chủ động nâng cao chất lượng phong trào về các tiêu chí của  quy định bổ sung tiêu chuẩn xây dựng và xét duyệt công nhận làng, khu dân cư văn hoá; cách thức duy trì và nâng cao chất lượng làng, khu dân cư văn hoá cho đội ngũ trưởng thôn, khu dân cư, trưởng ban công tác mặt trận.

Tổ chức rà soát, tập huấn, chỉnh lý, bổ sung quy ước các làng, khu dân cư  đặc biệt là quy ước các làng, khu dân cư văn hoá, vì đây là văn bản quan trọng cụ thể hoá các quy phạm pháp luật, là xương sống để từ đó cộng đồng dân cư  điều chỉnh hành vi của mình. Chỉnh sửa quy ước phải kế thừa giá trị quy ước đã có, bổ sung những nội dung mới cho phù hợp pháp luật của Nhà nước. Tăng cường biện pháp tuyên truyền thực hiện quy ước đến từng người, từng nhà cam kết thực hiện tốt quy ước. Hàng năm tiến hành kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện quy ước.

Phối hợp có hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo tổ chức, hướng dẫn cơ sở, làng, khu dân cư khai thác tốt cơ sở vật chất trang thiết bị hiện có để tổ chức các hoạt động văn hoá xã hội.

Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật, nhất là đối với công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, công tác môi trường, an ninh trật tự.

Khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động, tích cực tự quản cộng đồng ở nông thôn, là nhân tố quan trọng hàng đầu để xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu làng văn hóa, tránh tình trạng công nhận làng văn hóa nặng về hình thức, làm giảm ý nghĩa, tầm quan trọng của danh hiệu này. 

Tổ chức tốt ngày Đại đoàn kết dân tộc theo sự hướng dẫn của Uỷ ban mặt trận Tổ quốc và các ngành liên quan để ngày 18/11 hàng năm thực sự là ngày hội Đại đoàn kết dân tộc nhằm tôn vinh những cá nhân, tập thể, cộng đồng có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương. Tập hợp lực lượng biểu dương sức mạnh nguồn lực và các giá trị to lớn của dân tộc để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước giầu đẹp, văn minh.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000), Hỏi và đáp về phong trào toàn dân đoàn kết xây dưng đời sống văn hóa.
  2. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Giang (2015), Báo cáo 15 năm thực hiện phong trào, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa 2000- 2015
  3. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Giang, Báo cáo các hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở của huyện Bình Giang, từ năm 2015- 2017.
  4. UBND huyện Bình Giang (2017), Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018;
  5.  
  6. http://binhgiang.gov.vn/co_cau_to_chuc.aspx?id=89 

-------------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa