Nội san

Dạy học hòa tấu nhạc nền cho học sinh Nhạc công Chèo tại Nhà hát Chèo Việt Nam

20 Tháng Mười Một 2018

Đào Tuấn Hải [*]

Trong nghệ thuật Chèo, nhạc nền là một phần quan trọng. Nhiều vở chèo đã được các nhạc sĩ sáng tác thêm phần nhạc nền mang lại những nét tươi mới, tạo sức lôi cuốn hơn. Mặc dù là một phần quan trọng và gắn bó khăng khít với nghệ thuật Chèo nhưng hiện nay mảng nhạc nền trong các vở chèo chưa được quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực giảng dạy phần nhạc này cho học sinh nhạc công chèo.

Từ thực tế nghiên cứu và giảng dạy hoà tấu dàn nhạc, bài viết sẽ đề cập đến vai trò của nhạc nền trong Chèo và nêu phương pháp dạy hoà tấu nhạc nền nhằm giúp các học sinh nhạc công chèo tiếp cận và hoà tấu nhạc nền hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn biểu diễn tại Nhà hát Chèo Việt Nam.

1. Nhạc nền và vai trò của nhạc nền trong Chèo

Nhạc nền là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong nghệ thuật Chèo. Theo nhạc sĩ Đôn Truyền: “nhạc nền là những đoạn nhạc không lời do người soạn nhạc ấn định trong các tổng phổ nhằm mô tả các tình huống, tính cách nhân vật trong tích trò, hỗ trợ cho diễn kể của diễn viên”(1). Trên thực tế, trong nghệ thuật chèo truyền thống còn có một dạng nhạc nền khác, đó là nhạc nền được ứng tấu tại chỗ. Như vậy, hiểu một cách đầy đủ hơn, nhạc nền là phần âm nhạc do các nghệ nhân nhạc công ứng tấu, ngẫu hứng tại chỗ hoặc được sáng tác bởi các nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Nhạc nền có nhiều vai trò khác nhau: lúc khắc hoạ tình huống của vở chèo, lúc làm nền cho các đoạn nói, kể tự sự của nhân vật, lúc mở ra không gian, cảnh trí của các màn diễn khác nhau. Nhiều đoạn nhạc nền trong các vở chèo đã mang lại những cảm xúc nghệ thuật khó quên, tạo được ấn tượng tốt đẹp với công chúng yêu nghệ thuật Chèo.

2. Một số thao tác cơ bản trong dạy hoà tấu nhạc nền

Hiện nay, dạy học tấu dàn nhạc chèo (phần nhạc nền) cần có phương pháp dạy khoa học kết hợp với những phương pháp dạy học truyền thống. Trong quá trình dạy, giáo viên có thể thực hiện một số các thao tác như sau:

Phân tích tính chất âm nhạc

Tính chất âm nhạc là một trong những yếu tố quan trọng. Do đó, trước khi thể hiện nhạc nền, nhạc công cần nắm được một cách đầy đủ và sâu sắc tính chất âm nhạc của tác phẩm mà mình thể hiện. Việc phân tích tính chất âm nhạc của các câu, đoạn nhạc nền trong vở chèo sẽ giúp học sinh thể hiện phần nhạc nền một cách sâu sắc hơn trong quá trình học hoà tấu dàn nhạc chèo.

Trong âm nhạc chèo, mỗi đoạn nhạc nền có một tính chất âm nhạc khác nhau, có đoạn trữ tình, sâu lắng, có đoạn kịch tính. Chẳng hạn, đoạn nhạc nền mở màn 1 của vở chèo Suý Vân do nhạc sĩ Hoàng Kiều viết nhạc. Khi dạy, giáo viên cần phân tích đây là một đoạn nhạc có tính âm nhạc xáo động, bất ổn, chuẩn bị cho một màn diễn đầy kích tính:

        Phân tích âm nhạc cần thực hiện trước việc dạy thực hành hoà tấu, thao tác này sẽ rất có tác dụng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Hướng dẫn khai thác đặc tính của các nhạc khí

Ngoài việc phân tích tính chất âm nhạc của các đoạn nhạc nền, trong dạy hoà tấu nhạc nền, cần hướng dẫn các em khai thác những đặc tính riêng của từng loại nhạc khí. Khác với các nhạc khí phương Tây, các nhạc khí dân tộc Việt Nam thường có “độ mở” lớn. Ngoài các tính năng thông thường, việc khai thác những đặc tính riêng biệt của từng nhạc khí trong hoà tấu phụ thuộc vào năng lực của từng nhạc công. Với những nhạc công dày dạn kinh nghiệm sẽ có nhiều hiểu biết về đặc tính riêng của chính cây đàn mà họ đang làm chủ và phát huy tối đa những đặc tính đó trong hoà tấu, ngược lại, những nhạc công mới vào nghề thì chỉ có thể chơi đúng cao độ, tiết tấu. Hiện nay, học sinh nhạc công tại Nhà hát Chèo Việt Nam còn hạn chế hiểu biết về đặc tính của các nhạc khí thậm chí cả nhạc khí mà các em đang học. Do đó, giáo viên cần hướng dẫn học sinh khai thác những đặc tính nổi trội của các loại nhạc khí. Chẳng hạn, nhấn nhá là một trong những đặc tính nổi bật của các nhạc khí dân tộc, bởi vậy, tổng phổ ghi nhạc trên năm dòng kẻ theo cách ghi nhạc của âm nhạc phương Tây chưa thể lột tả được hết tính chất của các đoạn nhạc nền. Một ví dụ điển hình, trong đoạn nhạc nền tự sự của nhân vật Suý Vân (vở chèo Suý Vân) vào đầu, giai điệu giao cho đàn Bầu diễn tấu cùng với Tiêu. Đàn Bầu diễn tấu giai điệu chậm rãi, thể hiện tâm trạng âu sầu, xót xa của người phụ nữ bị bạc tình. Với đoạn nhạc này, giáo viên cần hướng dẫn học sinh khai thác triệt để đặc tính nhấn nhá và cách thể hiện riêng của đàn Bầu:

Ngoài ra, trong quá trình dạy hoà tấu nhạc nền, giáo viên cần hướng dẫn học sinh khai thác đặc tính của nhiều nhạc khí khác như Sáo, Tiêu, Tranh, Nhị... Ở mỗi nhạc khí lại có một đặc tính riêng và đặc tính đó phải được khai thác hiệu quả trong việc thể hiện nhạc nền của vở diễn.

Rèn luyện cao độ, tiết tấu cho bè nhạc khí diễn tấu giai điệu

Học sinh nhạc công của Nhà hát Chèo Việt Nam được tuyển lên từ các địa phương. Mặc dù các em đã được học chuyên môn ở các cơ sở đào tào địa phương hay từ các nghệ nhân, nhưng nhìn chung, năng lực chuyên môn của các em còn hạn chế. Hạn chế thường thấy khi tham gia hoà tấu là có nhiều em chơi sai cao độ và tiết tấu bè mình đảm nhiệm. Do đó, trong quá trình hướng dẫn, giáo viên cần dừng lại để kiểm tra và sửa cao độ, tiết tấu cho từng bè nhạc khí. Trên thực tế, khi tham gia hoà tấu, không phải học sinh nào cũng tập trước ở nhà hoặc do năng lực đọc nhạc còn hạn chế, nên có lúc, giáo viên cần đọc mẫu và gõ tiết tấu nhiều lần cho từng bè nhằm giúp các em hình dung và nắm bắt được nhanh hơn. Việc hướng dẫn chi tiết và tỉ mỉ này sẽ mang lại hiệu quả tốt. Với tất cả bè khác cũng cần thực hiện với cách làm tương tự nhằm mục đích vừa hướng dẫn, vừa kiểm tra các bè. Thao tác rèn luyện và hướng dẫn này có thể coi là công đoạn “vỡ bài” tại lớp, giúp các em loại bỏ được cảm giác ngại tập luyện và tham gia tích cực hơn trong quá trình học hoà tấu nhạc nền.

Hướng dẫn phối hợp nhóm

Kỹ năng phối hợp là một yếu tố quan trọng đối với mọi nhạc công nói chung và nhạc công dàn nhạc chèo nói riêng. Thực tế cho thấy, kỹ năng này không thể hình thành ngay với những nhạc công mới vào nghề mà phải trải qua thời gian trải nghiệm trên thực tế cùng với sự luyện tập thường xuyên. Tuy nhiên, trong việc dạy học hoà tấu nhạc nền cho học sinh nhạc công chèo tại Nhà hát Chèo Việt Nam, cần đưa ra một phương pháp rèn luyện giúp các em nắm được các yêu cầu cơ bản và dần dần hình thành kỹ năng phối hợp dàn nhạc.

Khi tham gia dàn nhạc, người nhạc công phải tuân thủ theo các yêu cầu, nguyên tắc phối hợp tập thể, trước hết là trong một tập thể nhỏ cụ thể ở đây là các nhóm nhạc khí. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh thực hiện đạt được các tiêu chí sau:

Đồng đều về cao độ, tiết tấu và sắc thái cường độ

Nhóm nhạc khí diễn tấu giai điệu cần phải đảm bảo sự đồng đều về cao độ, tiết tấu. Trong bè giai điệu, chỉ cần vài nhạc công chơi không chuẩn cao độ, tiết tấu là dẫn đến chất lượng tổng thể bị giảm sút. Ở những đoạn có kỹ thuật khó đòi hỏi phải thực hiện chuẩn xác cao độ, tiết tấu. Chẳng hạn, trong đoạn nhạc nền “xóc quẻ thẻ” (2) của Suý Vân vào chùa: giai điệu có tốc độ nhanh, nhiều âm hình tiết tấu móc kép, nhiều đảo phách, nghịch phách liên tục, nhảy quãng xa vv.... Ở những đoạn nhạc này, giáo viên cần dành nhiều thời gian hơn cho việc hướng dẫn các nhóm diễn tấu giai điệu. Cần luyện cho nhóm nhạc khí này hoà tấu nhiều lần cho thật khớp với nhau về cao độ, tiết tấu.

Sắc thái cường độ của bè giai điệu là một yếu tố rất quan trọng trong hoà tấu dàn nhạc. Giai điệu của một tác phẩm hoà tấu dàn nhạc không phải lúc nào cũng vang lên với sắc thái cường độ lớn và ngược lại không phải lúc nào cũng vang lên với sắc thái cường độ nhỏ. Việc hướng dẫn cho học sinh thực hiện sắc thái cường độ khi diễn tấu giai điệu là vấn đề cần giải quyết một cách thấu đáo. Mặc dù trên tổng phổ, nhạc sĩ đã có ghi những kí hiệu về sắc thái cường độ nhưng không phải học sinh nhạc công chèo nào cũng chú ý và hiểu được cặn kẽ các thuật ngữ sắc thái cường độ. Do đó, giáo viên cần hướng dẫn cụ thể cho học sinh. Một ví dụ điển hình là khi diễn tấu giai điệu của đoạn nhạc nền “xóc quẻ thẻ trong chùa” của nhân vật Suý Vân trongvở chèo Suý Vân. Giai điệu của đoạn nhạc này giao cho nhiều nhạc khí cùng diễn tấu. Nếu chỉ nhìn vào tổng phổ, nhiều khi học sinh sẽ không thực hiện tốt được sắc thái cường độ. Cụ thể là, trong đoạn nhạc, mở đầu, nhạc sĩ đã để ở cường độ mạnh (forte), nhưng chỉ sau 4 nhịp, cường độ đã phải đẩy lên ở mức rất mạnh (fortissimo) tạo tính chất kịch tính, căng thẳng. Về cuối đoạn nhạc yêu cầu cường độ của giai điệu càng mạnh dần lên (Crescendo) và ngắt đột ngột rồi ngân tự do ở âm kết đoạn với cường độ mạnh vừa (Mezzo forte). Giai điệu giao cho các nhạc khí: Sáo, Tam thập lục, Thập lục, Nhị 1, Nhị 2, nhóm nhạc khí này cần thực hiện đồng đều sắc thái cường độ đúng như yêu cầu của tổng phổ.

          Nhóm bè phụ trợ và đệm không lấn át bè giai điệu

Khi hướng dẫn nhóm nhạc khí bè phụ trợ, đệm, giáo viên cần nhắc học sinh đảm bảo các bè này không được lấn át bè giai điệu. Muốn thực hiện được yếu tố này, cần giữ sắc thái cường độ luôn nhỏ hơn so với nhóm các nhạc khí diễn tấu bè giai điệu. Với năng lực phối hợp còn hạn chế nên nhiều chỗ, học sinh giữ bè phụ trợ, đệm không ý thức được về mặt sắc thái cường độ, nên chơi bè phụ trợ, đệm quá to, phần nào làm át đi bè giai điệu chính hoặc chưa tôn được bè giai điệu chính lên. Nắm được hạn chế này, trong quá trình dạy các nhóm nhạc khí phụ trợ, đệm, giáo viên cần dừng lại lắng nghe và sửa kỹ cho các em. Giáo viên lúc này được ví như một người thợ kim hoàn chăm chỉ, cần mẫn.

Dạy hoà tấu nhạc nền còn có nhiều phương pháp và thao tác khác nhau nhưng tất cả các phương pháp đều có một điểm chung là với thời gian cho phép phải đạt được hiệu quả cao và phục vụ tốt nhất cho nội dung của các vở chèo. Chúng tôi cho rằng với đối tượng là học sinh nhạc công chèo tại Nhà hát Chèo Việt Nam, các thao tác dạy hoà tấu cần phù hợp và đảm bảo tính vừa sức. Sự cần mẫn và chính xác của người giáo viên dạy hoà tấu dàn nhạc chèo là rất quan trọng. Hy vọng những thao tác trong phương pháp dạy học hoà tấu nhạc nền này sẽ giúp cho học sinh nhạc công chèo nâng cao năng lực hoà tấu dàn nhạc, góp phần vào công tác đào tạo nhạc công của Nhà hát Chèo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chú thích

(1). Xem: Đôn Truyền (2001), Đến với nhạc chèo, Nxb Viện Sân khấu, Hà Nội, tr.129.

(2). Đoạn nhạc này gắn với nội dung nói về nhân vật Suý Vân trong vở chèo Suý Vân vào chùa và lấy quẻ thẻ tre để xem may rủi nên được gọi là tắt là“xóc quẻ thẻ”

Tài liệu tham khảo

1. Lê Huy - Lê Trân (1984), Nhạc khí dân tộc Việt Nam, Nxb Văn Hóa, Hà Nội.

2. Nhiều tác giả (2002), Hoà tấu dàn nhạc dân tộc đương đại,  Viện Âm nhạc, Hà Nội.

3. Đôn Truyền (2001), Đến với nhạc chèo, Nxb Viện sân khấu, Hà Nội.

4. Trần Vinh (2011), Nhạc Chèo, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K8 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc