Nội san

Cảm thụ tiết tấu trong tổ chức hoạt động giáo dục Âm nhạc cho trẻ mầm non 5 - 6 tuổi

03 Tháng Mười Hai 2018

   Trịnh Thị Sen [*]

Âm nhạc (AN) là một loại hình nghệ thuật thời gian, sử dụng âm thanh để diễn tả cảm xúc, nhận thức và tư tưởng của con người. Với sự kết hợp của các phương tiện diễn tả âm thanh thông qua tai nghe con người cảm nhận được mọi cung bậc của cảm xúc mà AN mang lại. Một trong những phương tiện diễn tả âm thanh cơ bản, quan trọng, xây dựng và khắc họa lên các hình tượng trong AN đó là tiết tấu. Trong AN, tiết tấu vừa như bộ khung xương làm lên hình hài của hình tượng AN vừa dẫn dắt cho giai điệu chuyển động một cách nhịp nhàng. Vì vậy để cảm thụ, biểu diễn hay thưởng thức một tác phẩm AN một cách tinh tế và sâu sắc, rất cần có khả năng cảm thụ yếu tố tiết tấu trong AN.

AN luôn tác động đến trẻ em từ rất sớm, ngay từ khi trong bụng mẹ, trẻ đã có thể nghe nhạc. Tùy theo độ tuổi, trẻ luôn có nhu cầu với AN như lắng nghe, bắt chước, thể hiện AN, trong đó có trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, các em luôn hào hứng, yêu thích những hoạt động có AN. Vì vậy, dạy cảm thụ tiết tấu cho trẻ là một việc rất cần thiết để tăng thêm cơ hội cho trẻ có được môi trường tiếp xúc, thể hiện bản thân trong các hoạt động đa dạng với AN. Việc tăng cường hoạt động cảm thụ, nhất là với yếu tố tiết tấu, khả năng thể hiện và thưởng thức AN cũng là những điều kiện, cơ sở giúp trẻ tự tin khám phá, sáng tạo trong quá trình tham gia các hoạt động học tập, trình diễn AN.

             Vốn là một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng trong nghệ thuật AN, đã có không ít các công trình nghiên cứu, bài viết về thuật ngữ tiết tấu, như tác giả Phạm Tú Hương, Đào Ngọc Dung, Hoàng Phê [06,02,20]… Mỗi tác giả đều nhìn nhận tiết tấu ở một góc độ khác nhau nhưng đều có một điểm chung đó là“Tiết tấu là sự nối tiếp các trường độ âm thanh trong âm nhạc theo thứ tự nhịp nhàng của các phách mạnh, phách nhẹ”.

Trong lịch sử phát triển xã hội của loài người nguyên thủy, từ khi tiếng nói và chữ viết còn chưa ra đời, quá trình săn bắt hái lượm, trồng trọt, các động tác múa đã được hình thành để truyền bá kinh nghiệm, biểu lộ tình cảm giữa con người với nhau và chính những động tác trong sinh hoạt, lao động, giao tiếp cộng đồng xã hội đó lại là nguồn tư liệu khởi đầu xây dựng nên chất liệu tiết tấu, mô tả, khắc họa các hình tượng AN đa dạng trong cuộc sống, hay nói cách khác tiết tấu là linh hồn trong các điệu múa. Tác giả Đào Ngọc Dung cũng đã viết “Tiết tấu bắt nguồn từ động tác, nó phản ánh và nhịp điệu hóa mọi cử động của con người” [02].

            Nếu một ý tưởng nghệ thuật hay nhưng tiết tấu không phù hợp, độc đáo, không có tính khái quát hoặc đặc tả cao thì sẽ không tạo nên một giai điệu có giá trị về nghệ thuật. Ngược lại, tiết tấu phù hợp sẽ nâng cao giá trị của giai điệu và tác phẩm âm nhạc đó. Đã có không ít những bài thơ được âm nhạc chắp thêm đôi cánh để đến với đông đảo người nghe hơn, chẳng hạn như bài Hạt gạo làng ta (thơ Trần Đăng Khoa, nhạc Trần Viết Bính); bài Cho con (thơ Tuấn Dũng, nhạc Phạm Trọng Cầu); Bài Cô giáo (nhạc Đỗ Mạnh Thường, thơ Nguyễn Hữu Tưởng) v.v…

            Không chỉ là chất liệu quan trọng để kiến tạo nên tính cách của hình tượng âm nhạc, tiết tấu còn thể hiện mối tương quan về thời gian trong AN và kết nối các mô típ, tiết, câu, đoạn, chương trong cấu trúc hình thức của tác phẩm. Ở một chừng mực nào đó, tiết tấu vẫn tạo cho người nghe cảm nhận được sắc thái, tình cảm, ý đồ nghệ thuật hay hình tượng trong AN mà không có sự tham gia của giai điệu. Thế nên, nếu AN mà tước đi phần tiết tấu, chỉ có cao độ thì giai điệu cho dù có được cấu tạo như thế nào, chắc chắn sẽ mất hẳn đi sự rõ ràng, khúc triết, tính biểu tượng và ý nghĩa biểu đạt của các âm thanh.

            Ví dụ: với bài hát Chim vành khuyên,  nhạc sĩ Hoàng Vân đã sử dụng chủ yếu các nốt móc đơn để cấu tạo thành âm hình tiết tấu chủ đạo; nhịp cuối có xuất hiện trường độ nốt đen, móc đơn và dấu lặng đơn kết hợp với sử dụng cao độ các quãng 4 đi lên và đi xuống tạo nên sự linh hoạt, nhí nhảnh trong chuyển động vừa phải của giai điệu. Dấu lặng ở cuối mỗi câu nhạc làm ngắt mạch tiết tấu như một sự nhấn mạnh, rõ ràng và trang trọng trong mỗi lời chào của chú chim vành khuyên. Đây là một điểm thể hiện bút pháp sáng tạo, điêu luyện rất độc đáo về sự kết hợp giữa tiết tấu và lời ca giúp các em bé dễ hát, dễ thuộc.

 

            Trong nhiều trường hợp, tiết tấu còn có vai trò tạo sự khái quát, thống nhất về hình tượng AN khi xây dựng hoàn toàn trên âm hình tiết tấu chủ đạo. Âm hình tiết tấu chủ đạo thường gặp trong những tác phẩm được viết ở hình thức một đoạn đơn, nhất là trong  trong các bài hát viết cho trẻ mầm non.

            Ví dụ: Bài: Thật là hay - Hoàng Lân, bài hát được viết trên một âm hình tiết tấu chủ đạo với nốt móc đơn, đen kết hợp dấu lặng đen.

 

            Trong nhiều trường hợp, sự thống nhất của âm hình tiết tấu để khắc họa hình tượng trong âm nhạc còn được thấy rất rõ trong một vài thể loại nhạc đàn, tiêu biểu là êtuyt viết cho cho đàn piano.

            Ví dụ: Preludes số 6 của nhạc sĩ Sopanh được viết ở hình thức một đoạn  kiểu phát triển, đây là hình thức có cấu trúc nhỏ nhất của một tư duy âm nhạc hoàn chỉnh có tính thống nhất cao về phương diện nội dung và tiết tấu.

 

            Như vậy, từ những phân tích trên rõ ràng tiết tấu đóng một vai trò rất quan trọng trong AN. Tiết tấu vừa là yếu tố đặc trưng tạo hình cho tác phẩm AN, tạo sự thống nhất nội dung, tính chất của giai điệu và tính thể loại của tác phẩm.

            Để cảm thụ được một tác phẩm AN nhất là đối với trẻ mẫu giáo 5 – 6, lứa tuổi chuẩn bị bước sang một môi trường học tập là hoạt động chủ đạo thì rất cần phải có những kiến thức, hiểu biết nhất định, trong đó cảm thụ tiết tấu là một quá trình không thể thiếu.

            Trên thực tế cảm thụ tiết tấu và cảm thụ AN đều có những nét tương đồng, tuy nhiên cảm thụ tiết tấu sẽ đi sâu vào chi tiết, những đặc trưng riêng lẻ trong tiết tấu vì thế nó chính là một quá trình, tập trung chú ý, lắng nghe, quan sát, ghi nhớ và thể hiện ra bên ngoài bằng thái độ, hành động của người nghe.

            Cảm thụ tiết tấu là một nội dung, một yêu cầu rất cơ bản và quan trọng trong tổ chức các hoạt động giáo dục AN. Bởi nếu không cảm thụ được tiết tấu trong tác phẩm (ở mức độ ít nhiều) trẻ sẽ không thể có được cảm xúc hào hứng, yêu thích, khám phá, trải nghiệm AN, tạo  nên nhu cầu, động cơ tự thân trong các hoạt động lắng nghe, ghi nhớ, luyện tập và thể hiện AN theo năng lực của mình. Cụ thể, đối với những trẻ thiên về giọng hát hay khả năng chơi nhạc cụ sẽ được rèn luyện nhiều hơn khả năng cảm thụ tiết tấu hay phát triển giọng hát cùng những năng khiếu nghệ thuật khác gắn với AN của trẻ như: múa, kịch... Và nếu giáo dục AN cho trẻ mà không căn cứ trên đặc điểm,  khả năng của trẻ thì việc trẻ tham gia các hoạt động AN cũng chỉ là thực hiện theo yêu cầu, mệnh lệnh của giáo viên chứ không xuất phát từ cảm xúc, nhu cầu của chính bản thân các trẻ.  

            Nhận biết được vai trò của tiết tấu, trong những năm gần đây, hoạt động dạy cảm thụ âm nhạc cho trẻ mầm non nói chung và cảm thụ tiết tấu nói riêng ở các cơ sở giáo dục mầm non, các trung tâm nghệ thuật cũng đã được quan tâm triển khai. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc nhiều vào khả năng và điều kiện dạy học âm nhạc ở các nhà trường. Hơn nữa,việc dạy cảm thụ cũng  phải căn cứ theo mức độ nhạy cảm và vốn sống của mỗi trẻ để thiết kế nội dung và phương pháp phù hợp. Giáo viên phải là người nắm bắt được điều này để thiết kế các hoạt động hấp dẫn, vừa sức phù hợp, dần hình thành cho trẻ những tri thức và kinh nghiệm, để trẻ có thể vận dụng ở mức độ đơn giản trong quá trình hoạt động âm nhạc.

                  Để đáp ứng các nhiệm vụ và mục tiêu giáo dục âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực, Giáo viên cần linh hoạt tổ chức hoạt động cảm thụ cho trẻ mầm non 5- 6 tuổi theo hai hướng: cảm thụ trọn vẹn hay cảm thụ chi tiết tiết tấu. Cảm thụ trọn vẹn chính là việc gáo viên hướng dẫn, gợi mở để trẻ tri giác toàn bộ tính chất AN trong tác phẩm, bước đầu ghi nhớ và cảm nhận tính chất chung, hiểu được nội dung chung của tác phẩm và thể hiện thái độ, biểu cảm, hành động… của cơ thể khi nghe bài hát, bản nhạc mà chưa đi vào nhận xét các chi tiết, yêu tố riêng lẻ, mặc dù trẻ cũng đã có vốn kiến thức, kinh nghiệm ít nhiều qua các hoạt động  giáo dục AN ở những độ tuổi trước.

                  Cảm thụ chi tiết tiết tấu là việc giáo viên hướng trẻ tới cảm thụ từng yếu tố riêng lẻ, có thể là mô típ, tiết nhạc/âm hình chủ đạo, nhịp độ, sắc thái, cách thể hiện… để khắc họa tính chất của hình tượng AN trong tác phẩm. Trong quá trình tổ chức nghe nhạc, dạy hát, dạy vận động… tùy theo tính chất, đặc điểm tiết tấu kiến tạo nên tác phẩm, giáo viên có thể khai thác và yêu cầu trẻ cảm thụ trọn vẹn hay cảm thụ chi tiết tiết tấu để đạt được mục tiêu giáo dục của bài học hay cả giai đoạn. Việc xây dựng nội dung, yêu cầu linh hoạt của giáo viên trong quá trình dạy học AN cũng sẽ đáp ứng với nhu cầu, sở trường của những trẻ yêu thích âm nhạc nhưng không có giọng hát tốt sẽ có được môi trường học và chơi nhạc cụ tiết tấu, hay nhạc cụ giai điệu (nếu có điều kiện).

            Như vậy, cảm thụ tiết tấu không chỉ giúp cho trẻ 5-6 tuổi cảm nhận và thực hành tốt hơn các hoạt động ca hát, nghe nhạc chính xác và tinh tế hơn, mà còn khiến cho những vận động theo nhạc của trẻ trở nên nhịp nhàng, linh hoạt, đa dạng, sáng tạovà khả năng chơi nhạc cụ cũng tốt hơn. Tất cả những kiến thức, kĩ năng, thái độ được cung cấp, rèn luyện và hình thành cho trẻ bắt đầu từ việc cảm thụ tiết tấu và các yếu tố khác trong tác phẩm AN sẽ góp phần giáo dục tình cảm thẩm mĩ, hình thành thói quen, thị hiếu, phẩm chất và năng lực thực hành AN chuẩn bị cho trẻ bước vào cấp tiểu học. Những cái đẹp vốn đã được hình tượng hóa trong tác phẩm AN, vì vậy, giáo dục thông qua AN là đưa cái đẹp đến với trẻ, hình thành mối quan hệ giữa trẻ với cái đẹp trong nghệ thuật, đồng thời giúp trẻ thể hiện sự tự tin, khả năng cảm thụ và thể hiện AN của mình. Đây cũng là tiền đề cho hoạt động giáo dục và phát triển năng lực AN cho trẻ em ở những cấp học tiếp theo, góp phần ngày càng nâng cao mặt bằng văn hóa và dân trí cho thế hệ tương lai trong bối cảnh hội nhập với khu vực và thế giới.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Hữu Du (1983), Giáo dục âm nhạc trong trường mẫu giáo, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Đào Ngọc Dung (2003), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc.
  3. Lê Tuấn Đức (2006), Một số biện pháp hình thành khả năng cảm thụ âm nhạc cho trẻ 5 -6 tuổi ở Hà Nội, Luận văn thạc sĩ khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  4. Phạm Lê Hòa (2013), Phân tích tác phẩm, Nxb Âm nhạc.
  5. Nguyễn Thị Huyền (2016), Dạy học cảm thụ âm nhạc cho trẻ từ 5 đến 6 tuổi tại Trường Mầm non song ngữ Peace School, Luận văn thạc sĩ khoa học chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.
  6. Phạm Tú Hương (2004), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Đại học Sư phạm.
  7. Ngô Thị Nam (2001), Nghiên cứu xây dựng chương trình phương pháp dạy học âm nhạc đáp ứng mục tiêu đào tạo giáo viên CĐSP THCS 12+2, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Hà Nội.
  8. Nguyễn Thị Nhung (1996), Thể loại âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  9. Nguyễn Thị Nhung (2005), Phân tích tác phẩm Âm nhạc, Trung tâm Thông tin - Thư viện Âm nhạc, Nhạc Viện Hà Nội.

10. Hoàng Phê (1998), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm