Nghiên cứu lý luận

Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội

26 Tháng Mười Hai 2018

Bùi Ngọc Dương [*] 

Thạch Bàn là một trong 14 phường của quận Long Biên, Hà Nội với vị trí quan trọng là tuyến đường nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh bằng đường thủy (sông Hồng) và đường bộ (quốc lộ 5). Thời gian qua, phường Thạch Bàn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong sự phát triển các mặt của đời sống xã hội. Công tác quản lý nhà nước về văn hoá được Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan hữu quan của phường cũng như quận Long Biên thường xuyên quan tâm và đạt được kết quả nhất định.

Công tác quản lý nhà nước về văn hoá phường Thạch Bàn đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn phường. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về văn hóa của phường Thạch Bàn trong những năm gần đây đã bộc lộ những bất cập so với yêu cầu thực tiễn. Sự phát triển đa dạng của các loại hình văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa hiện nay đòi hỏi hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa có những yêu cầu mới, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Trước thực trạng nêu trên, thiết nghĩ, muốn nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về văn hóa trên địa bàn phường Thạch Bàn cần có các giải pháp hiệu quả.

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò công tác quản lý văn hóa ở cấp phường

Cần làm tốt công tác tuyên truyền, để mọi ng­ười dân nhận thức đúng đắn về quan điểm xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành, các đoàn thể trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch, tổ chức các chương trình hoạt động, chăm lo bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hoá của nhân dân.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả của tổ chức bộ máy, từng bước quy hoạch đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá. Nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức và nhân dân trong quản lý và phát triển sự nghiệp văn hoá.

Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả, cập nhật thường xuyên trực tiếp và gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng giữa đơn vị quản lý văn hóa với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Cung cấp các văn bản pháp luật và tổ chức các hoạt động tư vấn đầy đủ, kịp thời cho các doanh nghiệp, tạo sự liên hệ chặt chẽ trong tổ chức kết nối mạng lưới các doanh nghiệp dịch vụ văn hoá.

Hai là, xây dựng, củng cố và hoàn thiện công tác quản lý văn hoá trên địa bàn phường Thạch Bàn

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho văn hoá và quản lý văn hoá, tăng cường nguồn lực về tài chính cho tất cả các hoạt động văn hoá; cần có những chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực văn hoá, đồng thời thu hút các dự án kinh tế văn hoá nhằm tạo ra các nguồn vốn để có thể tổ chức và quản lý các hoạt động văn hoá, các sự kiện văn hoá trên địa bàn phường.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá, thể thao ở cơ sở, đặc biệt cần có chính sách cụ thể để đầu tư toàn phần cho việc xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở còn nhiều khó khăn. Hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyên môn, kỹ năng tiếp cận công chúng, tạo cơ hội tiếp xúc đầu tư và giúp quảng bá giới thiệu sản phẩm văn hóa của các doanh nghiệp.

Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn bố trí cho các chương trình, mục tiêu, dự án đầu tư phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội của địa phương, các dự án về bảo tồn di sản văn hóa, chương trình du lịch để xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất và gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ ở các cụm dân cư khó khăn, có mức hưởng thụ văn hóa thấp.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho việc tăng cường và mở rộng xã hội hoá hoạt động văn hoá. Trong đó, chú ý cơ chế chính sách đối với các hoạt động trên lĩnh vực bảo tồn tôn tạo di tích, gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc, các hoạt động văn hoá nghệ thuật quần chúng. Đảm bảo việc sử dụng ngân sách và thực hiện khối lượng công việc được giao đúng tiến độ. Tích cực triển khai hoàn thành các dự án theo nguồn vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ba là, đổi mới cơ chế quản lý

Cần quán triệt sâu sắc các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác văn hoá và kế hoạch phát triển kinh - xã hội. Tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII và kết luận của Hội nghị Trung ương 10 khoá IX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI làm định hướng đề ra những biện pháp thích hợp và có kế hoạch công tác cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Cần tuyên truyền cho các cấp các ngành và nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về việc đầu tư xây dựng và phát triển hoạt động văn hoá thông tin trong đời sống nhân dân. Coi đây là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Ban Văn hoá thông tin của phường tham mưu, đề xuất với ban chỉ đạo cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá của phường về việc thực hiện qui chế đề cử việc công nhận danh hiệu làng văn hoá; gia đình văn hoá cho sát với tình hình thực tế, chính xác, có tính giáo dục và thúc đẩy phong trào đi lên. Tuyên truyền giáo dục dưới nhiều hình thức làm chuyển biến nhận thức của nhân dân từ đó tạo nên định hướng đúng tác động tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hoá.

Xuất phát từ vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường hiện nay đặt ra vấn đề cần phải quản lý sự phát triển của văn hoá theo định hướng mà Đảng và Nhà nước đề ra. Việc đổi mới cơ chế quản lý văn hoá phải gắn liền với cải cách hành chính để làm tăng hiệu quả quản lý văn hoá, khắc phục tình trạng quan liêu, đồng thời bám sát cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động văn hoá trong phường phát triển đúng theo pháp luật.

Bốn là, quan tâm đến công tác đào tạo và sử dụng cán bộ văn hóa

Trong công tác quản lý văn hoá, đội ngũ người làm công tác trên lĩnh vực này có vai trò quan trọng. Sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về văn hoá ở phường có nguyên nhân từ yếu kém của đội ngũ cán bộ công chức.

Cần tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác văn hoá thông tin. Với địa bàn rộng, trải dài trên nhiều đường phố lại tập trung đông dân cư, với nhiều địa điểm công cộng rất dễ phát sinh các tệ nạn xã hội. Do vậy, việc phân bổ cán bộ làm công tác quản lý văn hoá ở phường Thạch Bàn cần phù hợp với tình hình thực tế. Phường nên có ít nhất là hai cán bộ phụ trách công tác văn hoá thông tin, thể dục thể thao mới đảm bảo được hoạt động văn hoá thông tin ở địa phương có hiệu quả.

Cần có sự thống nhất về chế độ đãi ngộ và mức lương của cán bộ văn hoá thông tin cơ sở. Quan tâm, tạo điều kiện để lực lượng này được tham gia học các lớp cán bộ nguồn. Trở thành lực lượng nòng cốt, tầng lớp kế cận thay thế phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của công việc. Góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển phường Thạch Bàn trong những năm tiếp theo.

Như vậy đào tạo đúng, sử dụng đúng cán bộ trong công tác quản lý văn hoá của phường có vai trò chiến lược và quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của phường Thạch Bàn.

Năm là, đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực hoạt động văn hoá

Đối với phường Thạch Bàn trong nhiều năm qua công tác xã hội hoá hoạt động văn hoá luôn được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ - HĐND - UBND. Nhiều công trình văn hoá được tôn tạo chỉnh trang, xây dựng cải tạo theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Huy động được nhiều nguồn lực từ trong nhân dân, làm cho đời sống tinh thần của người dân được cải thiện.

Trong những năm qua, trên địa bàn phường công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa đạt được những thành tựu nổi bật: việc đầu tư sửa chữa, cải tạo lại nhà khách đền Trấn Vũ, đình Nghè, đình Cự Đồng, đình Thạch Cầu Bây, chùa Cự Linh đều do nhân dân trên địa bàn cùng khách thập phương hảo tâm đóng góp sửa chữa chống xuống cấp.

Công tác xã hội hóa hoạt động quản lý cũng có những chuyển biến tích cực, nhiều hoạt động ca nhạc hoạt động quá giờ quy định, âm lượng to, ánh sáng quá nhiều cũng được các đồng chí bí thư khu dân cư, tổ trưởng tổ dân phố, dân phòng hay chính nhân dân trên địa bàn phản ánh, nhắc nhở. Nhiều cơ sở in sao trái phép băng hình, đĩa ca nhạc trên địa bàn phường trong thời gian qua bị các lực lượng chức năng xử lý có sự đóng góp rất lớn từ việc giám sát, phản ánh của nhân dân.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát

Công tác kiểm tra, kiểm soát văn hoá của phường được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, tập trung điều chỉnh các vấn đề bức xúc, mới phát sinh của ngành văn hoá thông tin, góp phần ngăn chặn các tiêu cực và định hướng cho các dịch vụ văn hoá phát triển. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, lấy lực lượng thanh tra chuyên ngành văn hoá thông tin làm nòng cốt, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan thông tin đại chúng, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trên địa bàn mình quản lý.

Kết hợp tốt hơn nữa công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất, đẩy mạnh vai trò giám sát của cộng đồng dân cư, nâng cao tính tự giác của các chủ thể hoạt động trên lĩnh vực văn hoá. Giải quyết dứt điểm các điểm nóng về tệ nạn và tiêu cực xã hội trên địa bàn phường.

Công tác thi đua khen thưởng cũng là một trong những công tác quan trọng của quản lý văn hoá. Việc khen thưởng, động viên kịp thời đối với những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác quản lý.

Tóm lại, để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn phường Thạch Bàn, quận Long Biên thì cần phối hợp đồng bộ các giải pháp nêu trên, cần  đổi mới tổ chức, nội dung và cơ chế quản lý kinh tế, hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách được đồng bộ hoá trong quản lý văn hoá và trong đời sống xã hội, tạo ra môi trường vĩ mô thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Việc đổi mới đó phải gắn liền với cải cách hành chính để làm tăng hiệu quả quản lý văn hoá, khắc phục tình trạng quan liêu, tăng cường bám sát cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động văn hoá trong huyện phát triển đúng định h­ướng chính trị, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ phường Thạch Bàn (2013), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Thạch Bàn (1930 – 2010), Hà Nội.
  2. Ban Chỉ đạo Trung ương (2001), Hỏi và đáp phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, Hà Nội.
  3. Ban Chỉ đạo Trung ương (2006), Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Hà Nội.
  4. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (2000), Tài liệu bồi dưỡng cán bộ tư tưởng - văn hóa cấp huyện, Hà Nội.
  5. Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương (2000), Xã hội hoá hoạt động văn hoá. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Hà Nội.

 ----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K4 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa