Nội san

Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương một thương hiệu mới

07 Tháng Tư 2010

Tham luận Hội thảo Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống:

Ths. Đinh Tiến Hiếu

Trưởng bộ môn Hình hoạ

Khoa Mỹ thuật cơ sở 

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Ngày nay, trong thế giới phẳng của nền kinh tế thị trường, Việt Nam đang “vươn ra biển lớn”, hội nhập với thế giới, đặc biệt khi nước ta đã là thành viên chính thức của WTO, một sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế nhưng cũng đầy khắc nghiệt, dù muốn hay không thì văn hóa và giáo dục không thể đứng ngoài cuộc. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hôm nay nói chung và xu thế đổi mới một cách toàn diện trong giáo dục đại học nói riêng, làm thế nào xây dựng chương trình giáo dục nghệ thuật cho khoa học, phù hợp với những yêu cầu của xã hội là vấn đề lớn mà mỗi đơn vị giáo dục cần bàn thảo. Đứng trước nhiều cơ hội và thách thức như vậy, việc xác định chính xác "mình là ai, mình đang ở đâu, mình phải làm gì" là điều mà các tổ chức, các doanh nghiệp cần phải đặt ra nếu muốn tồn tại. Trong giáo dục cũng vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền tự chủ cho các trường Đại học, Cao đẳng là xu thế chung trong bối cảnh kinh tế phát triển và hội nhập hiện nay. Điều này yêu cầu các trường phải xác định lại mục tiêu và có phương thức đào tạo hợp lý hơn. Dạy cái gì và dạy như thế nào để đáp ứng nhu cầu xã hội? Đó chính là những yêu cầu, đòi hỏi, là động lực thúc đẩy các đơn vị giáo dục phải xây dựng cho mình một thương hiệu.

Trong bài viết nhỏ này, tôi không có tham vọng bàn những vấn đề mang tính vĩ mô mà chỉ đặt câu hỏi: Chúng ta có thể xây dựng thương hiệu nhà trường đào tạo và giáo dục nghệ thuật?

Thương hiệu - theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): "là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hóa hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức". Do đó Thương hiệu được hiểu là một dạng tài sản phi vật chất.

            Trong lĩnh vực kinh doanh, uy tín của thương hiệu sẽ điều chỉnh hành vi người tiêu dùng. Việc xây dựng thương hiệu sẽ là yếu tố quyết định sống còn của doanh nghiệp. Ngài Paul Bograd, cựu phó hiệu trưởng của trường Kennedy thuộc đại học Harvard, chuyên gia về thương hiệu quốc tế, đã trao đổi kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu: "Chính thương hiệu của bạn sẽ nói với khách hàng bạn là ai, bạn kinh doanh (dịch vụ) gì và bạn làm điều đó như thế nào. Nếu sản phẩm của bạn có chất lượng và quảng bá thương hiệu tốt thì bạn sẽ thành công thôi".

            Ai trong chúng ta cũng không dưới một lần biết tên các trường đại học lớn của thế giới như Harvard, Oxford..., mà khi nhắc đến đều gợi cho người nghe hình dung tới đẳng cấp trong giáo dục và đào tạo mặc dù thật ít người được vinh hạnh một lần tới hay học tập ở đó (thậm chí rất nhiều người còn không hiểu họ ở đâu, dạy cái gì nữa). Vậy tại sao khi nhắc tới những cái tên đó, tất cả đều nghĩ đến với lòng ngưỡng mộ, cảm mến với một trong những cơ sở giáo dục, môi trường giáo dục có chất lượng nhất nhì trên thế giới. Phải chăng đó là thương hiệu?

            Trong nước, khi nói tới Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách Khoa, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Nhạc viện Hà Nội…, ta đều có những hình dung và thiện cảm nhất định tới đội ngũ thầy và trò, cũng như chất lượng giảng dạy với nhiều thành tựu đào tạo, thành công của sinh viên hay những giải cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế. Phải chăng đó là thương hiệu?

            Vây muốn xây dựng thương hiệu giáo dục đào tạo, chúng ta cần bắt đầu từ đâu? 

            Đứng trước nhiều sản phẩm, điều đầu tiên chúng ta quan tâm đó là chất lượng của sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp thành đạt đang hoạt động có hiệu quả, đã đưa ra khẩu hiệu như kim chỉ nam cho hoạt động của mình “Chất lượng hay là chết” để nhấn mạnh cái cốt lõi, cái căn bản của sự tồn tại và khẳng định mình. Chất lượng sản phẩm của một cơ sở đào tạo đó là người học, là sinh viên. Vậy sinh viên có chất lượng tốt ở đây là gì? ai công nhận? Hãy khoan nhìn vào kết quả học tập ở trong trường, hãy khoan nhìn vào số lượng sinh viên ra trường và công tác. Chúng ta (giảng viên), những người trực tiếp làm ra sản phẩm không được đánh giá và không có quyền đánh giá chất lượng sản phẩm (sinh viên), mà phải là các đơn vị tiếp nhận các sinh viên đó (như học sinh tiểu học, trung học) mới là người có quyền đánh giá chất lượng đào tạo. Cũng như một doanh nghiệp sản xuất một mặt hàng tiêu dùng. Sản phẩm làm ra phục vụ khách hàng, như vậy quyền đánh giá chất lượng sản phẩm là của khách hàng.

            Sau gần 40 năm phát triển và trưởng thành, không thể phủ nhận những đóng góp của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW (trước là Cao đẳng Sư phạm Nhạc Hoạ TW) đối với hệ thống giáo dục phổ thông. Nhưng đó cũng là một vấn đề lịch sử bởi giáo dục nước nhà những năm trước còn mang nặng tính kế hoạch, ĐHSP Nghệ thuật TW là cơ sở duy nhất được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên nghệ thuật cho hệ thống giáo dục phổ thông. Đến nay việc làm trên không còn là độc quyền nữa, điều đó đòi hỏi nhà trường cần phải có những thay đổi căn bản trong công tác đào tạo. Nói một cách khác, thị trường (xã hội) có sự thay đổi, do đó, bắt buộc cơ sở đào tạo cũng phải thay đổi.

Ở mỗi một doanh nghiệp, trong vô số những sản phẩm của mình, cần phải xác định mặt hàng chủ lực, quan trọng nhất. Như vậy doanh nghiệp sẽ hoạch định được đường hướng phát triển trong tương lai. Với Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, việc đào tạo giáo viên âm nhạc và mỹ thuật sẽ là chủ lực của công tác đào tạo. Ngoài ra, các mã ngành mới cũng sẽ là những mảng hỗ trợ tạo điều kiện để mở các chương trình đào tạo khác trong thời gian tới. Như vậy cần thay đổi những gì để tạo dựng và khẳng định thương hiệu?

Muốn chất lượng thay đổi phải có chương trình đào tạo phù hợp.

Xin tạm đưa ra công thức của chương trình đào tạo trước đây.

(Chuyên môn ĐHMT’) + PPGD + Tâm lý (ĐHSP) = Khoa mỹ thuật (SPMT)

(Chuyên môn NVHN’) + PPGD + Tâm lý (ĐHSP) = Khoa âm nhạc (SPAN)

(Trong đó, ĐHMT’: Đại học Mỹ thuật Hà Nội; NVHN’: Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; PPGD: Phương pháp giáo dục; ĐHSP: Đại học sư phạm; SPMT: Sư phạm Mỹ thuật; SPAN: Sư phạm Âm nhạc)

Nhìn vào công thức này, chúng ta thấy ngay mục tiêu đào tạo xác định chưa thật đúng. Bởi Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Nhạc viện Hà Nội là 2 cơ sở đào tạo nghề mang tính chuyên sâu với mục tiêu đào tạo nghệ sĩ rất rõ ràng. Chính vì vậy, chương trình đào tạo mang tính hàn lâm và thời lượng đào tạo rất dài (với Nhạc viện Hà Nội, học sơ cấp, trung cấp và đại học của các ngành nhạc cụ hoặc thanh nhạc phải mất tới 12 – 17 năm mới có thể hoạt động, biểu diễn được, còn trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, hệ sơ - trung trước đây là 7 năm, đại học 5 năm cộng lại cũng 12 năm mới hoàn thành chương trình). Nếu ta mang toàn bộ chương trình đào tạo đó áp dụng vào Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với Cao đẳng: 3 năm, Đại học: 4 năm thì thật khó về mặt thời gian (chưa kể đến, sinh viên còn phải dành một lượng thời gian nhất định học nhiều môn về nghiệp vụ sư phạm). Còn rút bớt chương trình cho ngắn hơn? Sẽ trở nên khập khiễng, bởi đào tạo nghệ thuật đòi hỏi quá trình học tập, nhận thức và thẩm thấu, hơn nữa vì đào tạo chuyên sâu mang tính hàn lâm nên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Nhạc viện Hà Nội có lý khi xây dựng chương trình đào tạo cho riêng mình. Như vậy có thể khẳng định, công thức về đào tạo như ở trên nếu áp dụng tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là không hợp lý.

Giải pháp nào cho vấn đề này? Không còn cách nào khác là nhà trường cùng các chuyên gia giáo dục ngồi lại với nhau xác định rõ lại mục tiêu của đào tạo và biên soạn lại chương trình, từ đó tìm ra sự khác biệt về mục tiêu, dẫn tới thay đổi phương pháp đào tạo và làm nên đặc trưng riêng của nhà trường. Chương trình mới không thể rạch ròi giữa chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm (hai vấn đề này trong giáo dục nghệ thuật luôn đan xen và có mối quan hệ trong một thể thống nhất). Hãy xác định sinh viên tốt nghiệp ra trường không phải tới các cơ sở đào tạo phổ thông để đào tạo nghệ sĩ, mà là đào tạo giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông và các trường sư phạm (tức là trang bị kiến thức nền tổng hợp về mỹ thuật và âm nhạc). Ấy vậy mà bao năm nay chúng ta dạy cho sinh viên chú trọng vào kỹ năng vẽ trong đào tạo sư phạm mỹ thuật và kỹ năng âm nhạc trong đào tạo sư phạm âm nhạc. Bằng chứng là bộ môn hình hoạ và trang trí của khoa Sư phạm Mỹ thuật được đưa ra với thời lượng không nhiều nhưng phương pháp giảng dạy lại mang tính hàn lâm. Một việc chúng ta đã biết là trong các môn năng khiếu của giáo dục phổ thông mục đích chính là khơi dậy năng khiếu thẩm mỹ, bồi dưỡng sự cảm thụ về nghệ thuật. Việc dạy vẽ, dạy nhạc cho học sinh phổ thông không phải là đào tạo các nghệ sĩ tương lai. Chính từ quan niệm chưa đúng vấn đề này nên trong chương trình hiện nay, nhà trường đang áp dụng những bài học mang nhiều kỹ năng chưa thật sự chính xác.

Ở cấp tiểu học và trung học, muốn khơi dậy niềm say mê, khám phá nghệ thuật của các em, không phải là để các em vẽ cái chậu, cái xô thật tròn, thật chính xác và cũng không nên hiểu đó là hình họa đơn thuần, đừng bắt các em học sinh vẽ như sinh viên vẽ hình hoạ hiện nay. Hãy cố gắng hiểu tâm sinh lý của lứa tuổi này. Phải nhìn nhận việc có các bài vẽ theo mẫu chỉ là rèn luyện kỹ năng quan sát đồ vật và thể hiện ở trên mặt giấy như thế nào. Đặc biệt là sự quan hệ giữa đồ vật đó (như cái ca, cái cốc) với cuộc sống thường ngày của các em. Thông qua đó giáo viên bồi dưỡng, khơi gợi sự cảm thụ về màu sắc, về vẻ đẹp của hình thể giúp các em thêm yêu mến và gần gũi thiên nhiên. Trong các giờ hướng dẫn vẽ của thày với trò, bằng cách nào đó để học sinh hiểu được tại sao thế này được coi là đẹp hơn thế kia.

Một ví dụ: Có 3 đồ vật: một cái ca, một quả táo và một cái chai. Việc sắp xếp (bố cục) các đồ vật đó trong một không gian sẽ được diễn ra dưới mọi góc nhìn.   

                    (1)                                                (2)                                                 (3)

 

        Chưa đẹp? Vì sao                        Chưa đẹp? Vì sao                        Đẹp? Vì sao     

 

Như vậy góc nhìn nào chúng ta cảm thấy đẹp? Tại sao? Thày giảng giải bằng câu chuyện ngộ nghĩnh hay bằng những tư duy cởi mở sẽ làm cho trẻ dần hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp trong mỗi góc nhìn của mình. Phải làm sao cho mỗi bài học của các em là một giờ chơi bằng hình và màu. Vậy trong nhà trường của chúng ta cần trang bị những kiến thức nền đó hơn là các bài chuyên môn mang tính hàn lâm.

Con người là nhân tố quyết định cho mọi thương hiệu vì xét cho cùng thương hiệu cũng chỉ là sản phẩm của con người. Trước tiên, trọng trách lớn lao đó thuộc về những người lãnh đạo. Vai trò của người đứng đầu trong một đơn vị vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong mọi vấn đề. Muốn tạo dựng thương hiệu thì người lãnh đạo phải là người có tài, có ý chí và tâm huyết đối với sự nghiệp. Thành công hay thất bại phụ thuộc vào người đứng đầu. Từ khi được nâng cấp từ Cao đẳng Nhạc Hoạ lên thành Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, việc bổ nhiệm một Tiến sĩ Khoa học làm Hiệu trưởng đã thể hiện sự tín nhiệm và tin tưởng của lãnh đạo Bộ, vấn đề còn lại là trình độ nhận thức và trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên. Giải pháp căn bản của vấn đề là chúng ta phải thay đổi tư duy bởi tư duy sẽ chi phối hành động. Nói một cách chính xác, chúng ta phải chia tay với cách nghĩ, cách làm cũ, thay vào đó là kiến trúc tư duy mới. Tư duy cũ nằm ngay trong căn tính nông dân của văn hoá nông nghiệp truyền thống mà các nhà nghiên cứu gọi tên là tư duy kiểu “tiểu nông”, rồi tư duy “duy tình”, “trọng tình” v.v... Cần phải học cách tư duy lý tính của phương Tây, dựa trên phân tích, là thao tác cơ bản của loại tư duy này. Phẩm chất mới của loại tư duy mà chúng ta cần phải có, chính là phẩm chất lý tính, lý thuyết. Muốn từ giã vĩnh viễn loại tư duy "một bồ cái lý không bằng một tí cái tình" kiểu cũ, mỗi chúng ta phải tăng cường chất lý tính trong tư duy.

“Người thông minh là người biết đứng trên vai của những người khổng lồ”. Chúng ta có thể học cách làm của các doanh nghiệp nước ngoài. Để bảo vệ và phát triển thương hiệu, họ có thể mời, thuê những người có thực tài về làm việc cho mình, đừng ngại trả lương cao nếu họ thật sự xứng đáng với những gì có quyền hưởng. Ngược lại, hãy dũng cảm loại bỏ những cỗ máy kém chất lượng và rệu rã. Phải có sự đào thải theo quy luật của xã hội, có như vậy mới thu hút được những nhà giáo có tâm và đủ tầm để hoạt động, dần khẳng định thương hiệu của mình.

Theo một số nhà phân tích thì có 3 loại người: 1- Làm cho mọi việc xảy ra; 2- Đứng nhìn sự việc xảy ra; 3- Tự hỏi điều gì đó xảy ra. Đã từ lâu đa phần giảng viên của trường thuộc loại người thứ hai trong khi ai trong chúng ta cũng muốn là loại thứ nhất. Vì sao vậy? Tư duy tiểu nông? Sự bàng quang với các vấn đề xung quanh? Quan niệm “làm cho sự việc xảy ra” là của người khác?... Nguyên nhân có nhiều nhưng chung quy lại do cách tư duy cũ đã làm chai lì sự sáng tạo và nhiệt huyết của mỗi chúng ta. Để khắc phục được nhược điểm này mỗi chúng ta phải luôn đặt câu hỏi: Nhà trường của chúng ta là gì trong hệ thống giáo dục? Cán bộ, giảng viên là gì trong nhà trường? Chúng ta là ai trong sự nghiệp đào tạo hôm nay?... Những câu hỏi ấy được đặt ra sẽ bắt đầu cho việc kích hoạt suy nghĩ của mỗi cá nhân, những người đang tâm huyết cùng khát vọng đưa nhà trường tạo dựng một thương hiệu mới.

Bằng các hoạch định cụ thể, nhà trường phải tạo cho các giảng viên cơ hội học tập, lao động để thể hiện mình. Hãy đòi hỏi họ thật nhiều và đãi ngộ thật xứng đáng, hãy làm cho các giảng viên gắn bó và có trách nhiệm đối với mỗi giờ lên lớp, mỗi hành vi khi đứng trên bục giảng cũng như các quan hệ xã hội hằng ngày. Điều quan trọng nữa là tạo được môi trường làm việc năng động, khơi dậy ý chí muốn làm việc tốt nhất, hiệu quả nhất cho nhà trường. Có như vậy mới phát huy hết khả năng, trí tuệ và sự sáng tạo của giảng viên đối với sự nghiệp đào tạo.

Song song với việc hiệu chỉnh chương trình đào tạo và thay đổi tư duy hành động và tư duy sáng tạo của đội ngũ giảng viên, việc cần làm là quảng bá thương hiệu. Cần phải có cái nhìn tổng thể và phù hợp cho chiến lược truyền thông. Một việc vô cùng quan trọng nhưng không nhiều người đánh giá đúng về vấn đề này. Nếu là một doanh nghiệp, việc họ bỏ ra tới 30 – 40% lợi nhuận để chi cho quảng cáo và các chiến dịch khuyến mãi và hậu mãi, chăm sóc khách hàng là điều dễ hiểu. Còn đối với giáo dục, việc ồ ạt mở văn phòng, khuếch trương các chương trình du học của các đơn vị giáo dục nước ngoài trong những năm gần đây đáng để chúng ta nhìn nhận lại vấn đề truyền thông và quảng bá cho thương hiệu của mình. Hãy tự đặt câu hỏi, các xuất học bổng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ mà các tổ chức, đơn vị đào tạo nước ngoài đưa ra hoàn toàn vô tư hay đó là một hình thức quảng bá và truyền thông? Như vậy thông qua kênh này cũng như các mối quan hệ hợp tác quốc tế được thường xuyên hoạt động chúng ta sẽ dần sẽ khẳng định được “chúng ta đang tồn tại”, “chúng ta là ai”, “chúng ta đang ở đâu”.

Một học kỳ nữa lại đến với tất cả chúng ta. Cùng với những thành công bước đầu mà nhà trường đã làm được trong hơn ba năm qua, với quyết tâm xây dựng một thương hiệu vững mạnh, chúng ta tin tưởng sự nghiệp giáo dục nghệ thuật của nhà Trường ĐHSP Nghệ thuật TW sẽ gặt hái nhiều thành tựu mới trong bối cảnh hội nhập của giáo dục nước nhà./.