Nội san

Vài nét về lịch sử huy động tài trợ ở một số nước trên thế giới và Việt Nam

30 Tháng Mười Một 2018

Lương Thị Giang [*]

Huy động tài trợ không phải là một hoạt động mới xuất hiện mà đã có từ lâu trong lịch sử loài người. Vào thời Hy Lạp cổ đại, Pisistratus (605 - 527 trước Công nguyên) đã chào đón các nghệ sỹ đến với cung điện của mình, khuyến khích nghệ thuật, âm nhạc, lễ hội, sân khấu, văn học cũng như thương mại và sản xuất. Pisistratus được biết đến trong sử sách như một nhà tài trợ đầu tiên cho nghệ thuật.

Vào thời trung cổ, những người thợ thủ công và các nghệ sỹ đã nhận được sự bảo trợ của các vị vua chúa, tầng lớp quý tộc hay các thầy tu để sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật mang màu sắc tôn giáo hoặc thể hiện uy quyền của đế chế. Các bức họa trên tường đã ra đời dưới sự bảo trợ của các nhà thờ Cơ đốc giáo. Khi âm nhạc và kịch bị nhà thờ cấm vào thế kỷ thứ IV, những người nghệ sỹ hát rong vẫn tiếp tục bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật này. Các ký hiệu âm nhạc đã được gìn giữ nhờ những tu sĩ vào thời đó và nhiều thế kỷ tiếp theo. Nhờ sự tận tuỵ và trung thành của các tu sĩ và những người hát rong, kịch và âm nhạc đã phát hiện và hồi sinh vào cuối thế kỷ XVI như một loại hình nhạc kịch (tiếng Anh là “opera”). Đến giai đoạn phát triển cực thịnh của thời kỳ Phục hưng ở châu Âu, nhiều nghệ sỹ đã nhận được sự hỗ trợ hào phóng của những nhà bảo trợ giàu có để có thể tập trung toàn bộ thời gian, tâm sức của họ cho sáng tạo nghệ thuật. Ở Anh và Mỹ, xuất xứ của những bảo tàng lâu đời nhất do một hay nhiều cá nhân giàu có tài trợ, như Bảo tàng Mỹ thuật Boston (The Boston of Fine Arts), Bảo tàng Nghệ thuật thành phố New York (The Metropolitan Museum of Arts in New York), Viện Nghệ thuật Chicago (Chicago’s Arts Institute), Bảo tàng Anh (British Museum)... Bảo tàng Boston, được thành lập vào năm 1870 do một nhà tư bản đỡ đầu, còn tất cả các bộ sưu tập và tòa nhà của Tate Gallery được Henry Tate hiến tặng cho quốc gia vào cuối thế kỷ XIX. Vào đầu thế kỷ XX (năm 1929) John D.Rockerfeller, là một trong những người sáng lập nên Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (The Museum of Modem Art) ở Mỹ. Đáng chú ý là ở nhiều nước, bên cạnh việc trang bị các công cụ pháp lý như luật khấu trừ vào thuế cho tài trợ, còn có các tổ chức hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy sự phát triển chuyên nghiệp của huy động tài trợ. Đồng thời, ở các nước này, các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp gây quỹ đã dần được thiết lập và phổ biến rộng rãi. Ở Mỹ, Hội Quy chuẩn Đạo đức Nghề gây quỹ (Association of Fundraising Professionals Code of Ethical) đã được thành lập từ năm 1960 với mục đích hỗ trợ cho sự phát hiển của nghề gây quỹ, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ gây quỹ, phổ biến các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đồng thời thúc đẩy các hoạt động từ thiện và tình nguyện. Tại Úc có Quỹ Nghệ thuật và Doanh Nghiệp (Australian Business Art Foundation - viết tắt là AbaF). AbaF là tổ chức thuộc chính phủ Úc, được Bộ Truyền Thông, Công nghệ Thông tin và Nghệ thuật thành lập vào năm 2000. AbaF vận hành ba chương trình chính gồm (1) Chương trình Đối tác - Kết nối giữa doanh nghiệp và nghệ thuật: Nhằm cung cấp thông tin và tư vấn cho các doanh nghiệp và tổ chức nghệ thuật, giúp họ xây dựng quan hệ, tìm hiểu và khảo sát khả năng hợp tác. (2) Chương trình Tình nguyện viên - Kết nối tình nguyện viên từ khu vực kinh doanh đến khu vực nghệ thuật và ngược lại nhằm xúc tiến cơ hội hợp tác giữa giới kinh doanh và nghệ thuật, góp phần vào việc quản trị nghệ thuật hiệu quả hơn. (3) Chương trình Trao tặng (Giving) - kết nối những người làm từ thiện cho nghệ thuật và khuyến khích các hoạt động từ thiện. Hàng năm, Quỹ còn trao giải thưởng tôn vinh các lãnh đạo doanh nghiệp có đóng góp đáng chú ý cho nghệ thuật. AbaF cũng hợp tác với Hội đồng Úc (Australia Council) và tổ chực Hỗ trợ Nghệ thuật Australia (Artsupport Ausữalia) cung cấp các dịch vụ tư vấn khách hàng, tổ chức các khóa học chuyên sâu ngắn hạn và phổ biến các kiến thức, kỹ năng về xây dựng thương hiệu, quan hệ công chúng hay bảo toàn nguồn tài trợ... Ở Úc còn có thiết chế thực hành, nghiên cứu và đào tạo về gây quỹ khác như Học Viện Gây quỹ Úc (Fundraising Institute Australia viết tắt là FIA). Tổ chức này được thành lập từ năm 1968 với mục tiêu đem lại cơ hội phát triển nghề nghiệp cho các chuyên viên gây quỹ, tập hợp người làm nghề, cung cấp các thông tin, dịch vụ tư vấn gây quỹ, các cơ hội nghề nghiệp, cũng như hướng dẫn cho các thành viên mới. Học viện cũng tiến hành các nghiên cứu về các xu hướng và các vấn đề quan thiết trong nghề gây quỹ, đồng thời thay mặt các thành viên biện luận với chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm không ngừng hoàn thiện các chuẩn mực và quy tắc huy động tài trợ.

Đối với nghệ thuật sân khấu, từ thời nô lệ, phong kiến cho đến chế độ tư bản, các đoàn nghệ thuật đều không tách rời khỏi sự bao cấp về tài chính của nhà nước đương quyền. Ở Hy Lạp cổ đại (Aten) vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên, khán giả được phát tiền mua vé vào xem và tiền ăn trong ngày hội. Ở Cộng hòa Liên bang Đức (trước ngày thống nhất Đông Đức và Tây Đức), hàng năm nhà nước đã chi hơn 2 tỷ mác tài trợ cho 200 đoàn nghệ thuật sân khấu tư nhân với mục đích nâng cao chất lượng nghệ thuật. Ở Pháp, sân khấu từ cổ điển đến hiện đại đều được nhà nước phong kiến hoặc nhà nước tư sản bảo trợ và bao cấp.

Còn tại Việt Nam, rất nhiều loại hình nghệ thuật đã được giữ gìn và phát triển nhờ sự bảo trợ của các vương triều phong kiến, ví dụ như nghệ thuật Tuồng hay Nhã nhạc cung đình Huế. Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian cũng đã được bảo tồn nhờ những “Mạnh Thường quân” - những người giàu có và yêu mến nghệ thuật. Đào Tấn (1845-1908) - một “ông quan - nghệ sỹ” là một ví dụ. Ông đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật hát bội (tuồng) cả về nghệ thuật và vật chất. Trong thời gian làm quan mười năm ở Nghệ An, ông đã sử dụng toàn bộ biên chế nhân viên và lính tráng phục dịch tổng đốc để xây dựng nên đoàn nghệ thuật hát bội. Ông còn mở trường dạy nghề hát bội lấy tên là Học Bộ Đình và dựng rạp hát Như Thị Quang. Năm 1904 khi về hưu, ông đã bán bốn mẫu lộc điền do triều đình Huế cấp để mua đất, vỡ hoang cày cấy, dùng lợi nhuận thu được vừa nuôi sống gia đình, vừa nuôi nghệ sỹ, đồng thời chu cấp cho con em nhà nghèo trong vùng đến học hát tại Học Bộ Đình. Đối với nghệ thuật Cải lương những năm nửa đầu thế kỷ XX, tại miền Trung, Nam Bộ, nhiều ban gánh cải lương đã tồn tại và phát triển nhờ sự giúp đỡ về tài chính của những nhà hảo tâm giàu có.

Ngày nay ở Việt Nam, huy động tài trợ vẫn còn ở mức độ sơ khai, tự phát, thiếu những hành lang pháp lý cũng như các thiết chế hỗ trợ để có thể phát triển mạnh và bền vững. Nhiều chính sách và công cụ pháp lý, như công cụ thuế để thúc đẩy huy động tài trợ còn thiếu hụt. Doanh nghiệp tài trợ cho văn hóa chưa được hưởng chính sách miễn giảm thuế và tài trợ của doanh nghiệp cho văn hóa nghệ thuật chỉ được coi là hợp pháp khi trích ra từ quỹ phúc lợi. Nhìn chung, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và luật thuế nói chung còn chưa kích thích được tài trợ cho văn hóa nghệ thuật. Trên thực tế, người dân ít quan tâm tài trợ cho văn hóa nghệ thuật. Điều này không chỉ là do thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới mà trong giai đoạn chuyển đổi, một số thành phần trong xã hội giàu lên nhanh chóng nhưng tri thức không tăng đồng đều với thu nhập cá nhân. Thêm vào đó là sự hụt hẫng của giáo dục nghệ thuật và sự đứt gẫy của văn hóa truyền thống đối với thế hệ trẻ sau hai cuộc chiến tranh dành độc lập dân tộc. Tài trợ của các cá nhân, doanh nghiệp vẫn chủ yếu dành cho việc cứu trợ các vấn đề xã hội (thiên tai, người nghèo, người khuyết tật) hoặc cho thể thao nhiều hơn là cho văn hóa nghệ thuật. Duy chỉ có các thiết chế văn hóa truyền thống như đình, chùa, miếu mạo thì nhận được nhiều hiếu tặng của các cá nhân, doanh nghiệp còn các thiết chế văn hóa mới như nhà hát, thư viện, bảo tàng,... rất ít nhận được tài trợ, đóng góp của người dân. Điều này thể hiện ảnh hưởng của là niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng đối với các hoạt động tài trợ. Tuy nhiên, có một nguyên nhân khác nữa là các tổ chức văn hóa nghệ thuật chưa thích ứng năng động với cơ chế thị trường và phát huy hiệu quả nguồn lực từ các cá nhân và cộng đồng. Nhiều tổ chức văn hóa  nghệ thuật vẫn quan niệm “đi xin” tài trợ chứ không phải “bán” hay “kêu gọi” tài trợ. Nhiều nhà quản lý văn hóa tại các tổ chức văn hóa chưa nhìn nhận huy động tài trợ như một trong những vấn đề thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển của tổ chức. Không những thế, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp chưa được đặt ra một cách chính thức ở Việt Nam như ở nhiều nước trên thế giới. Gây quỹ và tìm tài trợ vẫn chưa được nhận thức đúng đắn như sự hợp tác cùng có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức văn hóa nghệ thuật. Điều này xuất phát từ kỹ năng và kiến thức gây quỹ của các tổ chức văn hóa nghệ thuật còn yếu cũng như mặt bằng tri thức chung của các nhà tài trợ còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tình trạng trên là sự thiếu hụt của môi trường pháp lý cho gây quỹ và tìm tài trợ, cũng như sự thiếu hụt của các thiết chế hỗ trợ, kết nối, phát triển, điều phối cho gây quỹ và tìm tài trợ. Cũng như kiến thức, kỹ năng về huy động tài trợ chưa được hoàn thiện và chuẩn hóa một cách phù hợp.

Tài liệu tham khảo

  1. Lưu Văn Nghiêm (Chủ biên) (2007), Tổ chức sự kiện, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân.
  2. Nguyễn Cảnh Minh (Chủ biên) (2000), Lịch sử Việt Nam - từ nguồn gốc đến thế kỉ thứ 10, Nxb Giáo dục.

--------------------------------------------------------------

[*] ThS, giảng viên khoa Văn hóa Nghệ thuật