Nghiên cứu lý luận

Vai trò của tài liệu giảng dạy môn Lịch sử văn minh thế giới trong đào tạo theo tín chỉ tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

30 Tháng Mười Một 2018

Vũ Thị Thái Hoa [*]

Thực hiện chủ chương của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục, bắt đầu từ năm học 2013-2014, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSP Nghệ thuật TW) đã chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Việc chuyển từ đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ là bước đi quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục đại học nhằm không ngừng nâng cao chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chung của sự nghiệp giáo dục Việt Nam trong việc đổi mới toàn diện, từng bước hòa nhập, tiếp cận nền giáo dục trong khu vực và thế giới.        

Trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ, giáo trình, tài liệu dạy học có vai trò hết sức quan trọng. Đặc điểm cơ bản của việc học tập theo hệ thống tín chỉ là sinh viên phải tự học nhiều, ngoài giờ lên lớp còn có giờ dự kiến làm bài tập và tự học, tự nghiên cứu tài liệu ở nhà. Giờ giảng của giảng viên ít hơn so với cách học truyền thống, giảng viên chủ yếu đóng vai trò là người hướng dẫn, cố vấn, thúc đẩy việc tự học của sinh viên, giúp sinh viên hình thành kỹ năng tự học.

Học chế tín chỉ đặt ra những yêu cầu như sau:

Về phía sinh viên, thời gian tự học tùy vào khả năng học tập của mỗi người, nhưng nhìn chung một giờ lên lớp đòi hỏi sinh viên phải có 2 hoặc 3 giờ nghiên cứu tài liệu, tự học, chuẩn bị bài, làm bài tập ở nhà, ở thư viện... Điều đó đòi hỏi sinh viên cần phải chủ động và có thái độ học tập nghiêm túc. Tuy nhiên, với sinh viên nói chung, đặc biệt là sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, yêu cầu trên là dễ khi các em học những môn chuyên ngành với đam mê sẵn có về nghệ thuật. Ngược lại, vấn đề giảng dạy các môn đại cương lại đang đặt ra nhiều thách thức. Trong quá trình học tập, sinh viên nhà trường gặp không ít khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức của các môn thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương, nặng về lý thuyết như Tâm lý học đại cương, Giáo dục học đại cương, Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng... Vì vậy, môn Lịch sử văn minh thế giới cũng không phải là ngoại lệ. Đây là một trong những môn học có khối lượng kiến thức khá nặng và thiên về lý thuyết, lại mang tính chất tự chọn, với số tín chỉ ít (02 TC), điều này khiến cho sinh viên dễ có tâm lý coi thường và không có hứng thú khi tiếp cận môn học. Mặt khác, trước đây, với phương thức giảng dạy theo học chế niên chế, môn học này có tổng cộng 60 tiết học (4 đơn vị học trình), đây là thời lượng vừa đủ để sinh viên có thể tiếp thu được những nội dung của môn học thông qua hoạt động học tập trên lớp.Từ năm 2014 đến nay, Nhà trường đã áp dụng chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, môn học này chỉ còn lại 2 tín chỉ với 28 giờ lý thuyết trên lớp và 2 giờ thực hành/thực tế, trong khi nội dung của môn học vẫn vậy, đòi hỏi giảng viên phải giảng dạy một cách khoa học và sinh viên phải có cách tiếp cận với môn học phù hợp, vừa kết hợp học trên lớp với tự học, tự nghiên cứu thông qua các tài liệu, giáo trình. Tuy nhiên, do đặc điểm của sinh viên Trường là thiên về học các môn năng khiếu nên việc tự nghiên cứu giáo trình để tiếp thu các kiến thức cơ bản của môn học là rất khó. Để khắc phục khó khăn này, cần thiết phải có một tài liệu dạy học mang tính định hướng về kiến thức, phù hợp với sinh viên nhà trường để các em có thể kết hợp với việc sử dụng giáo trình và các tài liệu tham khảo khác một cách hiệu quả khi tiếp cận môn học.

Bên cạnh đó, về phía giảng viên, khi chuyển đổi sang học chế tín chỉ, việc giảng dạy môn Lịch sử văn minh thế giới đặt ra yêu cầu phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật nội dung, đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá… Số tiết giảng ít hơn nhưng đòi hỏi hiệu quả giảng dạy phải cao hơn, vì vậy giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy (tập bài giảng) càng có vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, tài liệu này phải đáp ứng được yêu cầu về nội dung kiến thức cơ bản, khái quát và làm nổi bật lên những thành tựu cơ bản của các nền văn minh lớn trong lịch sử nhân loại. Cụ thể, lịch sử văn minh nhân loại được chia thành các thời kỳ như sau:

Thời kỳ Cổ - Trung đại: Kiến thức văn minh thế giới thời kì này chiếm một tỉ lệ khá lớn, giáo trình đã dành 6 chương để giới thiệu khá đầy đủ về các nền văn minh tiêu biểu ở phương Đông và phương Tây. Nội dung chương trình và giáo trình đã trình bày nền văn minh các khu vực, tiêu biểu là nền văn minh một số nước (Ai Cập, Lưỡng Hà, A Rập, Ấn Độ, Trung Quốc, Hi Lạp và La Mã). Tuy nhiên, khi biên soạn tài liệu và giảng dạy thực tế, cần chú ý không đi quá sâu vào từng nước mà không làm cho sinh viên nắm được nét khái quát của khu vực và thời đại. Cấu tạo các bài giảng theo trình tự nêu trong giáo trình, song ở mỗi bài cần tập trung vào các nội dung cơ bản về điều kiện hình thành và những thành tựu chính của các nền văn minh, bao gồm: Các quan điểm tư tưởng, triết học; Những thành tựu về khoa học tự nhiên, kĩ thuật, khoa học xã hội-nhân văn, văn học nghệ thuật… Từ đó đánh giá vai trò, vị trí và ý nghĩa của các nền văn minh.

            Thời kỳ Cận - Hiện đại: Đây là thời kỳ lịch sử nhân loại có nhiều biến chuyển nhanh chóng. Tuy nhiên, do đặc điểm môn học, không đi sâu vào bối cảnh lịch sử, nhất là trình bày nhiều về diễn biến của các cuộc cách mạng tư sản, vô sản…  mà giảng viên cần chú ý đến các nội dung cơ bản về thành tựu của văn minh nhân loại trong thời kỳ này, cụ thể: Trong thời  Cận đại là cuộc Cách mạng công nghiệp; Sự phát triển của khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật; Thành tựu về khoa học xã hội-nhân văn, văn học nghệ thuật…; Trong thời Hiện đại, đó là những xu thế lớn của cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới (Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học và cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp; Các phát minh mới về công cụ sản xuất; Vật liệu mới; Các nguồn năng lượng mới; Thành tựu kì diệu trong thông tin liên lạc, giao thông vận tải và chinh phục vũ trụ...).  Nội dung của những vấn đề lịch sử văn minh thời hiện đại rất phong phú và phức tạp trên nhiều bình diện khác nhau, vì vậy cần khẳng định rõ sự tiến bộ của văn minh, những thành tựu to lớn và những xu thế của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ mới.

Tóm lại, trước những khó khăn và thách thức khi dạy và học môn Lịch sử văn minh thế giới theo học chế tín chỉ tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, việc biên soạn một bộ tài liệu phù hợp với đặc thù của sinh viên nhà trường hiện nay sẽ có ý nghĩa tích cực, giữ vai trò quan trọng. Với bộ tài liệu được biên soạn một cách nghiêm túc kết hợp với phương pháp giảng dạy khoa học chắc chắn sẽ giúp sinh viên tiếp cận tốt hơn với môn học và giảng viên truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử văn minh thế giới nói riêng và chất lượng đào tạo theo học chế tín chỉ tại nhà trường theo học chế tín chỉ nói chung.

Tài liệu tham khảo

  1.  Nguyễn Thị Duyên (2009), Phong cách học của sinh viên sư phạm trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Nghiên cứu khoa học
  2. Vũ Dương Ninh (2015), Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  3. Mai Văn Hoá (2010), Đổi mới phương pháp dạy học - một yếu tố bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo ở Học viện Chính trị, Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, số 5/2010.
  4. Lương Thị Hiền (2015), Văn hóa đọc của sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Luận văn Thạc sĩ, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
  5. Luật giáo dục (2005), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

--------------------------------------------------------------

[*] ThS, giảng viên khoa Văn hóa Nghệ thuật