Nội san

Thiết kế bài giảng điện tử cho phần Ngữ pháp, học phần tiếng Anh 1 (phần 2) tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

04 Tháng Mười Hai 2018

Phạm Thị Lý [*]

Tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, khi giảng dạy các nội dung trên lớp, hầu hết giảng viên sử dụng bài giảng điện tử như một công cụ hỗ trợ nhằm truyền đạt kiến thức tốt nhất cho sinh viên. Tuy nhiên, việc sử dụng các bài giảng điện tử tiếng Anh còn chưa đồng bộ và chưa có sự thống nhất chung giữa các giảng viên, dẫn đến việc có lớp được tiếp xúc với bài giảng điện tử (bằng tiếng Anh) ngay từ đầu có lớp lại không có cơ hội đó. Từ thực tế giảng dạy, tác giả hình thành ý tưởng xây dựng một bộ bài giảng điện tử dùng chung cho các giảng viên khi giảng dạy tài liệu tham khảo cho các giảng viên khi giảng dạy học phần tiếng Anh 1 (phần 2).

1. Đặt vấn đề

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tiếng Anh, đặc biệt thể hiện rõ ràng nhất là thông qua việc áp dụng bài giảng điện tử vào quy trình giảng dạy. Theo tác giả Johnson (1996), nếu công nghệ thông tin được lồng ghép linh hoạt trong chương trình giảng dạy thì kết quả và năng lực người học đạt được sau mỗi khóa học sẽ là một phần tự nhiên chứ không phải chỉ được điểm thêm vào giai đoạn cuối cùng trong quy trình. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra phương pháp ứng dụng thành công khoa học công nghệ vào dạy học tiếng Anh yêu cầu giáo viên phải “… có kiến thức về khoa học công nghệ…” (Kress, 1996). Theo tác giả Kinzie (2005), nhiều bài giảng điện tử có thể dùng làm công cụ khơi nguồn khám phá những điều mới lạ hơn khi đem so sánh với những nội dung đã có trong những bài giảng cũ.

Tại Việt Nam, có khá nhiều dự án có vốn nước ngoài tập trung vào lĩnh vực này và đã tiến hành nhiều khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho giáo viên. Một số dự án nổi bật như: Dự án Phát triển Giáo dục THCS II (SLSEDP II), Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQUAP), Dự án Mô hình truờng học mới tại Việt Nam (VNEN) được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trong thời gian gần đây đã đạt được nhiều giá trị nhất định.

Khái niệm bài giảng điện tử

Theo Walter, V (2001), “giáo án” được hiểu là bản thiết kế cho tiến trình một tiết dạy/học, là bản kế hoạch mà người giáo viên dự định sẽ thực hiện giảng dạy trên lớp cho học sinh. Rost M (1994) cho rằng “giáo án điện tử”: có thể hiểu là bản thiết kế cụ thể toàn bộ kế hoạch hoạt động dạy học của giáo viên trên giờ lên lớp, toàn bộ hoạt động dạy học đó đã được tối ưu hoá một cách chi tiết và sử dụng đa phương tiện, có cấu trúc chặt chẽ và logic được quy định bởi cấu trúc của bài học. Giáo án điện tử không những chỉ ra hoạt động thiết kế bài dạy mà còn thể hiện bằng sản phẩm trước khi bài dạy học được tiến hành.

Khái niệm ngữ pháp tiếng Anh

Ngữ pháp tiếng Anh được đánh giá rất quan trọng trong chương trình dạy và học tiếng Anh ở hầu hết các cấp bậc học. Phillip M, (1986) cho rằng “nếu không có ngữ pháp, sẽ rất khó khăn cho người học tiếng Anh để đạt được sự chính xác trong khi sử dụng tiếng Anh”. Việc sử dụng hình ảnh thông qua sự trợ giúp của các phương tiện nghe nhìn (visual aids), các phần mềm công cụ biên soạn như bài giảng điện tử trong giảng dạy sẽ giúp giáo viên truyền tải hiệu quả và dễ dàng hơn các khái niệm khó và trừu tượng. Dạy ngữ pháp bằng hình ảnh trực quan sẽ có hiệu quả hơn so với phương pháp giáo viên chỉ giảng bằng lời. Theo Krashen S.D (1995), Herron C (1994), David Barr (2004) hình ảnh sẽ giúp sinh viên tiếp cận và nắm bắt thông tin nhanh hơn vì sinh viên có thể hình dung ngữ cảnh rõ ràng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt internet, giáo viên sẽ dễ dàng tìm hình ảnh thích hợp để hổ trợ cho phần dạy ngữ pháp. Ưu thế của việc sử dụng giáo án điện tử là chuyển tải dễ dàng, hiệu quả kiến thức. Sinh viên hứng thú và tích cực trong học tập hơn so với các phương tiện truyền thống.

Quy trình thiết kế bài giảng điện tử: Giáo án điện tử có thể xây dựng theo quy trình 6 bước:

  • Xác định mục tiêu bài giảng ngữ pháp;
  • Xác định trọng tâm và kiến thức ngữ pháp cơ bản;
  • Xây dựng kịch bản dạy học bài giảng của giáo án điện tử;
  • Xác định tư liệu cho các hoạt động;
  • Lựa chọn công cụ và số hóa kịch bản (phần mềm);
  • Chạy thử, chỉnh sửa và hoàn thiện;

Một số vấn đề thực tiễn của việc dạy và học tiếng Anh ở Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

Hiện tại, sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW được học tiếng Anh như một môn học bắt buộc và có nghành học đặc thù liên quan đến nghệ thuật, nên cơ hội các em có môi trường giao tiếp liên quan đến tiếng Anh rất tiềm năng.

 Về giảng viên: Đội ngũ giảng viên trong Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ đều là những người có niềm say mê, hứng thú, khát khao, tìm tòi khám phá các phương pháp dạy học mới, chủ động giúp sinh viên lĩnh hội tri thức trong các hoạt động học tập tích cực, tạo điều kiện cho các em thỏa sức sáng tạo theo phương pháp khoa học.

 Về sinh viên: Sĩ số sinh viên trong lớp tiếng Anh tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trung bình khoảng 30-50 sinh viên với thời lượng 55 phút/tiết học nói nên khoảng thời gian các em được thực hành khá ít. Củng cố bài học sau phần giảng dạy ngữ pháp là điều cần thiết để kiểm tra mức độ hiểu bài và vận dụng của sinh viên bằng các bài tập cụ thể để các em vận dụng vào bài kiểm tra đạt kết quả tốt cũng như sử dụng ngữ pháp đúng hoàn cảnh trong thực tế cuộc sống.

Chương trình và học liệu

Theo chương trình đào tạo, các em có 2 kỳ học với tổng số 135 tiết cả tự học và học trên lớp. Khi sinh viên hoàn thành khóa học này, các em đạt được trình độ Pre-intermediate level, sinh viên hoàn toàn có khả năng giao tiếp tiếng Anh hàng ngày và sử dụng tiếng Anh trôi chảy, áp dụng cho nhiều tình huống khác nhau trong thực tế. Giáo viên hướng dẫn sinh viên một số sách tham khảo phù hợp với trình độ như: Listen carefully, Facts and Figures, Causes and Effects, Key English Test....

2. Thiết kế bài giảng điện tử cho phần ngữ pháp học phần tiếng Anh 1 (phần 2)

Đánh giá hiệu quả ứng dụng

Để các bài giảng điện tử Ngữ pháp tiếng Anh đạt được hiệu quả hơn, giúp cho sinh viên nắm bắt và ghi nhớ các kiến thức cơ bản một cách chủ động, tác giả đã tiến hành thực nghiệm tại hai lớp.

  • Đánh giá của sinh viên về mục tiêu bài giảng điện tử
  • Kĩ năng ứng dụng Multimedia trong bài giảng điện tử
  • Hứng thú tiếng Anh của sinh viên
  • Cải thiện điểm số Ngữ pháp tiếng Anh nhờ vào bài giảng điện tử
  • Đánh giá về phần mềm công cụ để dạy tiếng Anh
  • Thuận lợi và khó khăn của giảng viên khi sử dụng giáo án điện tử

Đề xuất một số giải pháp

Đối với nhà quản lý

Nhà trường cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục theo hướng tin học hóa quản lý giáo dục và sử dụng công nghệ thông tin như là một công cụ hỗ trợ đắc lực nhất cho việc đổi mới phương pháp quản lý và dạy học. Khai thác tốt các phần mềm quản lý đang thực hiện trong nhà trường theo sự chỉ đạo của ngành. Trong dạy và học, chỉ đạo, khuyến khích giáo viên tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm như: phần mềm mô tả, mô phỏng, minh họa, chứng minh, vẽ hình học,... để đổi mới nội dung và phương pháp dạy học.

Đối với giảng viên

Giảng viên sử dụng máy tính, sử dụng đa phương tiện đặc biệt là kỹ năng soạn thảo các bài giảng điện tử để bài giảng thêm sinh động và hấp dẫn sinh viên, đạt tính ứng dụng cao. Trung tâm Tin học và Ngoại Ngữ thường xuyên cập nhật các bài giảng, bài soạn điện tử, tập hợp làm kho tư liệu giúp giảng viên trong Trung tâm có khối lượng bài giảng phong phú, đa dạng, thông tin và thường xuyên áp dụng các kiến thức này vào giờ học. Việc truyền thụ, cung cấp kiến thức, dần dần sẽ do công nghệ thông tin đảm nhận, giải phóng người thầy khỏi sự thiếu hụt thời gian, để người thầy có thể tập trung giúp người học phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, tổ chức các hoạt động học tập gắn với thực tiễn nhằm phát triển năng lực của sinh viên.

Đối với sinh viên

Sinh viên cần lựa chọn cho mình phương pháp học phù hợp với đặc trưng của bộ môn và nắm vững kiến thức cơ bản trong chương trình học về hệ thống các phần ngữ pháp từ cơ bản đến nâng cao. Ngoài ra sinh viên phải có đủ tài liệu tối thiểu để phục vụ cho việc học tiếng Anh nói chung và ngữ pháp tiếng Anh nói riêng như từ điển, sách ngữ pháp, thẻ ghi nhớ từ mới, sách nâng cao, giáo trình… Đa dạng hóa nguồn tài liệu học tập, học qua mạng, qua đài, sách báo Tivi, đọc truyện bằng tiếng Anh để ghi nhớ phần ngữ pháp đã được học trên lớp.

3.Kết luận

Trong quá trình nghiên cứu, tác giả thấy mức độ tham gia, thói quen học tập, khả năng lĩnh hội kiến thức của sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW cải thiện rõ rệt nhờ vào các bài giảng điện tử được áp dụng qua từng tiết học. Hiểu được ngữ pháp, người học có thêm nhiều hứng thú và cảm thấy việc học trở nên nhẹ nhàng hơn. Thông qua các bài giảng điện tử - các bài giảng này được thiết kế bằng các phương pháp dạy học hiện đại, áp dụng các phần mềm mới nhất và ưu việt khiến cho sinh viên tham gia nhiệt tình hơn, thời gian cho từng phần học cũng được đẩy nhanh hơn và biết áp dụng các mẫu câu, dạng loại ngữ pháp vào các bài nói, nghe, nhanh hơn. Việc ứng dụng các thiết kế bài giảng điện tử vào giảng dạy môn Ngữ pháp tiếng Anh cho sinh viên năm thứ nhất Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đem lại cho người dạy và người học nhiều hứng thú và làm cho bài học trở nên sinh động.

Tài liệu tham khảo

  1. Herron C. (1994), an investigation of the effectiveness of using an advanced organizer to introduce video in the foreign language classroom. The modern Language Journal 78, p190-198.
  2. Krashen S.D. (1995), The Input Hypothesis: Issues and Implications. New York: Longman.
  3. Fenrich (1997), Instructional Multimedia Applications, Harcourt Brace & Company, USA.
  4. Đinh Văn Hoàng (2011), Thiết kế bài giảng điện tử môn triết học phương Tây cho sinh viên ngành Thiết kế đồ họa và Hội họa trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp khoa, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
  5. Trịnh Thị Thu Hiền (2010), Thiết kế bài giảng điện tử Ngoại ngữ cho sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, Đề tài Nghiên cứu khoa học, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

-------------------------------------------------------------

[*] ThS, giảng viên Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ