Nghiên cứu lý luận

Kỹ năng thuyết trình tiếng Anh chuyên ngành Thiết kế Thời trang của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

03 Tháng Mười Hai 2018

Lê Thị Hiền [*]

Thuyết trình được đánh giá là một kỹ năng hết sức quan trọng và cần thiết đối với sinh viên, đặc biệt là đối với sinh viên chuyên ngành nghệ thuật. Phát triển năng lực kỹ năng thuyết trình, một trong những kỹ năng mềm quan trọng  là cần thiết trong học tập và là hành trang cho sinh viên tự tin hơn khi bước vào công việc tương lai.

Ngành Thiết kế thời trang hiện nay đang là một trong những ngành phát triển không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới. Ngành công nghiệp này thực sự cần những sinh viên tốt nghiệp không chỉ thông thạo tiếng Anh mà còn giỏi kỹ năng thuyết trình. Như tác giả Richard Hall (2011), Brilliant Presentations trong nghiên cứu của mình đã viết: “Một bài thuyết trình thành công có thể đem lại nhiều kết quả tuyệt vời hơn cả năm trời miệt mài làm việc”.

I. Cơ sở lý luận

1.Khái niệm về thuyết trình

Tác giả Gufta (2008) định nghĩa thuyết trình là cách truyền tải thông điệp tới người nghe (an oral presentation as formal way to convey your message to your audience). Theo tác giả Comfort (1995), thuyết trình là hoạt động được áp dụng nhiều khi sinh viên thuyết trình một chủ đề họ lựa chọn hay được giáo viên giao. Những bài nói như vậy không được thiết kế theo các hội thoại thông thường mà theo các chủ đề; bởi vì chúng được chuẩn bị,  giống như bài viết hơn. Thuyết trình được xác định là hoạt động nói, nếu được trình bày logic có thể tạo nên hứng thú đối với cả người nói và người nghe.

Từ những quan niệm trên về khái niệm thuyết trình, có thể hiểu thuyết trình là quá trình trình bày nội dung của một chủ đề cụ thể nào đó một cách súc tích trước nhiều người, nhiều thính giả có sự kết hợp sử dụng những dụng cụ trực quan để minh hoạ cho nội dung bài nói sinh động hơn nhằm cung cấp thông tin và thu hút, gây thuyết phục người nghe.

2. Các lưu ý khi thuyết trình

Thuyết trình là một nghệ thuật, người diễn giả được ví như một nghệ sĩ hay một diễn viên đứng trước công chúng. Kỹ năng thuyết trình là khả năng sử dụng tư duy kết hợp kiến thức, thái độ, công cụ cần thiết vào quá trình truyền đạt nhằm làm cho nội dung hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều người nghe hơn.

a. Tác phong thuyết trình

Để có bài thuyết trình thành công thì người thuyết trình cần chuẩn bị rất nhiều những yếu tố. Trong đó, tác phong của người thuyết trình chiếm một vị trí không nhỏ đến hiệu quả của buổi thuyết trình, bao gồm: hành vi, cách ứng xử, phong cách xuất hiện.

b. Sự giao tiếp bằng mắt

Việc giao tiếp bằng mắt sẽ mở ra một kênh truyền đạt thông tin giữa người với người. Nó giúp xác lập, xây dựng mối quan hệ đồng thời giúp thu hút khán giả vào bài thuyết trình và khiến cho buổi thuyết trình trở nên thân thiện.

c. Điều chỉnh giọng nói

Ba vấn đề chính liên quan đến giọng nói của bạn thường là một giọng đọc đều đều cho thấy tốc độ đọc không phù hợp, thường là nói quá nhanh, âm lượng quá to hay quá nhỏ.

d. Kỹ thuật đặt câu hỏi

Khi bạn đang trình bày về những thông tin thuộc lĩnh vực Thiết kế thời trang như xu hướng thời trang, thị hiếu hay màu sắc, bạn nên kiểm tra sự hiểu biết của người nghe bằng cách yêu cầu họ đặt câu hỏi.

e. Cách lắng nghe câu hỏi

Khi người nghe đặt câu hỏi, bạn nên quan sát họ. Thông thường bạn có thể nhận ra được mức độ của câu hỏi, thái độ của người nghe và những ý nghĩa bên trong nếu bạn quan sát kỹ ngôn ngữ cơ thể.

g. Cách trả lời câu hỏi

Chuẩn bị sẵn sàng cho mọi câu hỏi. Bạn nên dự đoán trước những câu hỏi có thể được đặt ra. Hãy chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra, và điều đó sẽ làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn.

3. Cấu trúc của một bài thuyết trình và các yếu tố ảnh hưởng tới kỹ năng thuyết trình

  1. Cấu trúc của bài thuyết trình

Theo như Comfort (1995), một bài thuyết trình bao gồm 3 phần chính: phần mở đầu, phần thân và phần kết luận. Nội dung trình bày theo bố cục nhất định, rõ ràng, hợp lý mang tính thuyết phục cao, nhằm dẫn dắt người nghe dễ dàng theo dõi diễn tiến chủ đề, từ đó hiểu được thông điệp truyền đạt. Cho dù một bài thuyết trình có thời lượng dài bao nhiêu đi chăng nữa thì cấu trúc hợp lý nhất được phân chia như sau: phần giới thiệu: thời lượng cũng như số trang chiếm từ 10% - 20% trong cấu trúc bài; phần nội dung chính: chiếm khoảng 60% - 80% trong cấu trúc bài; phần tóm tắt hay kết luận: chiếm khoảng 10% -20% trong cấu trúc bài.

Phần mở đầu giới thiệu cho người nghe về chủ đề một cách khái quát, gồm 4 tiêu chí:

+ Thu hút sự tập trung của thính giả;

+ Tạo cảm giác thoải mái cho người nghe;

+ Giải thích về mục tiêu của cuộc nói chuyện và người nói muốn diễn tả điều gì;

+ Đưa ra nội dung chính của bài thuyết trình.

Về hình thức thu hút sự chú ý và tạo thiện cảm người nghe ngay lập tức, có một số cách mở đầu như sau: kể một câu chuyện, dẫn lời danh nhân, đặt câu hỏi gợi ý sự tò mò của thính giả, làm điệu bộ khác thường, cung cấp những thông tin cần thiết, nêu lên sự quan trọng của chủ đề, giới thiệu bản thân.

Phần thân bài cần được trình bày theo trật tự logic để người nghe dễ nắm bắt. Phần thân bài nêu chi tiết chủ đề bạn thuyết trình thu hút sự chú ý và tạo thiện cảm người nghe ngay lập tức.

Phần kết luận gồm hai nội dung chính:

+ Nhắc lại nội dung bài thuyết trình một cách ngắn gọn;

+ Củng cố thêm thông điệp.

  1. Các yếu tố ảnh hưởng tới kỹ năng thuyết trình

Ngôn ngữ là một hệ thống phức tạp (Delahunty&Garvey, 1994). Vì vậy, thật khó có thể đạt tới sự thành thạo ngoại ngữ. Thành thạo một ngoại ngữ là khả năng của từng cá nhân khi nói và trình bày bằng ngôn ngữ nước ngoài.

Tác giả Ur (1996) định nghĩa: “Nếu người học trôi chảy một ngoại ngữ, thì họ có thể hiểu và truyền tải thông tin một cách dễ dàng và chính xác”. Tính chính xác bao gồm việc sử dụng từ vựng, ngữ pháp và phát âm trong khi độ trôi chảy được xem là khả năng nói dễ hiểu, liền mạch. Đây chính là mục tiêu của các khóa học ngoại ngữ. Để đạt được mục tiêu này, người học nên chú trọng tới các nhân tố hệ thống âm vị, ngữ pháp và bài thuyết trình.

Vai trò của người thày hết sức quan trọng để đảm bảo sự thành công trong quá trình dạy và học: kỹ năng quản lý lớp, tổ chức các hoạt động trên lớp, đánh giá sinh viên, hỗ trợ và tương tác cùng các hoạt động của sinh viên, cung cấp các các nguồn ngôn ngữ, tài liệu cần thiết, và quan sát người học (Hammer, 1991).

II. Kết luận và đề xuất

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đang đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng này. Cùng với việc đổi mới phương pháp giảng dạy, Nhà trường đang ứng dụng phương pháp lấy người học làm trọng tâm và đào tạo để theo kịp với cuộc cách mạng 4.0.

Qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về thực trạng kỹ năng thuyết trình Tiếng Anh chuyên ngành Thiết kế Thời trang của sinh viên khoa Thiết kế Thời trang, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, và xét trên phương diện là những sinh viên đã học xong chương trình tiếng Anh cơ sở A1 và A2 chương trình Khung Châu Âu theo Qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tác giả xin đưa ra một số đề xuất nhằm cải thiện kỹ năng thuyết trình cho sinh viên như sau:

Về phía nhà trường

Nhà trường nên quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu hoạt động tập thể của sinh viên để có thể tổ chức nhiều và thường xuyên hơn các hoạt động ngoại khoá giúp sinh viên phát triển kỹ năng của mình như chương trình giao lưu, xây dựng câu lạc bộ tiếng Anh, chương trình giảng dạy có người nước ngoài hướng dẫn, liên kết với các trường trên thế giới có cùng mô hình đạo tạo giúpsinh viên có thể trao đổi thông tin, truy cập thư viện để có thêm nguồn tham khảo và tham gia các chương trình trao đổi sinh viên nhằm tạo ra sân chơi và sự tự tin cho người học ngoại ngữ. Nhà trường nên trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại ở các phòng học và bố trí hợp lý, thuận tiện cho người học.

Nhà trường nên tổ chức thêm các chương trình giao lưu với người nước ngoài; Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ kết hợp với phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên, chuyến tham quan thực tế tại các nước phát triển, câu lạc bộ hay các khoá học đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên nhằm trang bị vốn kiến thức tiếng Anh cơ bản và chuyên ngành giúp họ tự tin thuyết trình.

Về phía giảng viên

Giảng viên nên tạo môi trường giao tiếp cho sinh viên bằng cách cho sinh viên thực hành nói tiếng Anh nhiều thông qua các tình huống, câu hỏi, qua đối thoại tương tác giữa giảng viên với sinh viên và giữa các sinh viên với nhau.

Giảng viên nên khuyến khích tính chủ động của sinh viên trong việc lựa chọn chủ đề của bài thuyết trình và hướng dẫn sinh viên chọn đề tài phù hợp với khả năng, năng lực, phát huy thế mạnh của bản thân.

Giảng viên nên có sự đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với môi trường và cấp bậc học, trình độ của sinh viên.

Về phía sinh viên

Xác định cho mình một động cơ, thái độ học tập đúng đắn, chiến lược học tập phù hợp để nâng cao chất lượng học; Thay đổi lại phương pháp học tiếng Anh cho phù hợp với yêu cầu mới.

Rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng lắng nghe, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng giải quyết công việc, kỹ năng làm việc nhóm... bằng cách tham khảo sách báo, các trang web dạy kỹ năng mềm và tham gia các câu lạc bộ hoặc các chương trình, khóa học đào tạo kỹ năng mềm.

Nâng cao ý thức học hỏi, rèn luyện và tích cực làm việc theo nhóm hoặc theo cặp. Tạo thói quen tư duy bằng tiếng Anh, hạn chế việc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Luyện tập phát âm chuẩn, nói lưu loát, đọc nhiều sách báo, xem các video liên quan đến kỹ năng thuyết trình, hoặc xem phim có phụ đề tiếng Anh, hay phim tiếng Anh có phụ đề tiếng Việt.

Sinh viên nên thường xuyên luyện tập thuyết trình trước ở nhà bằng nhiều hình thức, như: tập thuyết trình trước gương; thuyết trình cho bạn bè hoặc người thân nghe để xin ý kiến; ghi âm lại bài luyện tập thuyết trình của mình bằng điện thoại hay máy vi tính, máy ghi âm để nghe lại và kiểm tra, chỉnh sửa giọng điệu cho phù hợp.

             

Tài liệu tham khảo

1. Byrne, D.(1989). Teaching oral English. London: Longman

2. Comfort,J.(1995). Effective Presentation. Oxford: Oxford University Press.

3. Delahunty, G.P. & Garley.J.J.(1994). Language grammar and commu

4. Ellen Kaye (2002), Maximize Your Presentation skills: How to speak, look and act on your way to the top.

5. Gufta, S.(2008). Communication skills and functional grammar. New Dehli: university Science Press.

6. Harmer, J (1998), How to teach English, Longman

7. Richard Hall (2011), Brilliant Presentations

8. Ur.P. (1996). A course in language teaching. Cambridge: Cambridge University Press.

--------------------------------------------------------------

[*] ThS, phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế