Nghiên cứu lý luận

Phương pháp làm dưỡng giày bệt ứng dụng vào giảng dạy chuyên ngành Thiết kế thời trang

03 Tháng Giêng 2019

Nguyễn Thị Bích Liên [*]

Thiết kế da giày là một trong những học phần được các trường đào tạo chuyên ngành Thiết kế Thời trang - Công nghệ may đang đề cao, coi trọng. Tuy nhiên, học phần này trong các trường đại học ở nước ta, chỉ mang tính giới thiệu, chưa chuyên sâu. Sinh viên mới chỉ được thực hiện các bài thiết kế trên giấy, chưa tự mình làm ra được một đôi giày hoàn chỉnh. Hoặc có làm thì vẫn chưa thể ứng dụng được bởi các công đoạn thực hiện không được hướng dẫn một cách chi tiết và rõ ràng.

Hiểu biết về một số loại giày là điều mà người học thiết kế cần nắm bắt và công đoạn làm dưỡng cho giày bệt là các bước quan trọng và cơ bản nhất trong quá trình thiết kế giày. Việc lựa chọn phương pháp nào để làm dưỡng giày, đảm bảo ra được bộ dưỡng chính xác phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp làm dưỡng. Làm được bộ dưỡng chính xác thì mới làm ra được đôi giày chuẩn đảm bảo giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ.

Trong quá trình sinh sống, đi lại với những khó khăn về địa hình, địa chất đã khiến con người cảm thấy bị cản trở của đá, đất dưới lòng bàn chân. Lịch sử phát triển của loài người đã chứng minh được rằng con người sớm nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ bàn chân. Ta có thể thấy ở những tài liệu về người Ai Cập, Trung Quốc hay một số nền văn minh khác đều cũng nhắc đến giày. Những chiếc giày cũng được phát hiện thấy ở trong Kinh Thánh và người Do Thái hay sử dụng giày trong một vài trường hợp đặc biệt liên quan đến pháp lý hoặc giao dịch mua bán. Thậm chí chúng ta còn thấy hình ảnh của những chiếc giày xuất hiện ở trong các câu chuyện cổ ở khắp các châu lục như Chú mèo Đi Hia, Tấm Cám, Cô bé Lọ Lem... Truyền thống văn hóa của nhiều vùng đất lại có các tục lệ liên quan tới chiếc giày như tục ném giày sau khi cưới là một trong những tục lệ mà ở đó giày được sử dụng như một vật mang lại may mắn.

Ở Việt Nam, ngay từ thế kỷ thứ XV ngành giày dép đã được hình thành dựa trên sự kiên trì, học hỏi kinh nghiệm của người Trung Quốc cùng với sự sáng tạo của người dân nước Việt. Trải qua thời gian và biến động của lịch sử, ngành giày dép Việt Nam đã khẳng định mình và trở thành ngành mũi nhọn trong công nghiệp sản xuất.

          Chúng ta có thể điểm qua một số loại giày cơ bản:

           * Giày Pump: Là kiểu giày nữ với phần gót nhọn và kiểu dáng bít mũi. Giày có cấu trúc ôm sát bàn chân và tôn lên từng đường nét duyên dáng đôi chân của phái đẹp. Phần mũi tròn hoặc nhọn giúp tạo hiệu ứng kéo dài chân. Chiều cao trung bình của giày Pump là từ 5 cm trở lên.

* Giày Kitten Heels: Kitten Heels là tên gọi của những mẫu giày cao gót nữ với phần gót thấp chỉ khoảng từ 3 - 5 cm. Cùng mang kiểu dáng như giày Pump thế nhưng Kitten Heels lại mang lại cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng hơn rất nhiều nhờ phần gót nhọn thấp và tiện lợi.

          * Giày Cone Heels: Đặc biệt với phần gót nhọn được cách điệu theo dạng hình nón, Cone Heels sẽ mang đến cho bất kỳ cô gái nào sở hữu chúng vẻ đẹp nữ tính và vô cùng trang nhã. Giống như Kitten Heels, Cone Heels cũng có gót thấp từ 3 - 5 cm, chính vì thế sẽ rất tiện lợi cho phái đẹp.

          * Giày Peep Toe: Nếu như sở hữu một bàn chân hơi to và ngắn thì những đôi giày Pump có thể khiến chúng ta cảm thấy khó khăn khi diện chúng. Lúc này Peep - Toe sẽ là lựa chọn giày nữ lý tưởng nhất cho phái nữ. Với phần mũi hở, tạo hiệu ứng dài chân, hơn nữa lại rất khéo léo và tinh tế khoe những ngón chân xinh.

          * Giày Block Heels: Điểm đặc biệt của Block Heels đó chính là phần gót hình trụ khá vững vàng. Là biến thể của giày đế xuồng và giày gót nhọn, giày đế trụ mang đến cho phái nữ một vẻ đẹp khá hiện đại.

          * Giày D’Orsay: Trái ngược với Peep - Toe, D'Orsay là kiểu giày nữ dành cho những bạn gái may mắn sở hữu đôi bàn chân thon và dài. Được cách điệu ở “phần eo” giày và chia cách mũi giày với gót giày thành 2 phần riêng biệt. 

          * Giày Slingback: Đúng như tên gọi của mình, giày Slingback có phần quai thanh mảnh vòng qua gót chân vừa tạo điểm nhấn vừa tăng thêm phần duyên dáng cho đôi chân. 

      * Giày Ankle Strap: Với đặc trưng là phần quai thanh mảnh ôm gọn cổ chân, giày Ankle Strap chính là điểm nhấn vừa tinh tế lại rất thanh nhã cho phong cách nữ tính của phái đẹp. Mặt sân của giày Ankle strap có thể là một mảnh quai ngang vắt qua những ngón chân xinh xắn của bạn, hoặc là những dây quai đan chéo cá tính và nổi bật.

      * Giày T-Strap: Đúng như tên gọi của mình, giày T-Strap sở hữu phần quai chữ T khá độc đáo kéo dài từ phần quai cổ chân cho đến phần quai ngang mũi chân. Với thiết kế này, bàn chân của phái đẹp sẽ trông dài và thon hơn, tạo hiệu ứng kéo dài đặc biệt. Không những thế phần quai chữ T của giày T-strap còn giúp che đi khuyết điểm mu bàn chân to, giúp cho các bạn nữ có bàn chân hơi lớn một chút vẫn rất duyên dáng khi diện mẫu giày nữ này.

      * Giày Wedge: Điểm nhấn độc đáo của mẫu giày nữ cao cấp này là phần đế xuồng với chiều cao khá đồng đều từ phần mũi giày cho đến gót giày. Chính nhờ kiểu dáng này, mà giày Wedge hay còn gọi là giày đế xuồng khá vững vàng.

      * Giày Ballerina: Còn được gọi là giày búp bê, mẫu giày nữ Ballerina được thiết kế mô phỏng theo kiểu dáng những đôi giày của các vũ công bale. Chính vì vậy, điểm đặc trưng của giày Ballerina chính là phần đế bệt nhẹ nhàng. Phom giày suôn, ôm theo dáng bàn chân, mũi giày tròn hay nhọn, mặt sân có thể đính phụ kiện, tuy nhiên đa số giày búp bê thường chọn những chiếc nơ xinh xắn là phụ kiện chủ đạo.

      * Giày Oxford: Có nguồn gốc từ nước Anh cổ kính, giày Oxford là kiểu giày nữ mang chút gì đó cổ điển và thanh lịch, nhưng cũng rất cá tính và mạnh mẽ. Thiết kế chính là hàng dây cột ở mặt sân, mũi giày nhọn, phần gót nhô cao một chút, khá giống với kiểu dáng giày tây của nam giới.

      * Giày Boot Stilettos: Là kiểu giày boot có phần gót cao và nhọn, giày Stilettos thích hợp với các bạn nữ yêu thích phong cách vừa quyến rũ vừa cá tính. Có thể nói, đây là mẫu giày nữ kết hợp giữa giày cao gót và giày boot, chính vì vậy, Stilettos sở hữu cả hai ưu điểm của hai mẫu giày này.

       * Giày Cut-out: Với những đường cắt khéo léo và tinh tế khắp thân giày, giày Cut-out mang đến cho đôi chân một điểm nhấn khá độc đáo và nổi bật. Không quá kín như giày boot và cũng không quá hở giống  sandal, giày Cut-out vừa rất thoải mái nhưng vẫn rất ôm chân và tôn dáng cho đôi bàn chân.

Sau  khi chuẩn bị nguyên vật liệu cho giày, quy trình sản xuất giày bệt được tiến hành qua rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn sẽ có một bộ phận chịu trách nhiệm phần việc của mình.

Bước 1: Bộ phận nguyên vật liệu. Nhận được thông tin sản phẩm cần được cung cấp nguyên liệu như thế nào (Ví dụ: Đế - tự đúc hoặc nhập khẩu, keo tạo đế, chỉ, vải, da, lưới…), người phụ trách quy trình này sẽ sắp xếp đủ số lượng để chuyển xuống phân xưởng gia công.

           Bước 2: Bộ phận tổ cắt được nhận hình mẫu từ phòng thiết kế và nguyên vật liệu, từ bộ phận nguyên vật liệu sẽ cắt theo hình mẫu, trên một dây chuyền khép kín. Tại đây, được KCS kiểm tra chất lượng, để rồi luân chuyển qua bộ phận may.

          Bước 3: Bộ phận may nhận bản vẽ may hoàn thiện từ phòng thiết kế và nguyên vật liệu đã được gia công để may theo hình cắt của đôi giày. Sau đó sẽ chuyển sang bộ phận gò đế. Bộ phận đế được chia làm 2 mảng, một là đúc đế (từ keo) hay đế nhập, mảng thứ 2 là dán đế theo từng lớp, được sự kiểm định của KCS và chuyển tới phần may đế.

         Bước 4: Bộ phận gò đế sẽ ép đế nhận từ bộ phận nguyên vật liệu, vào phần thân giày theo đúng bản thiết kế nhận từ phòng thiết kế. Sau khi hoàn thiện việc gò đế là công đoạn quan trọng. Tại đây, đôi giày sẽ được trải qua các công đoạn ép đế giày và xử lý qua dàn nóng và dàn lạnh. Những đôi giày lỗi sẽ phải hủy hoặc được tái chế.

Sau khi đôi giày đã hoàn thiện, quy trình sẽ được chuyển qua test thử, qua môi trường thẩm thấu: Tác động chất hóa học, tác động môi trường. Tiếp theo là tới ép tem và khâu vệ sinh giày trước khi giày được đóng hộp, chuyển vào kho trung chuyển. Kết thúc quá trình, sản phẩm được chuyển qua khu vực tổng kho của nhà phân phối.

Trước khi tiến hành sản xuất giày có một khâu rất quan trọng, đó là làm dưỡng giày. Quy trình làm dưỡng rất quan trọng, nó đảm bảo việc sản xuất ra một đôi giày vừa vặn với đôi chân.

Chọn cách bọc phom giày, là lựa chọn cách bọc sao cho phù hợp với từng đối tượng thao tác, có người bọc theo trục dọc, có người bọc theo trục ngang. Dù cách bọc có thế nào cũng cần đảm bảo độ chính xác, cân bằng của phom thì khi tách phom làm dưỡng mới chuẩn và đẹp. Làm dưỡng chuẩn sẽ đảm bảo cho ra đời một sản phẩm đủ chất lượng. Các lớp băng dính giấy phải có khoảng cách đều đặn, để khi bóc áo phom mới không bị co, bai. Lớp băng dính này cũng cần đủ dày thì khi thao tác thiết kế mới chuẩn và chính xác.

H1: Thao tác bọc áo phom (Nguồn ảnh: tác giả)

H2: Phom giày sau khi bọc (Nguồn ảnh tác giả)

Khi tách áo phom, người làm bắt buộc phải theo trục dọc để xác định phía bên trong và bên ngoài bàn chân. Bên trong và bên ngoài rất khác nhau nhưng luôn cần phải đánh dấu thì mới không nhầm lẫn. Tách áo phom theo trục dọc giày cũng làm cho người làm dưỡng định hình được dễ hơn, cả chân phải và chân trái.

Trong làm giày thì việc ra mẫu giấy nhất thiết phải dùng hai mẫu phom chân phải và trái. Phom giày cũng như kích thước thật của hai chân là có sự khác nhau, chính vì vậy mà họ không bao giờ lấy dưỡng ở một phom chân phải hoặc trái rồi làm ngược bản. Làm dưỡng bắt buộc phải làm ở cả hai phom chân phải và trái.

H3: Vẽ trục để tách áo phom (Nguồn ảnh tác giả)

Làm dưỡng giày bệt là ốp mặt dưỡng đã được tách ra từ phom giày, rồi đưa lên bề mặt chất liệu cắt và gia công theo đúng bản thiết kế. Ở công đoạn này nếu còn chưa thực sự ưng ý với mẫu thiết kế thì có thể chỉnh sửa trực tiếp trên dưỡng. Tuy nhiên phải luôn lưu ý đến phom chân, kích thước dài, rộng và kích thước vòng chân. Công việc làm dưỡng cần sự chính xác cao, bởi sau khi làm dưỡng là công đoạn nhân mẫu sản xuất.

H4: Dưỡng giày chân trái (Nguồn ảnh tác giả)

H5: Dưỡng giày chân phải (Nguồn ảnh tác giả)

H6: Phom áo sau khi tách (Nguồn ảnh tác giả)

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Thủy Bình (2007), Giáo trình công nghệ may, Nxb Giáo dục.
  2. Trần Thủy Bình (2009), Giáo trình Vật liệu may, Nxb Giáo dục
  3. Nguyễn Thị Kim Chi (2007), May công nghiệp, Nxb ĐH Sư phạm.
  4. Hoàng Thị Lĩnh (2013), Xử lý hoàn tất sản phẩm dệt may, Nxb Khoa học và Kỹ thuật.
  5. Alexander Besching: Handbuch fur die Schuhindustrie. Tái bản lần thứ 14. Huthig, Heidelberg 1990, ISBN 3-7785-1916-6, Cẩm nang cho công nghiệp Giày.
  6.  Angela Pattison, Nigel Cawthorne: Schuhe. Moden & Designs im Jahrhundert. Bassermann, Niedernhausen 1998, ISBN 3-8094-0655-4. Giầy-Thời trang và Thiết kế trong thế kỷ 20.
  7.  Jan Plath: Computergestutzte Konstruktion von MaBschuhen, Shaker, Aachen 2004, ISBN 3-8322-2765-2 (Dissertation Uni Bremen 2004, 2003 trang). Cấu trúc giầy chuẩn qua hỗ trợ máy tính.
  8.  Lars Goral: Die Schuhfibel. Schuhe Selber machen. Packpapier, Osnabruck 1987, ISBN 3-931504-18-2. Cẩm nang Giầy. Tự làm giầy.
  9. Helen Reynolds( 2007), Lịch sử thời trang - Giày dép, Nxb Kim Đồng.
  10.  Juki Corporation (2003), “The Binran- How to make up a plant of apparel manufacturing factory”, Juki Laboratory.

-------------------------------------------------------------

[*] ThS, giảng viên Khoa Công nghệ May