Nghiên cứu lý luận

Dạy học Sáo trúc tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội

24 Tháng Mười Một 2018

 Phạm Hữu Dực [*]

Trong kho tàng âm nhạc cổ truyền ở nước ta, có nhiều di sản vật thể và phi vật thể quý báu. Di sản vật thể về âm nhạc chủ yếu là các loại nhạc cụ, trong đó có cây Sáo trúc. Âm thanh của Sáo trúc thân thiết, gần gũi với tâm hồn người Việt Nam. Sáo trúc là nhạc cụ được sử dụng trong dàn nhạc cung đình nước ta thời phong kiến, trong sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần hàng ngày, trong các dịp hội hè đình đám ở hầu khắp các làng quê người Việt. Cùng với quá trình phát triển, biến đổi của  nền âm nhạc nước ta, sáo trúc là nhạc cụ độc tấu, hòa tấu trong các dàn nhạc mới (kết hợp nhạc cụ cổ truyền và nhạc cụ phương Tây) và dàn nhạc sân khấu Kịch hát dân tộc (Chèo; Tuồng; Cải lương…).

Sáo trúc là một nhạc cụ gọn nhẹ nhất trong số các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Sáo trúc có độ dài từ 40 đến 50cm, có bán kính 0,5cm một đầu có mấu hoặc được bịt kín bằng nút bấc. Ngay cạnh đầu bịt được khoét một lỗ hình bầu dục, gọi là lỗ thổi, cạnh đuôi sáo được khoét một lỗ gọi là lỗ định âm.

Hình ảnh dưới đây là cấu tạo của Sáo trúc 6 lỗ.

Khoa Kịch hát Dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có chức năng chuyên đào tạo nhạc công, cung cấp cho các dàn nhạc thuộc các đơn vị hoạt động biểu diễn Kịch hát dân tộc. Trong đào tạo nhạc công cho các dàn nhạc sân khấu kịch hát dân tộc, có đào tạo nhạc công Sáo trúc cho dàn nhạc Chèo.

Hơn 30 năm qua, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã đào tạo hàng trăm sinh viên chuyên ngành Nhạc công Kịch hát dân tộc, bộ môn Sáo trúc cung cấp cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương trên phạm vi cả nước. Sinh viên Nhà trường về công tác tại các đơn vị nghệ thuật này, nhiều người đạt được những thành tích xuất sắc trong hoạt động biểu diễn, được Nhà nước phong tặng các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Trong thực tế những năm qua, tuy đạt được những thành tựu, song công tác đào tạo nhạc công Sáo trúc cho dàn nhạc Chèo của Nhà trường còn có những hạn chế. Trên cơ sở kế thừa các công trình nghiên cứu về Sáo trúc, về nghệ thuật Chèo, kế thừa nội dung chương trình và phương pháp dạy học Sáo trúc, tại Trường Đại học Sân khấu -  Điện ành Hà Nội, chúng tôi nghiên cứu biên soạn tài liệu theo một trình tự, một hệ thống và đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm góp phần nâng cao công tác đào tạo, phù hợp với mục đích, mục tiêu đào tạo trình độ Đại học chuyên ngành Sáo trúc tại Nhà trường.  

Như đã nêu ở trên, nghệ thuật Chèo là một nội dung quan trọng liên quan đến hướng nghiên cứu của chúng tôi. Vì thế, tìm hiểu, nghiên cứu từ nguồn gốc lịch sử, tên gọi đến các đặc điểm trong lời ca, trong âm nhạc Chèo. Từ nghiên cứu chúng tôi trình bày các quan niệm mới về nguồn gốc, tên gọi về Chèo như: Chèo xuất phát từ những bài dân ca được hình thành trong lao động, sản xuất, trong sinh hoạt đời sống xã hội gắn liền với con thuyền. Đồng thời, Chèo được phát triển, biến đổi từ những trò diễn trong hội hè đình đám ở các làng quê vùng châu thổ sông Hồng. Lịch sử và thực tế đã cho thấy rõ, trước cách mạng tháng Tám vì trị thủy chưa tốt, nên trừ mùa thu khô ráo, còn hầu như quanh năm vùng nông thôn châu thổ sông Hồng nước luôn ngập trắng đồng. Từ sản xuất đến đi lại thì con thuyền, mái chèo luôn gắn bó với người nông dân. Những bài hát chèo thuyền đã ra đời. Vào dịp hội hè, đình đám các bài chèo thuyền được hát cùng với các trò diễn rồi trở thành Chèo. Tên gọi Chèo là từ lối hát chèo thuyền mà ra. Trong diễn xướng một số tích Chèo cổ đều có mô phỏng động tác chèo thuyền, chèo đò. Nhiều bài bản, làn điệu hát Chèo đều đề cập đến thuyền và chèo thuyền. Sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ ở mục Bàn về âm nhạc, xuất hiện hai từ chèo bội. Theo Phạm Đình Hổ, Chèo bội có từ thời Trần. Trong diễn Chèo không thể thiếu vai trò của hề Chèo. Diễn xướng của hề Chèo tạo ra những tiếng cười vui vẻ, sảng khoái nhưng sâu sắc và trí tuệ, phê phán thói hư, tật xấu trong đời sống xã hội, chỉ trích những bất công của chế độ xã hội phong kiến. Trong hát Chèo có vai trò quan trọng của Trống đế, của Đàn nhị và Sáo trúc. Trống đế, Đàn nhị và Sáo trúc đệm cho hát, cho múa, liên kết các câu, các trổ trong làn điệu, làm cầu nối giữa các làn điệu…, đặc biệt là phần mở đầu, kết thúc vở diễn.

Hầu hết các nhạc cụ trong dàn nhạc Chèo thường không đi theo giai điệu hát mà chỉ đệm họa theo (phỏng theo) giai điệu của người hát, người ta gọi là đệm tòng. Đây là nét đặc trưng của dàn nhạc Chèo truyền thống. Âm nhạc Chèo rất đa dạng, độc đáo và đặc sắc. Trong nền âm nhạc cổ truyền nước ta, âm nhạc Chèo diễn tả phong phú nhất về các trạng thái tư tưởng, tình cảm nhân vật người nông dân vùng châu thổ sông Hồng với đủ vẻ vui, buồn, hờn, giận.

Trên cơ sở kế thừa nội dung chương trình chuyên ngành đào tạo nhạc công Kịch hát dân tộc, bộ môn Sáo trúc của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, chúng tôi nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung.

Nghiên cứu khung chương trình đào tạo chuyên ngành Nhạc công kịch hát dân tộc và nghiên cứu nội dung các Học phần chuyên ngành Nhạc công kịch hát dân tộc, chúng tôi đề xuất một số nội dung mang tính cơ sở lý thuyết cần phải bổ sung. Đồng thời với việc bổ sung các nội dung lý thuyết là việc phải sắp xếp, chỉnh sửa hệ thống bài và tên nội dung bài giảng hiện đang sử dụng.

 Cùng với việc chỉnh sửa, bổ sung nội dung chương trình, chúng tôi biên soạn tài liệu và các các bài học thêm, cho sinh viên tự học và đổi mới phương pháp dạy học lý thuyết chuyên ngành.

Đổi mới phương pháp dạy học Sáo trúc

Giáo dục đại học là một trong những động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và khẳng định vị thế của một đất nước trên trường quốc tế. Trước sự phát triển như vũ bão của các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ thì vấn đề đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục trong xu thế hội nhập với nền giáo dục toàn cầu, không chỉ diễn ra ở các lĩnh vực khoa học kinh tế, kỹ thuật… mà cả lĩnh vực nghệ thuật, giáo dục nghệ thuật.

Phương pháp dạy học của hệ thống giáo dục nước ta đang theo hướng chiến lược là dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm. Trong dạy học tích cực phương pháp thảo luận được sử dụng nhiều và đạt hiệu quả cao. Qua nghiên cứu và thực nghiệm thực tế, chúng tôi sử dụng phương pháp thảo luận để đổi mới phương pháp dạy học Sáo trúc, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên chuyên ngành Nhạc công Kịch hát dân tộc, bộ môn Sáo trúc.

Sáo trúc vừa là di sản vật thể vừa là di sản phi vật thể quý báu của nước ta. Sáo trúc gắn bó với con người Việt Nam hàng ngàn năm. Âm thanh của cây Sáo trúc bay bổng, mượt mà, đằm sâu, thân thiết, gần gũi với tâm hồn người Việt Nam. Sân khấu Chèo truyền thống, là thể loại Kịch hát mang đậm bản sắc dân tộc. Trong diễn xướng Chèo, Sáo trúc cùng với Nhị và Trống là thành phần không thể thiếu. Cùng với quá trình phát triển âm nhạc đương đại, Sáo trúc đã trở thành nhạc cụ độc tấu, hòa tấu trong các dàn nhạc mới. Người nhạc công Sáo trúc trong dàn nhạc Chèo sử dụng Sáo trúc luôn phải lắng nghe và diễn tấu tòng đệm, hỗ trợ cho diễn viên, tạo cảm hứng cho diễn viên đang tham gia biểu diễn trên sân khấu. Chính vì thế đặc thù của nhạc công Sáo trúc trong dàn nhạc kịch hát dân tộc, luôn phải áp dụng kỹ năng, kỹ xảo, kỹ thuật một cách nhuần nhuyễn, tinh tế để tiếng hát, tiếng sáo, tiếng đàn luôn phối hợp, hòa quyện thống nhất nhằm diễn tả những nội dung tư tưởng, trạng thái tình cảm đa dạng của nghệ thuật Kịch hát dân tộc.

Trong xu hướng toàn cầu hóa, nghệ thuật sân khấu cũng như âm nhạc đã có nhiều biến đổi. Trong sự giao lưu văn hóa nghệ thuật với các nước có sự du nhập của nhiều loại hình nghệ thuật mới, nhiều thể loại âm nhạc mới, kèm theo là sự cải tiến nhạc cụ trong dàn nhạc, nhưng cây Sáo trúc của người Việt (Kinh) vẫn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong dàn nhạc của sân khấu Chèo. Đặc biệt trong đời sống âm nhạc của nhân dân ta từ xa xưa cho đến nay, không thể nào thiếu vắng âm thanh trong trẻo, bay bổng, thiết tha trữ tình của cây Sáo trúc. Để Sáo trúc luôn tiếp cận với đời sống đương đại, thích ứng với nhu cầu thưởng thức của khán giả đương đại, thì việc đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu về lý luận và phương pháp dạy học là rất quan trọng, trong đó vấn đề đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học đứng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo Nhạc công Sáo trúc của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Bảng (1994), Chèo một hiện tượng sân khấu dân tộc, Nxb Sân khấu, Hà Nội.
  2. Hà Văn Cầu (2005), Hề chèo, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
  3. Phạm Lê Hòa (2013), “Một số vấn đề của giáo dục Âm nhạc”, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật TW (số 9/2013).
  4.  Bùi Đức Hạnh (1964), Ca hát trong Chèo, Ban nghiên cứu nghệ thuật Chèo, Hà Nội.
  5.  Phạm Đình Hổ (1972), Vũ Trung tuỳ bút, Nxb Văn học, Hà Nội.
  6.  Lê Huy, Huy Trân (1984), Nhạc khí dân tộc Việt Nam, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
  7. Hoàng Kiều (2001), Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
  8. Nguyễn Thị Nhung (1998), Nhạc khí gõ trống đế trong Chèo truyền thống, Nxb Âm nhạc.
  9.  Trần Việt Ngữ (1970), Âm nhạc trong nghệ thuật Chèo, Viện nghiên cứu sân khấu in roneo.
  10.  Trần Việt Ngữ (1996), Về nghệ thuật Chèo, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
  11. Hoàng Phê (1996), Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
  12.  Lê Văn Phổ (2005), Bài tập kỹ thuật cho sáo trúc, Trung tâm Thông tin - Thư viện Âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội.
  13. Đức Tùy (1973), Sách tự học sáo,  Nxb Văn hóa, Hà Nội.
  14. Tô Ngọc Thanh (1999), Âm nhạc cung đình Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
  15.  Hồng Thái (2000), Sách học sáo trúc, Nhạc viện Hà Nội - Viện Âm nhạc xuất bản.
  16.  Nguyễn Hồng Thái (2003), Sáo trúc 10 lỗ căn bản và nâng cao, Nxb Âm nhạc, HN.
  17. Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh (2005), Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh 30 năm xây dựng và trưởng thành, Kỷ yếu Hội thảo, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh.

--------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K8 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc