Nghiên cứu lý luận

Quản lý và phát triển thương hiệu lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng

13 Tháng Mười Một 2018

Cao Thị Minh Hảo [*]

Hải Phòng là mảnh đất ngàn năm văn hiến, có vị thế chính trị quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, Hải Phòng được các triều đại xác định là “cửa ngõ của Kinh thành”, là nơi đầu sóng ngọn gió, lá chắn tuyến đầu để bảo vệ đất nước.

Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Hải Phòng tiếp tục là địa phương đi trước về sau, vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc. Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Hải Phòng là địa phương đã có nhiều đột phá táo bạo, gợi mở, góp phần với Trung ương hoạch định chiến lược đổi mới đất nước.

Hải Phòng ngày nay đã và đang từng bước chuyển mình, hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của vùng Duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội của Hải Phòng đạt được nhiều kết quả tích cực, đa dạng và phong phú, có sức lan tỏa, kế thừa phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc… Chính vì lẽ đó, việc tổ chức sự kiện văn hóa có thể coi là một trong những “kênh” ngoại giao quan trọng của thành phố nhằm tuyên truyền, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về truyền thống văn hóa lịch sử, tiềm năng thế mạnh của thành phố, tạo sự thân thiện, hiểu biết lẫn nhau để cùng hướng đến kết quả hợp tác và đạt được mục đích phát triển cao nhất trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Năm 2012, được sự đồng ý của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hải Phòng vinh dự được đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia khu vực Đồng bằng sông Hồng 2013, đây là cơ hội để Hải Phòng có thể quảng bá về hình ảnh mảnh đất, con người Hải Phòng, điều này cũng có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung của thành phố. Để khởi động cho Năm Du lịch Quốc gia khu vực Đồng bằng sông Hồng 2013, Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các đơn vị liên quan tổ chức lễ hội Hoa Phượng đỏ Lần thứ nhất - Hải Phòng 2012, đồng thời quyết tâm đưa lễ hội trở thành sự kiện thường niên, là niềm tự hào của thành phố với nhiều nét mới lạ, độc đáo và có sức hút.

Đến nay, lễ hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng đã trải qua được 7 mùa lễ hội và dành được sự quan tâm đặc biệt đông đảo của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, thu hút được sự chú ý theo dõi của nhân dân cả nước. Chất lượng lễ hội ngày càng được nâng cao, công tác tổ chức bài bản đã mang lại cho lễ hội Hoa Phượng đỏ một diện mạo mới, thể hiện sự chuyên nghiệp hơn trong mắt người dân và du khách, từng bước khẳng định vị thế của một lễ hội vượt qua khuôn khổ vùng miền để trở thành sản phẩm du lịch mới và riêng có của thành phố Cảng Hải Phòng.

Các hoạt động của lễ hội đã góp phần tạo sự đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ, các sản phẩm, lượng khách du lịch đến với thành phố có bước tăng trưởng tiến bộ, tạo cơ sở và tiền đề thúc đẩy phát triển ngành du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/02/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/12/2016 của ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch thành phố giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật chào mừng Đêm hội Hoa Phượng đỏ đã tạo được tiếng vang lớn, đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của nhân dân thành phố, thu hút được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tỉnh, thành phố, khách quốc tế.

Công tác tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền trên hệ thống các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trung ương và thành phố đạt hiệu quả cao. Nổi bật là kết quả thực hiện xã hội hóa tuyên truyền cổ động trực quan với sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân, các cấp, ngành, các đơn vị và các doanh nghiệp. Công tác an ninh, trật tự, giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; hậu cần, lễ tân, y tế được chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai thực hiện chu đáo, trang trọng, lịch sự và tuyệt đối an toàn. Sự phối kết hợp tích cực, hiệp đồng chặt chẽ từ các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố đến các quận, huyện, đảm bảo tốt các công việc được giao, đem lại thành công cho các hoạt động lễ hội.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện Lễ hội Hoa Phượng đỏ còn bộc lộ một số hạn chế làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, tổ chức lễ hội như: hoạt động hưởng ứng bổ trợ, bên lề của các địa phương, đơn vị chưa được tổ chức thực hiện theo thời gian của chương trình chi tiết đã phê duyệt; công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động hội chợ ẩm thực, các hoạt động thể dục, thể thao, hội thi đầu bếp... còn mờ nhạt, nghèo nàn về nội dung, chưa tạo được ấn tượng sâu sắc với du khách; một số đơn vị tham gia hưởng ứng lễ hội theo kiểu cho đủ chỉ tiêu và chiếu lệ, điều này gây tình trạng lãng phí về tiền của và thời gian. Mặt khác, lễ hội cũng chưa thể hiện được tốt chức năng giao tiếp lễ hội để có thể lôi cuốn được sự tham gia tích cực của mọi người, chưa thực sự là lễ hội của nhân dân. Bởi vì, hiện nay phần lớn người dân thành phố tham dự lễ hội chỉ tiếp nhận các thông điệp một cách thụ động, chưa có nhiều cơ hội cho sự tham gia rộng rãi mặc dù lễ hội Hoa Phượng đỏ cũng chính là thành quả của văn hóa, là những giá trị do nhân dân làm ra…

Có thể thấy, qua từng năm, sự phát triển của lễ hội Hoa Phượng Đỏ đã góp phần lan tỏa thông điệp, giới thiệu sự đổi mới, hội nhập và phát triển của thành phố tới từng người dân trong nước cũng như du khách quốc tế. Song, để lễ hội tạo dựng được thương hiệu, mang bản sắc riêng của mình và có khả năng phát triển ngày càng bền vững thì các hoạt động chào mừng, hưởng ứng lễ hội cần phải được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố và ban tổ chức; sự phối hợp tích cực đồng bộ, chủ động, thống nhất giữa các cấp, các ngành, các tiểu ban, đơn vị, các cơ quan liên quan khác ngoài thành phố, cùng các cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, thành phố trong việc triển khai thực hiện kế hoạch và tổ chức các hoạt động.

Lễ hội cần huy động được toàn bộ lực lượng tham gia, có sự phối hợp chặt chẽ ở từng giai đoạn, từng mặt công tác cụ thể, trong đó phải biết đặt ra những mục tiêu, yêu cầu riêng để tập trung tổ chức thực hiện. Các giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ phải đồng bộ, toàn diện, chú trọng công tác lựa chọn những người có chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao tham gia vào các tiểu ban. Các cấp, ngành và cá nhân được giao nhiệm vụ tổ chức các nội dung hoạt động phải chịu trách nhiệm về chất lượng và nghiêm túc kiểm điểm khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Việc tổ chức lễ hội cũng cần chú trọng đến công tác xây dựng kế hoạch phù hợp, khả thi; các chương trình chi tiết, kịch bản đảm bảo chính xác, chất lượng đối với các nội dung hoạt động. Phải nhận thức đúng, đầy đủ và có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác chuẩn bị, phục vụ các hoạt động, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách tham quan du lịch.

Tài liệu tham khảo

1.  Trịnh Minh Hiên (1993), Hải Phòng di tích lịch sử - văn hoá, Nxb Hải Phòng.  

2. UBND thành phố Hải Phòng (2018), Kế hoạch số 84/KH - UBND ngày 23/3/2018 của UBND thành phố về việc Tổ chức Lễ hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng 2018.

3. UBND thành phố Hải Phòng (2018), Báo cáo số 139/BC - UBND ngày 06/6/2018 về tổng kết công tác tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 5/2018, kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng 2018.

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa