Nội san

Nhã nhạc cung đình Huế - Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại

31 Tháng Tám 2008

Ngày 30 tháng 8 năm 2008, tại  Nhà hát Duyệt thị đường (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) đã diễn ra “Hội nghị tổng kết Dự án thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn nhã nhạc  - âm nhạc cung đình Việt Nam, kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm và tham dự của các cơ quan hữu quan, các nhà nghiên cứu có uy tín về âm nhạc dân gian Việt Nam như: Ngô Hoà (Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế), TS. Phan Công Tuyên (Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tỉnh Thừa Thiên Huế), TS. Lê Thị Minh Lý (Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ VHTTDL),  ông  Hanjawa SHUICHI (Bí thư thứ ba Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam) GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam), GS.TS. Trần Văn Khê, PGS.TS. Vũ Nhật Thăng .v.v....

Ban biên tập Website Trường ĐHSP Nghệ thuật TW xin giới thiệu Tham luận tại Hội nghị của TSKH. Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.


 

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT DỰ ÁN

“BẢO TỒN NHÃ NHẠC - ÂM NHẠC CUNG ĐÌNH VIỆT NAM: KẾT QUẢ HIỆN TẠI VÀ ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI”

------------------------------------------------------------------------------------

 

MỘT CON ĐƯỜNG MANG TÍNH ĐỊNH HƯỚNG CAO

(CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO LỚP NHẠC CÔNG NHÃ NHẠC KHOÁ 2005 – 2007)

 

                                                            TSKH. Phạm Lê Hòa

                                          Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

                                            (National University of Art Education)

  

1. Chúng ta đang sống trong thời đại phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, thời đại của nền kinh tế tri thức, và cũng là thời đại mà toàn cầu hoá được nhìn nhận như một tất yếu của diễn trình lịch sử xã hội loài người. Đó là thời đại đầy thuận lợi nhưng cũng không ít thử thách đối với sự phát triển của mỗi dân tộc. Đó cũng là thời đại mà hơn bao giờ hết, trong quá trình hội nhập, mỗi dân tộc phải chứng minh sự tồn tại, phải khẳng định bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình trước thế giới. Và theo chúng tôi, lĩnh vực khả thi nhất để thực hiện điều đó là văn hoá - nghệ thuật.

 

   

   

Nhã nhạc cung đình Huế là một từ những di sản văn hoá nghệ thuật quý giá không những của Việt Nam, mà là của toàn nhân loại. Với những gì hiện hữu, tháng 11 năm 2003 Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại. Song vấn đề lớn nảy sinh ra từ đây là làm sao để có thể bảo tồn và phát huy tốt nhất di sản văn hoá - nghệ thuật truyền thống này cho tương lai. Theo chúng tôi, để có thể bảo tồn và phát huy một cách tốt nhất di sản văn hoá Nhã nhạc cần phải có một cái nhìn định hướng mang tính tổng thể, không chỉ vì những lợi ích trước mắt mà nhìn xa về tương lai tồn tại và phát triển của loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Sau khi nghiên cứu/khảo sát lớp học Nhạc công Nhã nhạc, chúng tôi rất vui mừng và đánh giá cao định hướng mang tính chỉ đạo cùng những kế hoạch cụ thể của các nhà quản lý, các cơ quan hữu quan khi tổ chức Lớp Nhạc công Nhã nhạc này. Đây là một lớp học khá đặc biệt bởi học viên là 20 học sinh nam không chỉ có năng khiếu âm nhạc truyền thống, mà phần lớn là con em các gia đình có truyền thống âm nhạc dân gian của cố đô Huế – nơi mà trước đây vị trí của các nhạc công Nhã nhạc còn chưa được nhìn nhận đúng với những giá trị thực của nó.

Đây là một lớp học mang tính đặc thù cao trong công tác đào tạo văn hoá - nghệ thuật. Chính vì vậy, Chương trình đào tạo nhạc công Nhã nhạc này không nằm trong hệ thống các trình độ đào tạo hiện có đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành.

2. Cấu tạo của chương trình gồm 3 phần chính: các môn học lý thuyết (Theoretical subjects), các môn học thực hành (Subjects in practice) và các chuyên đề (Special subjects). Ngoài ra còn ngoại khoá ngoài TKB và thực tập (giữa khoá và cuối khoá).

A. Các môn lý thuyết (Theoretical subjects): Lý thuyết âm nhạc cơ bản (Basic theory of music), Lịch sử âm nhạc Việt Nam (History of Vietnamese music), Ký xướng âm dân tộc (Traditional musical notation), Ký xướng âm Tây phương (Western musical notation), Dân ca Việt Nam (Vietnamese folk-song), Dân ca Thừa Thiên Huế (Thừa Thiên Huế folk-song), Tính năng nhạc cụ dân gian Việt Nam (Characters of Vietnam folk musical instruments), Cấu trúc âm nhạc dân gian Việt Nam (Structure of Việt Nam folk music) và Tổ chức và biểu diễn của dàn Nhã nhạc (Nhã nhạc Orchestral Organization and performance).

B. Các môn thực hành (Subjects in practice): Hoà tấu (Performance in a concert), Nhạc cụ chuyên ngành (Major instrumental music).

C. Chuyên đề (Special subjects): Lịch sử văn hoá Huế (History of Huế culture), Âm nhạc truyền thống Huế (Traditional music of Huế ),

Chương trình học tập được biên soạn công phu và có tính khả thi cao. Nhưng quan trọng không kém là tình yêu mãnh liệt đối với di sản âm nhạc truyền thống của thày và trò lớp nhạc công Nhã nhạc.

Về nội dung chương trình: như chúng tôi đã nói ở phần trên, đây là một chương trình đào tạo mang tính đặc thù cao/được biên soạn cho chính Lớp nhạc công nhã nhạc này. Chính vì vậy, Chương trình rất phù hợp đối với các em học sinh của lớp học. Các em học sinh thể tiếp thu nó một cách thoải mái dưới sự hướng dẫn của các thày cô giáo và các nghệ nhân. Đứng về phương diện sư phạm và văn hoá, tôi cho rằng phương thức giảng dạy kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý thuyết và thực tế của lớp học là một hướng đi đặc thù phù hợp đối với những lớp học dạng như thế này. Đây là cách làm chúng ta cần tiếp tục trong tương lai nhằm đào tạo được đội ngũ những nhạc công Nhã nhạc đáp ứng được những đòi hỏi của chính cuộc sống.

 

   

 

3. Việt Nam là đất nước của sự đa dạng và phong phú về phương diện âm nhạc dân gian của 54 thành phần dân tộc. Nhã nhạc Cung đình Huế cùng dòng chảy của lịch sử đã khẳng định là một di sản âm nhạc truyền thống quý báu. Tôi đã dự xem biểu diễn Nhã nhạc tại Nhà hát cung đình Huế (The Huế Theatre of Royal Arts), tại một số nơi khác và nhận thấy rằng: người nghe/xem rất thích thú loại hình nghệ thuật truyền thống này. Do đó, khả năng phát triển cùng du lịch mang tính khả thi rất cao. Nếu tổ chức tốt, Nhã nhạc sẽ là một từ những lý do thu hút mạnh khách du lịch bởi sự độc đáo mang những dấu ấn riêng của văn hoá Việt Nam. Nhưng rõ ràng rằng: khách du lịch khi đến một đất nước không phải chỉ quan tâm đến một hiện tượng văn hoá của đất nước đó, mà kèm theo đó là hàng loạt các điều kiện khác để những chuyến du lịch thực sự không chỉ thoả mãn sự tìm tòi, khám phá về phương diện văn hoá, mà còn là sự nghỉ ngơi thoải mái trong sự hoà đồng cùng đất nước và con người.

4. Nhã nhạc nên được thể hiện như thế nào trước công chúng hiện đại? Đây quả là một câu hỏi thú vị đối với những nhà nghiên cứu nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Lịch sử đã chứng minh/khẳng định bản chất sự tồn tại của những quy luật sinh tồn. Cái gì hợp lý thì sẽ tồn tại mãi cùng thước đo thời gian, còn cái gì không hợp lý sẽ bị loài người đào thải. Và vì vậy, có lẽ không gì hơn, chính Nhã nhạc phải tự khẳng định được mình, khẳng định được sự tồn tại của mình trước lịch sử. Đây vốn không phải là công việc đơn giản, đòi hỏi các cơ quan hữu quan sẽ phải nghiên cứu/thể nghiệm tổng thể trên mọi phương diện để có thể tìm được những giải pháp hữu hiệu cho việc bảo tồn và phát triển di sản văn hoá truyền thống độc đáo này trong tương lai.

Cuộc sống không ngừng biến động, chính vì vậy để phát triển Nhã nhạc trong từng giai đoạn lịch sử có những đòi hỏi riêng phù hợp. Nhưng động viên được sức mạnh tổng hợp của các cấp lãnh đạo, các thành phần xã hội vì sự bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc truyền thống luôn là điều cần tiến hành.

5. Tuy nhiên, trong phần cuối của Tham luận này, tôi vẫn muốn lưu ý về quyền lợi của người học viên lớp Nhã nhạc truyền thống. Lớp học không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, do đó sau khi học tập xong học viên sẽ chỉ được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, Chứng chỉ không có giá trị trong nhiều quyền lợi chính thức sau này của học viên. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, nếu như đưa được Chương trình đào tạo nhạc công Nhã nhạc vào chương trình đào tạo chính thức (mà việc này hoàn toàn có thể làm được), thì học sinh Lớp Nhã nhạc truyền thống sau khi học xong sẽ được cấp Bằng tốt nghiệp – loại văn bản được Nhà nước Việt Nam công nhận về phương diện pháp lý.

Chương trình đào tạo của lớp nhạc công Nhã nhạc là một chương trình đào tạo rất có ý nghĩa đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống Nhã nhạc nói riêng, với việc bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể nói chung. Những lớp đào tạo kiểu này cần được rút kinh nghiệm để có thể làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Và như vậy, đó sẽ là một từ những phương án khả thi/hữu hiệu để bảo tồn các giá trị của nghệ thuật Nhã nhạc truyền thống.