Nội san

Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn Tâm lý học cho sinh viên

10 Tháng Mười Hai 2008

HHA- Khoa KTĐC

 

Thực tiễn cho thấy, sinh viên Đại học Sư phạm nói chung và Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong học tập, đặc biệt với môn Tâm lý học (TLH). Phương pháp học tập ở Cao đẳng và Đại học còn mới mẻ đối với các em, nhất là đối với sinh viên  năm thứ nhất. TLH là môn học lần đầu tiên được tiếp xúc còn nhiều điều mới lạ, các em chưa nhận thức đầy đủ sự cần thiết của nó (một môn học vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghiệp vụ) do đó chưa có thái độ học tập đúng đắn, chưa nắm được cách học, tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập chưa cao.

            Khi nghe tên môn TLH thì hầu hết sinh viên đều háo hức nhưng khi thực sự được học thì các em gặp rất nhiều khó khăn. Các em thấy môn học trừu tượng và khó hiểu, nhiều sinh viên không còn hứng thú như ban đầu nữa. Vậy phải làm như thế nào để sinh viên có hứng thú học tập môn TLH?

1. Đặc điểm của môn Tâm lý học so với các môn học khác.

TLH nghiên cứu các hiện tượng tâm lý, nó vừa gần gũi, cụ thể, gắn bó với con người vừa rất phức tạp, trừu tượng khó hiểu. Chẳng hạn khi nói hiện tượng tâm lý cụ thể thì ai cũng biết, nhưng hiểu được bản chất của nó lại rất khó khăn. Đây là hiện tượng tinh thần, không thể sờ thấy hay nhìn thấy, do đó phải có một trình độ hiểu biết nhất định mới có thể năm bắt được các hiện tượng tâm lý.

TLH là bộ môn khoa học cơ bản trong hệ thống các khoa học về con người, nó cũng có đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp và hệ thống tri thức, kỹ năng tương ứng tạo thành nội dung của môn học. Vì thế học TLH phải nắm được lý luận và biết thực hành thì mới hiểu được nội dung của nó một cách đầy đủ. Đồng thời TLH là bộ môn nghiệp vụ trong hệ thống các khoa học tham gia vào việc đào tạo con người, hình thành nhân cách con người nói chung và nhân cách nghề nghiệp nói riêng. Như vậy yêu cầu đặt ra đối với người học là: Không những hiểu kiến thức mà người học cần phải biết vận dụng để quan sát, phân tích các biểu hiện tâm lý thông qua hành vi của bản thân và của học sinh từ đó có phương pháp dạy học, hành vi ứng xử mang tính mô phạm, nhằm đạt được hiệu quả giáo dục.

2. Đặc điểm nhận thức của sinh viên ĐHSP Nghệ Thuật TW

2.1. Đặc điểm nhận thức của sinh viên :

Một trong những quá trình tâm lý cấp cao diễn ra trong hoạt động học tập của sinh viên và nói nên đặc trưng căng thẳng của trí óc là quá trình nhận thức trong hoạt động học tập , các quá trình này luôn luôn diễn ra từ mức độ đơn giản nhất là cảm giác đến mức độ cao, là tư duy sáng tạo. Đặc điểm quá trình nhận thức của sinh viên khác hẳn các lứa tuổi học sinh về sự phát triển, về tính chọn lọc cao và tính độc lập sáng tạo.

* Tri giác: Nội dung tính chất tri giác phụ thuộc vào sự vật hiện tượng được tri giác và phụ thuộc vào kinh nghiệm, xu hướng nhân cách, trạng thái tâm lí của sinh viên. Tính chất chọn lọc trong tri giác của sinh viên rất cao. Sinh viên chỉ tri giác những thông tin trong bài giảng của cán bộ giảng dạy hay trong sách, tạp chí có liên quan đến hứng thú nhận thức, có ích cho hoạt động nghề nghiệp. Do đó người giảng  viên cần chú ý đến tính có ích của thông tin về phương pháp luận khoa học và về nghề nghiệp. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy tốc độ tri giác (thí dụ như đọc sách) ở sinh viên còn rất chậm, thậm chí chỉ ngang trình độ học sinh lớp 5. Với tốc độ đó không bảo đảm số lượng tri thức cần thiết trong tình trạng “quá tải” hiện nay.

   * Trí nhớ: Các quá trình trí nhớ trong hoạt động học tập của sinh viên cũng có những nét đặc trưng so với các lứa tuổi khác. Sinh viên luôn phải ghi nhớ ý nghĩa các tài liệu trong nội dung các môn học, phải nhớ máy móc khi học ngoại ngữ, phải ghi chép, tóm tắt bài giảng. Ở đây trí nhớ ngắn hạn được sử dụng nhiều. Để có thể làm tốt bài kiểm tra, thi và sử dụng sau này, sinh viên phải có tâm thế hướng vào việc ghi nhớ tài liệu lâu dài. Nhờ có trí nhớ, sinh viên tích lũy được những kinh nghiệm, những tri thức, những thông tin, những kĩ năng cần thiết cho hoạt động của mình.

* Tư duy: Quá trình tư duy diễn ra rất căng thẳng trong suốt quá trình học tập của sinh viên. Tư duy ở sinh viên gắn liền với các phẩm chất nhân cách: độc lập khi nghe giảng, đọc sách..., luôn thể hiện óc phê phán, chỉ thừa nhận những tri thức trên cơ sở có lập luận lôgíc chặt chẽ, chính xác. Phẩm chất độc lập trong tư duy ở sinh viên thể hiện rõ rệt. Tư duy độc lập là khả năng cá nhân “chuyển” những phán đoán nảy sinh trong quá trình nắm vững tri thức vào những ý kiến riêng và niềm tin riêng của mình.

Tư duy độc lập của sinh viên biểu hiện ở mấy dấu hiệu sau:

       + Tự đặt ra vấn đề.

       + Tự tìm cách giải quyết vấn đề đó theo nhiều chiều, nhiều phương thức khác nhau.

       + Có óc phê phán.

       + Tự đánh giá kết quả tìm được.

Phẩm chất tư duy sáng tạo cũng bộc lộ trong hoạt động học tập của sinh viên. Tư duy sáng tạo có tính chất độc đáo, không rập theo khuôn mẫu, có tính chất mới lạ, khác thường, hoặc chọn ra phương án đơn giản nhất trong các phương án đã biết để giải quyết những nhiệm vụ tương tự. Đối với sinh viên, phẩm chất này biểu hiện ở chỗ họ học tập vượt ra khỏi giới hạn những tài liệu cơ bản, tìm thấy những mối liên hệ quan hệ mới giữa các đối tượng. Sinh viên biết huy động rộng rãi, hợp lí các tri thức và các kinh nghiệm để giải quyết vấn đề.

* Chú ý: trạng thái chú ý giúp cho quá trình phản ánh có hiệu quả hơn. ở lứa tuổi sinh viên sức tập trung chú ý cao, khối lượng chú ý lớn và sinh viên có khả năng chú ý tương đối bền vững, lâu dài nên có thể nghe giảng hay đọc sách trong thời gian liên tục từ 1 đến 2 giờ liền khi cần thiết.

Một vài vấn đề trình bày trên cho thấy cần nâng cao khả năng nhận thức của sinh viên trong hoạt động học tập. Một trong những phương pháp có hiệu quả là giảng dạy nêu vấn đề. Trong quá trình giảng dạy người giảng viên  cần tạo ra các hoàn cảnh “có vấn đề” để kích thích tư duy và tưởng tượng sáng tạo ở sinh viên, phát triển khả năng tư duy khái quát, trừu tượng cao qua các khái niệm chuyên môn của ngành khoa học nhất định. Trong giảng dạy chú ý tới vùng phát triển gần nhất của sinh viên, nêu lên những vấn đề trong lĩnh vực khoa học và nghề nghiệp còn chưa giải quyết được để kích thích óc tò mò khoa học và tư duy sáng tạo ở sinh viên.

Ngay năm đầu tiên ở trường Đại học, sinh viên (năm thứ nhất), được tiếp xúc với môn TLH. Đây là môn học mới mẻ đối với các em cả về nội dung và phương pháp học tập.

Tốt nghiệp Phổ thông trung học, học sinh chỉ có một số tri thức khoa học cơ bản, phổ thông về các môn học như Toán, Lý, Hoá, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ…Môn TLH hầu như còn xa lạ với các em, các em chỉ hiểu tâm lý theo nghĩa thông thường, do kinh nghiệm sống đem lại, vì thế nó có thể chính xác, nhưng phần lớn là không đầy đủ, không chính xác, chưa khoa học. Đây là thuận lợi, cũng là khó khăn của sinh viên khi học TLH.

Hệ thống tri thức TLH, mà ta phải giảng dạy cho sinh viên là những khái niệm, những qui luật, nên nó có tính chất lý luận khái quát và trừu tượng, đòi hỏi sinh viên phải có một sự hiểu biết nhất định mới có thể tiếp thu được. Hơn nữa học TLH không phải để giảng dạy bộ môn này, mà để sử dụng nó làm cơ sở cho việc giảng dạy và giáo dục học sinh. Do đó đòi hỏi người học phải hiểu tri thức TLH một cách khái quát đầy đủ, khoa học, đồng thời có tư duy sáng tạo, linh hoạt thì mới có thể vận dụng nó được.

2.2. Đặc điểm  sinh viên ĐHSP Nghệ Thuật TW.

Các em là những sinh viên có năng khiếu, ưa các hoạt động bề nổi, hoạt động phong trào, các em đang ở vào thời kỳ lứa tuổi sôi nổi, đầy nhiệt tình, hăng hái hoạt động và có sự chín chắn nhất định ở tuổi trưởng thành, hơn  nữa ở các em  đã định hình rõ xu hướng nghề nghiệp của mình.

          Trong Trường ĐHSP Nghệ Thuật TW, các em học các môn chuyên môn phù hợp với năng khiếu của mình và các em hứng thú với những môn học đó. Khi các em học chuyên môn các em được vận động và học theo nhóm nhỏ. Trong khi học các môn  tâm lý - giáo dục, các em phải ngồi học trong một lớp học đông (khoảng 80 sv) với một khoảng thời gian 1 buổi/1 môn/1tuần.

Mặt khác, hầu hết những em sinh viên thi năng khiếu và có năng khiếu Âm nhạc hay Mỹ thuật đều là những em có tính cách hướng ngoại, các em giàu cảm xúc và nhạy cảm, ưa hoạt động. Nên khi các em ngồi học trong lớp đông như vậy thì giảng viên cũng khó có thể quan sát và tạo tình huống có vấn đề phát huy tính tích cực tới tất cả các sinh viên trong lớp lớn như vậy khiến cho các em có điều kiện làm việc riêng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho giờ TLH khó gây hứng thú với các em.

3. Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn TLH

3.1 Đối với giảng viên

3.1.1. Phương pháp giảng dạy của giảng viên

            Muốn làm cho mục đích dạy học, nội dung dạy học trở thành thái độ học tập  đúng đắn, có khả năng nhận thức được vấn đề và giải quyết được vấn đề một cách thông minh sáng tạo ở sinh viên thì phương pháp giảng dạy của giảng viên cũng phải là những phương pháp dạy học hiện đại, khoa học. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng thường khuyên những người làm công tác giáo dục, đặc biệt những giảng viên dạy đại học: “Phương pháp giảng dạy bao giờ cũng đi đôi với nội dung giảng dạy. Anh dạy thế nào giúp cho người học trò, người sinh viên có khả năng độc lập suy nghĩ, giúp cho cái thông minh của họ làm việc, phát triển chứ không phải chỉ giúp cho họ có trí nhớ. Phải có trí nhớ nhưng chủ yếu là phải giúp cho họ phát triển trí thông minh, sáng tạo. Làm sao cho người học trò lúc nghe thầy đã bắt đầu nắm vững nội dung chương trình, nắm vững giáo trình, từ đó gợi cho họ những ý nghĩ mới. Cao hơn một mức nữa, từ đó họ sẽ có những dự kiến sẽ làm ngày mai, ngày kia” và người yêu cầu sinh viên năm thứ nhất phải “bắt đầu làm việc bằng trí óc”- Đào tạo thế hệ trẻ của dân tộc thành những người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, thông minh sáng tạo” . Phương pháp giảng dạy của giảng viên có làm cho “ngọn lửa” yêu khoa học, tích cực tìm tòi cái mới hay không hay chỉ là một “bình chứa” kiến thức một cách thụ động có ý nghĩa nhất định đối với sự phát triển trí tuệ và nhân cách sinh viên. Nếu người giáo viên khi chuyển sang nghiên cứu một đề tài mới cũng như trong mỗi bài học biết khéo léo đề ra cho sinh viên những bài làm và bài tập làm cho sinh viên suy nghĩ và nhờ đó tạo khả năng hoàn thành được “phát minh”, tìm được câu trả lời, giải được bài tập thì sẽ tạo ra niềm vui trong học tập. Nhà toán học kiêm nhà giáo dục học nổi tiếng người Mỹ G.Pôlia có viết “một phát minh lớn giải quyết được một vấn đề lớn, nhưng trong lời giải bất kỳ một bài tập nào cũng có một chút phát minh. Bài tập mà bạn đang giải có thể là bài tập nhưng nếu nó khơi dậy được lòng ham hiểu biết của bạn và thúc đẩy bạn phải sáng tạo và nếu bạn tự giải bài toán đó bằng sức mình thì bạn sẽ cảm thấy sự căng thẳng về trí tuệ dẫn đến phát minh và sẽ hưởng thụ niềm vui của sự thắng lợi. Những cảm xúc ấy tồn tại ở lứa tuổi dễ cảm và có thể khêu gợi sở thích làm việc trí óc và để lại ấn tượng suốt cả đời trong trí tuệ cũng như trong tính cách”. Như vậy giảng viên cần có những phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, đặc điểm nhận thức, nội dung học tập, luôn luôn chú ý tạo “tình huống có vấn đề” nhằm khêu gợi hứng thú học tập, khả năng tư duy sáng tạo của người học.

3.1.2. Hướng dẫn sinh viên cách đọc sách

Nhà văn Nga I.A.Gôntsarôp đã nói “…các bài giảng của giáo sư, cho dù có đầy đủ, súc tích đến đâu, có chứa chan tình yêu tri thức của bản thân giáo viên đến đâu thì về thực chất mà nói, đó chẳng qua cũng vẫn chỉ là chương trình, là những lời chỉ dẫn tuần tự để điều chỉnh trật tự nhận thức của học sinh. Người nào chỉ biết ngồi nghe giáo sư giảng chứ bản thân mình trong lòng không cảm thấy khát khao đọc sách, thì có thể nói tất cả những điều người ấy nghe giảng ở trường đại học cũng sẽ chỉ như một toà nhà xây trên cát mà thôi. Trường đại học chỉ giúp ích cho những ai biết tạo cho mình một cuộc sống thứ hai qua việc đọc sách” Vì thế khi học sinh viên không thể chỉ biết những tri thức trong bài giảng, mà để hiểu sâu thêm những tri thức khi nghe giảng, các em phải đọc thêm các tài liệu học tập. Qua đó, sinh viên còn biết cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, quá trình sưu tầm tư liệu, suy nghĩ trên tư liệu, tinh thần vượt khó…Khi đọc các tài liệu tham khảo sinh viên sẽ có hiểu biết toàn diện và có cái nhìn tổng hợp, khái quát vấn đề.

3.1.3. Giảng viên cần cụ thể hoá tri thức TLH.

Những hiện tượng tâm lý là những hiện tượng rất gần gũi với con người, ở bất cứ con người nào cũng có những hiện tương tâm lý đó. Chính vì vậy trong khi giảng dạy giảng viên cần đặt câu hỏi cho sinh viên tích cực suy nghĩ và tìm hiểu  những biểu hiện tâm lý đó ở sinh viên.

Ví dụ: Khi giảng bài “trí nhớ” Giảng viên có thể cho sinh viên kể lại một kỷ niệm của mình, sau đó  cùng các sinh viên khác trong lớp phân tích.

-      Trong quá trình giảng dạy, giảng viên tổ chức hoạt động học tập nội và ngoại khoá: học tập trên lớp, tham gia hội vui TLH, giải quyết các nhiệm vụ học tập có liên quan đến chương trình bộ môn và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm từ đó nâng cao nhận thức về đối tượng của hoạt động học tập bộ môn sâu sắc hơn, đầy đủ hơn; làm cho ý nghĩa của môn học trở thành ý nghĩa thiết thân của sinh viên sư phạm đồng thời hướng dẫn sinh viên cách thức học tập hợp lý, khoa học góp phần nâng cao chất lượng học tập bộ môn.

3.2. Đối với sinh viên.

3.2.1. Sinh viên cần tự giác cao trong hoạt động học tập

Tính tích cực cá nhân là yếu tố quyết định trực tiếp nhân cách của cá nhân. Chính vì vậy để nâng cao kết quả học tập, có hứng thú với một môn học nào đó thì người học phải tự giác tìm hiểu, hoàn thành nhiệm vụ người giáo viên giao, từ đó khơi dậy niệm say mê với bộ môn khoa học đó. Mặt khác, mỗi cá nhân phải ý thức được vai trò của mình trong việc học tập, cần tích cực học tập mọi lúc mọi nơi , vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, tích cực tham gia vào các hoạt động mang tính tập thể do nhà trường và các tổ chức khác tổ chức.

3.2.2. Nhà trường tạo nhiều môi trường để sinh viên tham gia

Từ nhà trường tới khoa và đến lớp cần tổ chức nhiều hoạt động phù hợp để SV được tham gia như: Thi nghiệp vụ sư phạm giỏi, thi tìm hiểu về các danh nhân văn hoá, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các câu lạc bộ khiêu vũ, âm nhạc, bóng đá, cầu lông, bóng bàn,… Đây là những môi trường thuận lợi cho việc hình thành những hứng thú học tập môn TLH nói riêng, các môn học trong nhà trường nói chung.

Trong quá trình học tập ở trường sư phạm, môn TLH là một môn học quan trọng là một trong những môn nghiệp vụ của nhà trường sư phạm, chính vì vậy người giảng viên cần tạo ra và duy trì hứng thú học tập cho sinh viên. Bởi vì khi các em có hứng thú học tập các em sẽ say mê tìm hiểu nghiên cứu. Trong quá trình giảng dạy giảng viên cần lựa chọn trò chơi, phương pháp dạy học giúp cho sinh viên có hứng thú học tập, giảm bớt căng thẳng mệt mỏi cho các em. Làm cho môn TLH là môn học thiết thực, tích cực, lý thú, “học cần đi đôi với hành” giúp sinh viên có thể tiếp thu và vận dụng được nhanh chóng và dễ dàng.