Tin tức – Sự kiện

Thiếu 5.400 giáo viên dạy môn nghệ thuật

12 Tháng Hai 2019

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, môn nghệ thuật (gồm âm nhạc và mỹ thuật) sẽ cần bổ sung khoảng 5.400 giáo viên.

Một tiết học tại Trường THCS Collette, quận 3, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, môn nghệ thuật (gồm âm nhạc và mỹ thuật) sẽ triển khai ở cả ba cấp với thời lượng 70 tiết/năm, tương ứng với đó là số lượng giáo viên cần bổ sung khoảng 5.400 người.

Theo dự kiến, năm học 2020-2021, chương trình triển khai đại trà ở lớp 1. Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng do cách triển khai cuốn chiếu nên thời gian để chuẩn bị đủ đội ngũ giáo viên cho những môn học mới, môn học tăng thời lượng sẽ vẫn đảm bảo. 

Trên thực tế, các trường tiểu học, THCS hiện tại vẫn có giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật, việc bổ sung chủ yếu là ở bậc THPT. 

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có trên 2.800 trường THPT. Nếu mỗi trường phải thêm 1 giáo viên âm nhạc, 1 giáo viên mỹ thuật thì số giáo viên của hai phân môn này đã trên 5.000. 

Chưa kể nhiều trường tiểu học, THCS hiện nay vẫn chưa có giáo viên nghệ thuật, nguồn tuyển khác nhau, trình độ đào tạo khác nhau không đảm bảo.

Tương tự, khi chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện, bậc tiểu học sẽ có môn tin học dạy 2 tiết/lớp/tuần, bắt đầu từ lớp 3. Trước đây, môn học này cũng đã được triển khai theo dạng tự chọn, tùy theo điều kiện từng trường. 

Theo chương trình mới, đây là môn học bắt buộc thì các nhà trường cũng buộc phải có giáo viên. Với hơn 15.000 trường tiểu học trên cả nước, số giáo viên dạy tin học ở bậc học này sẽ rất lớn. 

Bên cạnh đó, hiện tại các môn học mới ở bậc THCS tích hợp từ các đơn môn vẫn được tính toán để đội ngũ giáo viên hiện có đảm nhiệm. Nhưng trong tương lai, các trường sư phạm sẽ phải mở các ngành đào tạo giáo viên dạy những môn học tích hợp từ nhiều đơn môn, dạy các chuyên đề tích hợp trong trường phổ thông.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, trên cơ sở rà soát của các địa phương, Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, trước mắt vẫn phải ưu tiên kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên hiện có để đảm nhiệm triển khai chương trình với các yêu cầu mới.

Ngoài ra, với chủ trương tăng quyền chủ động cho các nhà trường, việc các trường chia sẻ tài nguyên, nhân lực theo các cụm trường, hoặc mời người ngoài trường tham gia thỉnh giảng, hướng dẫn thực hành các môn giáo dục nghệ thuật, công nghệ, giáo dục thể chất cũng là một hướng được khích lệ.

(Nguồn: Vĩnh Hà - https://tuoitre.vn)