Nội san

Một số giải pháp cải thiện kỹ năng nói tiếng anh cho sinh viên khối nghệ thuật

10 Tháng Chín 2008

 Đinh Thị Phương Hoa

Khoa Giáo dục Đại cương


 

Trong xu thế hội nhập hiện nay, hơn lúc nào hết, tiếng Anh được xem như một ngôn ngữ phổ thông nhất, là phương tiện đặc biệt hữu ích phục vụ cho việc giao tiếp, trao đổi kinh tế, văn hoá…vv trên toàn thế giới. Đối với nước ta, việc học tiếng Anh đã và đang được đặc biệt chú trọng ở tất cả các bậc học.

Chúng ta đều biết, việc học ngoại ngữ bao gồm sự phối hợp của nhiều kỹ năng khác nhau: nghe, nói, đọc, viết. Trong đó, kỹ năng nói là kỹ năng khó nhất.  Tuy vậy, có một thực tế đáng ngại là kỹ năng nói tiếng Anh của sinh viên nói chung và của sinh viên nghệ thuật nói riêng ở nước ta có rất nhiều hạn chế. Bước đầu để khắc phục được những hạn chế này, bài viết sẽ đề cập đến thực trạng việc học tiếng Anh của sinh viên đồng thời đề xuất gợi ý nhằm nâng cao chất lượng học kỹ năng nói tiếng Anh cho sinh viên khối nghệ thuật.

 

 

1.  Thực trạng về năng lực học tiếng Anh và học kỹ năng nói tiếng Anh của sinh viên khối không chuyên ngữ nói chung và khối nghệ thuật nói riêng

     Có một thực tế rằng, sinh viên sau khi tốt nghiệp ở bất kỳ ngành học nào, nếu trong tay cầm chắc một chuyên môn vững vàng song song với việc có khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát sẽ giúp sinh viên đó giành được ưu thế vượt trội trong các kỳ tuyển dụng. Thậm chí ngay cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nếu sinh viên có khả năng sử dụng tiếng Anh thì điều đó cũng giúp họ tiếp cận với các nền khoa học và văn minh thế giới, cập nhật và mở rộng các kiến thức ngoài bài giảng, tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học một cách nhanh chóng hơn hẳn những sinh viên không sử dụng được tiếng Anh. Nhưng các sinh viên ở nước ta hiện nay đã đáp ứng đòi hỏi đó như thế nào?

Chúng ta đang vấp phải một thực trạng đáng buồn là hầu hết các sinh viên không chuyên ngữ khi tốt nghiệp ra trường đều nói tiếng Anh rất kém. Thực trạng này đã được đề cập rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó cũng đã có rất nhiều bài báo hoặc các nghiên cứu quy mô nhỏ trong nước và nhiều cuốn sách của những tác giả nước ngoài ít nhiều cũng đã bàn đến vấn đề này như Candace Matthews với cuốn Speaking Solutions (The Goerge Washington University) - Ó1994 by Prentica Hall Regents.....

Theo thống kê của Hồ Minh Thu (Trường ĐH Ngoại Ngữ - Đại học Đà Nẵng) thì hai trường Đại học Bách khoa và Đại học Kinh tế là nơi có số lượng sinh viên học tiếng Anh đông nhất so với các trường thành viên khác của Đại học Đà Nẵng. Hai trường này có khoảng 70% sinh viên đã được học tiếng Anh 7 năm trở lên, 26% sinh viên đã học tiếng Anh hệ 3 năm; chỉ có khoảng 4% sinh viên chưa biết tiếng Anh. Trong số những sinh viên đã biết tiếng Anh thì số sinh viên đã có chứng chỉ tiếng Anh ở các trình độ A, B, C,...đạt 30 – 40%. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát tiếng Anh đầu năm đối với sinh viên hai trường trong hai năm trở lại đây cho thấy một thực trạng là lượng kiến thức sinh viên tích luỹ được không tương xứng với thời lượng tiếng Anh mà sinh viên đã được học ở phổ thông hay ở các trung tâm ngoại ngữ. Lỗ hổng kiến thức của sinh viên tương đối lớn (ngoại trừ  khoảng 32% sinh viên  có kiến thức tiếng Anh vững vàng). Các kỹ năng ngôn ngữ của sinh viên còn rất hạn chế, đặc biệt là các kỹ năng nghe và nói. Khả năng nghe và để nắm bắt thông tin của phần lớn sinh viên là dưới mức trung bình. Nhiều sinh viên thậm chí không hiểu được cả những khẩu lệnh thông thường của giáo viên và đại bộ phận sinh viên (67%) không có thói quen hoặc không thể giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh.

 

Tiết học ngoại ngữ tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Theo khảo sát sơ bộ đầu năm học 2007 - 2008 của cá nhân người viết đối với sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW thông qua một số lớp: năm thứ nhất - hệ đại học K2A & C- khoa Sư phạm Âm nhạc, K1 Đại học Thiết kế Thời trang và Quản lý Văn hoá, THSP K3 Âm nhạc – Mỹ thuật; năm thứ hai - K37 G CĐSP Mỹ thuật: có khoảng 40% sinh viên đã được học tiếng Anh 7 năm trở lên, 42% sinh viên đã học tiếng Anh hệ 3 năm; có khoảng 18% sinh viên chưa biết tiếng Anh hoặc học ngoại ngữ khác. Trong số những sinh viên đã biết tiếng Anh thì số sinh viên đã có chứng chỉ tiếng Anh ở các trình độ A, B, C,...đạt 10 – 20%. Nhưng do không có các cuộc khảo sát tiếng Anh đầu năm học cho nên không thể xác định được thực lực tiếng Anh của số sinh viên này cụ thể ra sao mà chỉ có thể căn cứ vào giờ giảng trên lớp, kiểm tra đầu giờ hoặc bài tập mà sinh viên làm ở nhà. Trong những giờ học tiếng Anh, số sinh viên chủ động trong việc học và thực hành nói tiếng Anh chỉ chiếm khoảng 43%. Trong đó số sinh viên có khả năng hoạt động theo cặp với những ý tưởng sáng tạo chiếm rất ít (chỉ khoảng 10 – 15%). Số còn lại thì thực hành theo khuôn mẫu tức là dựa hoàn toàn vào những bài khoá sẵn có để đọc lại.

   2. Các yếu tố giúp quyết định thành công của việc học tiếng Anh đối với sinh viên khối nghệ thuật .

            Qua những số liệu trên chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt về năng lực học tiếng Anh của 2 loại đối tượng sinh viên không chuyên ngữ đó là sinh viên khối nghệ thuật và ngoài nghệ thuật. Lý do của sự khác biệt đó là ở đâu?

Từ thực tế giảng dạy tại hai môi trường khác nhau là ĐHSP Nghệ thuật TW và trường Quốc tế Hà Nội, tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm. Khi giảng dạy tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW thì đối tượng học ngoại ngữ ở đây thuần tuý chỉ có sinh viên khối nghệ thuật (các sinh viên học ở các khoa: Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc, Quản lý Văn hoá và Nghệ thuật), tôi nhận thấy khoảng 50% sinh viên xem việc học ngoại ngữ như “tử ngữ” và nhiều em trong số đó ngồi trên lớp không tập trung thậm chí ngủ gật, 20% sinh viên tiếp thu được nhưng không chăm chỉ, số còn lại thì học chắc và kết quả khá tốt nhưng không đều tay,......Theo thống kê ở trên thì có đến 82% số sinh viên đã biết tiếng Anh trước khi vào đại học nhưng có đến một nửa trong số đó đã quên gần hết do trong quá trình học không nắm chắc kiến thức. Nửa còn lại thì do đã biết kha khá tiếng Anh nên khi ngồi học chung lớp với những bạn khác phần vì phải học lại tiếng Anh từ đầu nên thấy chán dẫn tới tâm lý chủ quan, phần khác vì nghĩ rằng môn tiếng Anh không phải là môn chuyên ngành nên không cần đầu tư nhiều thời gian, cốt sao đủ điểm qua.

Như vậy tức là chỉ có khoảng 40% số sinh viên là có khả năng tiếp thu được tiếng Anh khi học ở bậc đại học. Số còn lại thì do rất nhiều lý do dẫn đến kết quả học không cao như: có thể do đặc trưng của người học nghệ thuật nên tư duy trừu tượng phát triển hơn tư duy logic. Trong khi đó, học tiếng Anh lại đòi hỏi khả năng tư duy logic tương đối cao. Thêm vào đó, nhiều em khi thi đầu vào những môn chuyên ngành có điểm rất cao kết quả môn văn thấp, điều đó chứng tỏ khả năng tư duy về ngôn ngữ của các em bị hạn chế. Ngoài ra, còn một số ít em ở các vùng sâu vùng xa nói tiếng Việt đôi khi còn chưa thành thục nên việc học môn tiếng Anh quả thực rất khó khăn. Với một vài yếu tố chủ quan như vậy, việc học tiếng Anh với sinh viên nghệ thuật thật sự không dễ dàng gì. Học kỹ năng nói tiếng Anh lại càng khó hơn.

Tuy nhiên khi được nhận phiếu hỏi với nội dung là các em có thích giao tiếp bằng tiếng Anh không thì kết quả thật bất ngờ: 95% sinh viên đều thích giao tiếp được bằng tiếng Anh nhưng lại thiếu tự tin khi nói tiếng Anh. Có thể kể tới nhiều nguyên nhân: 100% sinh viên cho rằng ngữ pháp phức tạp, từ vựng khó nhớ dẫn đến việc không sắp xếp được câu, 80% trong số đó thì cho rằng phát âm không chuẩn, thiếu kiến thức để nói,...

 Còn với sinh viên không thuộc khối nghệ thuật thì sao? khi tham gia giảng dạy tại trường Quốc tế Hà Nội (ở đây thực chất là một trung tâm ngoại ngữ chất lượng cao mà giáo viên gồm một nửa là người bản ngữ và một nửa là người Việt) tôi gặp đối tượng học ngoại ngữ là những học viên có các chuyên ngành khác như: xã hội, tự nhiên,.....hoặc những học viên đã đi làm nhưng bản thân họ cũng xuất phát từ những ngành đó. Tôi nhận thấy hầu hết những học viên này đều có ý thức, tư duy và động cơ để học môn tiếng Anh. Đối với họ môn tiếng Anh rất quan trọng và gần như là chìa khoá để dẫn họ tới một vị trí làm việc tốt hoặc giúp họ có cơ hội thăng tiến cao hơn. Động cơ  này khiến họ học rất chăm chỉ, say sưa. Họ biết tận dụng tối đa thời gian ở trên lớp và kiến thức của giáo viên để học càng nhiều càng tốt, với họ học tiếng Anh hay kỹ năng nói tiếng Anh là không quá vất vả.... Tất nhiên, cũng không ngoại trừ một số ít còn lại đi học theo trào lưu nên chỉ học nửa chừng rồi bỏ.

            Với một vài phân tích nhỏ như vậy thì chúng ta có thể thấy rằng sự thành công trong học tập môn tiếng Anh của sinh viên nghệ thuật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, nhưng quan trọng nhất có lẽ là động cơ học tập, thái độ học tập và chiến lược học.

2.1. Động cơ học tập

            Tác giả Cole và Chan trong cuốn Teaching Principl  e and Practice (1994) đã nói đến hai động cơ chính là động cơ bên ngoài và động cơ bên trong.

Theo tác giả Cole và Chan thì động cơ bên ngoài liên quan đến những yếu tố bên ngoài lớp học. Những yếu tố bên ngoài lớp học có thể là sức lôi cuốn, hấp dẫn của nền văn hoá cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó khiến người học muốn tìm hiểu và muốn hội nhập vào nền văn hoá đó. Ngoài ra còn là nhu cầu sử dụng ngoại ngữ như một chìa khoá song hành với chuyên môn vững vàng để mở cánh cửa thành công của cuộc sống tương lai.

Cũng theo hai tác giả này thì động cơ bên trong lại liên quan đến những yếu tố bên trong lớp học, có thể nói rằng động cơ này có nhiều ảnh hưởng đến thái độ học tập của sinh viên. Động cơ bên trong bao gồm: điều kiện vật chất của lớp học ( trang thiết bị dạy và học, quy mô lớp học), phương pháp giảng dạy của giảng viên (tính cách, kiến thức và sự nhiệt tình), ý thức học tập của sinh viên.

Theo như thực trạng đã nêu ở trên thì khoảng 50% sinh viên chưa có động cơ học tập đúng đắn có thể do một vài nguyên nhân sau:

- Điều kiện vật chất của lớp học như trang thiết bị dạy và học chưa thực sự đáp ứng được với nhu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên giảng dạy chủ yếu chỉ được trang bị máy cassette loại thường, chất lượng không tốt, không có nhiều chức năng để sử dụng,..

- Quy mô lớp học: còn tồn tại những lớp học quá đông sinh viên (47 – 56 sinh viên/lớp). Do không được phân loại nên trình độ tiếng Anh chênh lệch nhau quá nhiều như vậy không phù hợp với các lớp học ngoại ngữ. Vì quá đông nên sinh viên cũng có ít có cơ hội rèn luyện kỹ năng, giáo viên không thể quan tâm đồng đều đến tất cả các sinh viên. Từ đó, những sinh viên chưa giỏi hoặc nhút nhát hầu như không tiến bộ trong học tập thậm chí càng lúc càng tụt hậu so với những sinh viên giỏi và mạnh dạn. Bởi thế, cùng một tài liệu hoặc một hoạt động giao tiếp bằng tiếng Anh, một số sinh viên trong lớp sẽ thấy quá dễ đến mức nhàm chán trong khi một số khác lại thấy quá khó và không thể thực hiện nổi.

- Phương pháp giảng dạy vẫn còn mang tính truyền thống: chủ yếu dựa vào giáo trình, phấn, bảng.

- Ý thức học tập của sinh viên chính là nguyên nhân chủ yếu:  Do đã quen với cách học ở bậc phổ thông, hầu hết việc học ngoại ngữ chỉ bó khung với việc làm bài tập ngữ pháp nên khi vào học tại một môi trường mới, do không kịp điều chỉnh phương pháp học nên không đạt hiệu quả cao. Nhiều em ngồi học trong giờ tiếng Anh chủ yếu mang tâm lý đối phó vì sợ bị điểm danh nên không quan tâm mấy đến bài học và lời giảng của giáo viên, khi bị gọi lên bảng thì vội vàng hỏi bài bạn để trả lời cho xong nhiệm vụ.

2.2. Thái độ học tập:

            Một yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến sự thành công của việc học tập nói chung và học ngoại ngữ nói riêng đó chính là thái độ học tập. Thái độ học tập có mối liên hệ mật thiết đối với động cơ học tập. Thái độ đối với việc học ngoại ngữ là một yếu tố thúc đẩy người học cố gắng hết mình để đạt được mục đích. Cùng với đó, động cơ học tập lại ảnh hưởng đến thái độ của người học. Những người học có động cơ bên ngoài hoặc bên trong sẽ có thái độ học tập tích cực hơn những người không có động cơ hay những người xem việc học là nhiệm vụ bắt buộc.

Khoảng 50% số sinh viên khối nghệ thuật học tiếng Anh với tâm lý bị ép buộc. Họ học tiếng Anh bởi vì đây là một môn học bắt buộc trong chương trình. Thêm vào đó, tiếng Anh không phải là môn chuyên ngành cho nên “cố gắng để qua là tốt không thì học lại, thi lại cũng chẳng sao”. Chính vì động cơ học tập không đúng đắn cho nên những sinh viên này thái độ học “đối phó”: mượn vở hoặc sách bài tập đã làm của các bạn đã học từ những khoá trước để sao chép lại. Trong giờ học thường không hợp tác với các bạn cùng cặp, cùng nhóm và khi được yêu cầu thực hiện một hoạt động nào đó họ sẽ cầu cứu bạn bè hoặc sự giúp đỡ từ phía giáo viên,...đôi khi nhiều sinh viên không chuẩn bị bài trước, không tham gia vào các hoạt động giao tiếp tại lớp nên hay tìm lý do để nghỉ học hoặc đi học muộn.

2.3 Chiến lược học:

             Trong khi 50% số sinh viên có khả năng học ngoại ngữ tốt thì 50% còn lại là yếu kém chủ yếu phụ thuộc vào giáo viên và hầu như không thể tự mình xoay xở được. Một sinh viên muốn đạt kết quả cao trong học tập không chỉ có động cơ học tập đúng, thái độ học tập tích cực mà còn cần một chiến lược học tập đúng. Đó cũng là lý do mà khá nhiều sinh viên đã đầu tư rất nhiều thời gian vào việc học môn tiếng Anh nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn.

Khi được hỏi phần lớn các sinh viên đều trả lời một cách tương tự như nhau về cách học tiếng Anh của mình:

- Chuẩn bị bài: chủ yếu chỉ tra từ điển để biết nghĩa của từ vựng mà không quan tâm đến phần ngữ pháp và phát âm. Không có thói quen chuẩn bị các ý tưởng cũng như các chủ đề nói, do đó hiệu quả thực hành không cao.

- Học từ vựng: sinh viên thường học từ vựng theo cách học thuộc lòng, viết đi viết lại nhiều lần nhưng không có thói quen và không biết cách đặt từ mới vào trong ngữ cảnh để nhớ được lâu,..... cách học này làm mất nhiều thời gian và không hiệu quả.

- Hoạt động nói tiếng Anh tại lớp: các hoạt động nói tại lớp được thực hiện như sau:

+ Nhận chủ đề hoặc tình huống một cách thụ động

+ Đưa ra ý tưởng bằng tiếng Việt sau đó dịch sang tiếng Anh

+ Cuối cùng nhìn vào bài đã chuẩn bị sẵn để đọc

Do cách chuẩn bị và thực hành hoạt động nói tiếng Anh như vậy, sinh viên phải mất rất nhiều thời gian tại lớp, làm ảnh hưởng chung đến thời gian quy định của tiết học, thêm vào đó sẽ làm mất đi độ nhanh nhạy và khả năng phản xạ của sinh viên. Dần dà, khả năng tư duy bằng tiếng Anh của sinh viên sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Tóm lại, chúng ta thấy rằng động cơ, thái độ và chiến lược học có quan hệ mật thiết và logic với nhau. Chúng có tác động lớn đến quá trình học tập và rèn luyện kỹ năng của sinh viên. Khi sinh viên xác định được động cơ học tập đúng đắn thì thái độ học tập sẽ tích cực. Đó chính là nguyên nhân để họ tự tìm ra được chiến lược học phù hợp nhất cho bản thân mình. Đương nhiên  những thành tích tốt sẽ là một nguồn động lực mạnh mẽ tác động ngược trở lại để giúp sinh viên ngày một tiến bộ hơn trong việc học tập

 

3. Một số đề xuất đối với giảng viên và sinh viên giúp việc thực hiện kỹ năng nói tiếng Anh đạt hiệu quả tốt:

3.1. Đối với sinh viên:

- Tích cực xem truyền hình, video, nghe đài, đọc báo tiếng Anh hoặc nói chuyện với người bản ngữ bất cứ khi nào bạn có cơ hội. Sử dụng tiếng Anh ở nhiều nơi chứ không phải chỉ có trong lớp học

- Khi nói chuyện bằng tiếng Anh nên cố gắng diễn đạt bằng mọi cách có thể được, kể cả dùng điệu bộ, cử chỉ.

- Đừng bao giờ sợ mắc lỗi khi nói và viết tiếng Anh, nên hỏi lại ngay người nói nếu mình chưa hiểu. Tự chữa lỗi trước khi được bạn hoặc thầy giáo chữa.

- Áp dụng từ và cấu trúc ngữ pháp đã học trong nhiều tình huống khác nhau, cố gắng đoán nghĩa của từ, câu bằng cách căn cứ nội dung bài đọc, bài nghe hoặc tình huống giao tiếp không nên quá phụ thuộc vào từ điển. Luyện phát âm chuẩn qua băng, đĩa.

- Học theo nhóm hoặc theo cặp là tốt nhất.

- Điều quan trọng nhất trong tất cả là bản thân mỗi sinh viên phải tự xác định cho mình một động cơ học tập rõ ràng, thái độ học tập tích cực, chiến lược học phù hợp để đạt thành tích cao trong học tập.

3.2. Đối với giảng viên:

- Thiết kế nhiều loại hình hoạt động khác nhau theo mức độ khó tăng dần và phù hợp với từng nhóm sinh viên. Sử dụng nhiều loại giáo cụ trực quan khác nhau trong giờ giảng, tăng sức hấp dẫn cho bài giảng.

- Có chế độ thưởng phạt để sinh viên có căn cứ tự đánh giá mức độ cố gắng và sự tiến bộ của chính mình, tạo quyết tâm học tập cho sinh viên.

- Khuyến khích sinh viên tích cực sử dụng tiếng Anh trong giờ học, tạo sự tự tin trong giao tiếp cho sinh viên.

 

4. Kết luận:

Cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh cho sinh viên khối nghệ thuật là một việc không dễ gì thực hiện được trong một sớm một chiều. Tiến sĩ David Larbalestier, tác giả bộ sách IELTS của Học viên Insearch English (Australia) đã khuyên: Phát triển kỹ năng tiếng Anh đòi hỏi một quá trình học tập lâu dài, nghiêm túc và luôn đặt mình vào thế chủ động .

Trong khuôn khổ bài viết này, phần vì thời gian có hạn phần vì kiến thức rộng và vấn đề cũng khá phức tạp, tôi cũng chỉ bàn ở một góc cạnh nào đó của vấn đề. Bản thân tôi cũng mong qua bài viết này cũng góp phần  hữu ích vào việc cải thiện kỹ năng nói cho các sinh viên khối nghệ thuật, giúp cho họ ít nhiều có được sự thành công trong môn tiếng Anh của mình.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I/   www.ud.edu.vn/bankh/zipfiles/31thuhominh.doc:

 

[1]       Cole, P. G. & Chan L., Teaching Priciples and Practice, Prentice Hall of Australia Pty Ltd., 1994.

[2]       Gardner, R., Lambert W. (1972), “Attitudes and Motivation in Second Language Learning” in Cole P. G. & Chan L., Teaching Priciples and Practice, Prentice Hall of Australia Pty Ltd., 1994.

[3]       O’Mally, J.M., Chamot A.U., Using Strategies in Second Language Acquisition, Cambridge University Press, 1990.

[4]       Oxford, R.L., Language Learning Strategies , Newbury Publisher, 1990.

 

II/ + Speaking Solutions – Candace Matthews (The Goerge Washington University) - Ó1994 by Prentica Hall Regents.

+  Accessing Speaking – Sari Luoma – Cambridge Language Assessment Series

+ A Course in Language Teaching, Practice and Theory (Trainee book) – Penny Ur – Cambridge University Press

+ “Đổi mới phương pháp giảng dạy các kỹ năng giao tiếp” tác giả PGS.TS Hoàng Văn Vân  - khoa Sau Đại học - ĐHQG Hà Nội.

 + “Nghiên cứu giảng dạy các kỹ năng lời nói tiếng Anh ở giai đoạn nâng cao theo đường hướng lấy người học làm trung tâm” - Đề tài NCKH cấp Đại học Quốc Gia năm 2000 – 2001, tác giả PGS.TS Hoàng Văn Vân - khoa Sau Đại học - ĐHQG Hà Nội.