Tin tức

Bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới

14 Tháng Giêng 2019

Hội thảo Quốc tế lớn về Chất lượng đội ngũ nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục: Xu hướng của Việt Nam và thế giới do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức với sự hợp tác và tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank), chương trình ETEP

Chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở là yếu tố quan trọng bậc nhất để tiến hành thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, trong đó có cán bộ quản lý giáo dục còn gặp nhiều bàn luận. Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn GS.TS. Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục về vấn đề này.

PV: Thưa Giáo sư, hiện nay Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được ban hành, sẽ có những thách thức như thế nào với đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) trong quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông?

GS. Phạm Quang Trung: Trước tiên, cần thống nhất nhận định, việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thống mới là rất cần thiết và quan trọng trong thời điểm này. Chương trình mang đến sự thay đổi tổng thể nhận thức và hành động của cả đội ngũ GV và CBQL, học sinh và cha mẹ HS, toàn xã hội.

Thách thức đối với toàn hệ thống là đương nhiên không chỉ đối với CBQL nhà trường, bởi như là một quy luật, cái mới thay thế cái hiện thời cần có thời gian và nỗ lực của các nhân tố tác động mạnh tới cuộc đổi mới đó. Chúng tôi đánh giá cao nhân tố CBQL (hiệu trưởng) quyết định đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông thành công.

Hiệu trưởng nhà trường có vai trò tối quan trọng để thực hiện Chương trình mới thành công, như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định trong Hội nghị trực tuyến Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: “Chương trình tốt đến mấy nhưng không thể phát huy được nếu đơn vị thực hiện chưa sẵn sàng”. Đây là điểm chốt để các cấp Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT triển khai kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng GV và CBQLGD trong Chương trình mới.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với đội ngũ hiệu trưởng, bởi có thể nhận thức về vai trò, mục đích, giá trị Chương trình mới rất tốt, những lại yếu về năng lực lãnh đạo, điều hành, quản trị nhà trường, quản lý đội ngũ… thì việc triển khai Chương trình trong nhà trường cũng không thành công.

Hơn nữa, sự sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của Chương trình mới như về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa,… cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực thi nhiệm vụ của hiệu trưởng. Việc bố trí đội ngũ GV (trong đó có đào tạo, bồi dưỡng), chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình mới sẽ là thách thức lớn với hiệu trưởng, và có lẽ, trong phạm vị quản lý nhà trường, chỉ cá nhân hiệu trưởng khó có thể đảm đương trách nhiệm này.

Hơn nữa, Chương trình mới chú ý đến việc giảm tải cho GV, HS, tuy nhiên, hiệu trưởng cũng cần phải được giảm tải, áp lực từ chức năng, nhiệm vụ quản lý.

Trong các khóa bồi dưỡng hiệu trưởng, do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức, chúng tôi đã được lắng nghe nhiều ý kiến về áp lực, quá tải công việc của người CBQL; các cuộc họp triền miên, các hội nghị tập huấn, sự chỉ đạo triển khai chồng chéo,…đã giảm thiểu sự tập trung, tính hiệu quả công việc của CBQL nhà trường.

Tất nhiên, làm hiệu trưởng phải dám áp lực, chấp nhận quá tải công việc,… nhưng nếu thái quá sẽ khó đạt chất lượng công việc.

PV: Thưa GS, trước yêu cầu Chương trình mới, cần phải bồi dưỡng CBQL (hiệu trưởng) như thế nào để quản trị nhà trường hiệu quả?

GS. Phạm Quang Trung: Vấn đề này đã được coi là giải pháp then chốt “Đổi mới cơ chế quản lí giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo” trong Nghị quyết 29/NQ-TW, đã được Bộ GD&ĐT nghiên cứu trước khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong năm 2018, Bộ đã ban hành Quy định Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí. Quy định Chuẩn hiệu trưởng với những tiêu chuẩn và tiêu chí được đánh giá cao và sát thực với việc quản trị nhà trường hiệu quả.

Hiện nay, Học viện quản lý giáo dục đang tiếp tục xây dựng đổi mới Chương trình bồi dưỡng CBQL các cơ sở giáo dục hiện hành, xây dựng và thực hiện Chương trình bồi dưỡng CBQL theo Chuẩn hiệu trưởng đã ban hành.

Chúng tôi quan niệm, việc bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị nhà trường hiệu quả, năng lực quản lý của hiệu trưởng các cơ sở giáo dục nói chung là hoạt động thường xuyên của người hiệu trưởng, không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu về năng lực hiệu trưởng mà phản ánh tính chủ động, đổi mới, sáng tạo của người quản lý trong xu thế chung của mỗi ngành và xã hội.

Để quản trị nhà trường, quản lý các hoạt động của nhà trường đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới, hiệu trưởng phải được bồi dưỡng, tập huấn về các kỹ năng quản trị nhà trường hiệu quả, các biện pháp, kế hoạch thực thi khi triển khai Chương trình mới.

Như trên đã nói, vai trò của hiệu trưởng là rất quan trọng, và năng lực của hiệu trưởng sẽ quyết định đến sự thành công của Chương trình, nên hiệu trưởng cần được bồi dưỡng về năng lực quản trị nhà trường, bồi dưỡng theo Chuẩn hiệu trưởng đã được ban hành, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị trường học theo Chương trình mới.

Cũng xin được nói thêm, việc phân quyền, giao quyền tự, tự chịu trách nhiệm đã được triển khai ở nhiều cấp, tuy nhiên, trong phạm vị trường học, điều này chưa được thực hiện phổ biến. Hiệu trưởng còn can thiệp quá sâu vào chuyên môn, chi phối thái quá đến hoạt động của tổ chuyên môn, cá biệt đến bài giảng, tiết giảng của giáo viên, khiến tổ chuyên môn thụ động, hoạt động kém hiệu quả. Điều này cần được cân nhắc trong thực hiện Chương trình mới, cần có cơ chế quản lí các hoạt động chuyên môn.

Thực hiện Chương trình mới, hiệu trưởng cần khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất để GV, HS phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong dạy học; cần được môi trường làm việc, học tập dân chủ, công bằng, có những chính sách cởi mở giúp GV phát huy năng lực của mình để sáng tạo và cống hiến.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(Nguồn: C.Thắng - https://giaoducthoidai.vn)